Hàng Việt vươn xa nhờ người Việt bốn phương

Với tinh thần chung tay, đồng hành và sáng tạo, cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài là nguồn lực quý báu, kênh phân phối hiệu quả trong thúc đẩy xuất khẩu, từ đó quảng bá văn hóa và nâng cao vị thế kinh tế của Việt Nam.

hội nghị tổng kết 5 năm thực hiện đề án 1797, trong đó nhấn mạnh vai trò của kiều bào trong việc đưa hàng Việt Nam ra thế giới.
Hội nghị nhấn mạnh vai trò của kiều bào trong việc đưa hàng Việt Nam ra thế giới. (Nguồn: Vneconomy)

Hướng đi chiến lược mới

Với khoảng 4,5 triệu người tại 109 quốc gia và vùng lãnh thổ năm 2016, đến nay đã có hơn 6 triệu người Việt Nam sinh sống, làm việc trên 130 quốc gia và vùng lãnh thổ. Cùng với sự phát triển mạnh mẽ của cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài, số lượng các doanh nhân, doanh nghiệp người Việt Nam ở nước ngoài cũng gia tăng đáng kể.

Từ chỗ buôn bán nhỏ, hiện các doanh nhân, doanh nghiệp người Việt Nam ở nước ngoài đã là chủ sở hữu của nhiều trung tâm thương mại lớn, cũng như đã thiết lập được nhiều kênh phân phối, bán buôn, bán lẻ hàng hóa, trong đó có hàng hóa Việt Nam. Đồng thời, khoảng 6 triệu người đang sinh sống, làm ăn, học tập, không chỉ là số lượng lớn người tiêu dùng hàng Việt Nam mà còn là những người góp phần lan tỏa, giới thiệu sản phẩm Việt Nam đến cộng đồng dân cư bản địa nơi đang sinh sống.

Ông Nguyễn Hồng Huệ (Peter Hồng), Ủy viên Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nhân Việt Nam ở nước ngoài (BAOOV) cho biết, các chủ trương, chính sách đúng đắn đã kịp thời mở ra một hướng đi chiến lược mới trong thúc đẩy xuất khẩu và xây dựng thương hiệu quốc gia Việt Nam trên thị trường quốc tế, thông qua việc huy động sức mạnh của cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài. Từ các chủ trương, chính sách hiệu quả đó, mỗi người Việt, dù sinh sống ở bất kỳ đâu trên thế giới, đều có thể tự hào sử dụng và giới thiệu một sản phẩm "made by Vietnam" tới bạn bè và người tiêu dùng quốc tế.

Chủ tịch BAOOV Nguyễn Hồng Huệ đề xuất tiếp tục có các chính sách đặc thù cho thế hệ doanh nhân kiều bào trẻ tham gia vào hệ sinh thái phát triển hàng Việt; tổ chức các cuộc thi khởi nghiệp toàn cầu có mô hình kinh doanh gắn với sản phẩm Việt dành cho thanh niên kiều bào; kết nối với các quỹ đầu tư, vườn ươm tại Việt Nam, đặc biệt trong các lĩnh vực có tiềm năng như nông sản, thủ công mỹ nghệ, thời trang và công nghệ xanh... không chỉ góp phần đưa hàng hóa Việt phát triển tại các thị trường mà còn phát triển bền vững ngay trong chính các thế hệ kiều bào trẻ.

Đồng quan điểm, ông Võ Văn Nam, kiều bào tại Cộng hòa Czech, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Tamda Group a.s. cho biết, từ hiệu quả của Đề án, số lượng mặt hàng Việt được bán qua hệ thống của Tập đoàn tăng từ 2-3 lần trong 5 năm qua; góp phần lan tỏa hàng hóa Việt đến hơn 10 ngàn cửa hàng bán lẻ của người Việt trên toàn Cộng hòa Czech và Slovakia... và hàng chục ngàn lượt khách bản sứ mua lẻ tại các trung tâm thương mại, hệ thống siêu thị Tamda mỗi ngày.

Không chỉ phát huy vai trò của nhà nước, các hiệp hội, ngành hàng, doanh nghiệp ở nước ngoài trong đưa hàng hóa ra nước ngoài, kiều bào Séc mong muốn tập trung hỗ trợ đào tạo nhân lực là các thế hệ thứ 2, thứ 3 sinh ra ở nước ngoài... có cơ hội thực tập tại các doanh nghiệp Việt để cập nhật hàng hóa, công nghệ, các chính sách hỗ trợ quảng bá hàng Việt của doanh nghiệp và nhà nước. Cùng với đó là tập trung quảng bá hàng Việt tại nước ngoài có trọng tâm, trọng điểm để lan tỏa, giới thiệu sản phẩm Việt Nam đến cộng đồng dân cư bản địa nơi mình sinh sống.

Hàng Việt Nam ra nước ngoài
Hàng Việt Nam được giới thiệu và tiêu thụ rộng rãi tại nhiều thị trường nước ngoài. (Nguồn: Vneconomy)

Mạng lưới kết nối hiệu quả

Trong 5 năm qua, Đề án "Huy động người Việt Nam ở nước ngoài tham gia giới thiệu, tiêu thụ sản phẩm và phát triển các kênh phân phối hàng Việt Nam ở nước ngoài, giai đoạn 2020-2024" đã được triển khai mạnh mẽ, toàn diện và hiệu quả. Đây là một trong những chủ trương quan trọng của Đảng và Nhà nước ta, không chỉ góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, thương mại của đất nước thông qua hoạt động xuất khẩu hàng hóa mà còn góp phần khẳng định thương hiệu, chất lượng sản phẩm của Việt Nam, thể hiện hình ảnh, giá trị "mềm" của Việt Nam trên trường quốc tế.

Chủ nhiệm Ủy ban nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài Nguyễn Trung Kiên nhận định, "Sau 5 năm triển khai, Đề án đã đạt được nhiều kết quả tích cực trên các mặt tuyên truyền, quảng bá sản phẩm và thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa". Việc triển khai Đề án đã tạo nên một mạng lưới kết nối hiệu quả giữa các doanh nghiệp trong nước, cơ quan quản lý nhà nước và cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài. Đây là một nỗ lực mang tính đột phá, bởi kiều bào không chỉ là những người tiêu dùng tiềm năng mà còn là cầu nối quan trọng để đưa hàng Việt Nam tiếp cận các thị trường quốc tế.

Các sản phẩm nông sản như cà phê, hạt điều, thanh long, xoài..., cùng với các mặt hàng công nghiệp như dệt may, thủ công mỹ nghệ và thực phẩm chế biến đã được giới thiệu rộng rãi tại các thị trường trọng điểm như Hoa Kỳ, Liên minh châu Âu (EU), Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc... Bên cạnh việc mở rộng các nhóm hàng có lịch sử thương mại, các doanh nghiệp người Việt Nam ở nước ngoài hướng tới mở rộng các loại nông sản mới, các loại gia vị...

Năm 2019 - năm đầu tiên thực hiện Đề án, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam đạt 516,96 tỉ USD. Đến hết năm 2024, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đã đạt 786,29 tỷ USD. Hàng hóa Việt Nam ngày càng có sức lan tỏa tại các thị trường, một phần cũng có sự đóng góp quan trọng của cộng đồng người Việt Nam hiện diện tại khắp các quốc gia trên thế giới, các nước đối tác quan trọng và các thị trường của Việt Nam.

Trong bối cảnh thế giới và khu vực tiếp tục biến động phức tạp, đất nước đang phấn đấu đạt mục tiêu tăng trưởng GDP 8% vào năm 2025, những thành tựu đạt được qua triển khai Đề án có ý nghĩa, giá trị quan trọng, đóng góp trực tiếp vào việc duy trì đà tăng trưởng xuất khẩu ổn định cũng như tăng trưởng kinh tế nói chung của đất nước, khuyến khích cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài phát huy 'giá trị mềm' trong quảng bá thương hiệu quốc gia trên thị trường quốc tế - ông Nguyễn Trung Kiên nhận định.

Có thể nói, ngay từ những ngày đầu dựng nước, kiều bào ta đã đóng góp tích cực cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Đảng, Nhà nước luôn coi trọng sự đóng góp, nguồn lực của cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài. Nhiều chủ trương, chính sách được Đảng và Nhà nước thông qua, với tinh thần xuyên suốt, người Việt Nam ở nước ngoài là bộ phận không tách rời và là một nguồn lực của cộng đồng dân tộc Việt Nam, là nhân tố quan trọng góp phần tăng cường quan hệ hợp tác giữa nước ta với các nước trên thế giới.

Với sự đồng lòng và chung sức của hơn 100 triệu người Việt Nam, trong đó có 6 triệu người Việt Nam ở nước ngoài đang ngày một lớn mạnh, sẽ góp phần hiện thực hóa các mục tiêu, khát vọng phát triển của dân tộc, đưa đất nước phát triển nhanh, bền vững hơn nữa.

'); $('.hna-banner-inpage').insertAfter($('#divfirst')); })

Link nội dung: https://nhipsongsaigon.net/hang-viet-vuon-xa-nho-nguoi-viet-bon-phuong-a131162.html