Xu hướng chuyển dịch của thị trường laptop sang các vi xử lý sử dụng nền tảng ARM tương tự như trên smartphone đang nóng hơn bao giờ hết. Nhất là khi vừa qua, Apple tung ra loạt Macbook sử dụng các con chip M1 dựa trên kiến trúc ARM với hiệu năng cùng thời lượng pin ấn tượng, trội hơn cả các vi xử lý Intel Core hay AMD Ryzen.
Bản thân Qualcomm đã tiên phong mang các con chip Snapdragon (vốn cũng sử dụng nền tảng ARM) lên laptop từ 3 năm trước. Tuy nhiên, phải đến hiện giờ, hãng mới đủ tự tin để ra mắt loạt sản phẩm này tại nhiều thị trường hơn, trong đó có Việt Nam.
Tin vui là tại Việt Nam, tập đoàn công nghệ BKAV cũng vừa hé lộ thông tin sắp sản xuất laptop chạy chip Snapdragon. CEO Nguyễn Tử Quảng của BKAV cho biết: "Là đối tác của Qualcomm, BKAV cũng đã tham gia đánh giá tính tương thích của các dòng chip này với laptop chạy hệ điều hành Windows. Laptop tích hợp chip Snapdragon sẽ phổ biến trên thị trường thời gian tới".
Qualcomm tuyên bố các chip Snapdragon được tích hợp những tính năng và đặc điểm nổi bật nhất của smartphone vào PC, giúp mang đến trải nghiệm "Always On, Always Connected" (viết tắt: ACPC – tạm dịch: luôn sẵn sàng, luôn kết nối).
Qualcomm cho biết các vi xử lý Snapdragon cho máy tính có cấu tạo gần như giống hệt các chip cho điện thoại với toàn bộ thành phần từ CPU, RAM, bộ nhớ lưu trữ, chip quản lý nguồn, GPU, modem LTE, chip WiFi, Bluetooth…đều được đóng gói trong 1 con chip. Điều này giúp cho bo mạch chủ nhỏ hơn, mỏng hơn, tiêu tốn ít điện năng hơn. Đồng thời chi phí phát triển cũng thấp hơn, khả năng thương mại hóa nhanh hơn. Chip Snapdragon cho laptop sẽ không cần đến quạt tản nhiệt nên các laptop sẽ mỏng gọn hơn, chạy êm hơn.
Thời lượng pin của laptop Snapdragon có thể lên đến nhiều ngày, thậm chí cả tuần do chỉ tiêu thụ 0.3W điện, tiết kiệm tới 50 lần so với con số 15W của các vi xử lý PC truyền thống. Laptop sử dụng vi xử lý của Qualcomm đều trang bị kết nối mạng 4G LTE đa gigabit hay cả 5G, hỗ trợ nghe gọi, nhắn tin, các công nghệ AI và tương thích hoàn toàn với tất cả ứng dụng trên Windows 10, hiệu năng nhanh nhẹn, xử lý tốt các tác vụ từ cơ bản đến nâng cao.
Qualcomm khẳng định laptop Snapdragon cũng có tốc độ khởi động tức thì, mỏng nhẹ hơn, luôn sẵn sàng hoạt động như điện thoại, không cần tắt nguồn mà vẫn tiết kiệm pin. Đồng thời, ngay trong chế độ chờ, người dùng vẫn có thể nhận thông báo email, tin nhắn chat, đồng bộ dữ liệu với các dịch vụ đám mây tương tự điện thoại.
Trong buổi giới thiệu lần này tại Việt Nam, Qualcomm trình diễn 4 mẫu laptop Snapdragon gồm: Lenovo 5G Flex, Samsung Galaxy Book S, Inventec NC125S và ECS EH20QT.
Nổi bật nhất là Lenovo 5G Flex. Đây là mẫu laptop đầu tiên trên thế giới được trang bị mạng 5G thế hệ mới, hỗ trợ đầy đủ cả công nghệ 5G mmWave và Sub6 cùng LTE CAT 20. Ông Thiều Phương Nam, Tổng Giám Đốc Qualcomm Việt Nam khẳng định Lenovo 5G Flex hoàn toàn tương thích với các mạng 5G tại Việt Nam hiện nay. Bản thân Qualcomm cũng đang phối hợp chặt chẽ cùng 3 nhà mạng của Việt Nam để triển khai 5G với tốc độ nhanh nhất.
Lenovo 5G Flex - laptop 5G đầu tiên trên thế giới
Máy hỗ trợ nghe gọi, nhắn tin như điện thoại
Bên cạnh kết nối 5G, Lenovo 5G Flex còn có khả năng xoay lật linh hoạt 360 độ, tích hợp màn hình cảm ứng để có thể chuyển đổi giữa chế độ laptop và tablet. Sản phẩm sử dụng vi xử lý Snapdragon 8cx sản xuất trên tiến trình 7nm, với 8 nhân Kryo 495 xung nhịp 2.84GHz, model gần như cao cấp nhất hiện nay của Qualcomm dành cho laptop, chỉ xếp sau Snapdragon 8cx Gen 2 (mới ra mắt hồi đầu tháng 9).
Thời lượng pin của Lenovo 5G Flex theo tuyên bố có thể lên đến 25,6 tiếng hoạt động liên tục với viên pin 4 Cell Li-Polymer 60Wh tích hợp sẵn, hỗ trợ sạc 45W Type C PD, cho phép sạc bằng pin dự phòng tương thích. Máy có độ mỏng nhẹ khá ấn tượng với cân nặng 1,3Kg cùng độ dày 14,7mm, thiết kế đơn giản, hiện đại.
Phần màn hình cảm ứng kích thước 14 inch, viền mỏng gọn, độ phân giải FHD (1920 x 1080), tấm nền IPS tráng gương, độ sáng cao 400 nits, hiển thị 72% dải màu sRGB cho chất lượng tốt, sáng rõ, sắc nét.
Bên cạnh vi xử lý Snapdragon 8cx, hiệu năng của Lenovo 5G Flex được đảm nhận bởi 8GB RAM LPDDR4X 1866MHz (hàn cứng, không hỗ trợ nâng cấp), bộ nhớ trong 512GB chuẩn UFS 3.0, có khe cắm thẻ nhớ mở rộng microSD, GPU tích hợp Adreno 680. Máy được cài sẵn phiên bản Windows 10 Pro 64bit, có webcam hồng ngoại mở khóa khuôn mặt Windows Hello cùng webcam thường 720p để hỗ trợ video call. Hệ thống loa kép Dolby Atmos, kết nối WiFi 802.11AC, Bluetooth 5.0, cảm biến vân tay.
Số lượng cổng kết nối của máy tương đối khiêm tốn với chỉ 2 cổng USB-C 3.2, hỗ trợ Power Delivery, Display Port, cho phép vừa truyền dữ liệu, sạc pin, xuất hình ảnh, âm thanh, bên cạnh giắc combo tai nghe và mic. Điểm bất ngờ là Lenovo 5G Flex có cả một nút gạt chuyên dụng để chuyển sang chế độ máy bay, có lẽ do máy được tích hợp kết nối mạng di động 5G nên dễ gây ảnh hưởng đến các phi cơ.
Đáng tiếc là thời gian trải nghiệm quá ngắn ngủi nên tôi chưa thể test thử hiệu năng của Snapdragon 8cx trên Lenovo 5G Flex với các phần mềm benchmark hay các ứng dụng nặng như Photoshop, PremiePro hay game. Thử nghiệm nhanh với các ứng dụng nhẹ nhàng như Word, Excel, PowerPoint, máy cho tốc độ mở ứng dụng nhanh nhẹn, hoạt động mượt mà. VnReview sẽ đánh giá hiệu năng của Snapdragon 8cx ngay khi có cơ hội trải nghiệm kỹ càng hơn.
Lenovo 5G Flex hiện chưa có giá tại Việt Nam nhưng tham khảo tại thị trường Mỹ, máy hiện có giá khoảng 1350 USD (khoảng 31,3 triệu đồng).
Với Samsung Galaxy Book S, mẫu laptop này gây ấn tượng bởi độ mỏng nhẹ bất ngờ, trọng lượng chỉ 0,96Kg cùng độ mỏng 11,8mm dù sở hữu màn hình 13,3 inch.Việc cầm Book S bằng một tay thực sự rất thoải mái, nhẹ nhàng, không hề gây khó chịu. Thiết kế full kim loại với cạnh vát mỏng hết cỡ khiến Galaxy Book S tăng thêm phần sexy, quyến rũ.
Samsung Galaxy Book S với độ mỏng nhẹ ấn tượng dưới 1Kg
Mẫu laptop của Samsung cũng sử dụng vi xử lý Snapdragon 8cx nhưng không có kết nối 5G mà chỉ hỗ trợ mạng 4G LTE CAT 18. Các thông số khác tương đương Lenovo 5G Flex với 8GB RAM LPDDR4X 1866MHz (hàn cứng, không hỗ trợ nâng cấp), bộ nhớ trong 512GB chuẩn UFS 3.0, có khe cắm thẻ nhớ mở rộng microSD tối đa 1TB, GPU tích hợp Adreno 680.
Qualcomm từng không ngần ngại so sánh trực tiếp chiếc Galaxy Book S sử dụng Snapdragon 8cx với chiếc Dell XPS sử dụng vi xử lý Intel Core i5 1035G1. Hai máy cùng được cho chạy nhiều ứng dụng song song như xem video 4K trên YouTube, mở Photoshop và gọi điện Skype. Nhiệt đo được từ Galaxy Book S mát hơn hẳn khi chỉ là 25,8 độ C trong khi của Dell XPS lên tới 39,6 độ C.
Samsung Galaxy Book S (bên trái) và Dell XPS (bên phải)
Máy được cài sẵn phiên bản Windows 10 Home 64bit, có đầu đọc vân tay tích hợp vào phím nguồn, webcam thường 720p để hỗ trợ video call. Hệ thống loa stere tinh chỉnh bởi AKG hỗ trợ Dolby Atmos, kết nối WiFi 802.11AC, Bluetooth 5.0, có cả GPS. Viên pin 42Wh của Galaxy Book S được Samsung khẳng định cho thời gian hoạt động liên tục 25 tiếng, hỗ trợ sạc 65W. Bản thân Tổng Giám Đốc Qualcomm Việt Nam chia sẻ ông cũng đang sử dụng chiếc máy này cho công việc hàng ngày và sạc đầu tuần thì đến cuối tuần mới cần phải sạc lại.
Phần màn hình 13,3 inch của Book S có viền mỏng 3 cạnh, độ phân giải Full HD tỉ lệ 16:9, tấm nền IPS LCD, hỗ trợ cảm ứng 10 điểm nhưng không hỗ trợ xoay lật như Lenovo 5G Flex mà chỉ mở góc tối đa khoảng 150 độ.
Số lượng cổng kết nối của Galaxy Book S khiêm tốn ngang với Lenovo 5G Flex với chỉ 2 cổng USB-C và 1 giắc combo tai nghe và mic. Tuy vậy, sản phẩm không có nút gạt sang chế độ máy bay mà người dùng sẽ sử dụng tổ hợp phím Fn + F12 để chuyển đổi.
Samsung Galaxy Book S hiện có giá bán 1000 USD (khoảng 23 triệu đồng) tại thị trường Mỹ, hiện chưa rõ thời điểm bán và mức giá tại Việt Nam.
Mẫu laptop thứ 3 sử dụng Snapdragon trong buổi giới thiệu là model Inventec NC125S. Đây vốn là nhà sản xuất thiết bị gốc (OEM) của Đài Loan, chuyên gia công laptop cho HP, Toshiba, Acer và Fujitsu. Bản thân mẫu laptop Inventec NC125S cũng là sản phẩm được Inventec gia công cho Qualcomm hướng đến các dự án giáo dục, trường học.
Inventec NC125S - laptop trang bị Snapdragon được Qualcomm hướng đến giáo dục, trường học
Sản phẩm gây ấn tượng tốt với kiểu dáng mỏng nhẹ, vỏ kim loại, nhìn thoáng qua trông rất gần gũi với các laptop HP Envy từ tông màu bạc, các góc bo tròn mềm mại hay kiểu thiết kế bàn phím, touchpad. Trọng lượng máy chỉ 1,05Kg, độ dày ấn tượng chỉ 11,9mm.
Thiết kế hao hao các laptop của HP
Inventec NC125S sử dụng vi xử lý Snapdragon 850, đây là mẫu SoC cao cấp ra đời vào năm 2018 dành cho laptop của Qualcomm, cùng thời với Snapdragon 855 trên điện thoại. Snapdragon 850 được xây dựng trên tiến trình 10nm, với 8 nhân gồm 4 nhân Kryo 385 (Cortex-A75) xung nhịp 2.95 GHz và 4 nhân Kryo 385 xung nhịp 1.8 GHz, GPU Adreno 630. Các thông số khác của Inventec NC125S gồm 4GB RAM LDDR4, bộ nhớ trong 64GB chuẩn UFS 2.1, có khe cắm thẻ nhớ microSD bên cạnh khay SIM. Máy hỗ trợ kết nối 4G LTE, WiFi AC, Bluetooth 5.0, webcam 720p.
Phần màn hình có kích thước 12,5 inch, viền mỏng gọn, độ phân giải Full HD, tấm nền IPS, viên pin 31,08W được tuyên bố cho thời lượng hoạt động liên tục 16 tiếng, đi kèm sạc 65W qua cổng Type C. Số lượng cổng kết nối của Inventec NC125S còn "khiêm tốn" hơn Lenovo 5G Flex và Galaxy Book S với chỉ duy nhất 1 cổng USB-C, và 1 giắc combo tai nghe và mic.
Độ mỏng nhẹ khá ấn tượng, gần ngang ngửa Samsung Galaxy Book S
Inventec NC125S được cài sẵn Windows 10 ở chế độ S Mode. Thông tin từ Microsoft cho biết Windows 10 ở chế độ S mode là một phiên bản Windows 10 được hợp lý hóa để đảm bảo tính bảo mật và hiệu suất, trong khi vẫn cung cấp trải nghiệm Windows quen thuộc. Để tăng tính bảo mật, chế độ này chỉ cho phép các ứng dụng từ Microsoft Store và yêu cầu phải có Microsoft Edge để duyệt web an toàn.
Không có thông tin về giá bán của Inventec NC125S nhưng một số mẫu laptop sử dụng vi xử lý Snapdragon 850 hiện có giá vào khoảng 500 USD (11,6 triệu đồng).
Cuối cùng là ECS EH20QT, đây cũng là mẫu laptop dành cho giáo dục được Qualcomm đặt ECS làm OEM. ECS là hãng công nghệ Đài Loan vốn nổi tiếng trong mảng mainboard cho máy tính, sau đó hãng đã lấn sân sang laptop, linh kiện desktop, PC đồng bộ.
ECS EH20QT - laptop Snapdragon "nồi đồng cối đá" chuyên dụng cho các học sinh hiếu động hay thầy cô cần "leo rừng lội suối"
ECS EH20QT có triết lý khác biệt hoàn toàn so với 3 mẫu laptop phía trên. Thay vì hướng đến thiết kế mỏng nhẹ, ECS EH20QT được làm đúng chuẩn "nồi đồng cối đá" với lớp vỏ nhựa dày dặn, cứng cáp, chống va đập, chống shock theo chuẩn quân đội MIL-STD-810G. Trong buổi giới thiệu, tôi thử thả rơi chiếc máy này ở độ cao khoảng 1 mét, máy vẫn hoạt động bình thường mà không hề hấn gì.
Điểm thú vị là mẫu laptop này còn tích hợp cả phần quai xách trông như một chiếc ca táp. Với quai xách này, các em học sinh hay thầy cô giáo có thể dễ dàng mang máy đi muôn nơi, không cần thêm túi đựng hay balô, rất tiện lợi. Trọng lượng của ECS EH20QT là 1,44 Kg với độ dày 22,8mm.
Có cả quai xách như một chiếc ca táp
ECS EH20QT sử dụng vi xử lý Snapdragon 7c, ra mắt cùng Snapdragon 8cx nhưng hướng đến phân khúc phổ thông, giá rẻ mức giá chỉ từ 299 USD đến dưới 400 USD (7 - 9,3 triệu). Snapdragon 7c sản xuất trên tiến trình 8nm với 8 nhân Kryo 468 xung nhịp 2.4GHz, GPU Adreno 618. Các thông số khác gồm 4GB RAM LPDDR4, bộ nhớ trong 64GB UFS 2.1, có khe cắm thẻ nhớ microSD, hỗ trợ kết 4G LTE Cat 12, Wifi AC, Bluetooth 5.0. Máy cài sẵn Windows 10 bản ARM.
Các cổng kết nối đều được bọc kín bằng nắp đậy để chống bụi, chống nước. Số lượng cổng kết nối hào phóng hơn nhiều 3 mẫu laptop mỏng nhẹ phía trên với 1 cổng USB 2.0 Type-C hỗ trợ sạc PD, xuất hình Display Port, 2 cổng USB 2.0 Type A, khe cắm thẻ nhớ microSD, cổng mạng LAN, cổng HDMI, cổng combo tai nghe/mic, khe cắm khóa kensington, khe cắm SIM 4G LTE. Máy có viên pin 35W, được tuyên bố cho thời lượng sử dụng liên tục 13 tiếng.
Cổng kết nối được bao bọc kỹ càng, chống bụi, chống nước
Số lượng kết nối phong phú, đầy đủ cổng cần thiết, có sẵn khay SIM 4G LTE
Màn hình 11,6 inch, tích hợp cảm ứng, có thể bẻ ngược 360 độ để dùng như tablet, độ phân giải HD 1366x768 pixels nhưng vẫn có tầm nền IPS nên đảm bảo về chất lượng, góc nhìn. Máy kèm sẵn cả một chiếc bút cảm ứng và có sẵn khe đựng bút tích hợp nằm ngay giữa khu vực bàn phím và bản lề màn hình, tiện dụng cho các em học sinh, tránh thất lạc.
Máy có cả bút cảm ứng đi kèm, tích hợp sẵn khay đựng bút tiện lợi
Đáng chú ý khi phần webcam 2MP còn có thể xoay từ trước ra sau, vừa làm camera gọi video call, vừa có thể sử dụng để chụp ảnh môi trường xung quanh.
Webcam có thể xoay lật về sau, chuyển thành camera chính chụp môi trường xung quanh
Chưa có thông tin về giá của ECS EH20QT tại Việt Nam, nhưng như định vị của Qualcomm cho dòng chip Snapdragon 7c, máy sẽ có giao động từ 7 đến 9 triệu đồng, phù hợp cho đối tượng học sinh, giáo dục mà nó hướng đến.
Rõ ràng, với những động thái mạnh mẽ khi tung ra loạt chip Snapdragon thế hệ mới dành cho laptop tại Việt Nam, Qualcomm đang cho thấy quyết tâm lấn sân sang "chiếc bánh" mà bấy lâu nay bị thông trị bởi 2 ông lớn là Intel và AMD. Cùng với sự tham gia của Apple M1, "đội xanh" và "đội đỏ" rõ ràng có lý do để lo lắng và nhiều khả năng sẽ sớm tung ra các dòng chip tiết kiệm pin hơn, mát mẻ hơn và trên hết là vẫn phải đảm bảo hiệu năng đủ nhanh nhẹn.
Theo vnreview.vn
Link nội dung: https://nhipsongsaigon.net/loat-laptop-acpc-chay-chip-snapdragon-vua-ra-mat-tai-viet-nam-a4084.html