Một số nhận định gần đây cho rằng nếu kéo dài trạng thái lookdown – đóng cửa có thể tác động đến kinh tế vĩnh viễn. Từ khủng hoảng y tế có thể dẫn đến khủng hoảng kinh tế. Quan điểm của ông là gì?
Hiện quan điểm từ khủng hoảng y tế dẫn đến khủng hoảng kinh tế đã xuất hiện rồi. Ví dụ như dịch bệnh bùng phát ở Mỹ, khu vực châu Âu khiến cho IMF dự báo tăng trưởng những nước này suy giảm nặng, lần lượt là -5,9% và -7,5%. Khi Trung Quốc thực hiện cách ly xã hội, GDP quý 1/2020 đã giảm -6,8%, là mức lịch sử.
Nên khủng hoảng y tế chắc chắn sẽ dẫn đến khủng hoảng kinh tế. Việt Nam do có sự kiểm soát hiệu quả dịch bệnh, khả năng chống chịu khá tốt nên đến hết quý I, dù kinh tế có suy giảm nhưng vẫn còn tăng trưởng, chỉ là thấp với mức 3,82%.
Tuy nhiên, khi điều kiện mới đã cho phép, chúng ta không nên tiếp tục cách ly xã hội mà nên nới lỏng dần để phục hồi kinh tế. Việc lookdown quá dài sẽ khiến cho doanh nghiệp vượt ngưỡng chịu đựng. Cuộc sống sinh hoạt của người dân cũng như vậy. Tuy nhiên, việc nới lỏng phải dựa trên sự cân nhắc thấu đáo, đảm bảo an toàn sức khoẻ cho xã hội.
-Gần đây Chính phủ cũng đã bắt đầu nói đến câu chuyện chung sống an toàn với dịch Covid-19. Ông nghĩ sao về động thái này?
Trong những ngày vừa qua, Việt Nam đã kiểm soát tốt tình hình dịch bệnh. Điều đó cho phép chúng ta có thể dần nới lỏng cách ly xã hội. Ngay từ đầu, Chính phủ đã đặt ra mục tiêu kép: Vừa kiểm soát dịch hiệu quả, vừa duy trì rồi tiến đến phục hồi kinh tế.
Do vậy, nới lỏng ở thời điểm này là cần thiết. Tuy nhiên, việc làm này được thực hiện hết sức thận trọng, làm đến đâu, bung ra như nào đều được tính toán kỹ, đảm bảo hết sức an toàn.
Bước đầu tiên, tôi cho rằng cần đầu tư cho hệ thống phòng, chống dịch, nhất là y tế dự phòng. Chúng ta phải có phương án chuẩn bị cho y tế nếu dịch có gia tăng trở lại, sau đó, mới tính đến các biện pháp sống chung.
Đơn cử như việc tuyên truyền thay đổi những thói quen, đảm bảo an toàn trong đi lại, trong giao tiếp như luôn đeo khẩu trang ở những nơi công cộng. Phương án bố trí nước rửa tay, sát khuẩn ở những nơi đông người. Hạn chế các sự kiện lớn hoặc nếu tổ chức thì giới hạn trong một lượng người nhất định...
Chúng ta cũng có thể phải xây dựng tiêu chí cho doanh nghiệp khi quay trở lại hoạt động phải đảm bảo an toàn như bếp ăn cho công nhân viên phải theo tiêu chuẩn gì, chỗ làm việc ra sao...
Ngoài ra, để kinh tế phục hồi, thì Chính phủ cần đẩy nhanh, mạnh hơn nữa các gói cứu trợ, doanh nghiệp phải xúc tiến nhanh hơn...
Với riêng TP. Hồ Chí Minh, theo quan sát của ông, việc chuẩn bị chung sống với dịch đang diễn ra như thế nào?
TP. Hồ Chí Minh đã xây dựng các tiêu chí hoạt động an toàn cho trường học, doanh nghiệp. Chính quyền thành phố cũng thành lập và cắt cử các đoàn công tác để đôn đốc, kiểm tra việc thực thi.
Trong vài ngày tới, ở TP. Hồ Chí Minh sẽ có một sự kiện thể thao đặc biệt. Cuộc đua xe đạp Cúp truyền hình năm nay sẽ được tổ chức theo hình thức thực tế ảo. Các tay đua tham dự được trang bị màn hình máy tính, xe đạp, roller điện tử... được đồng bộ thông qua kết nối bluetooth. Theo đó, mọi thông số sẽ được ghi nhận và mô phỏng thông qua màn hình...
Đây là một ví dụ trong việc ứng dụng khoa học công nghệ để thích ứng với dịch bệnh. Công nghệ 4.0 rồi sẽ đi vào từng ngóc ngách của cuộc sống một cách dễ dàng.
Đã đến lúc chung ta nới dần để phục hồi nền kinh tế nhưng trong một trạng thái "bình thường mới".
Cảm ơn ông!
Phương Ánh
Theo Trí thức trẻ
Link nội dung: https://nhipsongsaigon.net/pgs-ts-tran-hoang-ngan-da-den-luc-phuc-hoi-kinh-te-trong-trang-thai-binh-thuong-moi-a3277.html