Tham dự hội nghị tại điểm cầu TPHCM có các đồng chí: Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM; Nguyễn Thành Phong, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch UBND TPHCM cùng các lãnh đạo thành phố, sở ngành, hiệp hội các doanh nghiệp, chuyên gia kinh tế...
Hơn 300.000 lao động bị ảnh hưởng việc làm
Trình bày trước hội nghị, Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong cho biết hiện TP có hơn 421.000 doanh nghiệp đăng ký. Trong số này có 2,2% doanh nghiệp lớn với quy mô vốn chiếm 67% vốn doanh nghiệp toàn thành phố. Doanh nghiệp vừa chiếm 7,1%. Số doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ chiếm 90,7%, quy mô vốn chỉ chiếm 16,7%.
Trong 4 tháng đầu năm, do ảnh hưởng dịch bệnh, TPHCM có 12.700 doanh nghiệp bị giải thể, ngưng hoạt động, tăng 2,1 lần cùng kỳ, trong số đó hầu hết là doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Theo đồng chí Nguyễn Thành Phong, việc giải thể, dừng hoạt động của các doanh nghiệp kéo theo nhiều hệ lụy khi có khoảng hơn 300.000 lao động bị tạm hoãn, tạm ngưng hợp đồng lao động hoặc mất việc.
Trước tình hình trên, TP đã triển khai quyết liệt, toàn diện, đồng bộ các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn. Từ tháng 3-2020, TP đã thành lập tổ công tác hỗ trợ các doanh nghiệp, do một Phó Chủ tịch UBND TP làm tổ trưởng để hướng dẫn, hỗ trợ các doanh nghiệp xây dựng kế hoạch kinh doanh, làm cầu nối giúp doanh nghiệp tổ chức, cá nhân có thể tiếp cận nhanh chóng các gói hỗ trợ của Chính phủ, ghi nhận ý kiến, nguyện vọng của doanh nghiệp để đề xuất chính sách hỗ trợ cụ thể, phù hợp từ trung ương và ngân sách của TP.
Thực hiện chính sách hỗ trợ của Chính phủ, các ngân hàng thương mại trên địa bàn TPHCM đã cơ cấu lại nợ hơn 63.000 tỷ đồng, giảm lãi cho doanh nghiệp, hộ kinh doanh hơn 12.300 tỷ đồng, cho 168.000 khách hàng.
Cục Thuế đã khoanh nợ cho 255.000 doanh nghiệp với 40.000 tỷ đồng đến hết tháng 7. Đồng thời khoanh nợ cho 43.000 hộ kinh doanh, tiểu thương để không làm phát sinh nợ thuế.
“Tới đây tổ công tác hỗ trợ doanh nghiệp của TP sẽ triển khai kế hoạch tính điểm, xếp hạng ưu tiên hỗ trợ doanh nghiệp trên địa bàn TP; triển khai kế hoạch hỗ trợ doanh nghiệp từ nay đến hết năm 2020 với 5 nhóm giải pháp”, đồng chí Nguyễn Thành Phong nhấn mạnh.
Ngăn chặn sự phá sản của doanh nghiệp
Cụ thể, TPHCM sẽ tập trung hỗ trợ sản xuất kinh doanh, ngăn chặn sự phá sản của doanh nghiệp, trong đó chú trọng hỗ trợ thu nhập cho người lao động để doanh nghiệp không mất lao động. TP sẽ hỗ trợ đảm bảo tính thanh khoản của doanh nghiệp, hỗ trợ sản xuất dịch vụ nhằm vào nhu cầu thị trường nội địa hơn 100 triệu dân.
Ngoài ra, TPHCM còn có giải pháp hỗ trợ giảm chi phí sản xuất kinh doanh cho doanh nghiệp, hỗ trợ và khuyến khích sản xuất thay thế hàng nhập khẩu, nhất là vật tư thiết bị có lợi thế của địa phương và mở rộng chuỗi giá trị gia tăng trong nước kể cả sản phẩm xuất khẩu.
TPHCM cũng sẽ tiếp tục hỗ trợ đổi mới công nghệ phục vụ sản xuất kinh doanh, đẩy nhanh quá trình số hóa trong doanh nghiệp; tiếp tục hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo.
Một giải pháp nữa được TPHCM đưa ra là kịp thời dự báo, phối hợp với các quốc gia đối tác chủ yếu về thương mại đầu tư và du lịch để mở cửa hoạt động kinh tế du lịch với từng nước vào thời điểm thích hợp.
“TP sẽ xây dựng một chương trình phục hồi tăng trưởng kinh tế hậu Covid-19 theo 2 giai đoạn để vừa khắc phục khó khăn trước mắt, vừa hướng đến mục tiêu biến nguy thành cơ”, đồng chí Nguyễn Thành Phong cho biết thêm.
Cụ thể, giai đoạn 1 sẽ áp dụng các giải pháp mang tính chất tình thế giúp các doanh nghiệp có thể tồn tại, bám trụ thị trường và cơ hội phục hồi, không bị đổ vỡ. Giai đoạn 2 thực hiện các giải pháp gắn việc phục hồi tăng trưởng với tái cơ cấu kinh tế theo chiều rộng lẫn chiều sâu, nhất là tái cơ cấu thị trường.
Chủ tịch UBND TP khẳng định, các gói hỗ trợ này sẽ được TPHCM làm thật kỹ, để tránh dàn trải, không cào bằng và không bỏ sót đối tượng. Đồng chí nhấn mạnh thêm, TPHCM sẽ đặc biệt chú ý đến khâu tổ chức thực hiện, ban hành các gói hỗ trợ trước tháng 6, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính để các gói hỗ trợ đến tay doanh nghiệp kịp thời nhất.
Cam kết đồng hành với doanh nghiệp
Đồng chí Nguyễn Thành Phong nhận định, đến thời điểm này, Việt Nam đã bước đầu kiểm soát được dịch bệnh, được cộng đồng quốc tế và nhân dân đánh giá cao, bắt đầu chuyển sang trạng thái bình thường mới. Đây có thể nói là thời cơ vàng để khơi dậy tinh thần đồng lòng chung sức vượt qua khó khăn để bứt phá vươn lên.
TPHCM nhận thức rằng một trong những nội dung quan trọng hiện nay là phải ban hành thật nhanh các gói hỗ trợ doanh nghiệp, kinh phí hỗ trợ phải đến tay doanh nghiệp càng sớm càng tốt. Nếu kéo dài hết tháng 6 sẽ có rất nhiều doanh nghiệp dừng hoạt động. Khi nhiều doanh nghiệp rời bỏ thị trường thì chính sách hỗ trợ doanh nghiệp sẽ giảm hiệu quả.
Từ đó, TPHCM kiến nghị Chính phủ sớm ban ngành nghị quyết về tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, thúc đẩy sản xuất kinh doanh. Trong đó quan tâm thực hiện ngay, đúng đối tượng các chính sách miễn, giảm, hoãn thuế, phí, lệ phí... phù hợp. Đồng thời đẩy nhanh giải quyết các thủ tục hành chính liên quan đến đầu tư kinh doanh ở tất cả mọi cấp mọi ngành, mọi lĩnh vực; chú trọng thúc đẩy thị trường trong nước; mở cửa hoạt động kinh tế du lịch phù hợp với tình hình dịch bệnh….
“Chính quyền TPHCM cam kết đồng hành với doanh nghiệp, xem khó khăn của doanh nghiệp cũng chính là khó khăn của mình. TP đặt mệnh lệnh cho chính mình là phải tăng tốc mạnh mẽ hơn nữa với tinh thần khó khăn cũng chính là cơ hội để vượt lên, thể hiện vai trò dẫn dắt, đầu tàu kinh tế cả nước”, đồng chí Nguyễn Thành Phong khẳng định. |
Theo Báo Sài Gòn Giải Phóng
Link nội dung: https://nhipsongsaigon.net/tphcm-5-giai-phap-ho-tro-doanh-nghiep-den-het-nam-2020-a3368.html