Con đường “gãy răng”
Đường từ trung tâm huyện Phù Yên (Sơn La) về trung tâm xã Tân Lang được trải nhựa phẳng lì nên không khó khăn gì để đến xã có cái tên khá diễm tình này. Đến trung tâm xã khi trời đã tối, nhưng tôi vẫn quyết định lên bản Cà và Tường Cà. Trên đường đi, tôi gặp một người đàn ông đi bộ từ trên núi xuống, ông khuyên: “Trời tối anh đừng đi lên 2 bản này, không có cọp beo gì đâu, nhưng đường xấu lắm, buổi tối sương núi xuống ướt đá, đường trơn sẽ không an toàn”.
Đêm đó tôi đành tá túc ở nhà người đàn ông tốt bụng này. Ông là Nguyễn Kiên Cường, một cựu chiến binh bị nhiễm chất độc da cam. Nhà ông ở ngay con đường rẽ lên hai bản nên những gì người dân của hai bản gặp phải khi đi trên con đường này ông đều nắm rất rõ.
Mái trường mầm non hỏng các cháu phải đi học nhờ. Ảnh: G.T
Sau bữa cơm, ông tỉ tê với tôi về con đường này: “Con đường có chiều dài 2,8km, đúng ra phải được trải nhựa vì đây là tiêu chuẩn của bản tái định cư (Cà và Tường Cà là hai bản tái định cư của người dân vùng lòng hồ thủy điện Sơn La - PV). Nhưng không hiểu vì lý do gì mà con đường chỉ được lót đá hộc rồi đổ đất lên trên. 10 năm trước đường đi có thể nói là tạm được, nhưng mấy năm trở lại đây đường trở thành cơn ác mộng với toàn bộ người, ngựa, xe”.
Sáng hôm sau tạm biệt ông Cường khi trời còn mờ sương núi, tôi tìm đường lên bản. Chỉ vừa leo lên con dốc đầu tiên, tôi đã gặp ác mộng. Lòng đường là những tảng đá hộc lổn nhổn to như những cái rá đựng gạo vứt lung tung khắp đường. Biết đường lên bản khó đi, tôi được 2 anh trưởng bản Cà và Tường Cà xuống đón. Trưởng bản Cà Hà Văn Công (35 tuổi) nhìn con đường vắt ngang núi về bản mình nói như thanh minh: “Các anh lên vào thời điểm này còn đi được vì chúng tôi vừa huy động hơn 200 công của bà con 2 bản đi xếp lại đá, chứ trước đó đây là con đường hành xác”.
Kể về con đường hành xác này, trưởng bản Công nói tiếp: “Trên con đường này không thể nhớ đã xảy ra bao nhiêu vụ tai nạn. Ngay cả mấy đứa trẻ nhà tôi, đi học về bị ngã xe, xây xước chân, tay, gãy răng là chuyện thường. Đường xấu đến mức, nhiều con ngựa đi thồ ngô, thồ phân cho bà con làm nương bị ngã gẫy chân phải mang thịt, gây thiệt hại vô kể. Chẳng phải đâu xa, tháng 4 vừa rồi tôi đi họp dưới xã về, trời tối, đường trơn, cả người và xe bị đo đường, hậu quả tôi gãy mất một chiếc răng hàm, đi cắm lại tốn gần 2 triệu đồng và phải nghỉ việc mất mấy buổi”.
Cũng là trưởng bản, hàng ngày phải thường xuyên xuống xã họp, trưởng bản Tường Cà - Cầm Văn Thành (30 tuổi) cũng vừa phải chia tay chiếc răng cửa của mình. Sau buổi đi họp dưới xã về, giữa đường xe đâm vào cục đá làm anh ngã lộn nhào, gửi lại chiếc răng cửa cho con đường đau khổ này.
Chỉ vì đường đi quá khó, mà những chuyện như hài lại diễn ra thường xuyên. Chuyện bà bầu đau đẻ nằm võng, dùng cây tre luồn qua hai đầu chiếc võng, rồi huy động người dân khênh xuống trạm y tế xã đẻ cũng là chuyện thường, vì chẳng ai đủ can đảm ngồi xe máy để rồi đẻ rơi giữa đường vì xóc. Đã có trường hợp, chị Trần Thị Lan (bản Cà) trong cơn trở dạ, trên đường xuống trạm y tế đã đẻ rơi ngay trên đường và đặt tên con là Đinh Văn Đường để nhớ về đoạn đường đi đẻ.
Theo anh Công, đường xấu nên dân bản thiệt hại đủ đường: Giá ngô dưới xã cách đó chưa đầy 3km có giá 4,5 triệu đồng/tấn thì trên bản chỉ có 3 triệu đồng/tấn vì đường đi quá khó. Mọi hàng hóa đến bản đều đắt. Một quả trứng dưới xã có giá 2.500 đồng, bà con phải mua 4.000 đồng; một cân thịt bà con mua 120.000 đồng ở bản, nếu đi xuống chợ chỉ có 80.000 đồng…
Trường dột, nhà hoang
Trưởng bản Hà Văn Công người bị ngã gãy răng về con đường. Ảnh: G.T
Không chỉ con đường lên 2 bản này khó đi mà nơi đây còn có những việc rất hài hước. Để phục vụ con em trong bản, Nhà nước đầu tư xây dựng 2 phòng học cho trẻ mầm non, nhưng có mặt ở đây mới thấy cảnh tượng hoang tàn của 2 phòng học này: Cột kèo bên trong đã gãy mái, nhà thì sụt không thể sử dụng được nữa. Để tránh tai nạn cho các cháu mầm non (18 cháu), trường phải sơ tán sang phòng chờ dành cho giáo viên tiểu học. Cô giáo Hà Thị Hiền chia sẻ: “Phòng chật nên mọi hình thức tổ chức hoạt động cho các cháu đều rất khó triển khai, mọi thứ đồ dùng đều thiếu thốn”.
Về hai lớp học thủng mái, cô giáo Đỗ Thị Kiều Thu - Hiệu trưởng Trường Mầm non xã Tân Lang cho biết: “Nhà trường đã có kế hoạch sửa chữa 2 phòng học này rồi, hy vọng các cháu sớm có lớp học đúng tiêu chuẩn”.
Trên đường vào bản Tường Cà, chúng tôi đã thấy nhà văn hóa bị bỏ hoang. Theo trưởng bản Cà Hà Văn Công, nhà văn hóa được xây cách đây ít năm, trị giá khoảng 800 triệu đồng, nhưng từ ngày khánh thành đến nay họp được có một buổi. Theo bà con, khi làm nhà văn hóa chẳng ai hỏi ý kiến người dân, nhà văn hóa xây đối diện ngay bãi tha ma nên bị bỏ hoang, lọt thỏm giữa nương ngô, không còn đường vào nữa. Có vài người dân thấy nhà văn hóa bị bỏ hoang đã tự ý tháo cửa mang về nhà mình dùng, thế là 800 triệu đồng đầu tư của Nhà nước giờ chỉ còn lại một ngôi nhà hoang, thỉnh thoảng có con trâu, con bò đi lạc vào. Để khắc phục tình trạng không nhà văn hóa, Nhà nước lại duyệt cho bản Tường Cà xây thêm một nhà văn hóa nữa...
Con đường lên bản như hành xác, lớp học dột tứ tung, nhà văn hóa bỏ hoang, cuộc sống muôn vàn khó khăn: Đồng bào bản Cà và Tường Cà sẽ mãi còn đeo đẳng cảm giác bị bỏ quên như suốt hàng chục năm nay nếu như không có sự đầu tư đồng bộ về điện, đường, trường, trạm!
Theo Dân Việt
Link nội dung: https://nhipsongsaigon.net/ban-lang-bi-quen-lang-a1810.html