Phát huy thế mạnh sản phẩm công nghiệp chủ lực

Nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh các sản phẩm công nghiệp chủ lực, thành phố Hà Nội đã ban hành, triển khai Đề án "Phát triển sản phẩm công nghiệp chủ lực thành phố Hà Nội đến năm 2020, định hướng đến năm 2025". Qua 2 năm (2018-2019) thực hiện, các sản phẩm công nghiệp chủ lực đã khẳng định được giá trị và thế mạnh. Để phát huy hơn nữa vai trò chủ lực, các doanh nghiệp kiến nghị các ngành chức năng, cấp có thẩm quyền cần hỗ trợ phù hợp và đồng bộ hơn.

Nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh các sản phẩm công nghiệp chủ lực, thành phố Hà Nội đã ban hành, triển khai Đề án "Phát triển sản phẩm công nghiệp chủ lực thành phố Hà Nội đến năm 2020, định hướng đến năm 2025". Qua 2 năm (2018-2019) thực hiện, các sản phẩm công nghiệp chủ lực đã khẳng định được giá trị và thế mạnh. Để phát huy hơn nữa vai trò chủ lực, các doanh nghiệp kiến nghị các ngành chức năng, cấp có thẩm quyền cần hỗ trợ phù hợp và đồng bộ hơn.

Khẳng định giá trị của sản phẩm

Ông Trịnh Đình Hùng, Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Tôn mạ Vnsteel Thăng Long cho biết, triển khai Đề án “Phát triển sản phẩm công nghiệp chủ lực thành phố Hà Nội đến năm 2020, định hướng tới năm 2025” (Quyết định số 496/QĐ-UBND, ngày 26-1-2018 của UBND thành phố), công ty đã đầu tư nâng cấp dây chuyền nhằm đưa ra thị trường những sản phẩm tốt nhất, phục vụ nhu cầu ngày càng cao của khách hàng. 

Sản xuất, bao gói sản phẩm tại Công ty cổ phần Tôn mạ Vnsteel Thăng Long. Ảnh: Công Thương

Chia sẻ về kết quả thực hiện đề án, ông Lê Quý Khả, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Cơ điện (TOMECO) đánh giá cao sự quan tâm của thành phố, hỗ trợ doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện thuận lợi trong giải quyết thủ tục hành chính, tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại và hỗ trợ đào tạo nâng cao công nghệ…

Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Đàm Tiến Thắng cho biết, được sự quan tâm của các sở, ban, ngành, quận, huyện, thị xã và sự tham gia tích cực của các doanh nghiệp sản xuất sản phẩm công nghiệp trên địa bàn, sau gần 2 năm triển khai đề án đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Cụ thể, năm 2018, thành phố đã công nhận 61 sản phẩm công nghiệp chủ lực và tốp 10 sản phẩm công nghiệp chủ lực. Tổng doanh thu của 61 sản phẩm đạt 40.000 tỷ đồng (tăng 28,4% so với năm trước); chiếm 32,5% giá trị sản xuất ngành Công nghiệp; chiếm 7,7% tổng sản phẩm trên địa bàn; kim ngạch xuất khẩu đạt hơn 10.000 tỷ đồng (tăng 74% so với năm trước).

Từ đầu năm 2019 đến nay, đã có 31 doanh nghiệp, với 40 sản phẩm đăng ký tham gia xét chọn sản phẩm công nghiệp chủ lực Hà Nội năm 2019. Trong 2 năm 2018-2019, dự kiến sẽ có khoảng 100 sản phẩm được công nhận sản phẩm công nghiệp chủ lực thành phố, doanh thu các sản phẩm công nghiệp chủ lực đạt 46 nghìn tỷ đồng, chiếm 42,9% tổng doanh thu sản xuất công nghiệp và giá trị xuất khẩu đạt 11.610 tỷ đồng.

Đồng hành cùng doanh nghiệp

Mặc dù đã đạt được những kết quả đáng khích lệ, nhưng việc phát triển các sản phẩm công nghiệp chủ lực vẫn còn khó khăn cần tìm giải pháp tháo gỡ. Theo PGS.TS Trần Đình Thiên (nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam), việc chế tạo hầu hết sản phẩm vẫn ở dạng gia công đơn giản, phụ thuộc nhiều vào nguyên liệu nhập khẩu. Ngoài ra, các sản phẩm công nghiệp chủ lực của Hà Nội cũng chưa tận dụng tốt cơ hội trong hội nhập, thu hút chuyển giao công nghệ tiên tiến... Bản thân các doanh nghiệp có sản phẩm công nghiệp chủ lực chưa liên kết được với nhau thành chuỗi sản xuất - tiêu thụ để đạt hiệu quả.

Ở góc độ doanh nghiệp, ông Phạm Anh Tuấn, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Đá Thạch Anh cao cấp (Vicostone) bày tỏ: "Một số sản phẩm công nghiệp chủ lực của thành phố đang bị đánh đồng vào sản phẩm chất lượng thấp, điều này gây ra hệ lụy cho các doanh nghiệp làm ăn chân chính. Bên cạnh đó, những vấn đề về thuế, vốn, mặt bằng sản xuất, thủ tục hành chính… là những khó khăn mà doanh nghiệp đang phải đối mặt".

Để thúc đẩy hơn nữa thế mạnh cho sản phẩm công nghiệp chủ lực Thủ đô, ông Phạm Hòa Bình, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Dệt công nghiệp Hà Nội kiến nghị, ngoài các hoạt động tuyên truyền quảng bá giới thiệu sản phẩm, cần có cơ chế cụ thể cho nhóm sản phẩm công nghiệp chủ lực, như hỗ trợ xúc tiến thương mại, hỗ trợ vay vốn, chính sách thuế… cho phù hợp. Ngành chức năng, cấp có thẩm quyền phải xác định rõ sản phẩm nào có thế mạnh nên ưu tiên tập trung đầu tư trọng tâm, tránh đầu tư dàn trải, có như vậy mới có thể tạo đà cho sự phát triển lâu dài...

Theo ông Lê Quý Khả, thành phố nên xem xét giải quyết một số vấn đề về cải cách thủ tục hành chính. Đây sẽ là động lực quan trọng để doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh, phát triển sản xuất và nguồn nhân lực. 

Lắng nghe các ý kiến của doanh nghiệp về một số khó khăn, tại hội nghị “Đối thoại đồng hành cùng phát triển giữa lãnh đạo thành phố và doanh nghiệp sản xuất sản phẩm công nghiệp chủ lực thành phố Hà Nội”, do Sở Công Thương Hà Nội tổ chức trung tuần tháng 10-2019, ông Lê Hồng Thăng, Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội khẳng định, Sở sẽ tập hợp kiến nghị của các doanh nghiệp, từ đó kiến nghị lên cấp có thẩm quyền.

“Để thúc đẩy phát triển sản phẩm công nghiệp chủ lực, Hà Nội đã đưa ra nhiều giải pháp. Theo đó, rà soát, ban hành, triển khai các cơ chế, chính sách; đẩy mạnh hoạt động xúc tiến đầu tư, thương mại và hỗ trợ doanh nghiệp; tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư và sản xuất, kinh doanh; tuyên truyền, tôn vinh sản phẩm công nghiệp chủ lực và nâng cao uy tín chương trình sản phẩm công nghiệp chủ lực thành phố; nâng cao năng lực cạnh tranh và hỗ trợ doanh nghiệp phát triển khoa học công nghệ; phát triển nguồn nhân lực...” - ông Lê Hồng Thăng nhấn mạnh.

Hy vọng, với việc đồng hành như trên sẽ góp phần quan trọng để các sản phẩm công nghiệp chủ lực phát huy được thế mạnh.

Link nội dung: https://nhipsongsaigon.net/phat-huy-the-manh-san-pham-cong-nghiep-chu-luc-a2462.html