Phong cảnh Tràng An, Ninh Bình. (Nguồn: UBND tỉnh Ninh Bình) |
Nỗ lực đổi mới
Ninh Bình nằm ở phía Nam vùng đồng bằng châu thổ sông Hồng, cách thủ đô Hà Nội hơn 90 km và cảng Hải Phòng 106km, có diện tích tự nhiên trên 1.400 km2. Tỉnh đang nắm giữ vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng và thuộc tứ giác tăng trưởng kinh tế vùng Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh - Ninh Bình gắn với Thanh Hóa, là tỉnh cửa ngõ cực Nam khu vực đồng bằng Bắc Bộ và là đầu mối giao thông của nhiều tuyến giao thông quan trọng.
Sau hơn 30 năm tái lập tỉnh, từ một tỉnh kinh tế thuần nông quy mô nhỏ và tốc độ tăng trưởng chậm, chưa vững chắc và mang nặng tính chất tự cung, tự cấp với nền nông nghiệp lạc hậu; công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp nhỏ lẻ, phát triển manh mún; thương mại, dịch vụ chậm phát triển.
Ninh Bình đã không ngừng nỗ lực, chủ động, sáng tạo, quyết tâm phát triển với định hướng đúng đắn, tinh thần đoàn kết, thống nhất, sáng tạo, đổi mới, dám nghĩ, dám làm, từng bước khắc phục khó khăn, xác định định hướng phát triển và quyết tâm triển khai thực hiện các giải pháp về chuyển đổi mô hình tăng trưởng, chuyển dịch cơ cấu các ngành lĩnh vực.
Đặc biệt là chuyển dịch cơ cấu trong nội tại ngành kinh tế theo hướng xanh, ứng dụng khoa học công nghệ và tạo ra giá trị lớn; chú trọng quan tâm đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng và giải pháp về thu hút, xúc tiến đầu tư nhằm thu hút những nhà đầu tư chiến lược, các dự án lớn có đóng góp lớn cho tăng trưởng và phát triển kinh tế của địa phương.
FDI - động lực quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội
Năm 2022, đại dịch Covid-19 đã được kiểm soát, nền kinh tế được phục hồi trong trạng thái bình thường mới, tốc độ tăng trưởng GRDP của tỉnh đạt 8,62%. Quy mô nền kinh tế của tỉnh không ngừng mở rộng, đến hết năm 2022, GRDP của tỉnh đạt trên 81 nghìn tỷ đồng, tăng 9 nghìn tỷ so với năm 2021; thu ngân sách nhà nước (NSNN) trên địa bàn đạt 24.300 tỷ đồng và là năm đầu tiên tỉnh Ninh Bình trở thành 1 trong 16 tỉnh, thành phố của cả nước tự cân đối ngân sách với tỷ lệ điều tiết về ngân sách Trung ương là 9%.
Có được kết quả trên là nhờ những đóng góp ngày càng quan trọng của khu vực FDI. Bắt đầu kể từ khi những dự án FDI đầu tiên “cập bến” Ninh Bình vào năm 2000, đến nay đã có 93 dự án FDI đang triển khai, hoạt động với tổng mức đầu tư đăng ký đạt 1.578,82 triệu USD, gồm: 61 dự án ngoài các khu công nghiệp với tổng vốn đầu tư 962,74 triệu USD, 32 dự án trong khu công nghiệp với tổng vốn đầu tư 616,08 triệu USD.
Các dự án đến từ 12 Quốc gia và vùng lãnh thổ, tập trung vào các ngành, lĩnh vực: Công nghiệp vật liệu xây dựng, may mặc, giày da, linh kiện điện tử, phụ trợ ô tô, nông nghiệp, thương mại, dịch vụ… Các dự án FDI hoạt động hiệu quả đã đóng góp không nhỏ cho sự phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh, cụ thể: Năm 2022, Giá trị sản xuất công nghiệp các sản phẩm của doanh nghiệp FDI đạt gần 30 nghìn tỷ đồng, chiếm khoảng 30% tổng giá trị sản xuất công nghiệp của tỉnh; tổng kim ngạch xuất khẩu từ doanh nghiệp FDI đạt 2.300 triệu USD, chiếm 65,58% kim ngạch xuất khẩu toàn tỉnh; nộp ngân sách nhà nước 24,24 triệu USD; tạo việc làm cho khoảng 60.000 lao động, trong đó, số lao động trong khu công nghiệp (KCN) là hơn 38.000 lao động…
Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình Phạm Quang Ngọc kiểm tra, động viên sản xuất tại Nhà máy giày Regis Việt Nam tại CCN Văn Phong, huyện Nho Quan. (Nguồn: UBND tỉnh Ninh Bình) |
Có được kết quả trên là do có sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của lãnh đạo Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh trong cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh và xây dựng cơ chế chính sách đầu tư nhằm hỗ trợ, tạo cơ hội thuận lợi, điều kiện thông thoáng nhất cho doanh nghiệp, nhà đầu tư. Hàng năm, lãnh đạo tỉnh đã tổ chức các đoàn công tác đi kiểm tra, động viên các doanh nghiệp tại các KCN, CCN; Định kỳ hằng tháng (vào thứ 5 của tuần cuối tháng), Chủ tịch, các Phó Chủ tịch UBND tỉnh tham gia gặp gỡ, đối thoại với doanh nghiệp.
Đặc biệt, ngay sau khi dịch Covid-19 được kiểm soát, vào tháng 6/2022, tỉnh Ninh Bình đã tổ chức Hội nghị đối thoại với các doanh nghiệp FDI trên địa bàn tỉnh nhằm ghi nhận, tôn vinh những đóng góp của doanh nghiệp nước ngoài đối với sự phát triển của tỉnh; đồng thời, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng, nắm bắt khó khăn, vướng mắc và trao đổi, giải đáp, động viên các doanh nghiệp tiếp tục nỗ lực phấn đấu, vượt qua khó khăn, thách thức trong giai đoạn hiện nay, khi phải chịu “tác động kép” vừa bị ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, vừa chịu tác động của biến động trên thế giới bởi cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine; động viên các doanh nghiệp tiếp tục nỗ lực phấn đấu, vượt qua khó khăn, thách thức trong giai đoạn hiện nay.
KCN Gián Khẩu, huyện Gia Viễn. (Nguồn: UBND tỉnh Ninh Bình) |
Thu hút đầu tư chọn lọc, chất lượng
Với khát vọng đưa Ninh Bình phát triển bứt phá đi lên, trở thành tỉnh khá của vùng đồng bằng sông Hồng, phát triển toàn diện, nhanh và bền vững. Thời gian tới, Ninh Bình mong muốn hợp tác toàn diện, thu hút các nhà đầu tư đến từ các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) – các nước có thế mạnh về công nghệ, vốn, kĩ năng quản lí.
Đối với lĩnh vực Công nghiệp: Với chủ trương của tỉnh là phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, tỉnh Ninh Bình ưu tiên bảo tồn cảnh quan thiên nhiên, môi trường sinh thái. Do vậy, ngành công nghiệp phát triển theo hướng xanh, sạch, thân thiện với môi trường. Trong đó, tập trung thu hút nhà đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng khu công nghiệp đồng bộ; công nghiệp sản xuất lắp ráp ô tô, công nghiệp hỗ trợ, logistics phục vụ công nghiệp sản xuất điện tử, ô tô để Ninh Bình trở thành một trong những trung tâm phát triển mạnh về sản xuất lắp ráp ô tô và các công nghiệp phụ trợ …
Đối với lĩnh vực du lịch, dịch vụ, thương mại: Trên cơ sở phát huy giá trị di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới Tràng An, giá trị về lịch sử văn hóa con người đất Cố Đô Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình đã quy hoạch, định hướng phát triển hệ thống các khu, điểm du lịch khép kín, đồng bộ để tập trung thu hút những dự án chiến lược đưa Ninh Bình trở thành trung tâm du lịch của cả nước và của khu vực.
Đối với lĩnh vực nông nghiệp: cùng với phát triển du lịch, dịch vụ sinh thái, trong lĩnh vực nông nghiệp theo hướng xanh, sạch, hữu cơ gắn với phát triển các sản phẩm đặc hữu riêng có (OCOP); trong đó, tập trung ưu tiên các dự án theo chuỗi khép kín, ứng dụng nông nghiệp số.
Tạo điều kiện thuận lợi nhất cho nhà đầu tư
Để đạt được những mục tiêu thu hút đầu tư nêu trên, thời gian tới, Ninh Bình sẽ tiếp tục thực hiện nhất quán quan điểm “Chính quyền đồng hành, cầu thị, lắng nghe, tháo gỡ một cách thực chất các khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp”, tập trung đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh theo hướng đồng bộ, thông thoáng, an toàn, thân thiện và tiệm cận với chuẩn mực quốc tế, giải quyết các khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp kịp thời, nhanh chóng nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư đặc biệt là các nhà đầu tư nước ngoài đến tìm hiểu và hoạt động tại tỉnh
Đồng thời, tỉnh sẽ chuẩn bị tốt các điều kiện cần thiết: đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện cơ sở hạ tầng các KCN, CCN, hạ tầng giao thông kết nối; nguồn nhân lực; ứng dụng công nghệ thông tin nhằm nắm bắt thời cơ thu hút nguồn lực bên ngoài, đón đầu làn sóng dịch chuyển vốn FDI.
Ngoài ra, Ninh Bình tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác vận động, xúc tiến đầu tư, hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động đầu tư, kinh doanh của doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. Từ đó, tạo niềm tin, tạo cầu nối để thu hút, kêu gọi các nhà đầu tư mới đầu tư vào tỉnh.
Link nội dung: https://nhipsongsaigon.net/ninh-binh-san-sang-tiem-nang-hop-tac-cung-g7-a58562.html