Chủ tịch MK Group: Doanh nghiệp Việt Nam có thể lấy công nghệ từ nước ngoài như cách Geely mua lại Volvo

Ông Nguyễn Trọng Khang – Chủ tịch HĐQT MK Group cho biết nếu học được công nghệ từ nước ngoài phát triển công nghệ trong nước, kết hợp cùng công nghiệp quốc phòng thì Việt Nam sẽ ở vị thế mới.

Chủ tịch MK Group: Doanh nghiệp Việt Nam có thể lấy công nghệ từ nước ngoài như cách Geely mua lại Volvo- Ảnh 1.

Ông Nguyễn Trọng Khang – Chủ tịch HĐQT MK Group.

Tại tọa đàm "Sáng kiến chính sách phát triển kinh tế tư nhân Việt Nam" do tổ chức phi lợi nhuận President Club tổ chức chiều 21/4, ông Nguyễn Trọng Khang – Chủ tịch HĐQT MK Group cho biết, nếu nó về công nghệ lõi, công nghệ chiến lược thì con người là yếu tố trung tâm. Việt Nam với nguồn nhân lực trẻ, dồi dào là cơ hội rất lớn.

Ông dẫn lại chia sẻ của Li Shufu- Chủ tịch Tập đoàn ô tô Geely Auto, Trung Quốc, về thương vụ mua lại Volvo từ Ford và nhấn mạnh vai trò tiếp sức của Nhà nước.

Theo đó, Geely ban đầu tập trung phát triển xe máy và họ rút ra rằng Trung Quốc không thể làm ô tô. Do đó, họ tìm cách mua lại hãng xe Volvo của Thụy Điển trong hoàn cảnh rất đặc biệt. Tức trước đó, Ford đã bỏ ra hơn 8 tỷ mua Volvo, nhưng đây là thương vụ không thành công vì cách làm việc của lãnh đạo hãng xe Mỹ không hài hòa với các kĩ sư Thụy Điển, những người rất giỏi nghề.

Ford đã không thành công và quyết định bán Volvo, từ mức giá mua hơn 8 tỷ, nay bán chỉ còn 1,8 tỷ. Dần dần, Geely đã đưa được công nghệ sản xuất ô tô về Trung Quốc.

"Gần đây, xe của Geely không khác gì Volvo và Volvo trở thành nhân tố quan trọng trong chuỗi cung ứng của Geely ở Trung Quốc và lãi của Volvo hiện rất tốt. Đó là cách họ lấy công nghệ và làm khoa học công nghệ. Việc mua công ty của nước ngoài không có nghĩa anh có thể mang toàn bộ sở hữu trí tuệ về, nhưng đó là một quá trình. Hiện nhiều công ty công nghệ của châu Âu 5% trở lên thuộc sở hữu người Hoa (Trung Quốc) và họ sợ Trung Quốc bỏ tiền ra mua hết", ông Khang cho biết.

Về phía mình, ông Khanh cho biết  giai đoạn 2023-3024, MK đã mua lại vài công ty nước ngoài và hiện nay có 200 nhân sự nước ngoài làm việc cho MK.

Vị này nhấn mạnh rõ ràng kinh tế tư nhân có lợi thế hơn so với doanh nghiệp nhà nước. Trong khi đó doanh nghiệp Nhà nước chịu nhiều khuôn khổ ràng buộc nên các chiến lược, quyết định thực thi có thể chậm hơn. 

MK Group là đơn vị tham gia quá trình sản xuất thẻ chip phục vụ dự án chuyển đổi thẻ căn cước công dân gắn chip điện tử của Việt Nam. Theo Chủ tịch Nguyễn Trọng Khang, để tham gia vào dự án lớn của Chính phủ, bản thân các doanh nghiệp Việt cũng phải tự thay đổi tư duy trong vận hành và quản trị theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại.

"Nếu chúng ta lấy được công nghệ của nước ngoài và phát triển công nghệ trong nước, kết hợp với công nghiệp quốc phòng thì sẽ tạo ra ngành công nghiệp quốc phòng phát triển và vị thế của Việt Nam sẽ tăng lên chứ không chỉ có hội nhập quốc tế", ông Khang cho biết. 


Link nội dung: https://nhipsongsaigon.net/chu-tich-mk-group-doanh-nghiep-viet-nam-co-the-lay-cong-nghe-tu-nuoc-ngoai-nhu-cach-geely-mua-lai-volvo-a130071.html