Ngày 9/11, tỷ phú Donald Trump giành thắng lợi trong cuộc bầu cử, trở thành tổng thống thứ 45 của Mỹ.
Nếu ông Trump thực hiện đúng những gì đã nói trong chiến dịch tranh cử, nền giáo dục nước Mỹ có thể sẽ nhiều thay đổi.
Các trường phải cạnh tranh để phát triển
Với việc thực hiện Đạo luật Giáo dục tiểu học và trung học cơ sở cùng Đạo luật No Child Left Behind (tạm dịch: không đứa trẻ nào bị bỏ lại), Bộ Giáo dục Mỹ đưa ra hơn 250 chương trình hỗ trợ nghiên cứu giáo dục, nghệ thuật tại các trường công lập, trợ cấp học sinh nghèo, trẻ em tàn tật, …
|
Tỷ phú Donald Trump vừa trở thành tổng thống thứ 45 của Mỹ. Ảnh: AP.
|
Trên thực tế, nguồn tài chính của các trường công lập chủ yếu đến từ ngân sách bang và hỗ trợ từ chính phủ liên bang.
Ngược lại, các trường tư thục hoạt động bằng nguồn vốn từ học phí do học sinh đóng góp và tiền hiến tặng. Mặc dù được đầu tư nhiều hơn, chất lượng dạy học của trường công lại không bằng trường tư.
Tuy nhiên, điều này có thể sẽ thay đổi khi ông Trump làm tổng thống với kế hoạch hỗ trợ tài chính cho trường tư thục, đồng thời cắt giảm đầu tư đối với trường công lập. Đây là chính sách nhằm tăng cường tính cạnh tranh trong giáo dục.
Donald Trump khẳng định mọi phụ huynh, dù giàu hay nghèo, đều có quyền lựa chọn cho con theo học tại trường tốt nhất.
Ông đồng thời chỉ trích việc chính quyền bang trợ cấp tài chính cho hệ thống trường công lập là biểu hiện của sự độc quyền nhà nước trong giáo dục và cho rằng sự cạnh tranh giữa các trường sẽ phá vỡ thế độc quyền này.
Vì thế, tổng thống thứ 45 của Mỹ dự định chi khoảng 20 tỷ USD từ ngân sách nhằm hỗ trợ các gia đình trong việc chọn trường. Khoản tiền này được phát cho họ dưới dạng phiếu giảm giá trong giáo dục.
Như vậy, giáo dục sẽ trở thành thị trường tự do có cạnh tranh. Ông Trump tin rằng sự thay đổi này buộc các trường, cả công lập lẫn tư thục, nâng cao chất lượng giảng dạy để thu hút học sinh thay vì lấy học phí rẻ làm lợi thế như trước đây.
Sinh viên sẽ phải tự lập hơn
Tuy nhiên, nếu Donald Trump thực sự cắt giảm hỗ trợ cho học sinh, sinh viên nghèo và trẻ em có nhu cầu đặc biệt sẽ khiến họ gặp khó khăn trong việc tiếp cận giáo dục.
Chính sách này sẽ ảnh hưởng hàng nghìn sinh viên xuất thân từ gia đình có thu nhập thấp, thậm chí nhiều người không còn cơ hội theo học tại các trường đại học, cao đẳng do mất đi nguồn trợ cấp của chính phủ thông qua chương trình Pell Grants.
|
Ông Trump cho rằng chính phủ không nên liên quan vấn đề nợ sinh viên. Ảnh: AP.
|
Bên cạnh đó, nhà tỷ phú cũng cho rằng chính phủ không nên liên quan nợ sinh viên – một vấn đề nhức nhối trong xã hội Mỹ. Theo ông, đây là vấn đề giữa sinh viên và các ngân hàng tư nhân.
Chính sách này trái hẳn với những gì bà Hillary Clinton hứa sẽ thực hiện nếu đắc cử. Trong quá trình tranh cử, ứng viên phe Dân chủ bày tỏ muốn góp phần giải quyết tình trạng nợ sinh viên thông qua việc cung cấp giáo dục đại học miễn phí cho gia đình có thu nhập dưới 125.000 USD/năm.
Mặc dù Trump không lên tiếng về chính sách của đối thủ, thái độ của Sam Clovis, giám đốc chính sách cho chiến dịch tranh cử của vị tỷ phú, phần nào thể hiện quan điểm của ông trong vấn đề này.
Ông Clovis từng nhận xét cách làm của bà Clinton rất thiếu thực tế vì bà không thể chỉ ra chính phủ sẽ lấy tiền từ đâu để có chương trình giáo dục đại học miễn phí.
Ngược lại, ông đề cao tính thực tế, các ngân hàng sẽ chỉ cho sinh viên vay dựa trên triển vọng nghề nghiệp của họ.
“Nếu bạn muốn nghiên cứu hội họa pháp ở thế kỷ 16, được thôi, tôi ủng hộ nghệ thuật nhưng bạn khó kiếm nổi công việc nếu học ngành đó”, Sam Clovis nói.
Điều này đồng nghĩa việc lượng tiền sinh viên được vay trong quá trình đi học sẽ tương đương khoản tiền họ có thể kiếm được trong tương lai. Ông tin rằng đây là cách nhằm hạn chế rủi ro cho ngân hàng và buộc sinh viên phải sống tự lập, biết chịu trách nhiệm với lựa chọn của bản thân hơn.
Để bù lại nguy cơ nhiều người không thể học đại học do kinh tế eo hẹp, Trump đề nghị họ theo học cao đẳng cộng đồng. Ông cho rằng những trường này dễ giúp sinh viên thành công, đặc biệt nếu họ theo các ngành đào tạo nghề.
Đương nhiên, tân tổng thống buộc giới trẻ tự lập hơn không có nghĩa ông bỏ mặc họ tự đối mặt khó khăn khi bước chân vào xã hội.
Trong quá trình tranh cử, ông tuyên bố sẽ tạo ra 25 triệu việc làm trong 10 năm tới, nhất là trong lĩnh vực sản xuất mà theo ông lâu nay bị chuyển ra nước ngoài.
Ông khẳng định việc giảm thuế doanh nghiệp từ 35% xuống 15% cùng với việc đầu tư cơ sở hạ tầng, cắt giảm thâm hụt thương mại và xóa bỏ một số rào cản pháp lý khác sẽ giúp tạo thêm nhiều công ăn việc làm cho người Mỹ.
Hiện tại, người ta chưa thể đánh giá những chính sách trên của Donald Trump hiệu quả hay không. Tuy nhiên, trong vấn đề giáo dục, vị tỷ phú này đã khiến nhiều người tranh luận.
Một trong số những vấn đề tranh cãi là ông phản đối chương trình cốt lõi, chỉ trích đây là biểu hiện của tình trạng quan liêu trong giáo dục. Tuy nhiên, trên thực tế, việc áp dụng nó hay không và áp dụng như thế nào vốn phụ thuộc vào quyết định của từng bang. Chính phủ Mỹ không có quyền can thiệp vào chương trình giảng dạy tại các trường trên cả nước.
Theo Nguyễn Sương
Nguồn: Zing News