Đây là một trong những yếu tố quan trọng để ngành GD-ĐT có những giải pháp đồng bộ triển khai mạnh mẽ hơn nữa trong xây dựng mô hình trường học thông minh, giáo dục thông minh.
Dạy và học trực tuyến bước đầu có kết quả
Năm học 2019-2020 là một năm học đầy biến động, học sinh phải nghỉ học dài ngày do ảnh hưởng của dịch Covid-19, vì vậy việc dạy học trực tuyến đã được ngành GD-ĐT TP.HCM sớm triển khai và đạt hiệu quả bước đầu rất đáng ghi nhận.
Theo đó, Sở GD-ĐT TP.HCM đã hướng dẫn các trường tăng cường sử dụng chủ động, sáng tạo các phần mềm dạy học trực tuyến, các tư liệu dạy học trên truyền hình.
Quan tâm triển khai các giải pháp khắc phục hạn chế việc dạy học trực tuyến bằng các kênh liên lạc với học sinh và cha mẹ học sinh, cũng như cung cấp thêm các tài liệu khác tùy theo điều kiện cụ thể của nhà trường.
Với bậc trung học, nhằm chủ động và đảm bảo tính bảo mật, yêu cầu về chuyên môn, Sở đã phối hợp phát triển và giới thiệu 2 phần mềm dạy trực tuyến hoàn toàn miễn phí và đảm bảo tính bảo mật cao do tài khoản cá nhân được cấp dựa trên mã định danh của giáo viên, học sinh từ cơ sở dữ liệu dùng chung của ngành.
Theo thống kê của ngành GD-ĐT, toàn thành phố có tổng số trường tiểu học có tổ chức dạy học trực tuyến đạt trên 95%, số học sinh tham gia học trực tuyến và các hình thức khác đạt trên 82%.
Ở bậc trung học có 461/483 (95.45%) trường trung học thực hiện dạy học trực tuyến.
Về việc dạy học trực tuyến trong năm học vừa qua, cô Trần Thúy An, Hiệu trưởng Trường THCS Minh Đức (Quận 1) cho biết, thời gian đầu học sinh tạm nghỉ học vì dịch Covid-19, trường đã mời các chuyên gia tập huấn cho 100% GV của nhà trường về dạy học trực tuyến thông qua các ứng dụng của Office 365 như MS Teams.
Trường khuyến khích thầy cô nào tự tin thì soạn giáo án trực tuyến rồi dạy thử, ban giám hiệu nhà trường sẽ dự giờ và góp ý, rút kinh nghiệm.
Từ ngày 16/3/2020, nhà trường đã quyết định dạy trực tuyến cho HS tất cả các khối 6, 7, 8, 9. Trường đã lập thời khóa biểu cho các khối lớp, theo từng môn cụ thể, với khung giờ từ 8 đến 11 giờ sáng, chiều từ 14 đến 16 giờ.
Riêng ở tiểu học, rất nhiều trường, giáo viên trên địa bàn đã linh hoạt, chủ động để dạy học trực tuyến cho học trò. Các phần mềm trực tuyến MS Teams, Zoom, Skype… được thầy cô sử dụng rộng rãi.
Ngoài ra, nhiều trường còn quay clip đăng tải trên trang web để học sinh tham khảo bài học…
Liên quan đến việc dạy học trực tuyến, ông Lê Hồng Sơn, Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM nhấn mạnh, trong những năm học tới hoạt động dạy - học trực tuyến sẽ được triển khai đồng bộ, hiệu quả theo các quy định mới và là nền tảng xây dựng xã hội học tập, khuyến khích người dân học tập suốt đời một cách thông minh.
Xây dựng mô hình giáo dục thông minh
Đầu năm 2020, TP.HCM ra mắt mô hình thí điểm Trung tâm điều hành GD thông minh. Theo ông Lê Hồng Sơn, Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM, Trung tâm điều hành giáo dục thông minh kỳ vọng sẽ xây dựng và quản lý hệ thống báo cáo thuộc phạm vi của Sở GD&ĐT bằng công cụ thông minh, trực tuyến. Hỗ trợ công tác chỉ đạo, điều hành bằng các công cụ thông minh.
Bên cạnh đó, giúp quản lý và tổ chức các cuộc họp thông minh; quản lý lịch làm việc của sở, cá nhân hóa các lịch làm việc; tích hợp và triển khai hệ thống quản lý văn bản thông minh.
Đặc biệt, hệ thống giám sát thời gian thực qua camera trên cơ sở ứng dụng trí tuệ nhân tạo giúp cập nhật các thông tin mới nhất về ngành GD&ĐT trên cổng thông tin điện tử, giám sát thông tin trong môi trường mạng.
Mô hình này cũng sẽ tạo hệ sinh thái trực tuyến phục vụ việc soạn giảng, nghiên cứu của giáo viên và hoạt động tự học của học sinh, tạo nền tảng xây dựng xã hội học tập.
Đây sẽ là những bước đầu tiên rất quan trọng để ngành GD&ĐT TP.HCM cùng phối hợp, triển khai các đề án, chương trình giáo dục thông minh.
Ở giai đoạn đầu, mô hình Trường học thông minh sẽ thực hiện thí điểm tại Quận 1, Quận 12 và 5 trường THPT gồm: Chuyên Lê Hồng Phong, Chuyên Trần Đại Nghĩa, Lê Quý Đôn, Nguyễn Hiền và Nguyễn Du.
Để từng bước cụ thể hoá mô hình nói trên, năm học 2029-2020 Trường THPT Chuyên Trần Đại Nghĩa đã khánh thành mô hình thư viện thông minh với khoảng 1.000 mét vuông.
Thầy Nguyễn Minh, Hiệu trưởng nhà trường cho hay, không chỉ đơn thuần đến đọc sách, tìm sách mà các em còn được học trên thư viện, được sử dụng trang thiết bị, các phần mềm học thuật hiện đại của các nước phát triển, điển hình như Zpace.
Đặc biệt, học sinh có thể khai thác tài nguyên thư viện tại nhà bằng việc truy cập vào website với một mã tài khoản riêng.
Ngoài ra, tài nguyên trong thư viện cũng là điều kiện để giáo viên ứng dụng phương pháp giảng dạy mới và soạn giảng mới giúp nâng cao chất lượng giáo dục.
Đây còn là nơi giáo viên cập nhật bài giảng lên thư viện điện tử. Thầy và trò có thể tương tác bài học ngay trên thư viện điện tử, đặc biệt là các môn như Toán, tiếng Anh, Công nghệ, Khoa học…, giúp trò có thể học mọi lúc mọi nơi.
Trước đó, nhằm tìm giải pháp xây dựng mô hình giáo dục thông minh, tháng 12/2019, UBND TP.HCM phối hợp với Sở GD-ĐT đã tổ chức hội thảo quốc tế “Giáo dục thông minh tại TP.HCM” nhận được sự quan tâm, tham gia của nhiều trường học, chuyên gia đầu ngành trong nước, thế giới và các đơn vị liên quan.
Đặc biệt mới đây, TP đã xây dựng Đề án “Giáo dục thông minh và học tập suốt đời giai đoạn 2020 - 2030”. Đề án cũng triển khai thí điểm tổ chức giảng dạy, cho học sinh phổ thông tiếp cận với hệ thống kiến thức, kĩ năng về "Trí tuệ nhân tạo" trên cơ sở mô hình thí điểm của Trường THPT Chuyên Lê Hồng Phong.
Theo ông Lê Hồng Sơn, Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM, đây là tiền đề quan trọng để TP tiếp tục đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông nhằm đổi mới, nâng cao hiệu quả toàn diện công tác quản lý, hình thức tổ chức hoạt động dạy - học trong nhà trường, mà bước đầu là mô hình thí điểm Trung tâm điều hành giáo dục thông minh và Đề án mô hình trường học thông minh đang được gấp rút triển khai.
Trong thời gian tới, giáo dục Thành phố sẽ tiếp tục đẩy mạnh việc thực hiện giáo dục STEM, STEAM trong nhà trường, tạo điều kiện để các em tham gia nghiên cứu khoa học.
Tiếp tục mở rộng thí điểm đưa nội dung trí tuệ nhân tạo đến với học sinh các trường phổ thông; đưa các tiện ích ứng dụng từ những thành quả của khoa học và công nghệ vào nhà trường;
Đẩy mạnh hoạt động dạy học trực tuyến để hình thành kho tài nguyên học liệu số, xây dựng môi trường học tập trực tuyến, phục vụ việc tự học của học sinh, việc học tập suốt đời của người dân và xây dựng xã hội học tập thông minh…
Theo Báo Giáo dục & Thời Đại