Phát biểu khai mạc Hội nghị, Thứ trưởng Cao Anh Tuấn cho biết, trong những năm qua, Bộ Tài chính đã chủ động theo dõi sát diễn biến thực tế để theo dõi, đề xuất trình cấp có thẩm quyền cũng như ban hành theo thẩm quyền các giải pháp về gia hạn các khoản thuế, đồng thời phí, lệ phí và tiền thuê đất để hỗ trợ DN và người dân.
Bộ Tài chính đã phối hợp với VCCI, các Hiệp hội, Bộ Kế hoạch và Đầu tư để đề xuất, tham mưu với Chính phủ, trình Quốc hội thông qua Nghị quyết số 43/2022/QH15 về chính sách tài khóa, tiền tệ, hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, đồng thời tiếp tục triển khai các giải pháp về gia hạn, miễn, giảm thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất. Dự kiến, thực hiện các giải pháp này trong năm 2022 sẽ hỗ trợ DN và người dân với giá trị tiền thuế, tiền thuê đất, phí, lệ phí là khoảng 233.000 tỷ đồng.
“Có thể thấy, đây là năm mà các giải pháp hỗ trợ DN, người dân về thuế, phí và lệ phí với quy mô lớn nhất, phạm vi áp dụng rộng nhất trong nhiều năm qua đặt trong bối cảnh nguồn thu ngân sách nhà nước bị ảnh hưởng lớn. Trong khi đó, ngân sách nhà nước vẫn phải đảm bảo nhu cầu chi trong các hoạt động thường xuyên, đảm bảo nguồn vốn cho đầu tư phát triển và đặc biệt là việc tăng nhu cầu chi về an sinh xã hội…”, Thứ trưởng Cao Tuấn Anh chia sẻ.
Tại Hội nghị, ông Võ Tân Thành - Phó Chủ tịch VCCI cho rằng, việc Bộ Tài chính phối hợp với VCCI tổ chức các hội nghị đối thoại với DN là cơ hội để củng cố quan hệ giữa cơ quan thuế, hải quan với cộng đồng DN trong chia sẻ thông tin, cùng nhau thảo luận các cơ chế hợp tác phù hợp, tạo môi trường thông thoáng, thuận lợi cho hoạt động của cả hai bên.
Theo đánh giá của đại diện VCCI, Phó Chủ tịch VCCI Võ Tân Thành nhấn mạnh, thời gian qua đã chứng kiến những cải tiến tích cực cả về quy trình thủ tục, chính sách, đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ trong cung ứng dịch vụ công tự động hoá một số quy trình thủ tục, tư duy và phong cách làm việc ngày càng chuyên nghiệp, hiện đại của cán bộ thuế - hải quan trong giải quyết quy trình, thủ tục…
Tại hội nghị, ngoài việc đánh giá cao những nỗ lực cải cách trong lĩnh vực thuế - hải quan, đại diện các DN cũng đề nghị một số vấn đề cần được tiếp tục tháo gỡ.
Ông Tomoki Kawasaki - Giám đốc Tài chính Công ty TNHH Điện lực Vân Phong (Khánh Hoà) cho biết, việc chậm hoàn thuế giá trị gia tăng của công ty kéo dài đến nay đã 2 năm, do nghịch lý là DN chưa có giấy phép vì theo quy định của ngành Điện, giấy phép chỉ được cấp khi dự án đi vào hoạt động. Trong khi, dự án của Công ty đang trong giai đoạn đầu tư, thời gian đầu tư phải mất 4-5 năm mới có thể đi vào hoạt động.
Theo ông Tomoki Kawasaki, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 49/2022/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 12/9/2022 quy định rõ về hoàn thuế giá trị gia tăng đối với dự án đầu tư của cơ sở kinh doanh ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện. Tuy nhiên, hiện nay vẫn còn chậm trong triển khai thực hiện.
"Việc kéo dài hoàn thuế hai năm khiến DN gặp nhiều khó khăn. DN phải huy động nguồn vốn để bù đắp lại khoản chưa được hoàn thuế giá trị gia tăng, phát sinh chi phí lãi vay. Ngoài ra, DN còn đang thua lỗ vì chênh lệch tỉ giá. Vì vậy, DN kiến nghị Bộ Tài chính phải có hướng dẫn cụ thể để cơ quan thuế địa phương triển khai nhanh" - ông Tomoki Kawasaki kiến nghị.
Trả lời DN, Thứ trưởng Bộ Tài chính Cao Anh Tuấn cho biết hiện nay đối với trường hợp đầu tư dự án của Công ty Điện lực Vân Phong được hoàn thuế giá trị gia tăng, nhưng ngành Điện lại là ngành nghề kinh doanh có điều kiện. Do vậy, Bộ Tài chính hiện đang phối hợp các Bộ chuyên ngành để tháo gỡ vướng mắc cho DN, đặc biệt đối với DN ngành điện đầu tư chi phí rất lớn.
Thứ trưởng Cao Anh Tuấn phát biểu tại Hội nghị
Mới đây, ngày 23/11/2022, Tổng cục Thuế (Bộ Tài chính) cũng đã có Công văn số 12299/BTC-TCT về hoàn thuế dự án đầu tư. Theo đó, Tổng cục Thuế đề nghị các Cục thuế, các chi cục thuế tiếp nhận hồ sơ hoàn thuế dự án và thực hiện theo hướng dẫn tại Nghị định số 49/2022/NĐ-CP để xem xét giải quyết kịp thời, đúng pháp luật về hoàn thuế dự án đầu tư.
Trong khi đó, Công ty TNHH Liên doanh Thành phố Đế Vương băn khoăn về việc có được gia hạn nộp thuế 1% cho các khoản thu tiền theo tiến độ của quý I, II hay không khi đã nộp thuế TNDN theo tỷ lệ 1% và doanh thu này chưa phải tính vào doanh thu chịu thuế TNDN trong năm.
Trả lời vấn đề này, đại diện Tổng Cục Thuế cho biết, DN được gia hạn thời hạn nộp thuế đối với số thuế TNDN tạm nộp của quý I, quý II kỳ tính thuế TNDN năm 2022 của DN, tổ chức thuộc đối tượng được quy định tại Điều 3 Nghị định số 34/2022/NĐ-CP. Thời gian gia hạn là 03 tháng, kể từ ngày kết thúc thời hạn nộp thuế TNDN theo quy định của pháp luật về quản lý thuế.
Tại hội nghị, ngoài 16 nội dung liên quan đến những khó khăn, vướng mắc về lĩnh vực thuế, các DN cũng nêu một số vấn đề khác liên quan đến thủ tục hải quan trong thông quan xuất nhập khẩu hàng hóa. Những khó khăn vướng mắc này đều được lãnh đạo Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế, Tổng cục Hải quan và các đơn vị của Bộ Tài chính giải đáp, tháo gỡ ngay tại Hội nghị.
Đại diện các đơn vị thuộc Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế, Tổng cục Hải quan cũng đã trực tiếp giải đáp nhiều câu hỏi, vướng mắc của các DN liên quan đến lĩnh vực thuế, hải quan như: Hoàn thuế giá trị gia tăng của DN kinh doanh có điều kiện; Kiến nghị giảm tiền thuê đất năm 2022 cho DN bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19; Vấn đề chậm nộp giấy tờ xuất xứ đối với các DN ưu tiên; Khai thuế, khấu trừ thuế đối với các DN nước ngoài không hiện diện ở Việt Nam nhưng phát sinh thu nhập tại Việt Nam...
Phát biểu bế mạc, Thứ trưởng Cao Anh Tuấn khẳng định, do chính sách và thủ tục hành chính thuế và hải quan luôn nhận được sự quan tâm hàng đầu của DN, nên Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế, Tổng cục Hải quan và các đơn vị trực thuộc luôn quan tâm và hỗ trợ tích cực cho DN, đồng thời, xem đây là một phần quan trọng trong việc đưa chính sách vào cuộc sống.
Ngọc Anh