Phát biểu tại hội nghị, Phó Bí thư Thành ủy TPHCM Võ Thị Dung đánh giá, thời gian qua, cấp ủy, chính quyền các cấp đã nhận thức được vai trò, tầm quan trọng của công tác quản lý nhà, đất và tài sản gắn liền với đất thuộc sở hữu nhà nước, góp phần đưa công tác này từng bước vào nền nếp; kịp thời chấn chỉnh, xử lý các trường hợp vi phạm, thu hồi tài sản về cho nhà nước.
Song, công tác này vẫn còn nhiều hạn chế, sai phạm như: sử dụng nhà, đất công không đúng mục đích, bị lấn chiếm, có trường hợp không thu hồi được; xác định giá thuê không đúng giá thị trường, gây thất thu ngân sách; trong liên doanh, liên kết, nhiều đơn vị định giá nhà đất thấp so với giá thị trường dẫn đến nguy cơ bị mất vốn, mất tài sản…
Đồng chí Võ Thị Dung yêu cầu cấp ủy các sở ngành và 24 quận - huyện tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo, rà soát quỹ nhà, đất công được giao quản lý; đề xuất giải pháp quản lý phù hợp. Đặc biệt, các cấp ủy đảng, các đơn vị liên quan cần khắc phục ngay các hạn chế, khuyết điểm, vi phạm; tăng cường kiểm tra, thanh tra, giám sát nội bộ. Công tác kiểm tra, giám sát cũng phải được thực hiện nghiêm túc, khắc phục tình trạng nể nang, né tránh, ngại va chạm, nhằm góp phần đưa công tác quản lý, sử dụng nhà đất công trên địa bàn TPHCM đi vào nền nếp, chặt chẽ và mang lại hiệu quả cao.
Trước đó, báo cáo tại hội nghị, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Thành ủy TPHCM Trần Văn Nam cho biết, theo phương án sắp xếp, xử lý nhà, đất công được UBND TPHCM và Bộ Tài chính phê duyệt có gần 12.840 địa chỉ; trong đó khối trung ương có 2.000 địa chỉ, khối TP gần 10.840 địa chỉ. Thực trạng sử dụng cho thấy nhà, đất công được giao cho các sở ngành, đơn vị sự nghiệp, 24 quận - huyện, tổng công ty, công ty quản lý chủ yếu sử dụng làm văn phòng.
KIỀU PHONG/SGGPO
Link nội dung: https://nhipsongsaigon.net/nghien-cuu-mo-hinh-quan-ly-nha-dat-cong-hieu-qua-a2238.html