Ngành sản xuất Việt Nam đang đứng trước những cơ hội chuyển mình mạnh mẽ.
Tại diễn đàn “METALEX Vietnam – Welding Vietnam 2019”,Ông Vũ Trọng Tài – TGĐ Reed Tradex Vietnam chia sẻ: chúng ta đang ở trong một giai đoạn đặc biệt với những cơ hội to lớn để phát triển sản xuất, tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu, nhưng cùng với đó là các thách thức không dễ vượt qua. Cuộc chiến thương mại chưa có hồi kết giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc sẽ mang lại cơ hội vàng cho các doanh nghiệp Việt trong việc đón nhận các nhu cầu cung ứng hàng thay thế, nhằm tránh hàng rào thuế. Các hiệp định CPTPP và EVFTA sẽ mở ra các thị trường rộng lớn, đồng thời cũng mang đến sự cạnh tranh cam go hơn rất nhiều cho các nhà sản xuất Việt Nam.
Đại diện các doanh nghiệp tham dự Diễn đàn
Tuy nhiên, khả năng cung ứng và tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu của các doanh nghiệp nội địa còn rất thấp. Theo thống kê của Bộ Công Thương, Việt Nam hiện có 1.800 doanh nghiệp sản xuất phụ tùng, linh kiện, thế nhưng chỉ có khoảng 300 doanh nghiệp tham gia mạng lưới sản xuất của các tập đoàn đa quốc gia, chiếm khoảng 17%. So với các quốc gia trong khu vực, ô tô sản xuất lắp ráp tại Việt Nam có chi phí cao hơn khoảng 20% do quy mô nhỏ và tỷ lệ nội địa hóa thấp. Hiện ô tô sản xuất lắp ráp trong nước mới đạt tỷ lệ nội địa hóa bình quân khoảng 7-10% và các sản phẩm đã được nội địa hóa mang hàm lượng công nghệ rất thấp.
Ông Frank Weiand – GĐ Hợp phần Liên kết DN nước ngoài, Dự án Kết nối DNNVV – Link SME của USAID cho biết: doanh nghiệp nhỏ và vừa – SME tại Việt Nam chiếm tới 98% tổng số doanh nghiệp, 63% thị trường việc làm và đóng góp 45% vào GDP. Việt Nam cũng đứng trước cơ hội lớn khi tổng vốn đầu tư nước ngoài – FDI, năm 2018 là 35 tỷ USD, các doanh nghiệp FDI đóng góp tới 70% sản lượng xuất khẩu của Việt Nam và sân chơi có sự hiện diện của các “ông lớn” từ Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan và Hoa Kỳ. Tuy nhiên, chỉ có rất ít doanh nghiệp Việt Nam đủ tiêu chuẩn tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu vì nhiều lý do như tỷ lệ áp dụng công nghệ mới còn thấp, năng suất thấp, thiếu kinh nghiệm làm việc với các công ty nước ngoài, nhân viên và quản lý không đủ kỹ năng, rào cản ngôn ngữ, hạn chế về tài chính…Chúng tôi đang tìm nguồn cung ứng từ các DNVN, chúng tôi sẽ tạo sự thay đổi trong hệ thống DNVN và DN Nhà nước, dựa vào quỹ 21 triệu USD của USAID giải quyết trong 05 năm. Ở giai đoạn 01, chúng tôi sẽ đầu tư cho ngành cung ứng điện tử và cơ khí, đến năm 2023 thì kết thúc. Chúng tôi chọn 02 ngành này trước tiên là vì nó chiếm tỷ trọng lớn trong xuất khẩu và sự dự đoán tương lai gần sẽ tăng vượt bậc. Hiện nay; các doanh nghiệp nước ngoài tại VN thường hay chọn nhà cung ứng nước ngoài vào chuỗi sản xuất của họ, không chọn DNVN. Bởi vì, do đầu tư của DNVN còn lạc hậu, thiếu kinh nghiệm làm việc với người nước ngoài, thiếu chuẩn quốc tế…
Ông Frank Weiand - Giám đốc hợp phần Liên kết DN nước ngoài, Dự án Kết nối Doanh nghiệp nhỏ và vừa của USAID phát biểu tại diễn đàn
Để nâng cao năng lực doanh nghiệp nhằm tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu, công nghệ hiện đại với mô hình nhà máy của tương lai là một điều thiết yếu.
Ông Huỳnh Phong Phú – GĐ Ban Robot và Tự động hóa nhà máy – Cty ABB Việt Nam đánh giá xu hướng ứng dụng robot công nghiệp trong nhà máy thời đại 4.0: ngành công nghiệp sản xuất phụ trợ tại Việt Nam đang phát triển hơn bao giờ hết, khi hội tụ cùng lúc nhiều điều kiện, sự xuất hiện các nhà sản xuất quy mô lớn trên thế giới như: Samsung, LG, Toyota, Honda, Canon, Brother tại Việt Nam, một số cơ sở sản xuất này là trong tâm trong cả hệ thống cung ứng sản xuất trên toàn thế giới. Các nhà sản xuất, lắp ráp Việt Nam cũng đã phát triển đến quy mô lớn và tuân thủ các quy định, tiêu chuẩn sản xuất của thế giới. Hai điều kiện trên đã thúc đẩy sự phát triển của hệ thống các doanh nghiệm cung ứng, phụ trợ. Các yêu cầu về sản phẩm và năng suất cũng tăng lên. Đây chính là những yếu tố đã thúc đẩy ngành công nghiệp phụ trợ phát triển cả về lượng và chất trong thời gian gần đây.”
Trên thực tế, Robot ABB đã được áp dụng trong hầu hết ngành sản xuất công nghiệp với các phần mềm và giải pháp được tối ưu từ kinh nghiệm hơn 40 năm qua. Tại Việt Nam, đã có hơn 5.000 robot ABB được đưa vào vận hành, với một số ứng dụng như: gắp thả, đóng gói, xếp pallet trong các ngành sản xuất tiêu dùng, thực phẩm, đồ uống…hàn, cắt, gia công kim loại trong các ngành ô tô, xe máy, công nghiệp phụ trợ, sản xuất sản phẩm kim loại nói chung; Lắp ráp, kiểm tra trong ngành điện tử.
Các diễn giả cho rằng, để tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu các DN Việt bắt buộc phải nâng cao chất lượng sản phẩm và tăng năng suất lao động thông qua đầu tư công nghệ, thiết bị và giải pháp thông minh hơn
Ông Nguyễn Duy An – Người sáng lập Cty Giải pháp Kỹ thuật Công nghệ Ánh Dương, Đại lý độc quyền của Polysoude chia sẻ: công nghệ hàn orbital hay còn lại là hàn quỹ đạo là một quá trình hàn liên tục, đường hàn xoay tròn 360 độ nhờ điện cực được quay tròn qua kết cấu cơ khí dạng kẹp. Do khả năng hàn đạt được kết quả độ tinh khiết cao, công nghệ hàn quỹ đạo được ứng dụng rộng rãi trong sản xuất các thành phần cho ngành công nghiệp bán dẫn, mở rộng đến các công trình hệ thống đường ống và thiết bị cho các ngành công nghiệp khác nhau như chế biến thực phẩm, dược phẩm, kỹ thuật hóa học, kỹ thuật ô tô, công nghệ sinh học, đóng tàu và hàng không vũ trụ”.
Bà Lê Nguyễn Duy Oanh – Phó GĐ TTPT Công nghiệp hỗ trợ TP.HCM – CSID: giới thiệu về gói hỗ trợ lãi vay cho dự án đầu tư thiết bị, công nghệ và xây dựng cơ bản, không quá 200 tỷ đồng/dự án. Đối với vốn vay cho đầu tư thiết bị, công nghệ được hỗ trợ lãi vay không quá 85% tổng mức đầu tư của dự án. Thời gian thực hiện hỗ trợ lãi vay từ ngày 01/11/2018 đến ngày 31/12/2020. Đây là quy định thực hiện chính sách hỗ trợ lãi vay nhằm phát triển công nghệ hỗ trợ đối với các dự án phù hợp chủ trương đầu tư. Đối tượng được hỗ trợ là các doanh nghiệp, tổ chức kinh tế trong nước, có 100% vốn trong nước, được thành lập và hoạt động theo Luật Doanh nghiệp, Luật Hợp tác xã có dự án đầu tư trên địa bàn TP.HCM.
Tại diễn đàn, ông Frank Weiand cũng thông báo về: Dự án Kết nối Doanh nghiệp nhỏ và vừa – LinkSME của USAID chọn triển lãm tại Metalex Vietnam 2019 như một nền tảng kết nối kinh doanh hữu hiệu, giúp các doanh nghiệp Việt Nam tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu. Dự án LinkSME của USAID sẽ hỗ trợ tối đa 10 nhà sản xuất tham gia triển lãm tại Metalex Vietnam 2019, giúp họ có cơ hội hợp tác kinh doanh với hàng ngàn nhà sản xuất và nhà cung cấp.
ABB đã xác nhận tham gia triển lãm Metalex Vietnam 2019 và mang đến một mô hình sản xuất tự động hóa hoàn toàn, các robot được điều khiển đồng bộ và kiểm soát chặt chẽ với tính năng kết nối từ xa ABB AbilityTM. Khách hàng sẽ trải nghiệm được phần nào về khái niệm nhà máy tương lai, mà ở đó việc sản xuất đảm bảo cả về chất lượng – năng suất – giá thành ổn định và an toàn.
“Welding Vietnam 2019”; triển lãm quốc tế hàng đầu tại Việt Nam về vật liệu, thiết bị và công nghệ hàn cắt sẽ ra mắt lần đầu tiên tại Metalex Vietnam 2019, sự kiện hứa hẹn trở thành nền tảng toàn diện cho các nhà công nghiệp Việt Nam và nước ngoài khám phá những công nghệ và giải pháp mới nhất trong ngành công nghiệp hàn.
Metalex Vietnam 2019: triển lãm quốc tế chuyên ngành về máy công cụ và giải pháp gia công kim loại tại Việt Nam sẽ khai mạc vào ngày 10/12/2019, tại Trung tâm Hội chợ & Triển lãm Sài Gòn – SECC, với chủ đề “Ngành sản xuất tăng trưởng cùng những tiến bộ vượt trội”, trong đó làm nổi bật mô hình và ứng dụng của nhà máy thông minh. Metalex Vietnam 2019 sẽ trưng bày những cải tiến trong máy công cụ, cơ khí chính xác và công nghệ gia công cơ khí của hơn 500 thương hiệu từ 25 quốc gia, quy tụ trên 10.000 khách tham quan chuyên ngành.
Để biết thêm thông tin, vui lòng truy cập: https://www.metalexvietnam.com/
Ngọc Diễn
Link nội dung: https://nhipsongsaigon.net/dien-dan-metalex-vietnam-welding-vietnam-2019-a2258.html