Theo đó, Bộ Công Thương đề nghị Sở Công Thương các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương theo dõi, đánh giá nguồn cung, nhu cầu hàng hóa, nhất là các mặt hàng thiết yếu, những mặt hàng có nhu cầu cao hoặc có biến động giá nhiều trên địa bàn thời gian qua. Từ đó chủ động phương án hoặc đề xuất với các cơ quan chức năng biện pháp bảo đảm cân đối cung cầu, ổn định thị trường, không để xảy ra tình trạng thiếu hàng, gián đoạn nguồn hàng, gây tăng giá đột biến trong dịp cuối năm và Tết Nguyên đán hoặc trong trường hợp dịch bệnh bùng phát.
Đồng thời, chủ động tham mưu UBND tỉnh, thành phố các phương án bảo đảm nguồn cung hàng hóa theo các cấp diễn biến của dịch Covid-19 trên địa bàn. Có kế hoạch chuẩn bị nguồn hàng, dự trữ hàng hóa thiết yếu phục vụ tiêu dùng của người dân trong trường hợp có dịch bệnh và Tết. Triển khai các biện pháp bình ổn thị trường theo quy định của pháp luật.
Sở Công Thương các tỉnh, thành phố, phối hợp với các sở, ngành liên quan, hỗ trợ và kịp thời tháo gỡ khó khăn, bảo đảm lưu thông hàng hóa thông suốt và kịp thời cung ứng cho thị trường. Ngoài ra, tổ chức các hoạt động kết nối cung cầu phù hợp với tình hình diễn biến dịch bệnh, bảo đảm an toàn dịch bệnh để kết nối các doanh nghiệp phân phối và các nhà cung cấp thực phẩm thiết yếu. Tổ chức thực hiện Chương trình khuyến mại tập trung quốc gia năm 2021, Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, Chương trình đưa hàng Việt về nông thôn, về khu, cụm công nghiệp theo hình thức phù hợp, thích ứng an toàn với dịch Covid-19.
“Tổ chức các chuyến bán hàng về nông thôn, vùng sâu, vùng xa, chuẩn bị tốt nguồn hàng chính sách, hàng hỗ trợ và các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu, mặt hàng phục vụ Tết để cung ứng sớm và đầy đủ cho nhân dân các vùng nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa, hải đảo và đặc biệt là các vùng bị thiệt hại do bão, lũ, những đối tượng gặp khó khăn do tác động của dịch bệnh với lượng đủ, giá cả hợp lý, chất lượng bảo đảm” - Chỉ thị Bộ Công Thương nêu rõ.
Đối với các đơn vị sản xuất, đơn vị có hoạt động kinh doanh thương mại, kinh doanh các mặt hàng chính sách tuân thủ nghiêm các quy định về phòng, chống dịch Covid-19, áp dụng các biện pháp thích ứng an toàn với dịch bệnh để đảm bảo duy trì sản xuất; thực hiện nghiêm túc quy định về dự trữ lưu thông, dự trữ quốc gia để cung ứng đủ, kịp thời nguồn hàng cho thị trường khi cần thiết. Triển khai nghiêm túc việc cung ứng các mặt hàng chính sách cho các vùng miền núi, vùng sâu, vùng xa, hải đảo một cách đầy đủ trước Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022.
Chỉ thị cũng yêu cầu các vụ, cục như Thị trường trong nước, Công nghiệp, Điều tiết điện lực, Hóa chất, Dầu khí và Than… căn cứ chức năng, nhiệm vụ bảo đảm bình ổn thị trường hàng hóa; điều hành giá các hàng hóa, dịch vụ do nhà nước quản lý; duy trì hoạt động sản xuất các mặt hàng cần thiết, cung ứng đủ, ổn định cho sản xuất và đời sống nhân dân…
Đặc biệt, Tổng cục Quản lý thị trường tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về giá, kinh doanh hàng hóa nhập lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng, không bảo đảm an toàn thực phẩm và các hành vi gian lận trong thương mại. Chú trọng các mặt hàng thiết yếu như bánh kẹo, nước giải khát, các mặt hàng thực phẩm tươi sống... được tiêu dùng nhiều trong dịp Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán... Ngoài ra, phối hợp với các cơ quan chức năng làm tốt công tác phòng, chống buôn lậu qua biên giới, nhất là với các mặt hàng gia súc, gia cầm và các mặt hàng có nhu cầu tăng cao trong dịp Tết Nguyên đán.
Nguồn:http://www.hanoimoi.com.vn/tin-tuc/Kinh-te/1018032/bao-dam-binh-on-thi-truong-hang-hoa-dip-cuoi-nam-va-tet-nguyen-dan
Link nội dung: https://nhipsongsaigon.net/bao-dam-binh-on-thi-truong-hang-hoa-dip-cuoi-nam-va-tet-nguyen-dan-a4526.html