Ảnh minh họa
Theo đó, hai môn học bắt buộc là toán và ngữ văn, mỗi môn có thời lượng 270 tiết. 5 môn lựa chọn là vật lý, hóa học, sinh học, lịch sử, địa lý, mỗi môn 180 tiết.
Với mỗi ngành, nghề của giáo dục nghề nghiệp, học sinh học ít nhất 4 môn học, gồm 2 môn bắt buộc và ít nhất 2 môn lựa chọn.
Dự thảo cũng quy định người đứng đầu cơ sở giáo dục quyết định các môn học lựa chọn theo quy định, thời điểm tổ chức giảng dạy và thi kết thúc các môn học.
Học sinh có điểm thi kết thúc môn học của tất cả các môn học theo ngành, nghề đào tạo đạt từ 5 điểm trở lên được xác nhận là đủ yêu cầu khối lượng kiến thức văn hóa trung học phổ thông đối với các môn học được giảng dạy theo ngành, nghề đó.
Giấy chứng nhận đủ yêu cầu khối lượng kiến thức văn hóa trung học phổ thông do người đứng đầu cơ sở giáo dục tổ chức giảng dạy cấp.
Người học được cấp Giấy chứng nhận đủ yêu cầu khối lượng kiến thức văn hóa THPT để sử dụng trong việc theo học trình độ cao hơn của giáo dục nghề nghiệp và sử dụng trong trường hợp cụ thể theo quy định của pháp luật.
Học sinh được cấp Giấy chứng nhận đủ yêu cầu khối lượng kiến thức văn hóa THPT được bảo lưu khối lượng kiến thức văn hóa trung học phổ thông nếu có nguyện vọng hoàn thành Chương trình giáo dục THPT.
Hiện Dự thảo Thông tư Quy định việc giảng dạy khối lượng kiến thức văn hóa trung học phổ thông trong cơ sở giáo dục nghề nghiệp đang được đăng tải trên mạng để lấy ý kiến góp ý trước khi được ban hành chính thức.
Trước đó, cuối tháng 3/2021, Hiệp hội Giáo dục nghề nghiệp và nghề công tác xã hội Việt Nam, Hiệp hội các trường cao đẳng, trung cấp kinh tế - kỹ thuật đã có công văn gửi Thủ tướng Chính phủ về việc giảng dạy văn hóa THPT cho học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở vào học trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp hay còn được gọi là các trường nghề.
Nhiều trường nghề trên cả nước đã đề nghị Bộ GD-ĐT cần sớm ban hành thông tư quy định khối lượng kiến thức văn hóa THPT thay cho quy định cũ có phần lỗi thời.
Thực tế ở nhiều địa phương, trong những năm gần đây, số học sinh tốt nghiệp THCS vào học GDNN ngày càng đông, trong số đó có đến trên 80% có nhu cầu học văn hóa THPT để tham dự kỳ thi quốc gia và lấy bằng tốt nghiệp THPT. Nhiều cơ sở GDNN ở các địa phương đã không được tiếp tục thực hiện giảng dạy chương trình giáo dục thường xuyên (GDTX) cấp THPT. Các trường trung cấp, cao đẳng (TC, CĐ) phải liên kết với trung tâm GDTX, chứ không được quyền tự tổ chức giảng dạy mặc dù trước đây đã được sở GD&ĐT cho phép.
Theo Báo Dân Sinh
Link nội dung: https://nhipsongsaigon.net/hoc-sinh-tot-nghiep-thcs-hoc-trung-cap-nghe-phai-hoc-it-nhat-4-mon-van-hoa-a4318.html