Lao động trong các FTA thế hệ mới: Áp lực cải cách là cơ hội bứt phá

Các cam kết lao động trong các FTA thế hệ mới sẽ không đơn thuần là “gánh nặng”, mà nếu nhìn nhận đúng, sẽ trở thành đòn bẩy cải cách thể chế, lực đẩy cạnh tranh chiến lược và động lực phát triển bền vững của nền kinh tế.

Áp lực cải cách là cơ hội bứt phá cho lực lượng lao động
Việc bảo đảm quyền lợi và phúc lợi cho người lao động không chỉ là trách nhiệm xã hội, mà còn là điều kiện sống còn để Việt Nam bước chân vào các chuỗi cung ứng toàn cầu có trách nhiệm. (Ảnh: Lim Dim)

Tổng giám đốc Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) giai đoạn 2012-2022 Guy Ryder chỉ ra rằng, nền kinh tế toàn cầu đang trải qua biến động lớn, bao gồm sự chuyển đổi sang công nghệ số, biến đổi khí hậu và các cuộc khủng hoảng toàn cầu. Trong bối cảnh này, việc củng cố lực lượng lao động không chỉ là một vấn đề đạo đức, mà còn là yếu tố quyết định sự thành công của mỗi quốc gia, cũng như mỗi doanh nghiệp.

Ông Guy Ryder đặc biệt nhấn mạnh, để duy trì sự cạnh tranh và phát triển bền vững, các quốc gia và doanh nghiệp cần tập trung vào việc tạo ra việc làm chất lượng, nâng cao kỹ năng cho người lao động và đảm bảo quyền lợi cho họ. Điều này không chỉ giúp giảm thiểu bất bình đẳng xã hội mà còn thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bền vững.

Cam kết lao động - “đòn bẩy thể chế”

Trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng, nhận định của vị cựu Tổng giám đốc ILO có ý nghĩa đặc biệt quan trọng - việc tuân thủ các tiêu chuẩn lao động quốc tế không chỉ giúp các quốc gia duy trì mối quan hệ thương mại với các đối tác mà còn nâng cao giá trị thương hiệu quốc gia. Việc coi trọng lực lượng lao động, đồng nghĩa với việc chú trọng đầu tư vào giáo dục và đào tạo nghề, nâng cao năng suất lao động và cải thiện chất lượng cuộc sống cho người dân. Đây là yếu tố then chốt giúp một quốc gia phát triển bền vững và hội nhập thành công vào nền kinh tế toàn cầu.

Trong làn sóng hội nhập sâu rộng, các hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới không đơn thuần là những thỏa thuận kinh tế, mà còn đặt ra yêu cầu cải cách toàn diện về thể chế, trong đó yếu tố lao động nổi lên như một trong những cam kết then chốt nhưng nhạy cảm.

Khác với các FTA truyền thống, Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) hay Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA) đều đưa ra những điều khoản ràng buộc rõ ràng về lao động. Cả hai hiệp định này đều yêu cầu các quốc gia thành viên tuân thủ tiêu chuẩn lao động cơ bản của ILO, bao gồm quyền tự do lập công đoàn, thương lượng tập thể, xóa bỏ lao động cưỡng bức và lao động trẻ em, loại bỏ phân biệt đối xử trong việc làm.

Đặc biệt, EVFTA thậm chí còn khuyến khích các bên hướng tới việc phê chuẩn và thực thi các công ước ILO chưa được ký kết, đòi hỏi một lộ trình cải cách pháp luật và chính sách lao động toàn diện. Trong khi đó, áp lực thực thi CPTPP còn sâu hơn, khi các cơ chế thực thi mang tính ràng buộc cao, cho phép khiếu kiện giữa các quốc gia thành viên nếu phát hiện hành vi vi phạm.

Giới phân tích nhận định, là quốc gia đang phát triển, việc Việt Nam dám chấp nhận thử thách thực hiện các cam kết về lao động trong các FTA thế hệ mới như CPTPP và EVFTA - không chỉ là thách thức pháp lý, mà còn là phép thử năng lực cải cách thể chế, nâng chuẩn phát triển bền vững và vị thế quốc tế.

Trên thực tế, Việt Nam đã ghi nhận những bước tiến rõ rệt về cải cách lao động, nghiêm túc thực hiện các tiêu chuẩn lao động quốc tế. Đến nay, Việt Nam đã tham gia 25 công ước của ILO, bao gồm 9/10 Công ước cơ bản, 3/4 Công ước về quản trị và 13 Công ước kỹ thuật, theo nghiên cứu của Đại học Luật Hà Nội (năm 2024). Việc phê chuẩn Công ước 98 về quyền tổ chức và thương lượng tập thể và Công ước 105 về xóa bỏ lao động cưỡng bức thể hiện cam kết chính trị mạnh mẽ và nỗ lực nội luật hóa các quy định quốc tế về lao động vào pháp luật quốc gia.

Bộ luật Lao động 2019 (sửa đổi, được đánh giá là dấu mốc cải cách lịch sử, đã tích hợp nhiều nội dung từ các cam kết quốc tế. Không chỉ công nhận quyền thành lập tổ chức của người lao động ngoài hệ thống công đoàn truyền thống, luật mới còn mở đường cho mô hình công đoàn độc lập và thương lượng tập thể thực chất, qua đó tạo ra áp lực lành mạnh lên năng suất lao động và môi trường làm việc.

Tại buổi làm việc với Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính trong chuyến thăm Việt Nam, ngày 30/6/2023, Tổng giám đốc ILO Gilbert F. Houngbo đã ca ngợi Việt Nam là một mô hình của sự nỗ lực, phát triển để các nước tham khảo, học tập.

Thông tin thêm về Việt Nam, Thủ tướng Chính phủ cho biết, Việt Nam đang xây dựng, phát triển đất nước dựa trên ba trụ cột là xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, nền dân chủ xã hội chủ nghĩa và nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Cùng với đó, xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ gắn với chủ động, tích cực hội nhập quốc tế sâu rộng, toàn diện, thực chất, hiệu quả.

Trong quá trình đó, Việt Nam lấy con người là trung tâm, chủ thể, mục tiêu, động lực và nguồn lực của sự phát triển; không đánh đổi tiến bộ, công bằng xã hội, môi trường lấy tăng trưởng kinh tế đơn thuần. Việt Nam cũng cam kết đổi mới theo hướng cân bằng và hài hòa giữa phát triển kinh tế và phát triển xã hội; tăng năng suất lao động; mở rộng và tăng cường hệ thống an sinh xã hội; đổi mới thể chế thị trường lao động và pháp luật lao động; bảo đảm quyền lợi, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động.

Nỗ lực lấp đầy những khoảng trống còn lại

Mặc dù đã có những chuyển động tích cực và các nguyên tắc cốt lõi cũng được thể hiện trong Bộ luật Lao động Việt Nam, việc thực hiện các cam kết lao động vẫn còn những vấn đề nhất định.

Việt Nam hiện đang trong quá trình chuẩn bị để phê chuẩn Công ước số 87 của ILO. Công ước số 87 quy định quyền tự do thành lập và gia nhập công đoàn cho người lao động mà không cần sự can thiệp của chính quyền. Tuy nhiên, pháp luật hiện hành, đặc biệt là Bộ luật Lao động 2019, vẫn có những hạn chế, chẳng hạn như yêu cầu đăng ký và kiểm soát hoạt động của tổ chức công đoàn, điều này không hoàn toàn phù hợp với tiêu chuẩn của Công ước số 87.

Để thực hiện cam kết trong các FTA thế hệ mới, việc phê chuẩn Công ước số 87 là bước quan trọng. Quá trình này đòi hỏi sự chuẩn bị kỹ lưỡng và lộ trình phù hợp để đảm bảo tính tương thích với hệ thống pháp luật quốc gia và thực tế xã hội. Do đó, việc phê chuẩn Công ước số 87 không chỉ là nghĩa vụ quốc tế mà còn là bước tiến quan trọng trong việc nâng cao quyền lợi của người lao động và cải thiện môi trường đầu tư tại Việt Nam.

Ngoài ra, tình trạng thiếu hụt nhận thức về quyền lao động trong cộng đồng doanh nghiệp và người lao động, đặc biệt ở khu vực tư nhân, tiếp tục là thách thức lớn. Theo một khảo sát gần đây của Liên đoàn Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI), vẫn có tới hơn 60% doanh nghiệp chưa nắm rõ các quy định mới về tổ chức đại diện người lao động và các nghĩa vụ phát sinh từ EVFTA hay CPTPP. Tỷ lệ doanh nghiệp tìm hiểu kỹ về các FTA thế hệ mới cũng rất hạn chế.

Trong khi đó, các thị trường phát triển - đặc biệt là EU - đã bắt đầu áp dụng các cơ chế giám sát hậu ký kết nghiêm ngặt hơn. Với EVFTA, Ủy ban châu Âu có thể khởi động cơ chế tham vấn, thậm chí kích hoạt cơ chế trọng tài nếu phát hiện vi phạm trong việc thực thi cam kết lao động. Trong bối cảnh chính sách thương mại của EU đang chuyển hướng sang “thương mại bền vững”, các sản phẩm xuất khẩu từ Việt Nam có nguy cơ bị áp đặt hàng rào kỹ thuật nếu không tuân thủ nghiêm túc các tiêu chuẩn lao động.

Đáng chú ý, giai đoạn 2023–2024, một số nhà nhập khẩu lớn trong ngành dệt may, da giày của EU đã đưa ra điều kiện tuân thủ đạo đức lao động trong chuỗi cung ứng, bao gồm yêu cầu chứng minh không sử dụng lao động cưỡng bức và có hệ thống thương lượng tập thể tại doanh nghiệp. Do đó, đây không còn là các “khuyến nghị”, mà đang dần trở thành điều kiện thương mại bắt buộc.

Với một nền kinh tế định hướng xuất khẩu như Việt Nam, việc đảm bảo quyền lợi và phúc lợi cho người lao động không chỉ là trách nhiệm xã hội, mà còn là điều kiện sống còn để bước chân vào các chuỗi cung ứng toàn cầu có trách nhiệm.

“Trong nền kinh tế toàn cầu mới, ai không coi trọng lực lượng lao động sẽ tự loại mình ra khỏi cuộc chơi”, nhận định của cựu Tổng giám đốc ILO Guy Ryder từng được coi như lời cảnh tỉnh cho tất cả các quốc gia và doanh nghiệp – cần coi trọng lực lượng lao động của mình như một yếu tố cốt lõi trong chiến lược phát triển.

Và Việt Nam cũng vậy, là một nền kinh tế đang nỗ lực vươn lên khẳng định chỗ đứng trong một thế giới đầy biến động, phát triển một nguồn lực con người mạnh, tuân thủ các tiêu chuẩn lao động quốc tế cũng chính là cơ hội để Việt Nam khẳng định cam kết với thế giới và xây dựng một nền kinh tế phát triển bền vững, công bằng và thịnh vượng.

'); $('.hna-banner-inpage').insertAfter($('#divfirst')); })

Link nội dung: https://nhipsongsaigon.net/lao-dong-trong-cac-fta-the-he-moi-ap-luc-cai-cach-la-co-hoi-but-pha-a131179.html