Là người đi đầu trong việc làm tranh kính nghệ thuật ở Việt Nam, nghệ nhân ưu tú Phạm Hồng Vinh chia sẻ, bước qua thất bại của doanh nghiệp gốm sứ, ông chuyển hướng sang sản xuất đá mài và chính tại đây, điều kỳ diệu đã xảy ra. Khi tạo ra những chiếc máy mài kính đầu tiên tại Việt Nam, ông không chỉ đang chế tạo một công cụ sản xuất, mà ông còn mở ra cho mình cánh cửa bước vào thế giới của tranh kính. Năm 2003, ông Phạm Hồng Vinh thành lập Công ty CP kính nghệ thuật Coba và lấy tên Vinh Coba để quảng bá sản phẩm.
Bắt đầu từ những đường nét trên kính, ông đã khám phá ra vẻ đẹp độc đáo và tiềm năng vô hạn của nó trong nghệ thuật trang trí. Tranh kính Coba là sự kết hợp độc đáo của ba yếu tố điêu khắc, hội họa và công nghiệp. Nó được tạo ra từ kính, sản phẩm của nền công nghiệp hiện đại và nghệ thuật điêu khắc, bộ môn đặc trưng của nghệ thuật thủ công. Niềm đam mê không chỉ dừng lại ở những bức tranh trên kính đơn thuần mà còn ở sự thôi thúc không ngừng cải tiến công nghệ để hoàn thiện từng chi tiết.
Với hành trình nghiên cứu dày công của mình, năm 2012, nghệ nhân ưu tú Phạm Hồng Vinh đã được cấp bằng độc quyền sáng chế về quy trình sản xuất tranh kính. Đến năm 2021, ông được trao tặng bằng khen và cúp vàng người có công lao đóng góp nghiên cứu sáng tạo và phát triển nghề Tranh kính siêu bền tại Việt Nam.
Mỗi tác phẩm của ông đều mang trong mình sự hòa quyện giữa nghệ thuật và kỹ thuật, giữa sáng tạo và tâm hồn, biến những khung kính vô tri trở thành những câu chuyện sống động, thấm đẫm văn hóa và truyền thống.
Năm 2023, khi ông mang tranh kính Vinh Coba của mình tham dự cuộc thi sáng chế quốc tế tại Nga và xuất sắc giành được huy chương vàng danh giá. Đặc biệt hơn là sự công nhận từ UNESCO-tổ chức đã cấp bằng bảo trợ cho nghề tranh kính Vinh Coba như một minh chứng cho giá trị nghệ thuật vĩnh cửu mà ông đã dày công gây dựng.
Ở trên thế giới, tranh kính đã xuất hiện từ lâu và được ưa chuộng trong kiến trúc nhà thờ và các lâu đài. Còn ở Việt Nam, tranh kính manh nha xuất hiện vào thời nhà Nguyễn với các tranh vẽ vào kính. Cho đến tận đầu thế kỷ 20, vẽ tranh kính cũng phát triển nhưng chỉ được một thời gian thì mai một và dần trở thành nghề in màu trên kính, in sơn trên kính.
Còn nghề điêu khắc trên kính của ông Phạm Hồng Vinh không chỉ là vẽ màu trên kính mà còn điêu khắc tạo thành khối phù điêu sau đấy tô màu bằng men màu ceramic và đưa các công nghệ gia công bề mặt kính.
Đây được xem là một nghề tương đối mới ở Việt Nam nên để phát triển được cần liên tục nghiên cứu và tích lũy kinh nghiệm. Đồng thời kết hợp với máy móc và công nghệ mới sản phẩm vừa mang tính thủ công nhưng vẫn thể hiện tính hiện đại.
Là phù điêu mà cũng chẳng phải phù điêu, giống sơn mài song cũng chẳng phải sơn mài, tranh kính hiện lên trong nền nghệ thuật truyền thống Việt Nam như một "nốt trầm" của sự chấm phá. Cái thú riêng của việc thưởng tranh kính chính là thấy "động" trong "tĩnh", chạm "tĩnh" mà cảm "động".
Nói như vậy là bởi khi được ngắm từ lớp khắc thô bên dưới thay vì từ mặt kính phẳng bên trên, tác phẩm hiện lên với một sắc thái khác hẳn. Không chỉ màu sắc trở nên chân thật hơn mà độ nhám của bề mặt cùng những đường khắc tạo hình hoa văn cũng gợi lên từng chuyển động tỉ mỉ, kỳ công của người thợ.
Đối với nghệ nhân ưu tú Phạm Hồng Vinh, làm một bức tranh kính không hề đơn giản, cần phải trải qua tám bước tỉ mỉ, từ thiết kế, tạo hình, vẽ tranh cho đến khi tôi kính trong lò nung, mỗi công đoạn tác động lên mặt kính lại khiến bức tranh có hồn hơn. Khi tạo hình, người làm phải tuân thủ những quy luật nhất định để bảo đảm tính sinh động của tác phẩm, như luật xa gần, luật sáng tối, điểm nghỉ của bức tranh…
Các nét văn hóa dân gian Việt Nam như rồng nhà Lý, đình, chùa, miếu mạo, quan họ, hát xẩm…, các yếu tố của thế giới tâm linh của đời thực đều được thể hiện sống động trên kính một cách rất tinh xảo, lộng lẫy, sang trọng lại thấm đẫm bản sắc dân tộc. Công nghệ điêu khắc âm bản, mài và chất liệu sơn hấp nhiệt chuyên dụng giúp bức tranh kính nghệ thuật được hoàn chỉnh, không phai nhạt, bong tróc, không chịu ảnh hưởng của môi trường khắc nghiệt, là sản phẩm đập khó vỡ, đốt không cháy, có thể tạm gọi là sản phẩm siêu bền.
Không chỉ có tính nghệ thuật thuần túy, tranh kính điêu khắc còn mang tính ứng dụng cao bởi nó như một vật liệu xây dựng, vừa để trang trí nội thất, ngoại thất, vừa đưa vào ứng dụng phục vụ cho sinh hoạt đời thường như bàn, ghế, giường, tủ, vách cửa, trần, sàn, mái hoặc các tiểu cảnh…
Trong xu thế hội nhập hiện nay, ngành kính điêu khắc nghệ thuật đã có bước phát triển đáng kể. Hiện thương hiệu tranh kính Vinh Coba đã có mặt tại nhiều công trình văn hóa trên cả nước. Nhiều tác phẩm văn hóa phương Đông được thể hiện trên kính đang rất được ưa chuộng như tranh Tứ Bình, tranh Thủy Mặc…hay những tác phẩm văn hóa dân gian truyền thống như Tranh Đông Hồ, tranh Trống Đồng Đông Sơn, tranh Trống Đồng Ngọc Lũ...
"Mỗi lần nghiên cứu ra được một sản phẩm mới, công nghệ mới là lúc tôi cảm thấy hạnh phúc nhất. Mỗi sản phẩm của Vinh Coba là một thành công cả về giá trị thương mại và giá trị nghệ thuật. Làm nghề nhiều lúc gặp khó khăn nhưng tôi chưa bao giờ tôi thất vọng, làm hỏng thì làm lại, làm chưa đúng thì làm tiếp. Tôi luôn xác định làm nghề kính thì việc đổ vỡ, hỏng là bình thường. Bởi khi ta chọn gắn bó với một "nghề khó" mà vượt qua được thì giá trị nhận lại là vô cùng lớn", Nghệ nhân ưu tú Phạm Hồng Vinh chia sẻ.
Có thể thấy rằng, nghề điêu khắc kính là một nghề có tính sáng tạo, có nhiều tiềm năng để phát triển trong tương lai. Tranh kính có giá trí sử dụng lâu dài và chứa đựng cả giá trị nghệ thuật, vì vậy, nghề làm tranh kính rất đáng để phát huy, thông qua các tác phẩm sẽ truyền tải nhiều thông điệp về phong cảnh, con người, văn hóa Việt Nam.
Diệu Anh
Link nội dung: https://nhipsongsaigon.net/nguoi-giu-hon-dan-toc-qua-tranh-kinh-dieu-khac-a121217.html