Nội dung chính:
- Quyết định mang lại dòng tiền của Hòa Bình: Chuyển nhượng vốn góp tại Trung tâm Đổi mới Sáng tạo Hòa Bình - số tiền 167 tỷ đồng. - Các quyết định mà Hòa Bình phải chi tiền bao gồm: Nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất từ ông Lê Viết Hải và bà Bùi Ngọc Mai, mua cổ phần của ông Lê Viết Hải tại Pax International, mua cổ phần Green+ - số tiền 274 tỷ đồng. - Quyết định không phát sinh dòng tiền: Phát hành 47 triệu cổ phiếu để thâu tóm dự án 127 An Dương Vương, thành lập công ty con, chuyển khoản tạm ứng cho cá nhân thành khoản công ty cho cá nhân vay, định giá lại tài sản cố định...Giá cổ phiếu HBC của Hòa Bình đã tăng gần 9% trong hai phiên sau khi công ty công bố một loạt quyết định của HĐQT về nhân sự và tài chính. Trong thông cáo phát đi, Hòa Bình cho biết những quyết định mang tính chiến lược vừa được đưa ra sẽ giúp công ty tạo niềm tin rất lớn cho các nhà đầu tư cũng như các đối tác của Tập đoàn trong chiến lược lấy lại vị thế thị trường.
Câu hỏi đặt ra là liệu quyết định của Hòa Bình sẽ mang lại dòng tiền cho công ty?
Phát hành cổ phiếu và chuyển nhượng vốn góp
Đây là hai quyết định mang tính then chốt được kỳ vọng sẽ mang lại dòng tiền cho công ty.
Trước hết là quyết định chuyển nhượng vốn 100% vốn góp của Hòa Bình tại Trung tâm đổi mới Sáng tạo Hòa Bình với mức giá 167 tỷ đồng. Thông cáo của Hòa Bình cho biết, thương vụ chuyển nhượng này giúp công ty lãi 40 tỷ đồng. Trước đó, Hòa Bình đã chi 127 tỷ đồng cho Trung tâm này.
Tuy nhiên, thương vụ nổi bật nhất phải kể đến là việc phát hành 47 triệu cổ phiếu HBC cho hai cổ đông chiến lược với mức giá 12.000 đồng/cổ phiếu, cao gấp rưỡi mức giá hiện hành của HBC tại thời điểm ra quyết định. Thực tế thương vụ này không trực tiếp mang lại nguồn tiền cho Hòa Bình, bởi toàn bộ số tiền thu về (564 tỷ đồng) ngay lập tức được công ty sử dụng để thâu tóm dự án 127 An Dương Vương (P.10, Q.6 TP.HCM). Cổ phần của dự án An Dương Vương được chuyển nhượng từ chính hai cổ đông chiến lược mới của Hòa Bình - là ông Phạm Quang Hàng và Mai Hữu Thung.
Nói cách khác, thay vì sở hữu 75% cổ phần dự án (và Hòa Bình nắm giữ 25%), ông Hàng và ông Thung sẽ nắm giữ 47 triệu cổ phần HBC, tương đương số cổ phần mà Chủ tịch Lê Viết Hải đang nắm giữ. Hòa Bình chính thức thâu tóm 100% cổ phần từ dự án An Dương Vương nhưng không phải chi tiền mặt.
Với kế hoạch phát hành thêm này, tỷ lệ cổ phần sở hữu của ông Hải tại Hòa Bình sẽ giảm từ mức 17,14% xuống xấp xỉ 15,9%. Đó cũng là tỷ lệ sở hữu của ông Hàng và ông Thung.
Hòa Bình vẫn chưa công bố các tờ trình về chương trình Đại hội đồng cổ đông thường niên 2023. Tuy nhiên có thể dự đoán hai cổ đông chiến lược nói trên sẽ ứng cử vào HĐQT công ty trong nhiệm kỳ mới sau một loạt biến động nhân sự chủ chốt tại đây.
Dự án 127 An Dương Vương được Hòa Bình công bố có tổng diện tích 15.394,7 m2, đã được cấp Giấy Chứng nhận Quyền sử dụng đất, trong đó diện tích đất cho nhà ở thương mại cao tầng và dịch vụ là 6.279,6 m2 và diện tích dành cho giáo dục là 6.567,5 m2, tổng số tiền đã nộp vào ngân sách nhà nước là 218 tỷ đồng.
Trên một số website bất động sản, dự án An Dương Vương đã được rao bán vài năm trước với mức giá tới 800 tỷ đồng. Trong thông cáo phát đi, ông Lê Viết Hải cho biết đây dự án rất tiềm năng, sẽ mang lại doanh thu và lợi nhuận lớn cho Tập đoàn.
Chi tiền thâu tóm tài sản
Nghị quyết HĐQT Hòa Bình đã thông qua hai giao dịch với ông Lê Viết Hải, cụ thể như sau:
Thứ nhất, mua diện tích đất 7.218 m2 của vợ chồng ông Lê Viết Hải với giá 120 tỷ đồng. Đây là 3 khu đất tại đường Phan Văn Hớn, phường Tân Thới Nhất, Quận 12, TP.HCM.
Thứ hai, mua toàn bộ cổ phần của ông Hải tại Công ty Pax International với mức giá 138 tỷ đồng.
Ngoài ra, Hòa Bình cũng sẽ chi 16 tỷ đồng mua cổ phần Tập đoàn Green+
Thông tin chi tiết về mục đích mua lại tài sản, cổ phần từ ông Lê Viết Hải cũng như cổ phần Tập đoàn Green+ chưa được Hòa Bình công bố.
Tổng cộng ba quyết định nói trên của Hòa Bình tương đương 274 tỷ đồng - cao hơn số tiền thu được từ việc thoái vốn (167 tỷ đồng). Tuy nhiên, thông cáo của Hòa Bình cho biết tất cả các giao dịch nói trên đều không sử dụng tiền mặt mà chỉ phát hành cổ phiếu và thu hồi những khoản tiền tạm ứng phục vụ cho mục đích kinh doanh trước đây.
Việc phát hành cổ phiếu có thể hiểu là để phục vụ việc mua lại dự án An Dương Vương. Như vậy 274 tỷ đồng nói trên sẽ lấy từ việc thu hồi các khoản tiền tạm ứng.
Hòa Bình cho biết công ty đang tiến hành thu hồi công nợ qua 21 vụ kiện, trong đó có 10 vụ đã có phán quyết của tòa án, tổng số tiền đã thu hồi là 595 tỷ đồng. Số tiền còn lại phải thu từ 11 vụ kiện đã thắng là 630 tỷ đồng. Việc thu hồi công nợ không phải là quyết định mới của Hòa Bình. Công ty đã tiến hành các thủ tục này suốt thời gian vừa qua.
Bên cạnh việc mua tài sản, cổ phần từ ông Lê Viết Hải, HĐQT Hòa Bình cũng thông qua hai quyết định bao gồm: thành lập công ty con với vốn điều lệ 2 tỷ đồng và chuyển khoản tạm ứng cho một cá nhân thành khoản công ty cho cá nhân vay, số tiền 20 tỷ đồng.
Ngoài ra, thông tin từ Hòa Bình cũng cho biết công ty sẽ áp dụng chuẩn mực kế toán quốc tế trong việc định giá lại tài sản do số liệu ghi nhận “đã quá lạc hậu”. Về mặt nguyên tắc, giá trị tài sản được ghi nhận trong chuẩn mực kế toán quốc tế theo giá thị trường thay vì giá gốc như chuẩn mực kế toán Việt Nam. Thay đổi cách định giá có thể giúp tài sản của Hòa Bình tăng thêm hàng trăm tỷ đồng.
Tuy nhiên, những quyết định này về cơ bản không làm thay đổi dòng tiền của công ty, chỉ thay đổi cách hạch toán trong báo cáo tài chính, có thể giúp Hòa Bình thuận lợi hơn trong việc đảm bảo hạn mức tín dụng, tiếp cận các nguồn vốn…