Trong vài năm trở lại đây, ESG, viết tắt của Environmental (Môi trường), Social (Xã hội) và Governance (Quản trị), đã trở thành cụm từ quen thuộc trong chiến lược doanh nghiệp, các bàn tròn quản trị và thảo luận chính sách. Xuất hiện lần đầu tại Việt Nam năm 2017 khi Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HOSE) giới thiệu Chỉ số Phát triển Bền vững Việt Nam (VNSI) và dân phổ biến trong cộng đồng doanh nghiệp từ cuối 2020, đến nay, ESG đã trở thành yêu cầu bắt buộc đối với các doanh nghiệp đang tiếp cận nguồn vốn xanh. Tuy nhiên, trong làn sóng sôi động ấy, một câu hỏi lớn đang cần cộng đồng cùng giải đáp: liệu chúng ta đã thực sự hiểu đúng để làm đúng ESG và phát triển bền vững một cách thực chất hay chưa?
Với hơn 300 trang và gần 500 trích dẫn từ các nghiên cứu quốc tế và trong nước, cuốn sách “ESG quan trọng nhưng không đặc biệt hơn” của TS. Phạm Việt Anh là một lời phản biện thẳng thắn, sắc bén, trong đó, mục tiêu phản biện là để nhìn rõ nguồn gốc của khái niệm phát triển bền vững và ESG, thông qua việc giới thiệu các quan điểm khoa học đối nghịch nhau về nguyên nhân và tác động của biến đổi khí hậu; nguồn gốc của các chương trình kêu gọi cam kết Net Zero trên toàn cầu; từ đó cũng phân tích các quan điểm trái ngược nhau trên thế giới về ESG. Các phân tích này cho thấy rằng ESG không phải “chiếc đũa thần” cho hành trình bền vững của doanh nghiệp, đưa ra cách “đặt để” đúng chỗ cho ESG để tiếp cận phát triển bền vững đúng cách.
Tác giả cũng đồng thời cung cấp các đề xuất dành cho giới nghiên cứu chính sách, cộng đồng doanh nghiệp, bao gồm doanh nghiệp lớn, doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp siêu nhỏ và người tiêu dùng/ cá nhân trong việc thực hành bền vững. Tác giả Phạm Việt Anh không tô hồng cũng không bài bác ESG, mà giúp người đọc gỡ rối khái niệm, bóc tách những ngộ nhận phổ biến về ESG và phát triển bền vững, đồng thời cung cấp nền tảng tư duy quản trị để ứng dụng ESG một cách phù hợp với năng lực và mục tiêu của từng tổ chức. Cuốn sách còn là tiếng nói cảnh tỉnh trước các rủi ro ESG bị lợi dụng như một công cụ “tẩy xanh” ngắn hạn để tô vẽ hình ảnh doanh nghiệp.
Cuốn sách mở toang cánh cửa ESG cho công chúng
Ngay từ nhan đề, cuốn sách đã đưa ra một lập luận quan trọng cho các doanh nghiệp: ESG là một xu hướng tiến bộ và không thể đảo ngược, nhưng nó không thể, và không nên, được xem là yếu tố đặc biệt hơn so với những giá trị nền tảng khác trong quản trị doanh nghiệp dài hạn. Doanh nghiệp trước hết có trách nhiệm tạo ra lợi nhuận. Nhưng lợi nhuận đó chỉ thật sự có ý nghĩa nếu được tạo dựng trên nền tảng đạo đức và pháp luật, bao gồm đạo đức môi trường, đạo đức xã hội và năng lực quản trị minh bạch.
Từ trái qua_ Host Trần Quốc Khánh, Tác giả Phạm Việt Anh, Chuyên gia Tôn Thất Hạc Minh, Chuyên gia Hà Đăng Sơn
Các nhà lãnh đạo, quản lý doanh nghiệp có thể sử dụng cuốn sách để làm rõ những khái niệm “tính bền vững” (sustainability), “phát triển bền vững” (sustainable development) và ESG, vốn dễ nhầm lẫn trong nhiều báo cáo và chiến lược của doanh nghiệp tại Việt Nam hiện nay. Tác giả không né tránh những câu hỏi gai góc: ESG có phải là phát triển bền vững? Câu trả lời, theo ông, ESG là công cụ để doanh nghiệp đo lường và cải thiện các ưu tiên chiến lược phát triển kinh doanh bền vững chứ không phải là đích đến.
Không dừng lại ở tổng hợp nghiên cứu, cuốn sách còn đưa ra hàng loạt cảnh báo thực tế: nếu doanh nghiệp chỉ hô hào ESG trong báo cáo, tổ chức các hội thảo hình thức mà không đầu tư vào năng lực nội tại, họ sẽ rơi vào “bẫy năng lực”, “bẫy chỉ phí” và thậm chí trở thành gian dối. Khái niệm “nội khử" (Insetting - tập trung giảm phát thải từ bên trong) được ông nhấn mạnh như một chiến lược ưu tiên so với “ngoại bù” (Offsetting - mua quyền phát thải từ bên khác) nhằm đối phó hoặc che giấu. Đồng thời, ông kêu gọi doanh nghiệp xây dựng “năng lực động”, tức khả năng thích ứng linh hoạt và không ngừng đổi mới để có thể thực hành “cân bằng động” trong lựa chọn và ưu tiên các trụ cột ESG, thay vì cố gắng đạt tất cả mọi chỉ số một cách máy móc và tốn kém.
Mô hình “Ngôi nhà bền vững” và vai trò của doanh nghiệp toàn cầu
Đối với các nhà nghiên cứu và hoạch định chính sách, cuốn sách khơi gợi những câu hỏi cần thiết về động lực thật sự của tăng trưởng, về sự thịnh vượng không dựa trên tăng trưởng vô hạn tài nguyên thiên nhiên (Phát triển mà không tăng trưởng) và đề xuất các khái niệm, mô hình tăng trưởng xuất phát từ nội lực. Tác giả khái niệm hóa mô hình Ngôi nhà bền vững (The House of Sustainability), trong đó tiêu thụ bền vững là nền móng vững chắc, là động lực chuyển đổi bên vững sang nền kinh tế xanh, tuần hoàn, tái tạo, công bằng và nhân bản. Mô hình này nhấn mạnh rằng phát triển bền vững không chỉ là trách nhiệm của doanh nghiệp mà còn là sự tham gia của người tiêu dùng, thông qua các lựa chọn tiêu dùng có trách nhiệm. Tác giả khuyến khích cá nhân và tổ chức “làm thật” bằng cách bắt đầu từ những thay đổi nhỏ nhưng thiết thực, đồng thời “không nói quá” về tác động của những hành động này để tránh tạo kỳ vọng không thực tế.
Tác giả Phạm Việt Anh cho rằng doanh nghiệp cần uyển chuyển trong chiến lược và khó có thể đảm bảo 3 trụ cột Môi trường - Quản trị - Xã hội cùng một lúc
Tác giả cũng đưa ra một quan điểm sâu sắc: “Không có chính phủ toàn cầu – chỉ có doanh nghiệp toàn cầu". Trong một thế giới đang đối mặt với biến đổi khí hậu, khủng hoảng tài nguyên và bất bình đẳng gia tăng, chính những tổ chức tư nhân khi hành động cùng nhau mới tạo nên lực lượng dẫn dắt cho sự chuyển mình thực chất của xã hội. Nhưng để làm được điều đó, ESG không thể là khẩu hiệu mà phải là một hành trình đổi mới tư duy, mô hình và giá trị từ bên trong.
Cuốn sách là công trình phản biện sâu sắc về ESG, đồng thời đưa ra những phân tích và đề xuất thực tiễn cho doanh nghiệp, nhà quản lý và nhà hoạch định chính sách trong bối cảnh phát triển bền vững là xu thế không thể đảo ngược trên toàn cầu. Với triết lý “làm thật, sửa sai nhanh và không nói quá", tác phẩm khuyến khích các tổ chức và cá nhân thực hành ESG một cách thực chất, sẵn sàng điều chỉnh khi cần thiết và trảnh thổi phồng kết quả để xây dựng giả trị bền vững lâu dài.
Cuối cùng, với hệ thống thông tin dày đặc nhưng được sắp xếp mạch lạc, “ESG quan trọng nhưn không đặc biệt hơn” là tác phẩm hữu ích giúp độc giả quan tâm tới phát triển bền vững hiểu rõ hơn lĩnh vực này, từ đó xây dựng những thực hành bền vững của chính mình trong bối cảnh phát triển vững đã trở thành xu hướng không thể đảo ngược đối với sự phát triển của kinh tế Việt Nam.
Toạ đàm “Báo cáo bền vững: Làm thật hay làm theo?"
Độc giả đặt câu hỏi về ứng dụng khung báo cáo phát triển bền vững như thế nào mới hiệu quả
Trong buổi giới thiệu sách sáng 05/07/2025 tại Tp. Hồ Chí Minh, đông đảo độc giả của cuốn sách tham dự buổi toạ đàm “Báo cáo bền vững: Làm thật hay làm theo” cùng tác giả và các chuyên gia khách mời. Toạ đàm là không gian thảo luận mở nhằm kiến giải các băn khoăn, tranh luận xoay quanh quá trình thực thi ESG và chuyển đồi bền vững tại Việt Nam.
N.A
Link nội dung: https://nhipsongsaigon.net/tien-si-pham-viet-anh-ra-mat-sach-esg-quan-trong-nhung-khong-dac-biet-hon-a139406.html