- Trước cái chết của con trai, bà mẹ người Anh viết tâm thư nhằm thức tỉnh mọi người về nạn bắt nạt học đường và mối nguy từ mạng xã hội. Bà mong muốn chuyện đau lòng không lặp lại.
Ngày 27/4, nam sinh 17 tuổi Felix Alexander ở Worcester, Anh, lao vào đoàn tàu chạy qua khu vực gần nhà cậu. Felix qua đời ngay tại hiện trường trong khi bố mẹ cậu vẫn nghĩ con trai đang đến trường.
Một cuộc điều tra cho thấy nam sinh "hiền lành và chu đáo" quyết định chấm dứt cuộc đời sau nhiều năm bị bắt nạt ở trường.
Ngay từ khi Felix theo học trường King danh tiếng năm 10 tuổi, cậu thường xuyên phải hứng chịu bạo lực học đường. Bạn bè chế giễu cậu chỉ vì cậu không được phép chơi trò chơi điện tử.
Chưa dừng lại ở đó, bạn học tiếp tục giễu cợt Felix trên mạng xã hội.
Khi cậu học trung học tại trường Pershore, tình hình vẫn không khá hơn. Thậm chí, những người không hề quen biết Felix cũng tìm mọi cách để bắt nạt cậu trên mạng xã hội.
Nam sinh 17 tuổi gần như bị cô lập hoàn toàn, không thể kết bạn với bất kỳ ai. Tình trạng này kéo dài gần 7 năm cho đến khi cậu không thể chịu đựng thêm nữa và tự chấm dứt tuổi trẻ, tương lai của mình dưới bánh tàu hỏa.
Trong nỗi đau tột cùng trước cái chết đột ngột của con trai, cô Lucy Alexander viết bức tâm thư mở, kể về nỗi đau, nguyên nhân Felix hành động tiêu cực.
Nam sinh tự chấm dứt cuộc đời ở tuổi 17 vì bị bắt nạt ở trường và trên mạng xã hội. Ảnh: SWNS. |
Bức tâm thư của bà mẹ mất con:
Ngày 27/4/2016, con trai của chúng tôi tự tử vì thằng bé không tìm thấy biện pháp nào để sống vui vẻ. Sự tự tin cùng lòng tự trọng của Felix bị xói mòn trong quãng thời gian dài bị bắt nạt ở trường trung học cơ sở.
Mọi chuyện bắt đầu từ lòng độc ác và sự cô lập. Trong những năm qua, mạng xã hội ra đời khiến bạo lực học đường trở nên tàn nhẫn và lấn át mọi thứ.
Thậm chí, những người chưa từng gặp Felix cũng tìm cách bắt nạt cậu bé trên mạng xã hội. Con trai chúng tôi cảm thấy nó không thể kết bạn hay duy trì mối quan hệ bạn bè vì không ai muốn hay dám chơi với người "bị ghét" nhất trường.
Cậu bé đi học một cách mệt mỏi và cảm thấy mỗi ngày đến trường là một cuộc chiến tàn khốc.
Felix chuyển trường dù nó không hề muốn vậy. Dù rất khổ sở, thằng bé vẫn cảm thấy khiếp sợ trước những người xa lạ. Vì con trai chúng tôi tự cảm thấy mình vô dụng nên ở trường khác, tình hình cũng chẳng khác mấy.
Thằng bé thực sự cố gắng kết bạn. Nhân viên trường nhận xét nó là học sinh thông minh, tốt bụng và chu đáo.
Thế nhưng, bạo lực học đường, việc bị cô lập, đối xử tàn nhẫn trong thời gian dài đã hủy hoại Felix đến mức con tôi không thể biết được vẫn có những người thực sự quan tâm đến mình.
Giáo viên nhận xét Felix là nam sinh tử tế và chu đáo. Ảnh: SWNS. |
Tôi viết lá thư này không phải để tìm kiếm sự thương cảm mà vì rất nhiều đứa trẻ như Felix đang phải đấu tranh để tồn tại ở trường học. Chúng ta cần phải thức tỉnh để nhận thấy thế giới này tàn nhẫn đến mức nào.
Tôi kêu gọi mỗi đứa trẻ hay luôn sống tử tế, đừng hùa theo hay ngó lơ trước bạo lực học đường. Các em hãy là người sẵn sàng đứng lên chống lại cái ác. Chúng ta sẽ không bao giờ phải hối hận khi làm một người bạn tốt.
Tôi từng nghe rằng "mọi người đều nói những lời bâng quơ trên mạng xã hội". Sự độc ác được coi như một trò đùa vì họ không thấy hậu quả của chúng nên không tin rằng chúng thực sự ảnh hưởng xấu đến người khác.
Gần đây, tôi đọc một trích dẫn trên Facebook và nó khiến tôi suy nghĩ rất nhiều: "Nó đúng không? Cần thiết không? Tử tế không?".
Con cái của chúng ta cần hiểu rằng những hành động đó gây hậu quả và làm tổn thương người khác, thậm chí những "anh hùng bàn phím" cũng có thể giết người.
Không phải mọi đứa trẻ đều tham gia vào các vụ bắt nạt trên mạng xã hội nhưng chúng vẫn có thể có tội vì tạo điều kiện cho người khác làm điều đó. Chúng có tội vì không tố cáo, không giúp đỡ, không làm bạn với nạn nhân. Điều này tương đương việc chúng đang ủng hộ hành vi bạo lực.
Tôi kêu gọi các giáo viên chú ý đến các dấu hiệu cho thấy học sinh mình gặp khó khăn. Điểm số thấp hay hành vi tồi tệ là biểu hiện của một đứa trẻ đang cần giúp đỡ.
Hãy lắng nghe phụ huynh khi họ trình bày các rắc rối và quan sát cách trẻ tương tác với người khác. Liệu các em có đang thui thủi một mình trong giờ giải lao hay ăn trưa? Liệu chúng có trầm tĩnh hay ồn ào quá mức?
Tôi không hy vọng giáo viên trở thành nhà tâm lý học nhưng họ có cái nhìn tổng quan riêng về cuộc sống và có thể phát hiện vấn đề sớm để tìm cách giúp đỡ.
Giáo dục là một phần thiết yếu tạo ra sự thay đổi. Trẻ em cần được thấy sự cần thiết của lòng tốt từ khi còn nhỏ. Hãy để trẻ học bài học giá trị này trong chương trình Đạo đức từ những năm đầu đến trường.
Tất cả các em đều sớm sở hữu smartphone và cần được hướng dẫn cách sử dụng chúng một cách tử tế, có trách nhiệm.
Cuối cùng, tôi kêu gọi các phụ huynh làm ơn hãy quan tâm đến hoạt động của con trên mạng xã hội, tìm hiểu ngôn từ chúng sử dụng và chắc chắn rằng nó phù hợp và tử tế.
Chúng ta đều không muốn nghĩ rằng con mình có thể phải chịu trách nhiệm vì đã đối xử độc ác với người khác. Nhưng tôi thực sự rất sốc khi những đứa trẻ "tốt" phải chịu trách nhiệm một phần cho nỗi thống khổ của Felix. Dù chúng chỉ nói lời khủng khiếp một lần và không phải là người duy nhất nói lời trêu cợt trong tuần đó.
Các cuộc trò chuyện nhóm và vấn đề đặc biệt vì chúng có thể dễ dàng biến đổi thành các "đại hội vùi dập" một ai đó. Việc nói những câu như "Tại sao bạn không chặn họ?", "Bạn không cần phải đọc nó!" quá đơn giản.
Đây là cách giới trẻ đang giao tiếp và nhiều người thậm chí mất khả năng đối thoại trực tiếp một cách hiệu quả.
Trong một số trường hợp, chúng tôi ngăn Felix tiếp xúc mạng xã hội vì nó gây quá nhiều đau khổ nhưng vô tình khiến con cô độc hơn. Con trai tôi đã cảm thấy đó là sự trừng phạt chứ không phải cách bố mẹ bảo vệ nó.
Hãy quan sát tài khoản Twitter, Instagram, Snapchat, Googlechat và Facebook của con bạn, giúp chúng hiểu rằng nếu chúng viết hay đăng bất cứ điều gì mà không muốn bố mẹ đọc được thì đừng nên viết nó. Phụ huynh nên giúp con tự biên tập bài đăng trước khi đưa lên mạng xã hội.
Con bạn đang xem gì trên mạng trong phòng ngủ? Con bạn đang chứng kiến thực tế biến dạng của bạo lực và khiêu dâm khi những thứ này đang được "bình thường hóa" bởi vì sự truy cập dễ dàng.
Chúng ta có trách nhiệm chung trong việc ngăn chặn những đứa trẻ tự đánh mất cơ hội sống vì hành vi bắt nạt và sự tàn nhẫn.
Bạn có thể nhận ra trong thư này, tôi lặp lại một từ khá nhiều và tôi không thấy có lỗi khi làm thế. Từ đó là "sự tử tế". Tôi đã nói điều này tại lễ tang của con trai.
Làm ơn hãy luôn tử tế vì bạn không bao giờ biết được người khác đang nghĩ gì hay cảm thấy như thế nào. Cuộc sống của chúng tôi đã bị hủy hoại vì sự ra đi của cậu con trai tuyệt vời.
Làm ơn đừng để chuyện này xảy ra với bất kỳ gia đình nào khác.
Theo Nguyễn Sương
(ZingNews)
Link nội dung: https://nhipsongsaigon.net/la-thu-canh-tinh-tu-ba-me-co-con-tu-tu-vi-bi-ban-si-nhuc-a1652.html