Thành công tại Sing! Asia 2025 đánh dấu một bước ngoặt lớn trong hành trình trưởng thành của Phương Mỹ Chi, không chỉ bởi những nốt cao đầy cảm xúc mà chính là cách cô khiến bạn bè quốc tế lắng nghe, cảm nhận văn hóa Việt Nam qua từng giai điệu. Giữa sân khấu quốc tế, Phương Mỹ Chi không chọn pop, không chọn EDM mà mang đến một phong vị riêng, thứ âm nhạc dân gian pha đương đại, vừa lạ mà cũng vừa gần. Thế nhưng trái ngược với sự ngưỡng mộ từ khán giả nước ngoài, ở quê nhà, tiếng vang ấy vẫn chưa được nhìn nhận một cách tương xứng.
Phải chăng vì cô là Phương Mỹ Chi - "chị Bảy dân ca" năm nào nên dù đã không ngừng làm mới mình, công chúng vẫn chưa chịu gỡ bỏ chiếc khuôn cũ kỹ ấy để nhìn thấy một nghệ sĩ trẻ đầy bản lĩnh và sáng tạo?
Thực tế, từ khi bước ra từ The Voice Kids 2013, Phương Mỹ Chi gần như gắn chặt với biệt danh "chị Bảy", với dòng dân ca ngọt ngào, mộc mạc. Thời điểm đó, cô bé 10 tuổi trở thành hiện tượng âm nhạc với Quê Em Mùa Nước Lũ nhưng cũng từ đó, cái mác "ca sĩ dân ca" trở thành một khuôn mẫu bất di bất dịch mà khán giả lẫn truyền thông vô thức áp đặt lên cô.
Suốt gần một thập kỷ, dù âm nhạc của Phương Mỹ Chi đã thay đổi rõ rệt, khán giả vẫn thường xuyên hỏi: "Sao không hát dân ca nữa?" hay "Hát kiểu cũ đi, mới lạ quá không nghe được". Chính sự kỳ vọng giữ nguyên một hình ảnh "chị Bảy" thuở bé khiến mọi đổi mới bị nghi ngại.
Không như nhiều nghệ sĩ trẻ khác chọn đi theo thị hiếu thị trường, Phương Mỹ Chi lại quyết định khó hơn với âm nhạc hiện đại kết hợp với chất liệu dân gian. Từ album Vũ Trụ Có Anh đến Buôn Trăng hay Bóng Phù Hoa trên sân khấu Sing! Asia 2025, cô và ê-kíp DTAP khai thác triệt để tạo nên một thứ âm nhạc vừa hiện đại, mới mẻ nhưng vẫn giữ được những chất liệu truyền thống gốc rễ. Dù vậy, sự táo bạo đó lại chưa thực sự bứt phá trong lòng công chúng đại chúng.
Có một nghịch lý là khi nghệ sĩ trẻ làm nhạc thị trường dễ nghe, họ bị cho là chạy theo xu hướng. Còn khi họ chọn con đường bản sắc riêng, lại bị xem là "xa lạ, khó cảm". Vậy câu hỏi đặt ra rằng họ phải làm sao mới được công nhận?
Thành công tại Sing! Asia 2025 không phải cú "phất" may mắn của Phương Mỹ Chi. Nó là thành quả sau nhiều năm Phương Mỹ Chi âm thầm tạo dựng một phong cách riêng, một nghệ sĩ nữ gen Z dám kết nối truyền thống và hiện đại theo cách riêng, không sao chép, không vay mượn. Nhưng chính vì chọn lối đi ngược chiều xu hướng, cô đôi khi lại phải đối mặt với sự lạnh nhạt từ thị trường.
Sau tất cả những sự cố gắng, Phương Mỹ Chi có lẽ không cần một danh xưng "nữ hoàng" ở dòng nhạc nào để khẳng định mình. Điều cô cần, có lẽ chỉ là sự cởi mở hơn từ khán giả, sự đồng cảm hơn từ truyền thông và sự ghi nhận xứng đáng từ thị trường.
Sự bất công lớn nhất, có lẽ là khi một người trẻ dũng cảm thay đổi lại bị xem như "kẻ phản bội chính mình", như thể Phương Mỹ Chi không được quyền trưởng thành dù rằng cô đang làm điều đó bằng tất cả sự trung thành với gốc rễ văn hoá Việt. Và ở tuổi 22, Phương Mỹ Chi xứng đáng được nhìn nhận như một trong những nghệ sĩ trẻ bản lĩnh và đặc sắc nhất của nhạc Việt đương đại.
Link nội dung: https://nhipsongsaigon.net/bat-cong-cho-phuong-my-chi-a140175.html