![]() |
TS. Mạc Quốc Anh, Ủy viên Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký HANOISME cho rằng, với các doanh nghiệp nhỏ và vừa Hà Nội (chiếm hơn 98% tổng số doanh nghiệp Thủ đô), Nghị quyết giống như “lệnh khởi hành” cho một chặng đua mới. (Nguồn: VietQ) |
TS. Mạc Quốc Anh, Ủy viên Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa thành phố Hà Nội (HANOISME) chia sẻ như vậy tại tọa đàm “Kỷ nguyên mới - Kỷ nguyên vươn mình phát triển giàu mạnh, thịnh vượng của dân tộc” diễn ra chiều 10/5, tại Hà Nội.
Phát biểu khai mạc tọa đàm, TS. Mạc Quốc Anh cho hay, quy mô nền kinh tế đạt 430 tỷ USD, thuộc nhóm đầu khu vực ASEAN. Đặc biệt, khu vực doanh nghiệp nhỏ và vừa chiếm 97% tổng số doanh nghiệp đã khẳng định vai trò là trụ cột phát triển với mức đóng góp hơn 45% GDP và tạo ra khoảng 65% việc làm.
Tin liên quan |
![]() |
Trong bối cảnh toàn cầu hóa và chuyển đổi số, Việt Nam đã đạt nhiều kết quả đáng ghi nhận: Lạm phát duy trì dưới 4%, nợ công ở mức an toàn; kinh tế số đạt khoảng 14% GDP trong năm 2024 và được kỳ vọng cán mốc 20% vào năm 2025.
Việt Nam cũng vươn lên đứng thứ hai trong ASEAN về chỉ số phát triển chính phủ điện tử.
Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký HANOISME cho rằng, khát vọng về kỷ nguyên mới của dân tộc diễn ra trong bối cảnh kinh tế số, chuyển đổi xanh, liên kết khu vực và toàn cầu mở ra cơ hội song hành với thách thức.
"Chặng đường phía trước yêu cầu doanh nghiệp nâng cao năng lực quản trị, đổi mới công nghệ và gìn giữ đạo đức kinh doanh, bản sắc văn hoá doanh nghiệp Việt, bởi kỷ nguyên mới chỉ gọi tên những ai dám ước mơ lớn và hành động quyết liệt", TS. Mạc Quốc Anh nhấn mạnh.
Vị TS này cho biết thêm, Nghị quyết số 68-NQ/TW ngày 4/5/2025 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế tư nhân đã mở “đường băng” thể chế.
Với các doanh nghiệp nhỏ và vừa Hà Nội (chiếm hơn 98% tổng số doanh nghiệp Thủ đô), Nghị quyết giống như “lệnh khởi hành” cho một chặng đua mới.
Thay vì chỉ chờ ưu đãi, cộng đồng doanh nghiệp xác định 3 cam kết đồng hành: Minh bạch quản trị; đầu tư R&D (nghiên cứu và phát triển) tối thiểu 2 - 3% doanh thu cho công nghệ, năng lượng tái tạo; liên kết chuỗi giá trị.
"Như vậy, tâm thế mới là chủ động song hành, không thụ động trông chờ - đúng tinh thần “doanh nhân là chiến sĩ kinh tế” mà Nghị quyết nhấn mạnh”, ông Mạc Quốc Anh nói.
Trong khi đó, ông Phan Đức Hiếu, Đại biểu Quốc hội khoá XV, Uỷ viên Uỷ ban Kinh tế và Tài chính của Quốc hội cho rằng, Nghị quyết số 68-NQ/TW về kinh tế tư nhân đã mang đến tinh thần đổi mới tư duy xây dựng và thực thi pháp luật, xoá bỏ các rào cản hành chính, cơ chế "xin - cho", bỏ tư duy "không quản được thì cấm"; doanh nghiệp tự do kinh doanh trong ngành nghề pháp luật không cấm; xoá bỏ các rào cản tiếp cận thị trường, bảo đảm môi trường kinh doanh thông thoáng, minh bạch, rõ ràng, nhất quán, ổn định lâu dài, dễ tuân thủ, chi phí thấp.
Trong năm 2025, Chính phủ sẽ hoàn thành việc rà soát, loại bỏ những điều kiện kinh doanh không cần thiết, quy định chồng chéo, không phù hợp, cản trở sự phát triển của doanh nghiệp tư nhân; cắt giảm ít nhất 30% thời gian, chi phí tuân thủ, điều kiện kinh doanh.
"Những giải pháp này sẽ giúp cộng đồng doanh nghiệp tăng cường cơ hội tiếp cận đất đai, mặt bằng sản xuất kinh doanh, đẩy mạnh và đa dạng hoá nguồn vốn cũng như chất lượng nguồn nhân lực cho kinh tế tư nhân", ông Hiếu nói.
Các ý kiến tại tọa đàm cũng cho rằng, Việt Nam đang đứng trước cơ hội phát triển nhờ làn sóng dịch chuyển chuỗi cung ứng, chính sách mở cửa hội nhập, tốc độ số hóa và lợi thế về dân số trẻ.
Dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) được kỳ vọng đạt 40-45 tỷ USD/năm giai đoạn 2025-2030. Các lĩnh vực như bán dẫn, trí tuệ nhân tạo (AI), công nghệ y tế... là “mũi nhọn” tiềm năng đưa Việt Nam vươn cao trên bản đồ công nghiệp công nghệ cao toàn cầu.
Để hỗ trợ doanh nghiệp nắm bắt cơ hội này, Phó Chủ tịch HANOISME, Tổng Giám đốc Tổng Công ty May 10 Thân Đức Việt cho hay, Chính phủ cần có những ban chuyên trách, tổ công tác đặc biệt để đề xuất, xử lý các kiến nghị, vướng mắc cho doanh nghiệp.
Việt Nam là một mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng dệt may toàn cầu, vừa qua đã vượt qua cả Trung Quốc nên cần tạo điều kiện để doanh nghiệp phát huy.
Gửi gắm tới cộng đồng doanh nghiệp, ông cũng đưa ra thông điệp: “Thực chiến” - phải làm mới có 50% thắng lợi, còn không làm thì không có gì cả.
Link nội dung: https://nhipsongsaigon.net/nghi-quyet-so-68-nqtw-ve-phat-trien-kinh-te-tu-nhan-da-mo-duong-bang-the-che-a132213.html