Kích hoạt Trung tâm tài chính quốc tế và phép thử đối với các Fintech Việt

Trong kỷ nguyên số hóa, Trung tâm tài chính quốc tế (IFC) không chỉ là nơi tập trung dòng vốn mà đã phát triển thành hệ sinh thái gắn bó mật thiết với Fintech.

Trung tâm tài chính quốc tế - Cú hích thúc đẩy kinh tế số tăng tốc

Báo cáo của BIS nhận định Fintech có tiềm năng biến đổi cách thức cung cấp dịch vụ tài chính, thúc đẩy mô hình kinh doanh mới và sự phát triển bền vững của hệ sinh thái tài chính. Tại khu vực châu Á, Singapore đã khẳng định vị thế của một Trung tâm tài chính quốc tế hàng đầu với chiến lược kiến tạo môi trường thuận lợi cho Fintech phát triển.

Năm 2016 Ngân hàng Trung ương Singapore ra mắt FinTech Regulatory Sandbox và nâng cấp lên Sandbox Plus để tăng cường hỗ trợ tài chính, rút ngắn thời gian phê duyệt các thử nghiệm đổi mới. Cùng với quá trình xây dựng trung tâm dữ liệu tài chính, thúc đẩy ngân hàng mở, gia tăng cấp vốn… Fintech đã trở thành động lực phát triển kinh tế số tại Singapore.

Kích hoạt Trung tâm tài chính quốc tế và phép thử đối với các Fintech Việt- Ảnh 1.

Fintech trở thành động lực giúp Singapore tăng tốc trên bản đồ kinh tế số quốc tế. (Ảnh: Singapore Tourism)

Tại Hong Kong, lợi thế “one country, two systems” cùng Fintech đã thu hút lượng lớn đầu tư quốc tế. Năm 2019, Cơ quan Tiền tệ Hong Kong cấp giấy phép cho các ngân hàng ảo như WeLab Bank, ZA Bank, Mox Bank… và cho phép các ngân hàng số thiết lập chi nhánh giới hạn, đổi tên “ngân hàng ảo” thành “ngân hàng số được cấp phép”. Quá trình hòa nhập vào hệ sinh thái tài chính hiện đại đưa Fintech trở thành một phần quan trọng trong cấu trúc tài chính tại Hong Kong.

Ở vị thế người đi sau, Thượng Hải đang nỗ lực hướng tới mục tiêu trở thành Trung tâm tài chính quốc tế vào năm 2035. Chính quyền thành phố đã công bố kế hoạch phát triển Fintech thông qua tài chính xanh và công nghệ Blockchain. Chiến lược này đang mở ra một môi trường thử nghiệm linh hoạt, cho phép các công ty Fintech đóng góp trực tiếp vào các mục tiêu tài chính quốc gia, tạo nên một hệ sinh thái đổi mới đầy tiềm năng.

Cơ hội nào cho Fintech Việt trong kỷ nguyên số?

Việt Nam với quy mô GDP Top 32 thế giới, đang đứng trước cơ hội thuận lợi, khẳng định vị trí trên bản đồ tài chính khu vực. Tại Kỳ họp thứ 9 (ngày 27/6/2025), Quốc hội thông qua Nghị quyết về việc thành lập và phát triển Trung tâm tài chính quốc tế tại Việt Nam có hiệu lực từ ngày 1/9/2025. Theo đó, Nghị quyết đưa ra nhiều chính sách đặc thù phát triển IFC, đặc biệt là chính sách thử nghiệm có kiểm soát dịch vụ tài chính ứng dụng công nghệ (Fintech) và đổi mới sáng tạo, phát triển các loại thị trường, sàn giao dịch hàng hóa.

Kích hoạt Trung tâm tài chính quốc tế và phép thử đối với các Fintech Việt- Ảnh 2.

Đà Nẵng chuẩn bị các điều kiện sẵn sàng cho hoạt động của Trung tâm tài chính quốc tế. (Ảnh: Internet)

Ông Phạm Tiến Dũng - Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước - nhận định: “Cơ chế và quy định về Fintech tại Việt Nam đang dần hoàn thiện, hướng tới tạo ra môi trường pháp lý thuận lợi, đồng thời bảo đảm an toàn và ổn định cho thị trường. Kinh tế số Việt Nam vì thế không chỉ hướng đến việc thu hút đầu tư quốc tế mà còn là phép thử năng lực đổi mới của cả hệ sinh thái tài chính trong nước”.

Thời gian qua nhiều doanh nghiệp fintech nội địa như Viettel Money, Timo, VnPay… đã nhanh chóng chiếm lĩnh thị phần người dùng lớn, từng bước xây dựng nền tảng vững chắc về hạ tầng và trải nghiệm tài chính số. Sau thời điểm 1/7/2025, những fintech này có thể tận dụng sandbox để thử nghiệm các sản phẩm mới như cho vay vi mô, bảo hiểm công nghệ hay đầu tư số, trước khi đưa ra thị trường khu vực.

Kích hoạt Trung tâm tài chính quốc tế và phép thử đối với các Fintech Việt- Ảnh 3.

Viettel Money cung cấp hơn 350 dịch vụ từ thanh toán số đến tài chính số, góp phần phổ cập tài chính số tại Việt Nam. (Ảnh: Viettel Money)

"Tấm vé" mới trên bản đồ tài chính châu Á

Kinh tế Việt Nam đang đứng trước cơ hội mới, trở thành điểm đến của dòng vốn quốc tế. Kinh nghiêm xây dựng IFC của Singapore, Hong Kong hay Thượng Hải cho thấy Fintech sẽ chỉ thực sự phát triển bền vững nếu hội tụ đầy đủ các yếu tố về thể chế vững mạnh, chính sách linh hoạt, tầm nhìn chiến lược.

Xây dựng, phát triển một Trung tâm tài chính quốc tế là một hành trình dài, đòi hỏi sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan quản lý Nhà nước và cộng đồng doanh nghiệp. Cơ hội lớn nhất của Fintech Việt Nam nằm ở khả năng vươn ra khu vực, tham gia vào sân chơi tài chính chuyên nghiệp hơn. Việc tiếp cận nguồn vốn quốc tế, công nghệ tiên tiến và kinh nghiệm quản lý từ các Trung tâm tài chính quốc tế hàng đầu sẽ là động lực mạnh mẽ để doanh nghiệp tham gia vào chuỗi giá trị tài chính quốc tế với tinh thần đổi mới, sáng tạo.

Tuy nhiên, để giành "tấm vé" bước vào sân chơi tài chính toàn cầu, doanh nghiệp cần sẵn sàng đối mặt với áp lực cạnh tranh, tuân thủ tiêu chuẩn quốc tế về bảo mật và quản trị rủi ro,... đồng thời không ngừng nâng cao năng lực đổi mới, sáng tạo.

Link nội dung: https://nhipsongsaigon.net/kich-hoat-trung-tam-tai-chinh-quoc-te-va-phep-thu-doi-voi-cac-fintech-viet-a139114.html