Nhiều thí sinh đã có hướng rẽ khác sau THPT thay vì con đường duy nhất là vào đại học. Năm nay, có 32% thí sinh dự thi THPT quốc gia chỉ để xét tốt nghiệp.
Nhiều thí sinh năm nay chỉ thi để xét tốt nghiệp THPT và chọn lọc nghề sau khi tốt nghiệp. Ảnh: Như Ý.
Nhiều thí sinh chọn nghề
Năm nay, Hà Nội có trên 16.000 thí sinh đăng ký dự thi ở cụm thi do Sở GD&ĐT Hà Nội chủ trì. Phần lớn thí sinh chọn học nghề hoặc đi làm luôn sau khi nhận bằng tốt nghiệp THPT. Tại điểm thi Trường THPT Trần Hưng Đạo (Thanh Xuân, Hà Nội), thí sinh Lê Thị Trang ở Hạ Đình (Thanh Xuân) cho biết, năm nay thi để xét tốt nghiệp THPT, không nộp hồ sơ xét tuyển ĐH. Bởi qua báo, đài, được biết cử nhân, thạc sỹ ra trường thất nghiệp ngày càng cao. “Tốt nghiệp THPT, mình sẽ học đầu bếp, nghề có thể kiếm được việc làm dễ hơn và phù hợp với sở thích” - Trang chia sẻ.
Ông Nguyễn Thành Dân, phụ huynh của Trang cho biết, để đi đến quyết định cho con đi học nghề thay vì cố gắng cho con nộp hồ sơ một trường ĐH, ông và gia đình đã suy nghĩ và tìm hiểu rất kỹ. “Có con vào học đại học nghe có vẻ oai, nhưng tìm việc làm lại không dễ trong xã hội “thừa thầy, thiếu thợ” bây giờ. Nếu con tôi có thể theo đuổi đam mê, lại có việc làm sẽ tốt hơn” - ông Dân chia sẻ.
Thí sinh Nguyễn Mạnh Hải (quận Đống Đa) cũng không nộp hồ sơ xét đại học mà chọn học nghề cơ khí. Hải cho biết có nhiều người quen đã tốt nghiệp ĐH vẫn thất nghiệp. Trong khi đó, nhiều anh, chị học nghề không chỉ có việc làm tốt mà còn có cơ hội ra nước ngoài làm việc. “Nếu có đam mê theo đuổi ngành cơ khí, có tay nghề cao mình cũng có thể có thu nhập hàng nghìn USD/tháng, cao hơn nhiều so với hệ số lương đại học, thạc sỹ”, Hải nói.
Còn tại điểm thi trung tâm giáo dục thường xuyên huyện Thanh Trì, Hà Nội, thí sinh Lê Quang Ngọc ( Đông Mỹ, Thanh Trì) cho biết, thi xong sẽ nộp hồ sơ vào làm công nhân tại khu công nghiệp Thanh Trì. “Công việc không đòi hỏi bằng đại học, lại gần nhà, không phải đi thuê trọ. Gia đình không có điều kiện cho em học tiếp ĐH nên em chọn tốt nghiệp THPT xong đi làm luôn” – Ngọc nói.
Nhận thức đã thay đổi?
Theo số liệu thống kê của Bộ GD&ĐT, năm nay, có 32% thí sinh lựa chọn thi THPT quốc gia với mục đích chỉ để xét tốt nghiệp, cao hơn 4% so với năm 2015. PGS.TS Lê Hữu Lập, Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông cho biết, nguyên nhân do sinh viên tốt nghiệp ĐH không có việc làm, hoặc phải đi làm công nhân.
Thứ hai, nếu khả năng vào các trường ĐH từ top trung bình trở lên là khó khăn, thí sinh sẽ chọn lấy bằng tốt nghiệp và đăng ký xét học bạ để vào các trường top dưới. Thứ ba, tư duy về định hướng nghề nghiệp đã bắt đầu hình thành. Tức không nhất thiết vào đại học bằng mọi giá. Cuối cùng là do kinh tế gia đình khó khăn, không đủ điều kiện cho con vào ĐH.
Theo PGS.TS Lê Hữu Lập, 4 nguyên nhân trên đã tác động trực tiếp đến lựa chọn của thí sinh. “Tuy nhiên, để thực sự có thay đổi về hướng chọn các bậc học, cần phải thực hiện cải cách chương trình phổ thông tổng thể, có nghĩa phân luồng và định hướng nghề nghiệp từ THCS. Sau THCS có thể đi học nghề. Để làm được còn phải chờ công cuộc cải cách, chứ không phải ngủ dậy là ngày mai có sự thay đổi ngay”, ông Lập khẳng định.
Đồng quan điểm, TS. Phạm Thị Ly, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu và Đánh giá giáo dục ĐH, trường ĐH Nguyễn Tất Thành (TPHCM) cho rằng, giờ người học đã thực tế hơn. Con số thất nghiệp đã khiến phải xem xét lại giá trị của tấm bằng ĐH. Trong khi đó, học phí ĐH lại đang tăng nên phải tính tới bài toán lợi ích thu được so với chi phí.
Cũng theo bà Ly, đây là dấu hiệu tốt cho thấy các trường cần phải thay đổi cách đào tạo. Người học đang “bỏ phiếu bằng chân”, tạo ra sự thay đổi trong bức tranh giáo dục ĐH bằng sự lựa chọn. “Có thể nói, cơn sốt hư danh đã đạt tới đỉnh điểm, người học bắt đầu có cái nhìn thực tế hơn. Hy vọng các trường trung cấp, trường nghề nắm bắt được cơ hội hiện nay để thu hút người học và làm cho bức tranh đào tạo nghề sau trung học trở nên sáng sủa hơn”, bà Ly nói.
Link nội dung: https://nhipsongsaigon.net/32-thi-sinh-chi-thi-de-xet-tot-nghiep-thpt-dai-hoc-khong-con-la-canh-cua-duy-nhat-a1236.html