Sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI) vào Đài truyền thanh cơ sở

Truyền thanh ứng dụng công nghệ thông tin - viễn thông đang là giải pháp công nghệ hiện đại, khắc phục nhiều hạn chế so với truyền thanh có dây, truyền thanh không dây FM trước đây, đặc biệt, hệ thống này có sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI) trong một số khâu như chuyển đổi bản tin giấy thành giọng nói, dịch tự động tiếng Việt sang tiếng các dân tộc thiểu số, đặt lịch tự động phát sóng…

Lễ bàn giao mô hình điểm đài truyền thanh ứng dụng công nghệ thông tin, viễn thông tại xã Phú Nghĩa, huyện Lạc Thủy, tỉnh Hòa Bình. Ảnh: VGP/Hiền Minh
Ngày 17/9, Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp với Tập đoàn Vingroup là đơn vị tài trợ, tổ chức bàn giao mô hình điểm đài truyền thanh ứng dụng công nghệ thông tin - viễn thông tại xã Phú Nghĩa, huyện Lạc Thủy, tỉnh Hòa Bình. Đây là xã mới thành lập, địa hình đồi núi, một số thôn dân cư sinh sống thưa thớt.

Hệ thống truyền thanh ứng dụng công nghệ thông tin - viễn thông của xã Phú Nghĩa được đầu tư 17 bộ thu phát thanh, với 46 loa công suất 30 W/loa, phủ sóng 15 thôn trong xã. Thiết bị lắp đặt tại mô hình điểm này do Công ty TNHH ứng dụng công nghệ công nghệ cao (Newtatco) thuộc Viện Hàn lâm khoa học và công nghệ Việt Nam sản xuất, lắp đặt.

Theo ông Lê Chí Dũng, Giám đốc công ty Newtatco, truyền thanh ứng dụng công nghệ thông tin, viễn thông hoạt động dựa vào sóng (3G, 4G) của các nhà mạng viễn thông hoặc khu vực có internet công cộng. Hệ thống sẽ giải quyết các bài toán mà trước đây truyền thanh cơ sở còn nhiều bất cập, hạn chế như không giới hạn khoảng cách truyền tín hiệu; khắc phục tình trạng nhiễu sóng, sóng không ổn định do thời tiết, cán bộ vận hành hệ thống có thể ngồi tại trung tâm mà vẫn biết được loa nào hỏng hoặc không có tín hiệu…

 

Cụm loa truyền thanh ứng dụng công nghệ thông tin, viễn thông tại xã Phú Nghĩa, huyện Lạc Thủy, tỉnh Hòa Bình. Ảnh: VGP/Hiền Minh

Đặc biệt, hệ thống này còn ứng dụng trí tuệ nhân tạo, giúp người vận hành hệ thống chuyển thể văn bản thành giọng nói, chọn giọng, đặt tự động hẹn giờ phát sóng, có thể lưu vết các chương trình đã phát sóng…

Tuy nhiên, hệ thống vẫn còn bất cập khi mới đưa vào triển khai sử dụng thí điểm tại cấp xã nên chưa đồng bộ các chương trình phát sóng của địa phương.

Về vấn đề bảo mật, ông Lê Chí Dũng chia sẻ, đơn vị này sẽ tiếp tục tăng cường công tác bảo mật nhiều bước. Theo đó, đơn vị đang đề xuất thành lập hệ thống thông tin nguồn theo các cấp quản lý.

Hiện nay, ứng dụng này đã được triển khai tại 60 xã thuộc 12 tỉnh trên cả nước.

Bộ TT&TT cũng phối hợp với Tập đoàn Vingroup là đơn vị tài trợ, tổ chức xây dựng 2 mô hình điểm đài truyền thanh ứng dụng công nghệ thông tin - viễn thông tại xã Hồng Phong, huyện Nam Sách, tỉnh Hải Dương; khu vực đô thị tại phường Trần Phú, thành phố Hải Dương.

Cùng với mô hình điểm đài truyền thanh ứng dụng công nghệ thông tin - viễn thông tại xã Phú Nghĩa, huyện Lạc Thủy, tỉnh Hòa Bình, đây là 3 mô hình điểm đại diện cho 3 khu vực miền núi, đồng bằng và đô thị, các địa phương trong cả nước có thể tham khảo, áp dụng để từng bước thay thế truyền thanh có dây/không dây FM trên địa bàn nhằm hiện đại hóa hệ thống thông tin cơ sở.

Theo Thứ trưởng Bộ TT&TT Hoàng Vĩnh Bảo, từ các mô hình điểm trên, Bộ TT&TT sẽ phối hợp với các Sở TT&TT địa phương phổ biến để nhân rộng hiệu quả mô hình này ra các địa phương miền núi trên toàn quốc.

Hiền Minh/chinhphu.vn

Link nội dung: https://nhipsongsaigon.net/su-dung-tri-tue-nhan-tao-ai-vao-dai-truyen-thanh-co-so-a3815.html