Sửa đổi Hiến pháp năm 2013: Khẳng định rõ địa vị pháp lý của Mặt trận

(Chinhphu.vn) - Mặt trận Tổ quốc Việt Nam với việc nâng cao địa vị pháp lý trong Hiến pháp sẽ ngày càng khẳng định vị thế, tính chất của “liên minh chính trị, liên hiệp tự nguyện rộng lớn”, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân, tạo đồng thuận xã hội, thắt chặt mối quan hệ giữa nhân dân với Đảng và Nhà nước.

Sửa đổi Hiến pháp năm 2013: Khẳng định rõ địa vị pháp lý của Mặt trận- Ảnh 1.

PGS.TS. Bùi Thị An, nguyên đại biểu Quốc hội khóa XIII: "Rất cần thiết phải sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 2013 vào thời điểm này". Ảnh: VGP/Kim Liên

Làm rõ quyền và trách nhiệm của Mặt trận

Góp ý sửa đổi với nghị quyết (dự thảo) sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013, PGS.TS. Bùi Thị An, nguyên đại biểu Quốc hội khóa XIII nhấn mạnh, Hiến pháp là bộ luật cao nhất của nước ta, có vai trò tối thượng trong đời sống chính trị - pháp lý, thực sự là nền tảng pháp lý cao nhất, phản ánh đầy đủ bản chất pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Theo PGS.TS. Bùi Thị An, rất cần thiết phải sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 2013 vào thời điểm này vì phù hợp với yêu cầu phát triển đất nước trong giai đoạn mới. 

Thứ nhất, trước những thay đổi nhanh chóng của tình hình kinh tế, chính trị trong nước và quốc tế, Hiến pháp cần được cập nhật để đáp ứng yêu cầu hội nhập, chuyển đổi số, kinh tế xanh, bảo vệ chủ quyền, dân chủ và quyền con người, góp phần tăng cường hiệu lực và hiệu quả của bộ máy Nhà nước. Sửa đổi Hiến pháp là cơ hội để tổ chức lại bộ máy theo hướng tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, rõ trách nhiệm và kiểm soát quyền lực tốt hơn…

Thứ hai, sửa Hiến pháp sẽ giúp thiết lập cơ chế rõ ràng, thực chất hơn để kiểm soát quyền lực trong các cơ quan lập pháp, hành pháp, tư pháp; thể chế hóa kịp thời các chủ trương đường lối mới của Đảng nhất là sau Đại hội XIII. Việc sửa Hiến pháp nhằm thể hiện rõ hơn mục tiêu phát triển đất nước đến năm 2020, tầm nhìn 2045; đồng thời cũng làm rõ quan điểm phát triển bền vững kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, chuyển đổi xanh, đổi mới sáng tạo.

Góp ý kiến về Điều 9 của dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013, PGS.TS. Bùi Thị An cho hay, trong Hiến pháp 2013 quy định, MTTQ Việt Nam là nơi phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, thực hiện dân chủ, giám sát và phản biện xã hội; là "cầu nối" giữa nhân dân với Đảng và Nhà nước thì Hiến pháp lần này trong Điều 9 được bổ sung "là bộ phận của hệ thống chính trị của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo".

"Tôi rất đồng tình thêm cụm từ "bộ phận" vì nó có ý nghĩa khẳng định vị trí chính trị pháp lý của Mặt trận trong mối quan hệ gắn bó, phối hợp với Đảng, Nhà nước và các tổ chức chính trị-xã hội khác. Đồng thời cũng không để hiểu nhầm Mặt trận chỉ là tổ chức vận động quần chúng đơn thuần.", PGS.TS. Bùi Thị An nhấn mạnh.

PGS.TS Bùi Thị An kiến nghị, để MTTQ Việt Nam xứng đáng là bộ phận của hệ thống chính trị và đại diện cho khối đại đoàn kết dân tộc thì cần cụ thể hóa quyền của MTTQ Việt Nam, như quyền trình dự án trước Quốc hội, quyền trình dự án pháp lệnh trước Thường vụ Quốc hội. Điều này rất khả quan vì MTTQ là nơi tập hợp trí tuệ, nguyện vọng, ý kiến đa chiều từ nhân dân và các tầng lớp xã hội. Thêm nữa việc thực hiện quyền này là bảo đảm cho nhân dân tham gia xây dựng pháp luật một cách thực chất thông qua đại diện là Mặt trận; nhất là hiện nay các tổ chức chính trị xã hội lại trực thuộc Mặt trận…

Ngoài ra, theo bà An, cần nghiên cứu, bổ sung quyền chủ động để tổ chức hoạt động phản biện xã hội đối với các chủ trương, chính sách của dự thảo văn bản pháp luật, chương trình dự án có ảnh hưởng đến đời sống nhân dân không phụ thuộc vào sự đề nghị hay chấp thuận của cơ quan tổ chức khác vì thực tế cho thấy nhiều vấn đề đời sống nhân dân cần được phản biện sớm, nếu chỉ "chờ lấy ý kiến" thì không kịp thời.

Ngoài ra, quyền chủ động phát hiện sẽ giúp nâng cao hiệu quả của Mặt trận, thể hiện đúng vai trò của người đại diện cho nhân dân giám sát và phản biện xã hội để góp phần phòng ngừa rủi ro chính sách, tăng tính minh bạch và thực hiễn của các quyết định quản lý Nhà nước.

PGS.TS. Bùi Thị An cho rằng, cần sớm có luật sửa đổi, bổ sung Luật MTTQ Việt Nam năm 2015 để cụ thể hoá quyền hiến định mới; tăng cường phối hợp với các cơ quan lập pháp, hành pháp, tư pháp để tiếng nói của MTTQ không bị coi là "phụ trợ" mà thực sự có giá trị định hướng, góp phần hoàn thiện chính sách.

"Việc sửa đổi Điều 9 của Hiến pháp năm 2013 không chỉ là điều chỉnh kỹ thuật mà còn là bước tiến về thể chế, khẳng định vai trò và có thực quyền của MTTQ Việt Nam trong xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt nam của dân, do dân, vì dân", PGS.TS. Bùi Thị An nói.

Khắc phục chồng chéo, trùng lặp trong tổ chức

Sửa đổi Hiến pháp năm 2013: Khẳng định rõ địa vị pháp lý của Mặt trận- Ảnh 2.

Ông Nguyễn Tử Tuấn (hội viên Câu lạc bộ Thăng Long): Việc sửa đổi Hiến pháp sẽ tạo điều kiện thuận lợi để mở rộng không gian phát triển cho các địa phương. Ảnh: VGP/Kim Liên

Ông Nguyễn Tử Tuấn (hội viên Câu lạc bộ Thăng Long) cho hay, những nội dung được đưa ra lấy ý kiến sửa đổi, bổ sung lần này tập trung vào các vấn đề cốt lõi liên quan đến tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, đặc biệt là MTTQ Việt Nam, các tổ chức chính trị-xã hội và việc phân định đơn vị hành chính, tổ chức chính quyền địa phương.

"Tôi hoàn toàn nhất trí cao với tinh thần đổi mới này bởi đây chính là nền tảng để nâng cao hiệu quả quản trị, thể hiện rõ trách nhiệm trước nhân dân và trước lịch sử. Việc sửa đổi, bổ sung các quy định về MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội (Điều 9, Điều 10 Hiến pháp năm 2013) nhằm thực hiện chủ trương lớn của Đảng về thu gọn đầu mối, nâng cao hiệu quả hoạt động", ông Tuấn nói.

Việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 tạo cơ sở pháp lý quan trọng để thực hiện cuộc cách mạng về tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh, cấp xã, đặc biệt là kiện toàn HĐND và UBND nhiệm kỳ 2021-2026, bảo đảm đáp ứng yêu cầu thực tiễn khi không còn đơn vị hành chính cấp huyện, phù hợp với mô hình tổ chức chính quyền địa phương hai cấp.

TIN LIÊN QUANSửa đổi Hiến pháp 2013: Tạo hành lang pháp lý phù hợp với yêu cầu phát triển mớiMTTQ Việt Nam lấy ý kiến tham gia sửa đổi Hiến phápSửa đổi Hiến pháp năm 2013 có ý nghĩa to lớn đối với sự phát triển của đất nướcSửa đổi Hiến pháp năm 2013 có ý nghĩa to lớn đối với sự phát triển của đất nước

Theo ông Tuấn, việc sửa đổi Hiến pháp lần này, không chỉ nhằm xây dựng bộ máy tinh gọn, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả, mà còn tạo điều kiện thuận lợi để mở rộng không gian phát triển cho các địa phương, nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân, đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước trong giai đoạn mới.

"Việc sửa đổi Hiến pháp 2013 cần biên soạn kỹ lưỡng, cố gắng làm sao càng tinh gọn được càng tốt, tránh những câu chữ khó hiểu; tránh những điều chồng chéo đã được quy định tại Hiến pháp 2013 tương đối rõ mà không cần nhắc lại; tránh những điều bổ sung thêm mà chưa phù hợp hoàn toàn thì cần phải rà soát kỹ từng điều một, làm sao cho càng gọn càng tốt", ông Tuấn mong muốn.

Đối với việc sửa đổi các quy định về đơn vị hành chính và chính quyền địa phương, ông Tuấn cơ bản tán thành với nội dung sửa đổi để thực hiện yêu cầu tinh gọn tổ chức, khắc phục chồng chéo, trùng lặp trong tổ chức, hoạt động của đơn vị hành chính và chính quyền địa phương, bỏ cấp trung gian (cấp huyện)… Việc sửa đổi này phù hợp với tình hình chính trị-xã hội của đất nước, làm cho bộ máy tinh gọn hơn, hiệu lực hiệu quả hơn và gần dân hơn.

Kim Liên


Link nội dung: https://nhipsongsaigon.net/sua-doi-hien-phap-nam-2013-khang-dinh-ro-dia-vi-phap-ly-cua-mat-tran-a132989.html