Lâm Đồng thông qua đề án sáp nhập, hình thành tỉnh có diện tích lớn nhất nước

HĐND tỉnh Lâm Đồng thống nhất thông qua đề án sáp nhập với tỉnh Bình Thuận và Đắk Nông. Sau sáp nhập, tỉnh mới có diện tích tự nhiên hơn 24.200km², trở thành tỉnh có diện tích lớn nhất cả nước.

Hình thành tỉnh mới có diện tích lớn nhất nước

Ngày 28/4, HĐND tỉnh Lâm Đồng tổ chức kỳ họp thứ 24 (kỳ họp chuyên đề) và thống nhất thông qua đề án sáp nhập ba tỉnh Lâm Đồng, Bình Thuận và Đắk Nông.

Sau sáp nhập, tỉnh mới có diện tích tự nhiên hơn 24.200km² và dân số hơn 3,87 triệu người, trở thành tỉnh có diện tích lớn nhất cả nước.

Tại kỳ họp, các đại biểu đã tập trung thảo luận, thống nhất thông qua hai nghị quyết quan trọng: Đề án sắp xếp đơn vị hành chính (ĐVHC) cấp xã trên địa bàn tỉnh và đề án sáp nhập ba tỉnh Lâm Đồng, Bình Thuận, Đắk Nông.

Lâm Đồng thông qua đề án sáp nhập, hình thành tỉnh có diện tích lớn nhất nước- Ảnh 1.

Quang cảnh kỳ họp thứ 24 của HĐND tỉnh Lâm Đồng.

Theo đề án sắp xếp ĐVHC cấp tỉnh, toàn bộ diện tích tự nhiên hơn 6.509km² với hơn 746.000 dân của tỉnh Đắk Nông, 7.942km² với hơn 1,5 triệu dân của tỉnh Bình Thuận và 9.781km² với gần 1,6 triệu dân của tỉnh Lâm Đồng sẽ được hợp nhất thành tỉnh mới, giữ nguyên tên gọi Lâm Đồng.

Sau sáp nhập, tỉnh Lâm Đồng mới sẽ trở thành tỉnh có diện tích lớn nhất nước, với diện tích tự nhiên hơn 24.200km², dân số hơn 3,87 triệu người, gồm 124 ĐVHC cấp xã. Trung tâm hành chính - chính trị của tỉnh dự kiến đặt tại TP Đà Lạt.

Đối với cấp xã, tỉnh Lâm Đồng sẽ sắp xếp 137 xã, phường, thị trấn thành 51 ĐVHC cơ sở (9 phường và 42 xã).

Tỉnh Đắk Nông dự kiến sắp xếp từ 71 xuống còn 28 ĐVHC cấp xã. Tỉnh Bình Thuận dự kiến sắp xếp từ 121 còn 45 ĐVHC.

Lâm Đồng thông qua đề án sáp nhập, hình thành tỉnh có diện tích lớn nhất nước- Ảnh 2.

Các đại biểu biểu quyết thông qua các nghị quyết.

Ngoài ra, kỳ họp lần này, HĐND tỉnh Lâm Đồng cũng thông qua 14 nghị quyết quan trọng trên các lĩnh vực tài chính, khoa học công nghệ, y tế, giáo dục - đào tạo, nông nghiệp, môi trường…

Tại kỳ họp, bà Phạm Thị Phúc - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Lâm Đồng nhấn mạnh: Thời gian qua, Tỉnh ủy, UBND tỉnh cùng các sở, ngành, địa phương đã khẩn trương, quyết liệt triển khai xây dựng đề án sắp xếp ĐVHC cấp tỉnh và cấp xã với quyết tâm chính trị cao nhất.

Theo bà Phúc, đây là bước đi nhằm mở rộng không gian phát triển, tinh gọn bộ máy, nâng cao hiệu quả hoạt động của chính quyền các cấp, phục vụ tốt nhất người dân và doanh nghiệp.

Bí thư Bình Định nói về 3 điều kiện "được cân nhắc kỹ trước khi sắp xếp các xã, phường"

Sáng 28/4, HĐND tỉnh Bình Định khóa XIII, nhiệm kỳ 2021 - 2026 tổ chức kỳ họp thứ 23 (kỳ họp chuyên đề).

Lâm Đồng thông qua đề án sáp nhập, hình thành tỉnh có diện tích lớn nhất nước- Ảnh 3.

Ông Hồ Quốc Dũng - Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Bình Định, phát biểu tại kỳ họp. Ảnh: Trương Định

Ba điều kiện được Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bình Định cân nhắc kỹ trước khi sắp xếp các xã - phường, đó là phải gần dân, sát dân, để giải quyết công việc một cách tốt nhất cho người dân; tạo được sự ổn định kể cả lịch sử, văn hóa, truyền thống, các xã nhập lại phải có sự tương đồng; đặc biệt là tạo được không gian phát triển mới .

Sau sắp xếp, tỉnh đã chọn ra 12 xã, phường là động lực cho sự phát triển.

“Tới đây, sẽ cân nhắc thế nào để chọn cán bộ nào đủ đức, đủ tài, đủ năng lực, đủ tầm nhìn để bố trí vào những xã, phường này làm bí thư, chủ tịch”, ông Hồ Quốc Dũng - Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Bình Định , nói đồng thời cho biết nếu không hoàn thành, 1 hoặc 2 năm mà địa phương không phát triển được thì phải thay.

Liên quan việc đặt tên cho các xã, phường mới sau sắp xếp, sau khi lắng nghe các ý kiến, hiện nay tên gọi đã được thay đổi, đa phần gắn với những địa danh lịch sử, không còn đánh số thứ tự.

Bí thư Tỉnh ủy Bình Định cho biết, việc sắp xếp đơn vị hành chính tỉnh Gia Lai và tỉnh Bình Định , Ban Thường vụ Tỉnh ủy hai tỉnh thống nhất cao. Nghị quyết được thông qua sẽ được trình Chính phủ, Quốc hội trước ngày 1/5.

Tại kỳ họp, các đại biểu HĐND tỉnh Bình Định đã biểu quyết thống nhất thông qua chủ trương sắp xếp đơn vị đơn vị hành chính cấp xã của tỉnh và chủ trương sắp xếp đơn vị hành chính tỉnh Gia Lai và tỉnh Bình Định.

Lâm Đồng thông qua đề án sáp nhập, hình thành tỉnh có diện tích lớn nhất nước- Ảnh 4.

Sau sắp xếp, tỉnh Bình Định còn 58 đơn vị hành chính. Ảnh: Trương Định

Theo đó, sau sắp xếp tỉnh Bình Định còn 58 đơn vị hành chính (gồm 41 xã, 17 phường), giảm 97 đơn vị hành chính cấp xã so với hiện nay.

Thành lập tỉnh Gia Lai trực thuộc Trung ương trên cơ sở nhập toàn bộ diện tích tự nhiên là 15.510 km2, quy mô dân số là 1.770.592 người của đơn vị hành chính tỉnh Gia Lai và toàn bộ diện tích tự nhiên là 6.066 km2, quy mô dân số là 1.813.101 người của đơn vị hành chính tỉnh Bình Định.

Đơn vị hành chính tỉnh Gia Lai hình thành sau sắp xếp có diện tích tự nhiên là 21.576 km2, quy mô dân số là 3.58 triệu người và có 135 đơn vị hành chính cấp xã trực thuộc (gồm 110 xã và 25 phường). Nơi đặt Trung tâm chính trị - hành chính tại TP. Quy Nhơn (Bình Định) hiện nay.

99,65% cử tri đồng ý hợp nhất tỉnh Kon Tum và tỉnh Quảng Ngãi;

Sáng 28/4, tại kỳ họp thứ 33 (kỳ họp chuyên đề), HĐND tỉnh Quảng Ngãi khóa XIII, nhiệm kỳ 2021-2026 đã thông qua nghị quyết về việc sáp nhập , hợp nhất tỉnh Quảng Ngãi và Kon Tum.

Sau hợp nhất tỉnh Quảng Ngãi và Kon Tum, tỉnh mới sẽ có tên gọi là tỉnh Quảng Ngãi, có diện tích là 14.832,548km² (đạt 296,65% so với tiêu chuẩn), dân số hơn 2.16 triệu người (đạt 154,41% so với tiêu chuẩn), với 96 đơn vị hành chính trực thuộc (95 xã, 1 đặc khu).

Lâm Đồng thông qua đề án sáp nhập, hình thành tỉnh có diện tích lớn nhất nước- Ảnh 5.

Quang cảnh cuộc họp.

Nơi đặt trung tâm chính trị - hành chính của đơn vị hành chính tỉnh Quảng Ngãi là TP. Quảng Ngãi, tỉnh Quảng Ngãi hiện nay.

Theo chỉ đạo của TƯ, hai tỉnh phải hoàn thành việc sáp nhập , đảm bảo trước ngày 1/9 tỉnh Quảng Ngãi mới đi vào hoạt động.

Tỉnh Quảng Ngãi mới sẽ có 43 dân tộc anh em, rất đa dạng về bản sắc văn hóa, tập tục. Đặc biệt, trước khi sáp nhập, hai tỉnh Kon Tum và Quảng Ngãi từng đề xuất xây dựng sân bay ở 2 địa phương. Đó là sân bay trên đảo Lý Sơn (huyện Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi) và sân bay ở thị trấn Măng Đen (huyện Kon Pông, tỉnh Kon Tum).

Sau khi hợp nhất, tỉnh Quảng Ngãi mới sẽ có diện tích hơn 14.800km² (đứng thứ 5 cả nước), xếp sau các tỉnh Lâm Đồng (24.233,1km²), Gia Lai (21.576,5km²) và Đắk Lắk (18.096,4km²) và Nghệ An (16.490,2km2).

Lâm Đồng thông qua đề án sáp nhập, hình thành tỉnh có diện tích lớn nhất nước- Ảnh 6.

100% đại biểu tham dự kỳ họp biểu quyết tán thành Nghị quyết chủ trương sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã, cấp tỉnh.

Trước đó các địa phương ở Quảng Ngãi đã lấy ý kiến cử tri về chủ trương sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh. Kết quả 99,65% cử tri đại diện hộ gia đình đồng ý hợp nhất tỉnh Kon Tum và tỉnh Quảng Ngãi; HĐND cấp xã, cấp huyện cũng họp và ban hành nghị quyết thông qua chủ trương sáp nhập 2 tỉnh.

Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi Bùi Thị Quỳnh Vân cho biết, kỳ họp nằm trong kế hoạch công tác của HĐND tỉnh năm 2025. Tuy nhiên để đảm bảo thời gian sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã và cấp tỉnh theo kết luận của Bộ Chính trị và kế hoạch của Chính phủ, Thường trực HĐND tỉnh đã chủ động điều chỉnh thời gian tổ chức kỳ họp thứ 33 vào ngày 28/4.

“Đây là kỳ họp rất đặc biệt, có ý nghĩa quan trọng trong việc triển khai chủ trương sắp xếp các đơn vị hành chính ”, bà Vân nhấn mạnh.

Bà Vân yêu cầu UBND tỉnh và UBND các huyện, thị xã, thành phố cần bắt tay ngay vào việc sắp xếp tổ chức bộ máy . Đến bây giờ, việc sắp xếp bộ máy các sở, ngành đã xong, huyện thì cũng định hình rồi. Về tổ chức bộ máy của tất cả các xã, tỉnh sẽ phê duyệt trước ngày 20/6 trên cơ sở sắp xếp xã mới theo đúng tinh thần Nghị quyết HĐND đã thông qua.

“Do đó những công việc phải có tính liên tục, tuyệt đối không để xảy ra đứt gãy, đình trệ, ảnh hưởng đến công việc chung. Với quan điểm có cán bộ từ tỉnh xuống xã , có cán bộ từ huyện xuống xã và có cán bộ từ huyện về tỉnh vì vậy tỉnh sẽ xem xét và có sự phân công hợp lý”, bà Vân nói.

Tỉnh Gia Lai mới có một vị trí đặc biệt quan trọng

Phát biểu kết thúc kỳ họp, ông Hồ Quốc Dũng - Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Bình Định cho hay, việc sáp nhập 2 tỉnh Bình Định - Gia Lai sẽ tạo lợi thế to lớn cho phát triển kinh tế - xã hội, mở ra không gian phát triển mới , kết hợp tiềm năng của vùng Tây Nguyên với phát triển kinh tế biển của Bình Định.

Tỉnh Gia Lai mới có một vị trí đặc biệt quan trọng trong khu vực tam giác phát triển Việt Nam - Lào - Campuchia , tạo cơ hội cho chuỗi giá trị nông sản, du lịch, công nghiệp, kinh tế biển…

Tại kỳ họp, HĐND tỉnh Bình Định khóa XIII còn thông qua 14 Nghị quyết trên lĩnh vực tài chính ngân sách, đầu tư.

Lâm Đồng thông qua đề án sáp nhập, hình thành tỉnh có diện tích lớn nhất nước- Ảnh 7.

Các đại biểu HĐND tỉnh Bình Định biểu quyết thông qua các nghị quyết. Ảnh: Trương Định

Chủ tịch HĐND tỉnh Bình Định yêu cầu UBND tỉnh khẩn trương chỉ đạo các sở, ngành, các cơ quan đơn vị liên quan hoàn thiện đầy đủ hồ sơ đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã, tỉnh, trình cơ quan có thẩm quyền đúng thời gian, thủ tục theo quy định.

Triển khai thực hiện các công việc tiếp theo theo đúng tinh thần chỉ đạo của Trung ương; chủ động xây dựng các phương án để báo cáo các cấp có thẩm quyền việc sắp xếp, bố trí, sử dụng cán bộ, công chức, viên chức, bảo đảm bộ máy mới bắt tay vào hoạt động ngay theo Nghị quyết của Quốc hội, phát huy hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả...

Sau hợp nhất với Ninh Thuận, tỉnh Khánh Hòa mới có 64 xã, phường và 1 đặc khu

Ngày 28/4, HĐND tỉnh Khánh Hòa khóa VII tổ chức kỳ họp chuyên đề, thông qua 16 nghị quyết quan trọng, trong đó có việc tán thành chủ trương sắp xếp các tỉnh Khánh Hòa, Ninh Thuận; Nghị quyết về việc tán thành chủ trương sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã của tỉnh Khánh Hòa năm 2025.

Lâm Đồng thông qua đề án sáp nhập, hình thành tỉnh có diện tích lớn nhất nước- Ảnh 8.

Các đại biểu biểu quyết thông qua các nghị quyết.

Trước đó, UBND tỉnh Khánh Hòa đã lấy ý kiến nhân dân và gửi lấy ý kiến HĐND cấp xã, cấp huyện với sự thống nhất, đồng thuận rất cao về chủ trương sắp xếp các tỉnh Khánh Hòa, Ninh Thuận; chủ trương sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã của tỉnh Khánh Hòa năm 2025. Qua khảo sát sơ bộ và đánh giá ban đầu, chủ trương sáp nhập tỉnh được sự đồng tình cao của cấp ủy, chính quyền địa phương và nhân dân hai tỉnh, đặc biệt trong bối cảnh yêu cầu đổi mới mô hình tăng trưởng và nâng cao hiệu quả quản trị công.

Cụ thể, tỉnh Ninh Thuận sáp nhập với tỉnh Khánh Hòa, lấy tên là tỉnh Khánh Hòa, trung tâm chính trị - hành chính đặt tại tỉnh Khánh Hòa hiện nay. Sau sắp xếp, tỉnh Khánh Hòa có diện tích tự nhiên là 8.555,86 km (đạt 171,12% so với tiêu chuẩn), quy mô dân số là 2,23 triệu người (đạt 159,61% so với tiêu chuẩn) và 65 đơn vị hành chính cấp xã trực thuộc (gồm 48 xã, 16 phường, 1 đặc khu), đạt tiêu chuẩn diện tích tự nhiên và quy mô dân số theo quy định.

Lâm Đồng thông qua đề án sáp nhập, hình thành tỉnh có diện tích lớn nhất nước- Ảnh 9.

Sau khi hợp nhất, tỉnh Khánh Hòa sẽ có đường bờ biển dài nhất nước.

Đối với đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã của tỉnh Khánh Hòa năm 2025, các đại biểu tán thành chủ trương sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã giảm từ 132 đơn vị hành chính cấp xã còn 41 đơn vị.

Kỳ họp cũng đã thông qua các Nghị quyết quan trọng về: Quy chế Quản lý kiến trúc TP Nha Trang, TP Cam Ranh; Danh mục các công trình, dự án cần thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa; Danh mục các dự án phải chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa, đất rừng sản xuất sang mục đích khác trên địa bàn bàn tỉnh Khánh Hòa; Đồ án Quy hoạch phân khu xây dựng (tỷ lệ 1/2000) tại Khu kinh tế Vân Phong...

Sau sáp nhập đơn vị hành chính cấp xã, Ninh Thuận dôi dư 30 trụ sở công

Ngày 28/4, HĐND tỉnh Ninh Thuận khóa XI, nhiệm kỳ 2021-2026 tổ chức kỳ họp thứ 25 biểu quyết thông qua nghị quyết nhiều nghị quyết quan trọng về kinh tế - xã hội, trong đó có nghị quyết tán thành chủ trương sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận.

Theo nghị quyết này, tỉnh Ninh Thuận giảm từ 62 đơn vị hành chính cấp xã xuống còn 24 đơn vị, xã gồm 5 phường và 19 xã. Các đơn vị hành chính cấp xã hình thành sau sắp xếp được đặt tên đảm bảo tính hệ thống, khoa học, phù hợp với các yếu tố truyền thống, lịch sử, văn hóa của địa phương.

Qua rà soát tại 62 xã, phường và thị trấn, Ninh Thuận hiện có 309 trụ sở công. Sau khi sắp xếp, nhu cầu sử dụng là 279 trụ sở, dôi dư 30 trụ sở.

Lâm Đồng thông qua đề án sáp nhập, hình thành tỉnh có diện tích lớn nhất nước- Ảnh 10.

Trụ sở UBND phường Mỹ Hải, TP. Phan Rang Tháp Chàm, tỉnh Ninh Thuận

Trong giai đoạn 2025-2029, UBND tỉnh Ninh Thuận sẽ chỉ đạo các địa phương tập trung xử lý số trụ sở này, với 23 trụ sở được lên kế hoạch giải quyết trong năm 2026 và 7 trụ sở còn lại vào năm 2029.

Riêng về công tác cán bộ, sau khi sắp xếp thì toàn Ninh Thuận có 1.713 cán bộ, công chức có nguyện vọng tiếp tục công tác. Tuy nhiên, so với định mức 1.437 biên chế, số lượng này vượt 276 người. Tỉnh đã xây dựng lộ trình cụ thể để giải quyết tình trạng này, dự kiến từ năm 2026 - 2030 sẽ có tổng cộng 276 cán bộ, công chức được điều chuyển hoặc giải quyết chế độ.

Đối với đội ngũ những người hoạt động không chuyên trách cấp xã, thôn và khu phố, con số dôi dư là 27 người. Ninh Thuận đặt mục tiêu giải quyết dứt điểm tình trạng này trong năm 2025.

Link nội dung: https://nhipsongsaigon.net/lam-dong-thong-qua-de-an-sap-nhap-hinh-thanh-tinh-co-dien-tich-lon-nhat-nuoc-a130863.html