Novaland (NVL) vẫn chưa ngừng "biến động"

Những dự án trọng điểm dần được tháo gỡ, nhiều công ty con quyết liệt mua lại trái phiếu trước hạn… dù vậy câu chuyện sắp tới của Novaland vẫn còn là câu hỏi. Trước thềm phát hành cổ phiếu huy động 29.250 tỷ đồng để được “giải cứu”, ghế nóng Công ty tiếp tục có những biến động lớn.

Novaland (NVL) vẫn chưa ngừng "biến động" - Ảnh 1.

Sau sự phát triển như vũ bão và rồi “thắng gấp” do những khó khăn trên thị trường vốn cùng kéo đến vào cuối năm 2022, CTCP Địa ốc No va (Novaland, mã chứng khoán NVL) - sau một cuộc khủng hoảng - đang tiếp tục chứng kiến những biến động "dữ dội".

Những dự án trọng điểm dần được tháo gỡ, nhiều công ty con quyết liệt mua lại trái phiếu trước hạn… dù vậy câu chuyện sắp tới của Novaland vẫn còn là câu hỏi. Trước thềm phát hành cổ phiếu huy động 29.250 tỷ đồng để được “giải cứu”, ghế nóng Công ty tiếp tục có những biến động lớn.

Novaland (NVL) vẫn chưa ngừng "biến động" - Ảnh 2.

Ghế nóng tiếp tục có những biến động lớn

Đơn cử, ngày 23/5, ông Nguyễn Trần Đăng Phước, Thành viên HĐQT, đã nộp đơn từ nhiệm theo nguyện vọng cá nhân. Ông Phước chỉ mới được bầu vào HĐQT từ cuối tháng 3/2023. Như vậy, ông từ nhiệm chỉ sau gần 3 tháng đương nhiệm.

Cùng ngày, ông Nguyễn Đức Dũng cũng đã nộp đơn xin thôi giữ vị trí Giám đốc Tài chính của Novaland.

Trước đó ngày 24/3, Công ty đã thông qua danh sách ứng viên được cổ đông đề cử vào vị trí Thành viên HĐQT nhiệm kỳ 2021 - 2026, đáng chú ý có bà Đỗ Thị Phương Lan và ông Nguyễn Trần Đăng Phước.

Trong đó, bà Lan đang đồng thời là Chủ tịch HĐTQ, Giám đốc đầu tư, Tổng Giám đốc của Red Capital; Thành viên HĐQT Tổng Công ty Tư vấn Thiết kế Giao thông Vận tải - CTCP (mã chứng khoán: TED). Về phần ông Phước, đây là ứng viên được đề cử bởi CTCP Diamond Properties. Ông Phước đang là Thành viên HĐQT độc lập, Chủ tịch Ủy ban Kiểm toán của Red Capital.

Hiện, Novaland đang làm việc với các đơn vị tư vấn tài chính để tiến hành kế hoạch tái cơ cấu toàn diện, bao gồm (1) đàm phán với chủ nợ và trái chủ để cơ cấu lại lịch trả nợ, (2) tập trung phát triển các dự án trọng điểm và (3) cân nhắc khả năng bán bớt tài sản.

Novaland (NVL) vẫn chưa ngừng "biến động" - Ảnh 3.

Quý đầu năm lỗ ròng hơn 410 tỷ đồng

Về kinh doanh, quý đầu năm 2023, Novaland lỗ ròng hơn 410 tỷ đồng trong khi cùng kỳ lãi hơn 1.045 tỷ đồng. Nguyên nhân chủ yếu do doanh thu sụt giảm mạnh gần 70% so với cùng kỳ năm ngoái, chỉ còn hơn 600 tỷ đồng. Đây cũng là lần đầu tiên tập đoàn này báo lỗ trong một quý kể từ khi niêm yết vào năm 2016 đến nay. 

Tại thời điểm ngày 31/12/2022, tập đoàn đang có 5.537 tỷ đồng đang bị giới hạn sử dụng bởi ngân hàng cho vay. Novaland đang đàm phán với các ngân hàng để giải phóng số tiền đang bị giới hạn sử dụng không đúng theo hợp đồng tín dụng. Đến ngày lập báo cáo tài chính hợp nhất (17/4/2023), Novaland đã đạt được thỏa thuận với các ngân hàng về việc giải chấp số tiền 2.498 tỷ đồng. 

Dù còn nhiều thách thức, nhiều dự án trọng điểm dần được tháo gỡ và tái khởi động là những tín hiệu tốt cho Novaland nói riêng và nhiều bên liên quan nói chung.

Những dự án trọng điểm dần được tháo gỡ

Ngày 23/5, Novaland cùng nhà thầu là Ricons đã tái khởi động dự án vàng là Khu dân cư phức hợp Victoria Village tại đường Trương Văn Bang, phường Thạnh Mỹ Lợi, TP. Thủ Đức.

Novaland cũng vừa tái khởi động NovaWorld Hồ Tràm và NovaWorld Phan Thiết. MB và nhiều ngân hàng khác đã quay trở lại giải ngân tài trợ cho các dự án của Novaland sau một thời gian dài dừng giải ngân do các lo ngại về tình hình tài chính của tập đoàn này.

Trước đó, dự án The Grand Manhattan tại Quận 1, TP.HCM của Novaland cũng đã được gỡ vướng và tái khởi động. Đồng thời, dự án Aqua City và các dự án khác tại trung tâm thành TP. HCM cũng đang được Novaland đàm phán với các đối tác tài chính, nhà thầu thi công để sớm được đưa vào triển khai hoàn thiện trong thời gian tới.

Link nội dung: https://nhipsongsaigon.net/novaland-nvl-van-chua-ngung-bien-dong-a58560.html