Trong thời gian qua, việc triển khai ký mới “Hợp đồng quyền sử dụng điểm kinh doanh” của Ban Quản lý chợ An Đông (BQL chợ) đã được sự đồng thuận cao trong tiểu thương, tuy nhiên, vẫn còn một số ý kiến trái chiều nhân danh “tiểu thương”. Sự thật ra sao?
Pháp lý và thẩm quyền
Theo bản mẫu hợp đồng mới nhất do BQL chợ cung cấp (bản sử dụng để ký trực tiếp với tiểu thương), cùng các tài liệu, văn bản pháp lý để hình thành hợp đồng cho thấy; hợp đồng mới (thời gian thực hiện từ ngày 1-8-2019 đến ngày 31-7-2029) xuất phát từ nguyện vọng của tiểu thương qua các lần đề xuất, kiến nghị đến cơ quan các cấp để thay thế hợp đồng đang thuê. Tại Thông báo số 86/TB-VP ngày 8-2-2018 của Văn phòng HĐND và UBND TPHCM về truyền đạt ý kiến kết luận của Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong, giao cho UBND quận 5 và BQL chợ triển khai hợp đồng mới với thời hạn là 10 năm tại Trung tâm TM-DV An Đông (chợ An Đông). Đối với đề xuất ổn định, lâu dài trong việc sử dụng quầy sạp của tiểu thương tại các chợ truyền thống trên địa bàn thành phố, ngày 14-6-2019, UBND thành phố có Công văn số 2334/UBND-KT nêu rõ “... về thời hạn cho thuê điểm kinh doanh tại chợ trên địa bàn TPHCM tối đa là 10 năm”.
Tên gọi Trung tâm TM-DVAn Đông là tên gọi của toàn bộ khối công trình (bao gồm 6 tầng và sân thượng). Ngày 30-12-1991, UBND TPHCM ban hành Quyết định số 784/QĐ-UB thành lập Ban Quản lý Trung tâm TM-DV An Đông với chức năng, nhiệm vụ chính là quản lý toàn bộ hoạt động của chợ truyền thống trong phạm vi từ tầng hầm đến tầng 2. Đến ngày 14-1-2003, Chính phủ ban hành Nghị định số 02/2003/NĐ-CP về phát triển quản lý chợ. Theo đó, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của BQL chợ hoàn toàn phù hợp với các quy định tại nghị định này. Do đó, dù có tên gọi là Trung tâm TM-DV An Đông, nhưng về pháp lý vẫn xác định, đây là loại hình chợ truyền thống. Căn cứ khoản 1, khoản 2 Điều 8 Nghị định số 02/2003/NĐ-CP, BQL chợ là đơn vị sự nghiệp công lập, có tư cách pháp nhân và đủ thẩm quyền để ký hợp đồng với thương nhân. Đồng thời, khoản 2 có nêu rõ, hình thức để giao kết với thương nhân được xác định tên gọi là “Hợp đồng” và tùy theo tính chất sẽ được giao quyền sử dụng hoặc cho thuê; hoàn toàn không có tên gọi là Giấy chứng nhận, Giấy công nhận hoặc Giấy xác nhận về điểm kinh doanh. Từ đây, có thể thấy việc triển khai ký hợp đồng quyền sử dụng điểm kinh doanh với thời hạn 10 năm của BQL chợ là hoàn toàn phù hợp với quy định pháp luật hiện hành.
Theo các tài liệu thu thập được, công trình Trung tâm TM-DV An Đông được hình thành từ sự hợp tác đầu tư giữa Công ty Phát triển nhà quận 5 và Công ty Tư doanh Việt Hoa theo Hợp đồng số 14/HĐKT-PTN ngày 27-11-1990 (pháp nhân kế thừa hợp pháp là Ban Quản lý Trung tâm TM-DV An Đông, theo Công văn số 2004/UBND-TCKH ngày 10-11-2005 của UBND quận 5). Theo nội dung hợp tác, phía Công ty Việt Hoa có trách nhiệm bố trí 100% nguồn vốn để đầu tư xây dựng công trình, được quyền khai thác thông qua ký hợp đồng sang nhượng đối với các tổ chức, cá nhân có nhu cầu trong thời hạn 20 năm, khi hết thời hạn này công trình được bàn giao lại cho Nhà nước.
Với quyền sở hữu tài sản được xác lập nêu trên, việc một số cá nhân đi đòi quyền sở hữu quầy sạp và ý kiến của một luật sư cho rằng việc thanh toán theo nhiều kỳ là hình thức tiểu thương góp vốn xây dựng chợ và UBND quận 5 phải ra văn bản xác nhận việc góp vốn này là không có cơ sở pháp lý để xem xét giải quyết. Mối quan hệ giữa Công ty Việt Hoa và tiểu thương về bản chất là mối quan hệ cho thuê thông qua hợp đồng với thời hạn 20 năm. Việc thanh toán trước và thanh toán trả chậm nhiều kỳ là hình thức thỏa thuận để thực hiện hợp đồng, không phải là góp vốn xây dựng chợ. Theo ý kiến của một tiểu thương kinh doanh lâu năm tại chợ: “Công ty Việt Hoa xây dựng chợ xong bà con mới vào mua sạp để kinh doanh, làm gì có việc góp vốn xây chợ, hiện giờ Công ty Việt Hoa vẫn còn hoạt động, có gì cứ tìm hỏi Việt Hoa sẽ rõ”. Ông Đinh Hồ Duy Ngọc, Trưởng BQL chợ cũng khẳng định: “Đối với việc thương nhân yêu cầu công nhận quyền sở hữu quầy sạp và xác nhận góp vốn xây dựng chợ, căn cứ theo tài liệu lưu trữ và các quy định của pháp luật, hoàn toàn không có cơ sở để xem xét giải quyết”.
Ký hợp đồng - quyền lợi của tiểu thương
Đến thời điểm hiện tại, có rất nhiều tiểu thương đã liên hệ tiến hành thủ tục để ký hợp đồng, một số khác tuy chưa đến hạn nhưng vẫn đề nghị BQL chợ cho tiến hành ký trước để nhận hợp đồng sớm. Tuy nhiên, vẫn còn một số cá nhân đang đi “vận động” người khác không ký hợp đồng với lời hứa “sẽ đòi được sở hữu quầy sạp”.
Theo tiểu thương L.T.V.T: “Đợt triển khai hợp đồng kỳ này rất dân chủ, tất cả tiểu thương đều nhận được bộ dự thảo kèm phiếu góp ý trước khi dự họp; các ý kiến góp ý đều được lắng nghe, xem xét tiếp thu và sau đó được thông tin lại với bà con rất rõ ràng. Đến giờ, khi cầm quyển hợp đồng mẫu trên tay, tôi rất vui vì BQL chợ đã chỉnh sửa các nội dung, điều khoản hoàn toàn có lợi cho thương nhân, ký xong hợp đồng mới, tôi sẽ tập trung vào việc kinh doanh của mình”. Với tiểu thương K.P, việc ký hợp đồng là quyền lợi trực tiếp của cá nhân, mong rằng mọi người sẽ tự tìm hiểu rõ ràng để có sự lựa chọn đúng đắn, quầy sạp của mình thì mình phải tự quyết định, đừng nghe lời người khác để rồi ảnh hưởng đến quyền lợi của mình.
Có thể nói, việc tiểu thương ký hợp đồng với BQL chợ trong thời điểm hiện tại góp phần ổn định hoạt động kinh doanh và chung tay xây dựng chợ An Đông ngày càng phát triển, lấy lại vị thế là một trong những chợ đầu mối lớn nhất của khu vực phía Nam. Bên cạnh đó, theo nguyện vọng của rất nhiều tiểu thương, UBND quận 5 và các đơn vị có liên quan cần sớm khắc phục những hạn chế, thiếu sót trong quá trình đầu tư nâng cấp sửa chữa, hoàn thiện hệ thống máy lạnh và sớm khởi công việc nâng cấp 4 mặt tiền chợ để tạo ưu thế cạnh tranh và thu hút khách hàng đến mua sắm.
Từ 1-8-2019, BQL chợ An Đông tiến hành ký hợp đồng mới với các tiểu thương. Theo ông Vũ Dương Lâm, ngay sau khi phát hành thông báo đợt 1 đến 242 sạp, chỉ trong 2 ngày 1 và 2-8, BQL chợ đã tiến hành thủ tục ký mới với 93 sạp. Trong thời hạn 45 ngày, sẽ ký hợp đồng với 2.300 sạp. |
HẢI SƠN/SGGPO