Căng thẳng Campuchia-Thái Lan: Các tuyến thương mại bị cắt đứt, du lịch sụp đổ, vốn đầu tư thoái lui

Biên giới Campuchia-Thái Lan từng là một hành lang nhộn nhịp cho hoạt động xuất khẩu nông sản và sản xuất xuyên biên giới giờ đây vắng vẻ, hậu quả kinh tế đang lây lan...

Căng thẳng Campuchia-Thái Lan: Các tuyến thương mại bị cắt đứt, du lịch sụp đổ, vốn nước ngoài rút lui
Hậu quả kinh tế đang lan rộng sau căng thẳng Campuchia-Thái Lan, khiến các tuyến thương mại bị cắt đứt, du lịch sụp đổ, đầu tư thoái lui... (Nguồn: Ảnh tạo bằng AI)

Bắt nguồn từ tranh chấp biên giới kéo dài, căng thẳng Campuchia-Thái Lan leo thang, rồi bùng phát thành các cuộc giao tranh dữ dội từ ngày 24/7, với sự tham gia của máy bay chiến đấu, pháo binh, xe tăng và bộ binh.

Chỉ trong ít giờ, nhiều dân thường đã thiệt mạng, một số cơ sở hạ tầng hai bên bị phá hủy. Không bàn tới chuyện ai hơn ai, không nói về những đòn tấn công hay trả đũa tàn khốc, nhưng thiệt hại kinh tế của các bên đều thấy rõ ràng, nó tác động đến quyết định của các nhà đầu tư, các tuyến đường thương mại bị cắt đứt, du lịch sụp đổ và vốn nước ngoài đang rút lui…

Hiệu ứng lây lan do đóng cửa biên giới

Leo thang căng thẳng đã gây gián đoạn nghiêm trọng hoạt động thương mại và hậu cần xuyên biên giới, mà phần lớn đã bị ngắt quảng từ khi biên giới Thái Lan-Campuchia bị đóng cửa hoàn toàn, kể cả các chuyến bay thương mại cũng có thể bị đình chỉ do quyết định từ mỗi bên.

Việc Thái Lan đột ngột đóng cửa tất cả các trạm kiểm soát biên giới vào cuối tháng 7/2025 và Campuchia tuyên bố ngừng nhập khẩu trái cây và rau quả của Thái Lan - một ngành trị giá 1,2 tỷ USD mỗi năm, đã làm tê liệt thương mại song phương. Tình hình đang cho thấy sự tăng trưởng mạnh mẽ sau năm 2023, nay đã bị đảo ngược bởi những căng thẳng đang diễn ra tại biên giới hai nước.

Nguy hiểm hơn, sự gián đoạn này không chỉ giới hạn trong quan hệ song phương. Chuỗi cung ứng ở khu vực sông Mekong vốn đã gặp những hạn chế do căng thẳng thương mại Mỹ-Trung Quốc, nay phải đối mặt thêm nhiều trở ngại hơn nữa. Chẳng hạn, việc đóng cửa khẩu biên giới Sisaket-Bavet - một nút thắt quan trọng cho việc vận chuyển cao su và gạo - đã buộc hàng hóa phải chuyển hướng qua lối khác, làm tăng thời gian và chi phí vận chuyển.

Như cảnh báo của giới phân tích kinh tế, các nhà đầu tư vào các công ty logistics như Thai Post hoặc nhà điều hành cảng biển Campuchia Westports Holdings nên chuẩn bị cho việc biên lợi nhuận bị giảm cho đến khi tình hình ổn định trở lại.

Theo thống kê, du lịch – vốn đóng góp khoảng 12% GDP của Thái Lan và 9,4% GDP của Campuchia – có thể sẽ suy giảm ở cả hai nước, đặc biệt tại các khu vực có đền thờ di sản và các địa điểm du lịch văn hóa nổi tiếng ở biên giới. Căng thẳng trên thực địa sẽ cản trở nỗ lực của cả Campuchia và Thái Lan trong việc phục hồi ngành du lịch, vốn vẫn chưa thể trở lại như trước đại dịch Covid-19 ở cả hai quốc gia.

Cụ thể, ngành du lịch vốn là một trụ cột của nền kinh tế Campuchia, như đang bị “bao vây”. Ngôi đền Preah Vihear hơn 1.000 năm tuổi và cũng là một di sản thế giới nổi tiếng được UNESCO công nhận giờ đây nằm trong vùng nguy hiểm, khi nó cách ngôi đền Ta Moan Thom (tiếng Khmer) hay tiếng Thái là Ta Muen Thom - nơi đang xảy ra xung đột không xa.

Báo cáo của Bộ Du lịch Campuchia cho thấy, lượng khách quốc tế giảm tới 70% trong tháng 7/2025 so với cùng kỳ năm 2024. Con số này còn thể hiện ở cổ phiếu ngành dịch vụ lưu trú giảm 12%, phản ánh một tâm lý bi quan chung bao trùm.

Cuộc khủng hoảng cũng đe dọa các tỉnh phía Bắc Thái Lan. Surin và Sisaket từng nổi tiếng với các chợ biên giới và lễ hội văn hóa đã chứng kiến các khách sạn và nhà hàng đóng cửa hàng loạt.

Bi quan bao trùm, nhà đầu tư lo sợ nguy hiểm

Đối với các nhà đầu tư, hiện trạng tại khu vực này đang báo hiệu phải đánh giá lại việc tiếp cận các tài sản liên quan ngành du lịch. Bất ổn chính trị và bế tắc quân sự thực sự đang cản trở dòng vốn FDI, khiến các nhà đầu tư phải phòng ngừa rủi ro và chuyển hướng ưu tiên các lĩnh vực có khả năng chống chịu xung đột. Chẳng hạn, việc đa dạng hóa sang các trung tâm du lịch khác như Chiang Mai hoặc các nền tảng du lịch ứng dụng công nghệ có thể giúp giảm thiểu rủi ro.

Trên thực tế, dòng vốn FDI ở cả hai nước Thái Lan và Campuchia đều đang "tháo lui", dù ngày 25/7, hai bên đều đã có những tuyên bố thể hiện thiện chí giải quyết đụng độ, sau 2 ngày liên tiếp giao tranh với các cuộc không kích và đấu pháo gây thương vong cho cả hai bên.

Phát biểu sau cuộc họp kín của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (LHQ), Đại sứ Campuchia tại LHQ Chhea Keo tuyên bố, nước này muốn đạt được “một lệnh ngừng bắn ngay lập tức và vô điều kiện” với Thái Lan, đồng thời kêu gọi giải quyết tranh chấp một cách hòa bình.

Trong khi đó, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Thái Lan Nikorndej Balankura cho biết, đến chiều 25/7 (giờ địa phương), tình hình đã bắt đầu hạ nhiệt, đồng thời tuyên bố Bangkok sẵn sàng đàm phán nếu Campuchia muốn giải quyết vấn đề này qua kênh ngoại giao song phương hoặc thông qua trung gian là Malaysia.

Đánh giá tình hình thực tế, tờ Bangkok Post đưa tin, Bộ trưởng Tài chính Thái Lan Pichai Chunhavajira thừa nhận, bất ổn đang diễn ra do các cuộc đụng độ giữa lực lượng an ninh dọc biên giới Thái Lan-Campuchia đã ảnh hưởng đến sự an toàn của người dân địa phương và mở rộng tác động đến nền kinh tế, cũng như cấu trúc xã hội của các cộng đồng nơi đây.

Chủ trì cuộc họp của Ủy ban Rà soát kích thích kinh tế thuộc Bộ Tài chính vào ngày 23/7, Bộ trưởng Pichai Chunhavajira cho biết, các vụ việc đã gây thiệt hại về tài sản và làm gián đoạn nghiêm trọng sinh kế, nghề nghiệp và hoạt động kinh doanh của người dân trong khu vực. Để ứng phó, Bộ Tài chính Thái Lan đã ban hành các biện pháp nhằm giảm thiểu tác động kinh tế đối với các cộng đồng dọc biên giới Thái Lan - Campuchia bằng cách thực hiện giãn nợ, giảm lãi suất và các biện pháp cho vay lãi suất thấp cho các cá nhân bị ảnh hưởng.

Ngoài ra, Tổng cục Kiểm toán Thái Lan đã tăng thẩm quyền chi tiêu khẩn cấp cho các Tỉnh trưởng dọc biên giới với Campuchia lên 100 triệu Baht (thông thường các tỉnh chỉ được phép chi tiêu không quá 20 triệu Baht trong các trường hợp khẩn cấp) tại bốn tỉnh, cụ thể là Surin, Sri Sa Ket, Buri Ram và Ubon Ratchathani, để hỗ trợ các nỗ lực cứu trợ người dân bị ảnh hưởng bởi các vấn đề liên quan đến biên giới.

Hiện tại, các tổ chức tài chính Thái Lan có chi nhánh tại Campuchia đã phải hồi hương nhân viên người Thái. Hiệp hội Ngân hàng Thái Lan thông báo, các ngân hàng thành viên tạm thời đóng cửa các chi nhánh dọc biên giới với Campuchia để đảm bảo an toàn, với lý do tình hình bất ổn trong khu vực đã gây ra nhiều thương vong, thiệt hại về tài sản và gián đoạn sinh kế của người dân địa phương.

Đó là các vấn đề trên thực tế, còn phân tích của nền tảng tư vấn thương mại và đầu tư AInvest.com đã cảnh báo rõ, căng thẳng Campuchia-Thái Lan cho thấy sự mong manh trong tình hình địa chính trị. Dù tiềm năng kinh tế dài hạn vẫn còn, nhưng tác động ít nhất trong ngắn hạn sẽ khiến các nhà đầu tư hành xử thận trọng hơn nhiều trước khi đưa ra các quyết định trở lại khu vực này.

'); $('.hna-banner-inpage').insertAfter($('#divfirst')); })

Link nội dung: https://nhipsongsaigon.net/cang-thang-campuchia-thai-lan-cac-tuyen-thuong-mai-bi-cat-dut-du-lich-sup-do-von-dau-tu-thoai-lui-a141619.html