Dấu ấn Việt Nam

Việc thực hiện nhất quán đường lối chính trị đối ngoại đã và đang cho phép Việt Nam gặt hái những thành công quan trọng có ý nghĩa lịch sử không chỉ về ngoại giao mà còn về kinh tế.

Việt Nam hiện thuộc Top 20 thế giới về thị trường mới nổi và quy mô thương mại. (Nguồn: Pexels)
Việt Nam hiện thuộc Top 20 thế giới về thị trường mới nổi và quy mô thương mại. (Nguồn: Pexels)

Sau ngày thống nhất đất nước 30/4/1975, trên hành trình đổi mới, hội nhập và phát triển, Việt Nam đã khẳng định bản lĩnh và trí tuệ, từng bước vượt qua khó khăn, thiết lập quan hệ chính thức và tích cực với các quốc gia và tổ chức quốc tế.

Quan hệ ngoại giao ngày càng đa dạng và toàn diện

Trong thời kỳ xây dựng chủ nghĩa xã hội và đổi mới (năm 1975 đến nay), Việt Nam đạt được nhiều thành tựu to lớn, góp phần quan trọng phá thế bao vây, cấm vận, bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh thổ, duy trì môi trường hòa bình, ổn định, nâng cao vị thế đất nước, thu hút nguồn lực phục vụ phát triển.

Việc Việt Nam trở thành thành viên của Liên hợp quốc vào năm 1977 có ý nghĩa chính trị và pháp lý quan trọng, khẳng định vị trí đầy đủ của một nước Việt Nam độc lập, thống nhất trên trường quốc tế. Nỗ lực đa phương của Việt Nam trong thúc đẩy đối thoại với Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN, từ năm 1985) và Hội nghị quốc tế Paris (năm 1991) để giải quyết vấn đề Campuchia đã tạo đột phá, góp phần khai thông quan hệ của Việt Nam với các nước, nhất là các nước lớn như Trung Quốc, Hoa Kỳ và các tổ chức quốc tế, khu vực.

Nếu việc gia nhập ASEAN (năm 1995) đánh dấu tiến trình hội nhập khu vực của đất nước thì việc gia nhập WTO sau gần 12 năm đàm phán là dấu mốc của nền kinh tế Việt Nam chính thức hội nhập toàn diện vào nền kinh tế thế giới ở quy mô toàn cầu.

Đến nay, từ một quốc gia bị bao vây, cô lập, Việt Nam đã là thành viên của hầu hết cơ chế hợp tác, liên kết đa phương từ cấp độ toàn cầu (Liên hợp quốc, WTO, WB, IMF), liên khu vực (Diễn đàn Hợp tác Á - Âu, Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương…) đến khu vực (ASEAN, Ngân hàng Phát triển châu Á…), sở hữu một mạng lưới hiệp định thương mại tự do (FTA) với hầu hết trung tâm kinh tế - thương mại hàng đầu thế giới.

Cùng với quá trình đó, từ một đất nước nghèo nàn, lạc hậu, chỉ sau gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới và hội nhập quốc tế sâu rộng, Việt Nam đã trở thành một “đầu tàu” tăng trưởng của khu vực châu Á, quốc gia đang phát triển năng động, đứng thứ 35 trong số các nền kinh tế lớn nhất thế giới.

Tính đến hết quý I/2025, Việt Nam đã có quan hệ ngoại giao với 194 quốc gia (so với 11 nước năm 1954); có quan hệ kinh tế và thương mại với khoảng 230 quốc gia và vùng lãnh thổ; thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện, Đối tác chiến lược và Đối tác toàn diện với 34 quốc gia, gồm toàn bộ các nước là ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an LHQ và các nền kinh tế Nhóm G7.

Việt Nam tham gia mạng lưới hơn 500 hiệp định song phương và đa phương, trong đó có 17 hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới với hơn 60 quốc gia và nền kinh tế lớn, bao quát trên 50-60% GDP và thương mại toàn cầu; hơn 70 quốc gia công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường…

Kinh tế đối ngoại ngày càng phát triển sâu rộng

Việc thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại độc lập tự chủ, hòa bình, hợp tác và phát triển, rộng mở, đa phương hóa và đa dạng hóa các quan hệ, chủ động và tích cực hội nhập, mở rộng hợp tác quốc tế trên các lĩnh vực; là bạn, đối tác tin cậy và thành viên có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế, hợp tác bình đẳng, cùng có lợi với tất cả các nước trên cơ sở những nguyên tắc cơ bản của Hiến chương Liên hợp quốc và luật pháp quốc tế đã góp phần giữ vững môi trường hòa bình, ổn định cho phát triển kinh tế-xã hội, nâng cao vị thế đất nước, vì lợi ích quốc gia - dân tộc. Đường lối đó đã và đang giúp Việt Nam đạt được nhiều thành tựu quan trọng, mang ý nghĩa lịch sử không chỉ trong lĩnh vực đối ngoại mà cả về kinh tế.

Việt Nam hiện thuộc top 20 thế giới về thị trường mới nổi và quy mô thương mại, với tổng kim ngạch xuất nhập khẩu ước cả năm 2024 khoảng 807,7 tỷ USD, cao nhất từ trước đến nay, tăng 15% so với năm trước và vượt 2,5 lần so với mục tiêu kế hoạch Chính phủ giao, trong đó xuất khẩu trên 400 tỷ USD, tăng 14,4% và nhập khẩu tăng 16,4%. Cán cân thương mại ghi nhận xuất siêu năm thứ chín liên tiếp và ở mức cao gần 25 tỷ USD. Việt Nam thuộc top năm nước dẫn đầu thế giới về xuất khẩu dệt may, da giày, gạo, cà phê, tiêu, điều, cao su... Năm 2024, Việt Nam có 36 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm 94,1% tổng kim ngạch xuất khẩu.

Việt Nam cũng lọt nhóm 15 nước dẫn đầu thế giới về thu hút FDI, với lũy kế đến hết năm 2024 có hơn 40,8 nghìn dự án đang hoạt động, tổng số vốn đăng ký khoảng 487 tỷ USD; đã, đang và sẽ tiếp tục xây dựng và tham gia nhiều chuỗi cung ứng khu vực và toàn cầu. Tập đoàn Samsung (Hàn Quốc) coi Việt Nam là cơ sở sản xuất nước ngoài lớn nhất của mình. Chính phủ Việt Nam và tập đoàn công nghệ NVIDIA ký kết hợp tác thành lập Trung tâm nghiên cứu và phát triển và Trung tâm Dữ liệu trí tuệ nhân tạo (AI). Đây là sự kiện mang tính bước ngoặt lịch sử đối với Việt Nam, kỳ vọng đưa nước ta trở thành trung tâm nghiên cứu và phát triển AI hàng đầu châu Á.

Việt Nam cũng là điểm sáng trong bức tranh du lịch quốc tế: Tiềm năng tài nguyên du lịch đứng thứ 25 trên thế giới, với nhiều di sản vật thể và phi vật thể được công nhận. Tháng 5/2024, tạp chí Travel+Leisure (Mỹ) công bố lựa chọn Việt Nam là một trong tám quốc gia đáng sống có chi phí phải chăng dành cho người về hưu.

Hiện Việt Nam đã phục hồi và đạt mức tăng trưởng như giai đoạn trước dịch Covid-19, nhất là các chỉ số về sản xuất công nghiệp, dịch vụ thương mại và xuất nhập khẩu. Quy mô nền kinh tế đứng thứ 35 thế giới; bội chi ngân sách nhà nước, nợ công, nợ chính phủ, nợ nước ngoài của quốc gia được kiểm soát tốt và các tổ chức xếp hạng tín nhiệm uy tín thế giới tiếp tục duy trì tín nhiệm quốc gia của Việt Nam với triển vọng “ổn định”.

Theo WB, Việt Nam được đánh giá là ngôi sao kinh tế toàn cầu, với tốc độ tăng GDP bình quân đầu người hằng năm là 5,3% trong 30 năm (1990-2021), nhanh hơn bất cứ nền kinh tế nào trong khu vực, ngoại trừ Trung Quốc. Năm 2024, Việt Nam tiếp tục nằm trong nhóm đầu thế giới về tốc độ tăng trưởng kinh tế.

Theo IMF, Việt Nam là đại diện Đông Nam Á duy nhất lọt vào top 10 với dự báo tăng trưởng 6,4% từ năm 2024 đến 2029 và sẽ trải qua giai đoạn tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ, đặt đất nước vào hàng ngũ nền kinh tế mới nổi có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất, mở ra cơ hội lớn cho Việt Nam trong thu hút đầu tư nước ngoài và thúc đẩy phát triển kinh tế trong khu vực và trên thế giới.

Việt Nam thuộc nhóm quốc gia đạt được những tiến bộ lớn nhất trong thập niên qua về Chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu (GII), thuộc nhóm các nền kinh tế thu nhập trung bình có tốc độ tăng trưởng hiệu suất đổi mới nhanh nhất. Việt Nam không ngừng cải thiện Chỉ số năng lực cạnh tranh toàn cầu (GCI) và nhiều chỉ số xếp hạng quốc tế quan trọng khác như chỉ số nền kinh tế có đóng góp lớn nhất vào tăng trưởng toàn cầu, chỉ số nước đáng sống nhất thế giới, chỉ số các nước an toàn nhất, chỉ số quốc gia hạnh phúc, chỉ số Xếp hạng bảo vệ nhà đầu tư, chỉ số các nước “tốt nhất thế giới”…

Đặc biệt, từ năm 2021, Việt Nam chính thức được xếp vào nhóm các nền kinh tế có “tự do trung bình”, với điểm tổng thể 61,7, là nền kinh tế tự do đứng thứ 17/40 ở châu Á - Thái Bình Dương và đứng thứ 90/184 trong bảng xếp hạng Chỉ số tự do kinh tế 2021 của Heritage Foundation (Mỹ). Theo Liên hợp quốc, chỉ số hạnh phúc của Việt Nam năm 2024 tăng 11 bậc, đứng thứ 54/143.

Việt Nam luôn theo dõi sát tình hình thế giới, phản ứng chính sách phù hợp, ưu tiên cho tăng trưởng, đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, tăng cường năng lực, sự ổn định và lành mạnh của hệ thống ngân hàng, thị trường vốn; tiếp tục cải cách để tăng năng suất, duy trì tăng trưởng lâu dài, bền vững và kiểm soát tốt các rủi ro; tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư…; thúc đẩy tái cơ cấu nền kinh tế theo hướng tăng trưởng nhanh, bền vững dựa vào khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, tăng năng suất lao động, đặt mục tiêu tăng trưởng cao hơn trong những thập niên tới, xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ gắn với chủ động, tích cực hội nhập quốc tế sâu rộng, thực chất, hiệu quả…; tập trung thúc đẩy mạnh mẽ đổi mới sáng tạo, hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo, các ngành, lĩnh vực mới như kinh tế số, tăng trưởng xanh, kinh tế tuần hoàn, chíp, bán dẫn, trí tuệ nhân tạo, nông nghiệp công nghệ cao… và các mô hình kinh tế mới như trung tâm tài chính quốc tế, khu vực, khu thương mại tự do… tại một số địa phương.

Cuộc cách mạng tinh gọn về tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tạo hứng khởi và niềm tin cho doanh nghiệp, vừa là mục tiêu, nhiệm vụ, vừa là giải pháp tạo động lực và cơ hội thể chế quan trọng để Việt Nam tiếp tục phát triển quan hệ ngoại giao và vững bước trong kỷ nguyên vươn mình.

'); $('.hna-banner-inpage').insertAfter($('#divfirst')); })

Link nội dung: https://nhipsongsaigon.net/dau-an-viet-nam-a131143.html