Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ: Xanh và số là một 'cặp song sinh'

Sáng ngày 17/4, tại Trung tâm Hội nghị quốc gia đã diễn ra phiên thảo luận cấp Bộ trưởng “Công nghệ tạo đột phá chuyển đổi xanh và phát triển bền vững trong kỷ nguyên thông minh” trong khuôn khổ Hội nghị thượng đỉnh Diễn đàn Đối tác tăng trưởng xanh và mục tiêu toàn cầu (P4G) lần thứ tư diễn ra từ ngày 14-17/4.

(Ảnh: Xuân Sơn)
Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Nguyễn Mạnh Hùng phát biểu khai mạc. (Ảnh: Xuân Sơn)

Tham dự chương trình có Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Nguyễn Mạnh Hùng, Bộ trưởng Quốc phòng Kenya Soipan Tuya, Thứ trưởng Bộ Môi trường Nhật Bản Katsume Yasushi, Cao ủy phụ trách Kinh tế tuần hoàn, Bộ Chuyển đổi sinh thái và các vấn đề về dân số của Tây Ban Nha Alejandro Dorado, Phó Tổng giám đốc Tổ chức phát triển công nghiệp Liên hợp quốc (UNIDO) Fatou Haidara.

Phiên thảo luận tập trung 3 chủ đề: (i) tận dụng xu hướng số hóa và ứng dụng AI trong giảm thiểu phát thải và tối ưu hóa việc sử dụng tài nguyên trong các lĩnh vực của nền kinh tế; (ii) hợp tác công - tư để tối đa hóa cơ hội ứng dụng công nghệ, đổi mới sáng tạo cho chuyển đổi xanh và phát triển bền vữn; (iii) các giải pháp khắc phục những rào cản về kỹ thuật, cơ sở hạ tầng, an ninh dữ liệu nhằm tạo đột phá cho ứng dụng công nghệ trong chuyển đổi xanh.

Phát biểu khai mạc, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Nguyễn Mạnh Hùng khẳng định, Việt Nam là một trong những quốc gia đầu tiên xây dựng Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện Chương trình nghị sự 2030 chuyển hướng từ mô hình tăng trưởng truyền thống sang tăng trưởng xanh và kinh tế số. Đây là những cam kết mạnh mẽ, thúc đẩy kích hoạt trí tuệ Việt Nam, để tìm kiếm đổi mới sáng tạo toàn cầu để giải bài toán phát triển xanh của đất nước và nhân loại.

Việt Nam coi trí tuệ nhân tạo (AI) là công nghệ cốt lõi nhất của cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Chuyển đổi số của Việt Nam đang được định hướng thành chuyển đổi AI. Quan điểm tiếp cận của Việt Nam là AI không thay thế con người mà chỉ tăng thêm quyền năng cho con người. AI giải phóng con người khỏi một số việc mà con người không giỏi để con người làm tốt hơn những việc còn lại, những việc mà con người giỏi hơn. AI làm cho mọi hoạt động thông minh hơn, tối ưu hơn và vì thế tiết kiệm tài nguyên hơn.

Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ nhấn mạnh: “AI rất thông minh, nhưng nếu chính con người không thông minh hơn, không thông minh hơn trong cách phát triển thì các nguy cơ vẫn còn đó. Bởi vậy, AI phải giúp con người thông minh hơn, đây nên là yêu cầu số 1 với AI, và cũng nên là yêu cầu số 1 để con người có thể phát triển một cách văn minh hơn, tức là phát triển xanh hơn, bền vững hơn”.

Theo ông Nguyễn Mạnh Hùng, chuyển đổi xanh và chuyển đổi số là một cặp song sinh. Muốn xanh thì phải số. Lên môi trường số, con người sẽ tiêu xài vật chất ít đi. Các hoạt động trên môi trường số cũng sẽ hiệu quả hơn, vì phi khoảng cách, phi trung gian và phi tiếp xúc. Và chuyển đổi số thì phải xanh. Các trung tâm dữ liệu sẽ là hộ tiêu dùng điện lớn nhất trong tương lai. Vậy, chuyển đổi số phải dùng điện xanh, phải sử dụng điện năng hiệu quả.

Bà Hon. Soipan Tuya, Bộ trưởng Quốc phòng Kenya(Ảnh: Xuân Sơn)
BBộ trưởng Quốc phòng Kenya Soipan Tuya cho rằng, chính phủ, startup, doanh nhân và nhà sáng tạo cần cùng nhau hành động cho chuyển đổi xanh và phát triển bền vững trong kỷ nguyên trí tuệ nhân tạo. (Ảnh: Xuân Sơn)

Theo bà Soipan Tuya, Bộ trưởng Quốc phòng Kenya, ứng dụng công nghệ trong quá trình chuyển đổi xanh, đặc biệt là vai trò của AI, là lĩnh vực có tiềm năng rất lớn trong tài chính, năng lượng, nông nghiệp và nhiều ngành khác. Tuy nhiên, AI cũng mang đến không ít thách thức như nguy cơ mất việc làm, rủi ro về an toàn dữ liệu và khoảng cách số giữa các vùng, các nhóm người.

Nói về một số định hướng xanh hóa nền kinh tế, Bộ trưởng Quốc phòng Kenya nhấn mạnh: “Làm sao để tận dụng công nghệ nhằm đẩy nhanh chuyển đổi xanh và phát triển bền vững? Câu trả lời nằm ở việc đầu tư và xây dựng hạ tầng AI cần thiết - tạo ra một hệ sinh thái AI hỗ trợ phát triển và mở rộng các sáng kiến đổi mới sáng tạo. Một yếu tố quan trọng là đảm bảo kết nối Iternet tốc độ cao, ổn định. Thứ hai, cần cung cấp dữ liệu giá rẻ và hệ thống điện toán đám mây dễ tiếp cận để giảm chi phí cho startup và các nhà nghiên cứu, đồng thời khuyến khích giải pháp nội địa thay vì phụ thuộc máy chủ nước ngoài”.

Tại Kenya, một ví dụ điển hình là M-Pesa, nền tảng chuyển tiền qua điện thoại di động giúp người dân ở vùng sâu vùng xa giao dịch tài chính dễ dàng, từ đó tạo việc làm và thúc đẩy tài chính toàn diện.

Thứ ba, cần tích hợp AI vào các công nghệ hiện có. AI có thể thúc đẩy tăng trưởng xanh và hành động vì khí hậu như: nông nghiệp thông minh, cảnh báo sớm thiên tai, hỗ trợ người dân chuẩn bị ứng phó với biến đổi khí hậu, nâng cao an ninh lương thực và dinh dưỡng. Tại Kenya, nhiều công ty tư nhân hợp tác với nông dân quy mô nhỏ để nâng cao năng suất bằng cách sử dụng AI dự báo thời tiết và cung cấp thông tin canh tác chính xác.

Thứ tư là đầu tư vào giáo dục và phát triển nhân tài trong lĩnh vực AI. Điều này giúp các nước đang phát triển giảm phụ thuộc, tăng năng lực nội tại và tiết kiệm chi phí công nghệ. Do đó cần đưa AI, lập trình, robotics và kỹ năng số vào chương trình học từ sớm. Kenya và Đan Mạch đang triển khai chương trình kết nối thế hệ trẻ với các nhà hoạch định chính sách toàn cầu để cùng tạo ra giải pháp bền vững.

Thứ năm là xây dựng và triển khai các chính sách AI phù hợp với chiến lược phát triển quốc gia, khu vực và toàn cầu. Kenya đã xây dựng chiến lược AI quốc gia, đồng bộ với chiến lược AI của Liên minh châu Phi và lộ trình phát triển châu Phi đến năm 2063. Trên phạm vi toàn cầu, Kenya đang vận dụng các nguyên tắc của Hiệp ước số hóa toàn cầu do Liên hợp quốc đề xuất.

Về chính sách thúc đẩy hợp tác công - tư, cần xây dựng các khung pháp lý và chính sách AI minh bạch, công bằng và có trách nhiệm. Điều này đặc biệt quan trọng trong các lĩnh vực như tài chính, nơi AI được sử dụng để đánh giá tín dụng. Chúng ta cần tạo điều kiện thuận lợi như khu kinh tế đặc biệt, ưu đãi thuế cho các startup AI và cải cách hệ thống tài chính đa phương để tăng nguồn vốn đầu tư vào AI.

Cuối cùng, cần thúc đẩy hợp tác địa phương trong đào tạo và cấp học bổng để xây dựng đội ngũ nhân lực AI tại chỗ. Thế giới cần những chính sách táo bạo, thông minh để tạo ra một hệ sinh thái AI hiệu quả. Khu vực tư nhân có vai trò quan trọng trong việc cung cấp hạ tầng, chia sẻ tri thức và chuyển giao công nghệ. Vì vậy, chính phủ, startup, doanh nhân và nhà sáng tạo cần cùng nhau hành động cho chuyển đổi xanh và phát triển bền vững trong kỷ nguyên trí tuệ nhân tạo.

Chia sẻ về 3 đóng góp của Nhật Bản trong lĩnh vực công nghệ đổi mới, Thứ trưởng Bộ Môi trường Katsume Yasushi cho hay, trước hết là công nghệ cải thiện môi trường sống và vệ sinh. Nhật Bản đã phát triển hai công nghệ nổi bật: "biến rác thành điện" - giúp xử lý một lượng lớn rác thải, giảm ô nhiễm và còn tận dụng để tạo ra điện và "Johkasou" - hệ thống xử lý nước thải nhỏ gọn, tiết kiệm chi phí, phù hợp với những nơi chưa có hệ thống cống rãnh.

Nhật Bản đã hợp tác với 29 nước, trong đó có Việt Nam, thông qua một cơ chế gọi là JCM để thúc đẩy giảm phát thải và phát triển bền vững. Ở Bắc Ninh, Nhật Bản đã hỗ trợ xây dựng một nhà máy xử lý rác thành điện. Tại Vịnh Hạ Long, công nghệ Johkasou cũng đã được lắp đặt nhờ viện trợ Nhật Bản, góp phần giữ gìn môi trường và phát triển du lịch.

Thứ hai là công nghệ hỗ trợ kinh tế tuần hoàn, tái sử dụng tài nguyên thay vì lãng phí. Nhật Bản có những công nghệ tiên tiến như: tái chế tấm pin mặt trời đã qua sử dụng, tái chế chai nhựa thành chai nhựa mới, tái chế kim loại quý từ rác thải điện tử, giúp giảm ô nhiễm và tiết kiệm tài nguyên.

Thứ ba là công nghệ giám sát môi trường bằng AI. Nhật Bản đã phát triển một ứng dụng điện thoại cho phép người dân chụp ảnh động vật, thực vật rồi tải lên. AI sẽ nhận diện loài và vị trí của chúng. Nhờ đó, có thể theo dõi được nơi sống của các loài mà không cần quá nhiều nhân lực, đồng thời giúp người dân quan tâm hơn đến thiên nhiên.

Trong lĩnh vực khí hậu, Nhật Bản có vệ tinh GOSAT dùng để quan sát khí nhà kính trên toàn thế giới. Dữ liệu từ vệ tinh được phân tích bằng thuật toán và AI để tính toán lượng phát thải từ từng khu vực cụ thể. Công nghệ này giúp các quốc gia như Mông Cổ và Ấn Độ theo dõi và báo cáo lượng khí thải theo yêu cầu của thỏa thuận Paris một cách chính xác và hiệu quả.

Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm. (Ảnh: Xuân Sơn)
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng trao quà lưu niệm cho các đại biểu. (Ảnh: Xuân Sơn)

Ông Alejandro Dorado, Cao ủy phụ trách Kinh tế tuần hoàn, Bộ Chuyển đổi sinh thái và các vấn đề về dân số của Tây Ban Nha cho biết, lý do quan trọng nhất thúc đẩy các mô hình hợp tác công – tư (PPP) mạnh mẽ hơn chính là sự hội tụ giữa khủng hoảng môi trường - khí hậu và làn sóng chuyển đổi công nghệ.

Khi AI, công nghệ xanh và quá trình số hóa đang thay đổi toàn diện nền kinh tế toàn cầu, Ủy ban Liên chính phủ về biến đổi khí hậu (IPCC) cảnh báo rằng nhân loại chỉ còn chưa đến 10 năm để ngăn chặn thảm họa nóng lên toàn cầu. Diễn đàn Kinh tế thế giới cũng liệt kê sự suy giảm đa dạng sinh học là một trong những rủi ro kinh tế lớn nhất.

Theo ông Alejandro Dorado, trong bối cảnh chủ nghĩa đa phương suy yếu ở một số nơi, thế giới cần cùng nhau hành động để giải quyết các vấn đề môi trường, đồng thời khai thác cơ hội từ các đổi mới công nghệ. Đây là những thách thức và cơ hội mang tính toàn cầu, không biên giới, ảnh hưởng đến tất cả chúng ta.

Không chính phủ hay doanh nghiệp nào có thể một mình vượt qua những khủng hoảng hiện tại. Chúng ta bắt buộc phải hợp tác. Khu vực công mang đến các khung pháp lý, chính sách tài khóa, công cụ đầu tư và đảm bảo lợi ích công cộng, quy mô lớn. Khu vực tư nhân lại có sự nhanh nhạy, nguồn vốn đầu tư và khả năng nghiên cứu, đổi mới sáng tạo tiên tiến.

“Chỉ bằng cách hợp tác sâu sắc, chúng ta mới có thể hài hòa giữa mục tiêu lợi nhuận và giới hạn của hành tinh, từ đó thúc đẩy quá trình chuyển đổi năng lượng sạch, kinh tế tuần hoàn, bảo tồn và phục hồi thiên nhiên, chuyển đổi số bao trùm”, ông Alejandro Dorado nhấn mạnh.

'); $('.hna-banner-inpage').insertAfter($('#divfirst')); })

Link nội dung: https://nhipsongsaigon.net/bo-truong-bo-khoa-hoc-va-cong-nghe-xanh-va-so-la-mot-cap-song-sinh-a129834.html