Máy ảnh nằm dưới màn hình: Trào lưu mới của điện thoại thông minh

Nhiều năm qua, máy ảnh selfie phía trước luôn là rắc rối đối với các nhà thiết kế điện thoại thông minh. Kết cấu máy ảnh chễm chệ ở mặt tiền như những “nốt ruồi” xấu xí, khiến ngay cả “thiên tài” thiết kế Apple cũng không tránh khỏi những chiếc tai thỏ với vô vàn châm biếm.

Màn hình hiển thị liền mạch và trọn vẹn là “ao ước” lâu nay của mọi nhà sản xuất điện thoại thông minh.

Trong khi đó, cuộc đua điện thoại với màn hình tràn viền, thậm chí là màn hình gấp, màn hình phủ về hai cạnh máy tiếp tục tạo ra những thách thức mới đối với phần cứng truyền thống. Các nhà sản xuất đã theo đuổi nỗ lực tạo ra những “màn hình vô khuyết” thực sự với nhiều biện pháp: Loại bỏ hoàn toàn nút bấm Home, chuyển nút bấm vật lý thành các cử chỉ mệnh lệnh, thậm chí là “giấu” cảm biến vân tay dưới màn hình và sử dụng cơ chế máy ảnh “thò thụt”. Giờ đây, một bước tiến mới đã đạt được, khi hàng loạt điện thoại thế hệ mới được hé lộ sẽ sở hữu máy ảnh phía trước ẩn sau bề mặt hiển thị.

Điều thú vị nằm ở chỗ, những sản phẩm đầu tiên thuộc nhóm này lại không đến từ các tên tuổi lớn như Apple, Samsung, hay LG. Thay vào đó, chúng đến từ nhóm các thương hiệu phổ thông hơn như ZTE, Oppo, Vivo và đặc biệt là cả Vsmart của Việt Nam.

Tuy nhiên, trong số này, chỉ ZTE tuyên bố đã tung ra “điện thoại đầu tiên trên thế giới sở hữu máy ảnh nằm dưới màn hình” trong ngày 1-9. Mang tên gọi Axon 20 5G, máy có màn hình OLED 6,92 inch với máy ảnh 32 Mpx chìm bên dưới. Vsmart tuy đã giới thiệu Aris với những đặc tính tương tự nhưng vẫn chưa có lịch bán ra, còn Vivo vẫn trung thành với việc trưng bày chiếc điện thoại ý tưởng Apex 2020 mà không có lộ trình thương mại hóa cụ thể nào.

Về phần mình, Oppo sau khi trình diễn sản phẩm tại một sự kiện công nghệ ở Thượng Hải (Trung Quốc) hồi tháng 12-2019 tới nay hoàn toàn “im hơi lặng tiếng”. Một số nhà cung cấp (OEM) chuyên nghiệp như Visionox cũng chào bán các gói giải pháp máy ảnh dưới màn hình hoàn chỉnh, cho phép các đối tác sản xuất điện thoại mua và ghép vào các thiết kế sẵn có một cách dễ dàng, nhưng khó tạo ra các sản phẩm mang tính đột phá.

Kết cấu cơ bản của máy ảnh bên dưới màn hình.

Thực tế, việc đặt máy ảnh xuống dưới màn hình tạo ra nhiều thách thức kỹ thuật. Để tạo ra hình ảnh ở mức chấp nhận được, những giải pháp máy ảnh dưới màn hình tiên phong phải viện tới cả giải pháp phần cứng và phần mềm.

Bên cạnh việc giảm mật độ hay sắp xếp lại điểm ảnh, giảm ánh sáng nền ở những vị trí có ống kính, các nhà sản xuất cũng triệt để ứng dụng thuật toán xử lý phần mềm cho phép giảm các hiệu ứng “sương mù”, lóa, sai màu, méo hình… mà lớp màn hình hiển thị phía trên máy ảnh tạo ra.

Tuy nhiên, màn hình trên điện thoại đời mới - thường sở hữu mật độ điểm ảnh khủng - hạn chế đáng kể lượng ánh sáng lọt vào cảm biến máy ảnh, dẫn tới việc chụp tốc độ cao cũng như duy trì khả năng bắt nét nhanh đều rất khó khăn. Phần màn hình phía trên máy ảnh cũng khó bảo đảm chất lượng hiển thị, cũng như sự tương đồng về màu sắc so với diện tích còn lại. Đây là những thách thức không nhỏ mà các nhà sản xuất phải tìm cách vượt qua để bảo đảm trải nghiệm tốt nhất cho người dùng.

Cho dù thế nào, chắc chắn máy ảnh chìm dưới màn hình sẽ là một trong những trào lưu công nghệ mới rất thú vị của giai đoạn chuyển tiếp năm 2020-2021. Tuy nhiên, cuộc vui chỉ thực sự bắt đầu khi các đại gia công nghệ thế giới bắt tay “vào việc”.

Theo Báo Hà Nội Mới

Link nội dung: https://nhipsongsaigon.net/may-anh-nam-duoi-man-hinh-trao-luu-moi-cua-dien-thoai-thong-minh-a3784.html