Nhiều cổ đông ‘trúng’ đậm

Nhiều doanh nghiệp đã chi hàng ngàn tỷ đồng để trả cổ tức cho cổ đông với tỷ lệ từ 20-300%. Chưa kể, sắp tới còn nhận thêm đợt cổ tức bằng tiền.

Cổ tức ngàn tỷ

Ngân hàng TMCP Lộc Phát Việt Nam (LPBank - mã chứng khoán: LPB) vừa thông báo chốt quyền nhận cổ tức năm 2024 bằng tiền mặt với tỷ lệ 25%, có nghĩa cổ đông sở hữu 1 cổ phiếu sẽ nhận về 2.500 đồng. Với gần 3 tỷ cổ phiếu đang lưu hành, tổng số tiền LPBank chi trả cho cổ đông lên tới hơn 7.468 tỷ đồng.

Nhiều cổ đông ‘trúng’ đậm- Ảnh 1.

LPBank chi 7.468 tỷ đồng trả cổ tức cho cổ đông.

Ngày giao dịch không hưởng quyền là 19/5 và thời gian thanh toán từ 28/5. Đây là lần đầu tiên trong 6 năm qua, LPBank trả cổ tức bằng tiền mặt. Lần gần nhất, ngân hàng này trả cổ tức tiền mặt là vào tháng 2/2018, cho cổ tức năm 2017.

Tính đến 31/12/2024, Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam là cổ đông lớn duy nhất của LPBank, nắm giữ 6,54% vốn và sẽ nhận về hơn 488 tỷ đồng.

Tổng Công ty CP Bia rượu Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco - mã chứng khoán: SAB) chọn 30/6 là ngày giao dịch không hưởng quyền nhận cổ tức còn lại năm 2024 bằng tiền. Theo đó, Sabeco sẽ chi trả cổ tức với tỷ lệ 30%. Với gần 1,3 tỷ cổ phiếu đang lưu hành, ước tính tổng số tiền chi trả lên tới gần 3.848 tỷ đồng. Thời gian thanh toán dự kiến từ 31/7.

Cuối tháng 1, Sabeco đã tạm ứng cổ tức đợt 1 với tỷ lệ 20%. Như vậy, sau khi hoàn tất đợt chia cổ tức còn lại, SAB sẽ hoàn thành kế hoạch cổ tức năm 2024 với tổng tỷ lệ 50%, tương ứng số tiền chi trả gần 6.413 tỷ đồng.

Tính đến ngày 31/12/2024, Vietnam Beverage - công ty mẹ của Sabeco sở hữu 53,6% cổ phần Sabeco, sẽ về hơn 3.436 tỷ đồng cổ tức. Trong khi đó, SCIC nắm giữ 36% vốn, ước thu về hơn 2.300 tỷ đồng cổ tức.

Nhiều năm qua, Sabeco duy trì việc chi cổ tức bằng tiền mặt với tỷ lệ cao. Trong các năm 2018 và 2022, doanh nghiệp này từng chia cổ tức ở mức 50%, trong khi các năm còn lại thường duy trì ở mức 35%.

Công ty CP Sữa Việt Nam (Vinamilk - mã chứng khoán: VNM) cũng vừa chốt việc chi trả cổ tức còn lại của năm 2024 bằng tiền mặt với mức chia 2.000 đồng/cổ phiếu. Ngày đăng ký cuối cùng 15/5 và ngày chi trả là 23/5.

Nhiều cổ đông ‘trúng’ đậm- Ảnh 2.

Vinamilk là đơn vị duy trì chính sách cổ tức tiền mặt đều đặn kể từ năm 2006 đến nay.

Cổ tức còn lại của năm 2024 là 2.350 đồng/cổ phiếu. Như vậy, Vinamilk sẽ còn 1 lần chi trả với số tiền 350 đồng/cổ phiếu để hoàn tất cổ tức, dự kiến sẽ thực hiện vào quý III năm nay. Trước đó, Vinamilk đã tạm ứng 2 đợt cổ tức bằng tiền cho năm 2024, với tổng mức chia là 2.000 đồng/cổ phiếu, ứng với số tiền 4.180 tỷ đồng.

Hiện SCIC là cổ đông nắm sở hữu Vinamilk nhiều nhất với 36%, ước tính sẽ thu về hơn 1.500 tỷ đồng từ đợt cổ tức này. Hai cổ đông ngoại gồm F&N và Platinum Victory Pte, Ltd thu về lần lượt 852 tỷ đồng và gần 444 tỷ đồng.

Vinamilk là đơn vị duy trì chính sách cổ tức tiền mặt đều đặn kể từ năm 2006 đến nay. Trong 5 năm gần nhất, VNM chia lợi nhuận bằng tiền mặt đến cổ đông từ 3.850 - 4.500 đồng/cổ phiếu mỗi năm.

Tài liệu đại hội cổ đông 2025 của Công ty CP Trung tâm Hội chợ Triển lãm Việt Nam (mã chứng khoán: VEF) cho biết, Hội đồng quản trị trình cổ đông phê duyệt phương án chi trả cổ tức từ lợi nhuận sau thuế chưa phân phối lũy kế đến 31/12/2024 với tỷ lệ 135%, tạm ứng cổ tức từ lợi nhuận sau thuế của quý I/2025 với tỷ lệ 300%. Cả 2 phương án đều là chia cổ tức bằng tiền mặt. Thời gian thực hiện dự kiến trong vòng 6 tháng kể từ ngày kết thúc đại hội cổ đông thường niên.

Với hơn 166,6 triệu cổ phiếu đang lưu hành, ước tính VEF cần chi tổng cộng hơn 7.200 tỷ đồng cho 2 phương án chia cổ tức trên. Trong đó, Tập đoàn Vingroup (mã chứng khoán: VIC) với vai trò là công ty mẹ (sở hữu 83,32% vốn điều lệ) sẽ nhận về hơn 6.000 tỷ đồng cổ tức.

Nhận đều đặn

Công ty CP MEINFA (mã chứng khoán: MEF) chốt ngày giao dịch không hưởng quyền 15/5 để chia cổ tức năm 2024 bằng tiền mặt với tỷ lệ 50%. Với gần 4,1 triệu cổ phiếu đang lưu hành, MEF dự kiến chi hơn 20 tỷ đồng để thanh toán cổ tức.

Năm 2024 đánh dấu lần thứ hai MEF chia cổ tức với tỷ lệ 50%, sau lần đầu vào năm 2016. Trước đó, công ty từng không chia cổ tức năm 2014, nhưng ngay năm 2015 đã nâng tỷ lệ lên mức cao nhất 70%. Từ năm 2011 đến nay, MEF duy trì chính sách cổ tức bằng tiền ổn định ở mức 30 - 45%.

Công ty CP Đầu tư và Phát triển Cảng Đình Vũ (mã chứng khoán: DVP) sẽ chi 160 tỷ đồng cho cổ tức đợt 2/2024 vào tháng 6, đưa tổng tỷ lệ cổ tức 2024 lên mức cao kỷ lục 80%.

Nhiều cổ đông ‘trúng’ đậm- Ảnh 3.

Công ty CP Nhựa Bình Minh dự chi khoảng 511 tỷ đồng để trả cổ tức.

Theo đó, Cảng Đình Vũ vừa thông báo 30/5 là ngày giao dịch không hưởng quyền nhận cổ tức đợt 2/2024, với tỷ lệ chi trả 40% bằng tiền. Với 40 triệu cổ phiếu đang lưu hành, tổng số tiền dự chi trong đợt này lên tới 160 tỷ đồng. Ngày thanh toán dự kiến vào 27/6.

Trước đó, DVP đã tạm ứng cổ tức đợt 1 với tỷ lệ 30%. Như vậy, tổng tỷ lệ cổ tức 2024 đến thời điểm hiện tại đã đạt 70% bằng tiền. Theo phương án được đại hội cổ đông 2025 thông qua, công ty sẽ chi trả cổ tức tổng cộng 80% cho năm 2024 - mức cao nhất kể từ khi niêm yết năm 2009. Đợt chi trả cuối cùng với 10% còn lại sẽ diễn ra trong tháng 9/2025. Tổng mức chi cho cổ tức năm 2024 tương ứng khoảng 320 tỷ đồng.

Công ty CP Nhựa Bình Minh (mã chứng khoán: BMP) vừa thông báo chốt quyền trả cổ tức đợt 2/2024 cho cổ đông. Ngày giao dịch không hưởng quyền là 19/5. Tỷ lệ chi trả lên tới 62,5% bằng tiền mặt. Theo đó, BMP dự chi khoảng 511 tỷ đồng để trả cổ tức.

Trước đó, BMP đã tạm ứng cổ tức đợt 1/2024 gần 470 tỷ đồng với tỷ lệ 57,4% vào tháng 12/2024. Như vậy, tổng tỷ lệ cổ tức mà cổ đông BMP nhận được cho năm 2024 lên tới 119,9%. Năm 2025, đại hội cổ đông thông qua tỷ lệ chi trả cổ tức tối thiểu 50% lãi sau thuế.

Công ty CP Phát triển Đô thị Công nghiệp số 2 (mã chứng khoán: D2D) vừa thông báo chốt danh sách cổ đông nhận cổ tức năm 2024 bằng tiền với tỷ lệ 84%. Ngày giao dịch không hưởng quyền là 22/5, dự kiến thanh toán ngày 10/6. Với hơn 30,2 triệu cổ phiếu đang lưu hành, D2D cần chi hơn 254 tỷ đồng trả cổ tức.

Link nội dung: https://nhipsongsaigon.net/nhieu-co-dong-trung-dam-a132135.html