Doanh nghiệp Việt chạy nước rút trước khi Mỹ áp thuế đối ứng

Doanh nghiệp đang tập trung giải quyết hết hàng hóa trong yêu cầu, tận dụng thời gian để sản xuất, xuất các đơn hàng và chuẩn bị phương án cho mức thuế mới.

Ông Nguyễn Ngọc Hòa, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM (Huba), cho rằng trong 1 tháng qua, sau thông báo của Mỹ áp thuế đối ứng với hàng hóa Việt Nam xuất sang thị trường này, doanh nghiệp đã nhìn nhận vấn đề và có giải pháp thích ứng, để sản phẩm Việt Nam tiếp tục trụ ở thị trường Mỹ.

Không bỏ thị trường Mỹ

Cú sốc thuế quan của Mỹ tạo cho doanh nghiệp Việt nhiều thách thức nhưng cũng có cả cơ hội. Ông Nguyễn Ngọc Luận, CEO của Meet More, cho biết lượng cà phê công ty ông xuất sang Mỹ đang chiếm khoảng 30%. Thông tin thuế quan đưa ra đầu tháng 4 khiến tất cả hoang mang.

Tuy nhiên, ông nói sau những lo ngại ban đầu, mọi việc đã quay lại quỹ đạo. Doanh nghiêp vẫn xuất hàng đi bình thường bởi có 90 ngày gia hạn trước khi mức thuế mới sẽ “chốt”.

Doanh nghiệp Việt chạy nước rút trước khi Mỹ áp thuế đối ứng- Ảnh 1.

Nếu mức thuế phía Mỹ đưa ra 20-25%, mỗi năm Việt Nam có thể mất khoảng 50 tỷ USD.

“Tôi vẫn lạc quan chờ các bên đàm phán mức thuế mới. Vì nhìn lại thì không phải chỉ chúng ta chịu thuế mà cả thế giới ảnh hưởng, cho nên điều tôi lo là người tiêu dùng có thể sẽ giảm tiêu thụ, vì giá hàng hóa có thể cao lên, chứ không phải lo khó với thị trường Mỹ. Nhưng tôi tin thay đổi chỉ khiến thị trường chững lại một chút ở thời gian đầu thôi, rồi sẽ thích nghi.

Tôi cũng tin chính phủ các nước, trong đó có Mỹ, sẽ có các chương trình kích cầu, hỗ trợ tiêu dùng, hay có các chính sách để tiêu dùng nội địa tăng lên. Còn chúng ta có thị trường, có đơn hàng thì tiếp tục kinh doanh, nên cũng không phải lo lắng quá”, ông Luận nói.

Dù vậy, ông Luận cho biết ông cũng chuẩn bị kịch bản xuất khẩu vào Mỹ của công ty sẽ giảm khoảng 30-40% trong thời gian đầu. Bù lại, ông đang mở rộng sang các thị trường khác, trong đó đang bán khá tốt tại Úc và Hàn Quốc. Một tháng qua, ông trực tiếp sang Úc mở rộng hệ thống phân phối, mở rộng khách hàng.

Ông Phạm Văn Việt, Phó chủ tịch Hiệp hội Dệt may Thêu đan TP.HCM, cho biết các doanh nghiệp đặt mục tiêu tập trung sản xuất mạnh trong quý II này, để đưa hàng đi trước ngày áp thuế 9/7 tới. Năm ngoái, ngành dệt may tăng trưởng chỉ 9,6%. Năm nay, thị trường khởi sắc trở lại, toàn ngành đặt mục tiêu tăng trưởng 16%. Trong quý I, mức tăng trưởng rất tốt, với 11,6%, đó là tín hiệu tích cực.

Doanh nhân này nói nếu Mỹ áp mức thuế mới, ngành dệt may Việt Nam dù chịu thuế cao nhưng được cạnh tranh sòng phẳng, công bằng. Bởi từ trước đến nay, dệt may Việt Nam vốn chịu thua thiệt trước một số nước. Như Mexico đang có thuế 0%, nhưng Việt Nam mức thuế vào Mỹ đang chịu tới 15,2%. Nếu áp mức thuế mới, Mexico cũng chịu 25%, Việt Nam cũng ở mức 25% thì sẽ cạnh tranh công bằng hơn.

"Nhưng đó là tôi tính ở mức cơ sở chúng ta chấp nhận được. Nếu ở mức này thì dệt may của Việt Nam vẫn xuất sang Mỹ ổn định, còn nếu mức thuế cao hơn nữa thì sẽ khó, và việc giảm xuất sang Mỹ là điều chắc chắn, dù đây là thị trường lớn nhất, chúng ta đã có khách hàng ổn định, làm ăn lâu dài. Chúng tôi rất mong kết quả đàm phán hợp lý, để giữ thị trường này", ông Việt nói.

Doanh nghiệp Việt chạy nước rút trước khi Mỹ áp thuế đối ứng- Ảnh 2.

Tìm cách chia sẻ lợi nhuận để giữ thị trường Mỹ là giải pháp các doanh nghiệp Việt Nam hướng đến.

Việc áp mức thuế mới, dù có thể cao, cũng nên nhìn trong nguy có cơ. Đây là điều kiện để tập trung phát triển nghiêm túc thương hiệu dệt may Việt Nam, tập trung đầu tư nguồn nguyên liệu, đẩy mạnh nội địa hóa. Phấn đấu để đến năm 2030, tỷ lệ nội địa hóa ngành dệt may nâng lên 60%. Các doanh nghiệp cũng thay đổi lại chuỗi cung ứng cho phù hợp cả đầu vào lẫn đầu ra, để giảm bớt rủi ro.

Chủ tịch Hiệp hội chế biến Gỗ và Thủ công mỹ nghệ TP.HCM, ông Phùng Quốc Mẫn, cho biết hiện năm 2024, tổng kim ngạch xuất khẩu toàn ngành gỗ hơn 16 tỷ USD, trong đó xuất vào Mỹ là 9 tỷ USD, chiếm khoảng 55%. Sau những quan ngại ban đầu, doanh nghiệp cũng đang tập trung giải quyết hết hàng hóa, đồng thời chuẩn bị phương án cho mức thuế mới.

Hiệp hội cũng đã có những khảo sát để lắng nghe ý kiến cũng như đề xuất của 50 hội viên lớn và tổ chức gặp 20 doanh nghiệp FDI có doanh số xuất khẩu lớn; gặp 20 nhà mua hàng của Mỹ để chia sẻ thông tin, giải pháp ứng phó.

"Chúng tôi đã bàn để có giải pháp sau 90 ngày gia hạn. Cả nhà bán hàng và nhà mua hàng cùng chuẩn bị bài toán chia sẻ đặt trong bối cảnh hàng hóa, thị trường thật hợp lý. Có thể là 1/3, có thể là 1/2, tức khách hàng chịu một nửa, chúng tôi chịu một nửa; hoặc nhà bán hàng chịu 1/3, nhà nhập khẩu chịu 1/3 và người tiêu dùng chịu 1/3. Ngoài ra còn nhiều giải pháp khác để hài hòa thị trường, tăng nhập khẩu nguyên liệu sản xuất để cân bằng cán cân thương mại.

Tôi tin tưởng chúng ta sẽ có kết quả đàm phán tốt, tạo sự ổn định cho phát triển ngành trong giai đoạn đầy thách thức hiện nay, chứ không phải giảm xuất khẩu sang thị trường lớn này" , ông Mẫn cho biết.

Gấp rút giảm chi phí thủ tục

Ông Nguyễn Ngọc Hòa, Chủ tịch Huba cho rằng các cơ quan chức năng cần vào cuộc quyết liệt trong việc cắt giảm ngay 30% thủ tục hành chính, thủ tục kinh doanh như Nghị quyết 66 đã nêu. Quyết liệt cắt giảm thủ tục hành chính mới giảm được chi phí thủ tục rất lớn cho doanh nghiệp.

Doanh nghiệp Việt chạy nước rút trước khi Mỹ áp thuế đối ứng- Ảnh 3.

Doanh nghiệp Việt còn phải cạnh tranh gay gắt tại thị trường trong nước, khi nhiều nước không xuất hàng sang Mỹ được sẽ tăng xuất sang Việt Nam.

"Tôi kiến nghị các ban ngành hãy vào cuộc với tinh thần quyết liệt như chúng ta đang làm trong việc tổ chức lại bộ máy hành chính, sắp xếp chính quyền 2 cấp. Việc này Chính phủ cũng phải giao chỉ tiêu cụ thể cho từng bộ ngành; có thời hạn cụ thể hoàn thành, kết thúc thì mới kiểm soát được đến thời điểm nào có bao nhiêu thủ tục không cần thiết được xóa bỏ", Chủ tịch Huba kiến nghị.

Ông Nguyễn Hữu Thông, Chủ tịch HĐQT Công ty gỗ Hoàng Thông, cho biết doanh nghiệp ông chủ động từ các khâu thiết kế, sản xuất, xuất khẩu hàng nội thất đi Mỹ. Trong điều kiện hiện nay, biên độ lợi nhuận chỉ đạt khoảng 5%, nếu mức thuế mới quá cao thì khó trụ nổi. Cho nên việc cắt giảm thủ tục hành chính, hỗ trợ lãi suất để doanh nghiệp giảm chi phí cần quyết liệt và thiết thực, đi vào cụ thể, nhanh chóng thì mới giúp nâng được sức cạnh tranh.

Theo Tiến sĩ Cấn Văn Lực, thách thức là xuất nhập khẩu năm nay sẽ thấp hơn năm ngoái.

"Ngành Công Thương vẫn giữ vững mức tăng 16%. Trong 4 tháng đầu năm xuất khẩu vẫn tăng 13%, hết quý 2 cũng sẽ vẫn tốt nhưng quý 3, quý 4 sẽ ảnh hưởng rõ, vì từ tháng 7 mức thuế quan mới sẽ áp dụng. Chúng tôi dự báo xuất khẩu tăng 6-8%.", ông Lực nói.

Bên cạnh đó là xu hướng bảo hộ thương mại, điều tra chống bán phá giá, truy xuất nguồn gốc hàng hóa, điều tra về trung chuyển hàng hóa, lao động… sẽ liên tục hơn.

Việc cạnh tranh cũng sẽ rất gay gắt, không chỉ cạnh tranh ở thị trường xuất khẩu mà ngay tại thị trường nội địa. Nhiều nước không xuất được hàng đi Mỹ sẽ dồn qua Việt Nam, mà đầu tiên là hàng Trung Quốc.

Quan trọng nhất, đầu tháng 7 này thuế quan mới sẽ áp dụng. Các doanh nghiệp phải tính toán kịch bản nào để điều hành sản xuất kinh doanh phù hợp. Ông kiến nghị thiên về kịch bản cơ sở, tức mức thuế Mỹ áp dụng với hàng hóa Việt Nam 20-25%.

Mỹ và Trung Quốc đạt được thỏa thuận tạm dừng áp thuế trong 90 ngày. Bộ Thương mại Trung Quốc cho biết hai bên cam kết hành động trước ngày 14/5.

Ngày 8/5, Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố nước này sẽ ký thỏa thuận thương mại "toàn diện và đầy đủ" với Vương quốc Anh, củng cố mối quan hệ "nhiều năm tới".


Link nội dung: https://nhipsongsaigon.net/doanh-nghiep-viet-chay-nuoc-rut-truoc-khi-my-ap-thue-doi-ung-a132413.html