Thúc đẩy thanh niên khởi nghiệp
Sáng 10/9, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về Luật Thanh niên sửa đổi. Tại phiên họp, Bộ trưởng Nội vụ Lê Vĩnh Tân cho biết, sau 13 năm triển khai thực hiện và tổng kết thi hành Luật Thanh niên, cho thấy việc ban hành luật đã tạo cơ sở pháp lý cho việc chăm lo, giáo dục, bồi dưỡng và phát huy thanh niên; tác động tích cực đối với phong trào thanh niên; đồng thời phát huy vai trò của tổ chức thanh niên, trong đó trung tâm là Đoàn TNCS Hồ Chí Minh và nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về thanh niên.
Tuy nhiên, trong bối cảnh kinh tế - xã hội của đất nước và nhu cầu của thanh niên đã có nhiều thay đổi, trước yêu cầu của thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, các chính sách, pháp luật đối với thanh niên cần phải tiếp tục đổi mới, hoàn thiện để đáp ứng bối cảnh hiện nay và tạo điều kiện cho thanh niên phát triển.
Theo ông Tân, dự thảo Luật Thanh niên (sửa đổi) gồm 6 Chương, 62 Điều, tăng 26 điều so với luật hiện hành. “Dự thảo Luật quy định rõ trách nhiệm của gia đình, nhà trường trong việc chăm lo, bảo đảm cho thanh niên được học tập, phát triển tài năng, giáo dục rèn luyện nhân cách, đạo đức, chăm sóc rèn luyện sức khỏe, định hướng nghề nghiệp, lao động việc làm”, ông Tân cho hay.
Qua nghiên cứu, Thường trực Ủy ban Văn hóa, giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng cho rằng, thanh niên là một trong những nhân tố có vai trò quan trọng, quyết định tương lai, vận mệnh của đất nước, có sức trẻ, thể lực dồi dào, tư duy năng động, sáng tạo.
Thường trực Ủy ban cho rằng, mục đích chính của việc xây dựng quyền, nghĩa vụ cũng như chính sách đối với thanh niên là nhằm tạo hành lang pháp lý để thanh niên phát huy sức trẻ, khả năng, trí tuệ đóng góp vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, không phải tạo ra đặc quyền, đặc lợi cho thanh niên so với những công dân khác. Vì vậy, Thường trực Ủy ban đề nghị Ban soạn thảo xác định lại cách tiếp cận để từ đó xây dựng nội dung các quyền, nghĩa vụ và chính sách một cách khoa học, có giá trị trong thực tiễn thi hành.
Về chính sách hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp, Thường trực Ủy ban nhận thấy đây là chính sách mới, gắn liền với xu hướng khởi nghiệp sáng tạo của thanh niên. Hiện nay, vấn đề này vẫn chưa có hành lang pháp lý đầy đủ nên việc quy định vào dự thảo là cần thiết. Tuy nhiên, cần nghiên cứu kỹ các vấn đề liên quan đến khởi nghiệp sáng tạo để khuyến khích, thúc đẩy phong trào thanh niên khởi nghiệp.
Đầu phiên thảo luận, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị Bí thư thứ Nhất T.Ư Đoàn TNCS Hồ Chí Minh giải thích về sự khác nhau giữa Đoàn thanh niên với Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam. Theo Bí thư thứ Nhất T.Ư Đoàn TNCS Hồ Chí Minh Lê Quốc Phong, Đoàn Thanh niên là tổ chức chính trị xã hội của thanh niên Việt Nam, còn Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam là tổ chức xã hội rộng rãi của thanh niên.
Cũng theo anh Phong, để trở thành một thành viên của Đoàn, thì điều kiện, yêu cầu khó khăn hơn về tính chính trị, tính ưu tú, thông qua hệ thống tổ chức để xét chọn. “Hội Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam xem như mặt trận tập hợp rộng rãi thanh niên trong tất cả các đối tượng thanh niên. Ai cũng có thể vào Hội được, nhưng ai muốn vào Đoàn thì chưa chắc vào được nếu như không đủ các điều kiện”, anh Phong cho hay.
Về quy mô, Đoàn Thanh niên có 6,3 triệu đoàn viên, với hệ thống các cấp từ trung ương đến cơ sở. Còn Hội Liên hiệp thanh niên có khoảng 10 triệu thành viên, với các đối tượng khác nhau. Đặc biệt, nhà nước hiện nay cũng không cấp về con người cho Hội Liên hiệp thanh niên và Hội Sinh viên mà phải sử dụng “người của mình”, TƯ Đoàn phải giới thiệu người sang và ở các địa phương cũng vậy. Còn vấn đề ngân sách thì được thực hiện theo chương trình, yêu cầu cụ thể hàng năm.
Đề xuất nâng tuổi thanh niên lên 35, hoặc 40 tuổi
“Đừng hỏi Tổ quốc đã làm gì cho ta, mà cần hỏi ta đã làm gì cho tổ quốc hôm nay”. Viện dẫn câu hát trong bài “Khát vọng tuổi trẻ”, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển mong muốn, việc sửa đổi luật lần này cần phải tiếp lửa cho khí thế hừng hực của thanh niên, đồng thời có sự gắn bó mật thiết giữa quyền lợi và nghĩa vụ của thanh niên Việt Nam, đâu cần thanh niên có, đâu khó có thanh niên.
Cũng tại phiên thảo luận, nhiều đại biểu còn đề nghị nghiên cứu về mô hình Bộ Thanh niên, do Bí thư thứ Nhất T.Ư Đoàn làm Bộ trưởng, để thực hiện chức năng quản lý nhà nước về công tác thanh niên. Theo Trưởng Ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải, ở nhiều nước trên thế giới, lực lượng thanh niên còn được tham gia vào việc hoạch định chính sách. Nét mới này được thế giới nhấn mạnh tại nhiều diễn đàn về thanh niên, nên chúng ta cũng cần phải quan tâm đến vấn đề này.
Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định nhắc lại câu của Bác Hồ: “Một năm khởi đầu từ mùa xuân. Một đời khởi đầu từ tuổi trẻ. Tuổi trẻ là mùa xuân của xã hội”. Ông Định cho rằng, trong bối cảnh hiện nay, đã là công dân toàn cầu thì thanh niên cũng cần toàn cầu. Do vậy, sửa luật lần này phải làm sao tháo gỡ được khó khăn, bất cập và cả những cái yếu của thanh niên. Ông cũng đề xuất, nghiên cứu nâng độ tuổi thanh niên lên 35 hay 40 tuổi, vì quy định độ tuổi thanh niên 30 tuổi thì quá thấp.
Nhất trí với sự cần thiết sửa đổi luật lần này, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị ban soạn thảo bám sát điều 37 Hiến pháp 2013, lực lượng thanh niên được tạo điều kiện trong học tập, lao động, đi đầu trong sáng tạo và bảo vệ tổ quốc.., đối với những quy định đã được đề cập trong các luật chuyên ngành thì không nên quy định vào trong luật này. Đề nghị tách bạch giữa quyền lợi và nghĩa vụ của thanh niên, Chủ tịch Quốc hội cũng nhất trí với quy định về đối thoại thanh niên, nhưng lưu ý cân nhắc tính thiết thực, hiệu quả và tránh hình thức, tránh trùng lặp quá nhiều cuộc đối thoại...
LUÂN DŨNG/ TPO
Link nội dung: https://nhipsongsaigon.net/sua-luat-de-tiep-lua-cho-cac-phong-trao-thanh-nien-a2392.html