Hội nghị thượng đỉnh lần thứ tư P4G: Cơ hội vàng để Việt Nam định vị điểm đến đầu tư xanh

EuroCham coi Hội nghị thượng đỉnh lần thứ tư P4G là một nền tảng tuyệt vời để thúc đẩy các quan hệ đối tác mới trong lĩnh vực tài chính xanh, công nghệ bền vững và đổi mới toàn diện.

Hội nghị thượng đỉnh lần thứ tư P4G: Cơ hội vàng để Việt Nam định vị điểm đến đầu tư xanh
Ông Erick Contreras, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham).

Ông Erick Contreras, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) đã có buổi trò chuyện với phóng viên Báo Thế giới và Việt Nam về hành trình hướng đến tăng trưởng xanh của Việt Nam.

Việt Nam đã khẳng định những cam kết mạnh mẽ, hành động cụ thể về chuyển đổi xanh như Chính phủ đã ban hành Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh cho giai đoạn 2021-2030 và tầm nhìn đến năm 2050; ban hành các chính sách ứng phó với biến đổi khí hậu, giảm phát thải, chuyển đổi năng lượng, thực hiện cam kết trung hòa carbon. Ông đánh giá thế nào về hành trình chuyển đổi xanh vừa qua của Việt Nam?

Với chiến lược quốc gia rõ ràng như bạn nói ở trên và các cam kết hướng tới tương lai, Việt Nam đã có bước đi đáng khen ngợi trong hành trình chuyển đổi xanh. Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh cho giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đóng vai trò là nền tảng vững chắc, gắn kết sự phát triển của đất nước với các mục tiêu phát triển bền vững.

Bên cạnh đó, Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Quy hoạch điện VIII) - xương sống của lộ trình năng lượng của Việt Nam trong thập kỷ tới - cũng là một cột mốc quan trọng. Quy hoạch này tích hợp các mục tiêu đầy tham vọng về năng lượng tái tạo trong khi vẫn đảm bảo an ninh năng lượng và khả năng cạnh tranh kinh tế.

Trong những năm gần đây, ngành năng lượng tái tạo của đất nước cũng cho thấy những tiến bộ đáng kể, đặc biệt là trong lĩnh vực năng lượng Mặt trời. Việt Nam đã nổi lên như một quốc gia dẫn đầu khu vực về triển khai năng lượng Mặt trời, vượt qua nhiều quốc gia ASEAN lân cận về tăng trưởng công suất trong năm năm qua.

Sự gia tăng trong các công trình lắp đặt năng lượng Mặt trời trên mái nhà, kết hợp với việc đưa vào cơ chế Thỏa thuận mua điện trực tiếp (DPPA), báo hiệu sự chuyển dịch sang các giải pháp năng lượng xanh phi tập trung hơn và trao quyền cho doanh nghiệp nhiều hơn. Điều này giúp các khu công nghiệp và nhà sản xuất kiểm soát trực tiếp các nguồn năng lượng của họ.

Một điểm nhấn đáng chú ý khác là việc thực hiện các quy định về Trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất (EPR). Đây là bước tiến quan trọng trong việc hỗ trợ mô hình kinh tế tuần hoàn, đảm bảo rằng, các doanh nghiệp chịu trách nhiệm về tác động vòng đời của sản phẩm, khuyến khích các hệ thống sản xuất và tái chế xanh hơn.

Như ông đã chia sẻ ở trên, ngành năng lượng tái tạo của Việt Nam cho thấy những tiến bộ đáng kể. Bên cạnh năng lượng tái tạo, theo ông, Việt Nam còn sở hữu những lợi thế nào?

Ngoài năng lượng tái tạo, Việt Nam còn có tiềm năng đáng kể trong một số lĩnh vực khác hỗ trợ tăng trưởng xanh. Cụ thể, năng lực kinh tế tuần hoàn của Việt Nam đang mở rộng, đặc biệt thông qua các khuôn khổ EPR và sự xuất hiện của các vật liệu có nguồn gốc sinh học, phân hủy sinh học.

Nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ của Việt Nam đã và đang đổi mới, cung cấp các giải pháp thay thế cho nhựa và hóa chất có nguồn gốc từ hóa thạch bằng các nguồn sinh khối dồi dào như trấu, bã mía và xơ dừa.

Việt Nam cũng có đường bờ biển dài. Điều này mở ra cánh cửa để khai thác các nguồn năng lượng tái tạo từ biển, chẳng hạn như năng lượng thủy triều và sóng. Mặc dù vẫn còn mới mẻ, nhưng đây là lĩnh vực có thể thu hút các khoản đầu tư chiến lược và quan hệ đối tác công nghệ trong tương lai.

Ngoài ra, thủy điện tiếp tục đóng vai trò quan trọng trong cơ cấu năng lượng tái tạo của Việt Nam. Việc hiện đại hóa và nâng cấp hiệu quả tại các nhà máy thủy điện có thể mang đến một cơ hội mới cho đất nước.

Hội nghị thượng đỉnh lần thứ tư P4G: Cơ hội vàng để Việt Nam định vị điểm đến đầu tư xanh
Một dự án điện mặt trời tại huyện Thuận Nam (Ninh Thuận). (Nguồn: TTXVN)

Các nhà đầu tư châu Âu có quan tâm đến lĩnh vực năng lượng tái tạo tại Việt Nam không, thưa ông? Theo ông, cơ hội hợp tác giữa Việt Nam và châu Âu trong lĩnh vực này thế nào?

Việt Nam là một trong những thị trường năng động nhất trong khu vực Đông Nam Á. Những cam kết của Chính phủ và tiềm năng tài nguyên thiên nhiên làm tăng thêm sức hấp dẫn của Việt Nam như một điểm đến cho đầu tư bền vững.

Điều đó nói lên rằng, để duy trì và mở rộng đầu tư của châu Âu - đặc biệt là trong lĩnh vực điện gió ngoài khơi, vốn đòi hỏi nhiều vốn - Việt Nam phải đẩy nhanh việc thiết lập các khuôn khổ pháp lý và quy định rõ ràng.

Ngoài ra, hai bên còn dư địa để tăng cường hợp tác về phát triển lưới điện, hệ thống năng lượng và lưu trữ thông minh và cơ sở hạ tầng xanh. Việt Nam và Liên minh châu Âu (EU) đều chia sẻ cam kết mạnh mẽ hướng tới phát triển bền vững.

Tăng cường hợp tác kỹ thuật - đặc biệt là thông qua các khuôn khổ sẵn có như Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA) hay chuỗi sự kiện đặc biệt của EuroCham là Diễn đàn và Triển lãm Kinh tế xanh (GEFE) - có thể giúp Việt Nam và châu Âu mở rộng quy mô đầu tư, đổi mới và liên doanh trong lĩnh vực năng lượng sạch.

Hội nghị thượng đỉnh lần thứ tư P4G: Cơ hội vàng để Việt Nam định vị điểm đến đầu tư xanh
Việc tổ chức Hội nghị thượng đỉnh P4G là cơ hội vàng để Việt Nam định vị điểm đến đầu tư xanh và là nước đi đầu trong phát triển bền vững của khu vực. (Ảnh: Việt Hoàng)

Hiện Việt Nam còn khó khăn, thách thức gì trong chuyển đổi xanh thưa ông? Làm thế nào để hóa giải những khó khăn, thách thức đó?

Khi thế giới đang nỗ lực đa dạng hóa chuỗi cung ứng và nền kinh tế toàn cầu chuyển dịch theo hướng bền vững, Việt Nam đang ở vị thế thuận lợi để trở thành trung tâm sản xuất các sản phẩm ít phát thải carbon và là điểm đến cho đầu tư trực tiếp nước ngoài xanh.

Tuy nhiên, vẫn còn nhiều thách thức. Lĩnh vực năng lượng gió - nơi Việt Nam có tiềm năng to lớn nhưng chưa tận dụng hết. Phát triển điện gió gần bờ và ngoài khơi tại đất nước hình chữ S chậm hơn dự kiến, chủ yếu là do sự không chắc chắn về quy định, thiếu khuôn khổ để các dự án được ngân hàng bảo lãnh và quy trình cấp phép chậm.

Ngoài ra, Việt Nam cần tăng cường năng lực thực hiện và xây dựng cơ sở hạ tầng quan trọng, đặc biệt là kết nối lưới điện và phân phối điện. Cần có lộ trình rõ ràng, cơ chế giám sát mạnh mẽ và hệ thống tính toán phát thải để theo dõi tiến độ và đảm bảo đạt được các mục tiêu về tăng trưởng xanh cho năm 2030, 2040 và cuối cùng là 2050.

Ngoài ra, khả năng tiếp cận hạn chế với tài chính xanh cho các doanh nghiệp nhỏ cũng là rào cản lớn của đất nước hình chữ S.

Để vượt qua những rào cản này, Việt Nam phải duy trì hướng đi hiện tại trong khi thực hiện nhanh hơn và sâu hơn. Điều này bao gồm ban hành luật thứ cấp rõ ràng hơn, xây dựng lộ trình cụ thể cho từng ngành và tăng cường năng lực ở cả cấp trung ương và địa phương. Điều này cũng có nghĩa là Việt Nam cần tăng cường thúc đẩy đối thoại công-tư để điều chỉnh chính sách phù hợp với nhu cầu kinh doanh, mở khóa nguồn tài trợ cho các dự án sáng tạo và xanh.

EuroCham đánh giá cao và ghi nhận sự cởi mở và tầm nhìn hướng tới tương lai của Chính phủ Việt Nam. Sự tham gia liên tục của tất cả các bên liên quan - chính phủ, ngành công nghiệp và xã hội dân sự - sẽ rất quan trọng để đẩy nhanh quá trình chuyển đổi xanh.

Với vai trò là cầu nối giữa nhà đầu tư châu Âu với Việt Nam, đặc biệt trong bối cảnh chuỗi cung ứng toàn cầu đang có nhiều thay đổi, thời gian tới, EuroCham sẽ có những chính sách, sáng kiến, hợp tác thế nào với Việt Nam để hướng tới phát triển kinh tế xanh, bền vững?

Với vai trò là cầu nối giữa các doanh nghiệp châu Âu và các tổ chức Việt Nam, EuroCham cam kết đóng vai trò chủ động trong phát triển kinh tế bền vững của Việt Nam.

Năm nay, Tiểu ban Tăng trưởng Xanh của chúng tôi đã đặt mục tiêu với "phải thắng" trong chương trình nghị sự xanh, cụ thể là triển khai EPR và cơ sở hạ tầng xanh.

EuroCham đã và sẽ tiếp tục tích cực tham gia vào các hoạt động chung với các phòng thương mại khác, các đối tác đa phương và các bộ, ngành của Việt Nam để tiếp tục chung tay vun đắp một tương lai xanh ở Việt Nam.

Chúng tôi đang ưu tiên vận động chính sách, xây dựng năng lực và phối hợp nhiều bên liên quan để thực hiện mục tiêu này. Thông qua các sáng kiến ​​như GEFE, EuroCham đã tạo nên một diễn đàn để trao đổi kiến ​​thức, thúc đẩy các công nghệ tiên tiến của châu Âu và kết nối hợp tác chuỗi giá trị giữa các công ty EU và các đối tác Việt Nam.

Ngoài ra, chúng tôi đã và sẽ tiếp tục tích cực tham gia vào các hoạt động chung với các phòng thương mại khác, các đối tác đa phương và các bộ, ngành của Việt Nam để tiếp tục chung tay vun đắp một tương lai xanh ở Việt Nam.

Bật mí, Lễ ra mắt Sách trắng EuroCham sắp tới sẽ diễn ra tại Hà Nội vào ngày 11/4 sẽ đưa ra thêm các khuyến nghị để Việt Nam hoạch định chính sách và đầu tư vào chuyển đổi xanh.

Chúng tôi tin rằng, Việt Nam có thể dẫn đầu trong khu vực và EuroCham sẵn sàng hỗ trợ hành trình này thông qua hợp tác, đổi mới và tạo điều kiện thuận lợi cho đầu tư.

Diễn đàn Đối tác vì tăng trưởng xanh và mục tiêu toàn cầu (P4G) là diễn đàn quan trọng để các quốc gia đang phát triển khai thác nguồn lực quốc tế, hướng tới chuyển đổi xanh, bao trùm, bền vững, sáng tạo. Năm nay, Việt Nam sẽ đăng cai tổ chức Hội nghị thượng đỉnh lần thứ tư P4G, EuroCham kỳ vọng thế nào về Hội nghị lần này?

Việc tổ chức Hội nghị thượng đỉnh P4G là cơ hội vàng để Việt Nam định vị điểm đến đầu tư xanh và là nước đi đầu trong phát triển bền vững của khu vực. EuroCham coi sự kiện này là một nền tảng tuyệt vời để thúc đẩy các quan hệ đối tác mới trong lĩnh vực tài chính xanh, công nghệ bền vững và đổi mới toàn diện.

Chúng tôi hy vọng, Hội nghị thượng đỉnh sẽ thúc đẩy vai trò của Việt Nam trong chiến lược Cửa ngõ toàn cầu của EU, củng cố hệ sinh thái doanh nghiệp nhỏ và vừa để có thể đáp ứng nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) quy mô lớn trong các ngành công nghiệp xanh.

Sự kiện này cũng có thể giúp Việt Nam huy động tài chính cho các dự án khí hậu, đặc biệt là thông qua các mô hình tài chính và giải phóng nguồn lực cho cả sáng kiến ​​công-tư.

EuroCham kỳ vọng, P4G sẽ giúp xây dựng những cầu nối vững chắc hơn để liên kết các nguồn lực quốc tế với các ưu tiên xanh trong nước.

Xin cảm ơn ông!

P4G là cơ chế hợp tác đa phương do Đan Mạch khởi xướng từ năm 2017 và có sự tham gia của 8 nước thành viên khác là Việt Nam, Hàn Quốc, Ethiopia, Kenya, Colombia, Hà Lan, Indonesia, Nam Phi và 5 tổ chức đối tác là Viện Tài nguyên thế giới (WRI), Viện Tăng trưởng xanh toàn cầu (GGGI), mạng lưới C40 (C40 cities), Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) và Tổ chức Tài chính quốc tế (IFC).

P4G đã trải qua 3 kỳ Hội nghị thượng đỉnh do Đan Mạch, Hàn Quốc và Colombia tổ chức, nhằm thúc đẩy hợp tác đối tác công-tư và tạo ra một liên minh các nhà lãnh đạo chính trị thực hiện Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu và các mục tiêu phát triển bền vững 2030.

Việc đăng cai tổ chức Hội nghị thượng đỉnh năm nay được xem là cơ hội để Việt Nam nói chung và Hà Nội nói riêng quảng bá du lịch xanh, tăng cường quan hệ với các đối tác, tranh thủ nguồn lực cho phát triển kinh tế-xã hội, ứng phó với biến đổi khí hậu và phát triển bền vững của đất nước.

'); $('.hna-banner-inpage').insertAfter($('#divfirst')); })

Link nội dung: https://nhipsongsaigon.net/hoi-nghi-thuong-dinh-lan-thu-tu-p4g-co-hoi-vang-de-viet-nam-dinh-vi-diem-den-dau-tu-xanh-a129546.html