FlyTrap: Bước tiến mới trong cuộc đua kiểm soát không phận của Mỹ và các đồng minh NATO

Mỹ và các đồng minh NATO đang thử nghiệm hệ thống thiết bị chống UAV tại Đức, mở ra hướng tiếp cận mới trong bảo vệ không phận trước mối đe dọa ngày càng gia tăng.

FlyTrap: Bước tiến mới trong cuộc đua kiểm soát không phận của Mỹ và các đồng minh NATO
Thử nghiệm máy bay không người lái trong dự án Flytrap. (Nguồn U.S. Army)

Trong bối cảnh máy bay không người lái (UAV) đang trở thành một trong những vũ khí chủ lực trong các cuộc xung đột vũ trang, quân đội Mỹ và các đồng minh NATO đang tiến hành một cuộc thử nghiệm quan trọng nhằm phát triển công nghệ đối phó hiệu quả với loại vũ khí này. Dự án Flytrap tập trung phát triển và thử nghiệm các hệ thống công nghệ chống UAV (C-UAS) mới. Hiện dự án này được triển khai tại một khu huấn luyện quân sự ở Đức, kỳ vọng sẽ trở thành bước đột phá trong chiến lược phòng thủ trên không hiện đại.

Hợp lực cho mục tiêu mới

Dự án Flytrap không chỉ là một cuộc tập trận thông thường mà còn là sáng kiến hợp tác quân sự giữa Mỹ, Anh và các đối tác NATO, tập trung kiểm soát, phát hiện và vô hiệu hóa UAV vốn đang được sử dụng rộng rãi trong các xung đột gần đây. Thử nghiệm này quy tụ nhiều công nghệ tiên tiến từ các quốc gia khác nhau, phản ánh xu hướng toàn cầu hóa trong phát triển khí tài quân sự.

Một trong những điểm nổi bật của Flytrap là tích hợp thiết bị phát hiện UAV Wingman do công ty MyDefence (Đan Mạch) phát triển. Hệ thống này hoạt động bằng cách quét các tín hiệu sóng vô tuyến để xác định sự hiện diện của UAV trong vùng hoạt động. Sau khi phát hiện, thông tin được truyền tới binh sĩ qua tai nghe, giúp họ kịp thời xử lý tình huống.

Khi cần thiết, binh sĩ có thể kích hoạt thiết bị gây nhiễu Pitbull – thiết bị cầm tay có khả năng phá vỡ liên kết điều khiển và hình ảnh truyền về từ UAV trong phạm vi 1.000 mét. Đây là công nghệ được đánh giá có thể khiến đối phương mất hoàn toàn khả năng kiểm soát UAV trong những tình huống tấn công quy mô nhỏ hoặc đột kích.

Đáng chú ý, không phải toàn bộ công nghệ trong dự án Flytrap đều do Mỹ phát triển. Israel – đồng minh thân cận của Mỹ là quốc gia cung cấp hệ thống ngắm bắn quang học SmartShooter. Sản phẩm này ứng dụng phần mềm dự đoán đường bay và tự động hiệu chỉnh mục tiêu, cho phép binh sĩ sử dụng súng trường tiêu chuẩn để bắn hạ UAV với độ chính xác cao. Công ty sản xuất thiết bị này vừa ký hợp đồng trị giá 13 triệu USD với quân đội Mỹ, cho thấy mức độ tin cậy và tiềm năng ứng dụng trên diện rộng.

Về phần mình, Mỹ đóng góp vào dự án bằng hệ thống radar EchoShield, có khả năng phát hiện UAV từ khoảng cách lên tới 1,5km đối với loại nhỏ và 3km với loại lớn có tải trọng cao. EchoShield được thiết kế để lắp đặt trên xe quân sự, giúp tăng cường tính cơ động và khả năng ứng chiến tức thời trong môi trường chiến đấu.

FlyTrap: Bước tiến mới trong cuộc đua kiểm soát không phận của Mỹ và các đồng minh NATO
Binh sĩ tham gia thử nghiệm tại dự án Flytrap. (Nguồn U.S. Army)

Đào tạo chuyên gia chống UAS

Cuộc thử nghiệm Flytrap nhấn mạnh vai trò của con người trong việc vận hành các hệ thống chống UAV. Trung úy Jake Licht, thuộc Tiểu đoàn 5, Trung đoàn Phòng không số 4, nhấn mạnh, mỗi người lính cần phải là một chuyên gia chống UAS (hệ thống bay không người lái bao gồm UAV, trạm điều khiển mặt đất, hệ thống liên lạc và các thành phần hỗ trợ khác). Phát biểu này cho thấy việc kết hợp giữa thiết bị hiện đại và kỹ năng của binh sĩ là yếu tố then chốt để tạo ra hiệu quả thực chiến.

Theo Trung uý Jake Licht, việc phát hiện và phản ứng với UAV trong thời gian ngắn đòi hỏi binh sĩ phải làm chủ cả quy trình – từ nhận diện tín hiệu ban đầu cho đến vô hiệu hóa hoặc tiêu diệt mục tiêu. Đây không chỉ là bài toán về công nghệ, mà còn là thách thức về huấn luyện chiến thuật và tâm lý chiến trường.

Trong khi đó, Giám đốc công nghệ của quân đội Mỹ Alex Miller khẳng định, mục tiêu cuối cùng của các hệ thống này là “đánh chặn các mục tiêu trên bầu trời trước khi chúng có thể gây thiệt hại thực sự”. Quan điểm này thể hiện rõ định hướng phòng thủ chủ động và kiểm soát toàn diện không phận – xu thế đang được nhiều lực lượng quân sự trên thế giới theo đuổi.

Dự kiến cuộc thử nghiệm Flytrap sẽ kết thúc vào tháng 8. Tuy nhiên, những kết quả bước đầu đã cho thấy tiềm năng ứng dụng thực tiễn rất lớn của tổ hợp thiết bị này. Với lợi thế về chi phí và tính cơ động, các hệ thống như Wingman, Pitbull, SmartShooter hay EchoShield có thể nhanh chóng được triển khai trên quy mô lớn tại các điểm nóng quân sự.

Trong bối cảnh UAV đang được sử dụng ngày càng phổ biến để thực hiện các nhiệm vụ do thám, tấn công chính xác hoặc gây nhiễu, việc sở hữu công nghệ chống UAV hiệu quả sẽ trở thành yếu tố quyết định trong việc giữ vững ưu thế chiến lược. NATO, thông qua dự án Flytrap, đang cho thấy sự chuẩn bị nghiêm túc trước những thách thức của các cuộc xung đột công nghệ cao.

Không chỉ mang ý nghĩa chiến thuật, Flytrap còn là minh chứng cho xu hướng quân sự hóa hợp tác công nghệ giữa các quốc gia đồng minh, nơi mà mỗi mắt xích, dù đến từ Mỹ, châu Âu hay Trung Đông, đều đóng vai trò quan trọng trong một hệ thống tác chiến tích hợp và thông minh hơn bao giờ hết.

'); $('.hna-banner-inpage').insertAfter($('#divfirst')); })

Link nội dung: https://nhipsongsaigon.net/flytrap-buoc-tien-moi-trong-cuoc-dua-kiem-soat-khong-phan-cua-my-va-cac-dong-minh-nato-a139290.html