Founder Gạo Nâu kể chuyện bỏ học theo ngành ảnh: Từ căn gác 100m2 ở đường Láng đến studio 1.000m2 ở Sài Gòn, mỗi tháng đón vài nghìn lượt khách đến chụp ảnh

“Có những khách hàng đến với tôi trong hoàn cảnh rất đặc biệt, như mắc bệnh hiểm nghèo, và họ muốn có những bức ảnh để lại cho con cháu, thậm chí là những bức ảnh cuối đời. Những khoảnh khắc đó mang đến cho tôi cảm giác khó tả, vừa xúc động vừa ý nghĩa. Và đó là lúc tôi nhận ra công việc của mình thực sự có ý nghĩa, không chỉ đơn thuần là cầm máy ảnh lên và chụp”, Cao Văn Thắng - Founder & CEO của Gạo Nâu Chụp Ảnh chia sẻ về một khoảnh

Từng là sinh viên sư phạm, Cao Văn Thắng - Founder & CEO của Gạo Nâu Chụp Ảnh rẽ sang một con đường hoàn toàn khác, bỏ ngang việc học để theo ngành ảnh. Sau 6 năm làm nghề, anh quyết định thành lập Gạo Nâu vào tháng 11/2022.

Dù chỉ mới thành lập được 3 năm nhưng Gạo Nâu đã có 4 cơ sở ở TP.HCM và Hà Nội. Và đang dần khẳng định là studio thành công trong ngành. Chia sẻ về bí quyết để đưa Gạo Nâu phát triển đến thời điểm hiện tại, anh Thắng nhấn mạnh rằng sự kiên trì, tâm huyết và sự chú trọng vào trải nghiệm khách hàng.

Founder Gạo Nâu kể chuyện bỏ học theo ngành ảnh: Từ căn gác 100m2 ở đường Láng đến studio 1.000m2 ở Sài Gòn, mỗi tháng đón vài nghìn lượt khách đến chụp ảnh- Ảnh 1.

Là một người xuất phát từ nghề nhiếp ảnh, cơ duyên nào đưa anh đến quyết định thành lập Gạo Nâu Chụp Ảnh?

Tôi không phải là dân được học hành bài bản về nghề nhiếp ảnh. Trước đó, tôi học tại trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2, khoa Sinh học. Đến năm 2 đại học, khi làm thêm tại một studio nhiếp ảnh, tôi bén duyên với nghề. Người thầy đầu tiên, cũng là chủ studio đã chỉ dạy và hướng dẫn tôi những bước cơ bản để phát triển. Sau đó, tôi đã quyết định nghỉ học và tập trung hẳn vào việc đi làm nghề.

Quyết định này cũng vấp phải ý kiến phản đối từ bố mẹ vì thường các bậc phụ huynh vẫn nhìn nhận nghề nhiếp ảnh là nghề “không an toàn” và không có tính ổn định. Tuy nhiên, tôi vẫn quyết tâm theo nghề và sau đó cũng thành công thuyết phục bố mẹ để mình theo nghề. Khi đã chấp nhận bỏ học theo nghề nhiếp ảnh, tôi không còn nhận được sự hỗ trợ từ gia đình về mặt tài chính. Lúc đó thực sự là phải ra đời và tự kiếm sống bằng bàn tay, khối óc của mình.

Ý tưởng thành lập Gạo Nâu Chụp Ảnh xuất phát từ một thời điểm khó khăn. Trước khi bắt đầu Gạo Nâu, tôi đã có khoảng 6 năm kinh nghiệm làm nghề. Nhưng biến cố lớn nhất đến vào thời kỳ dịch Covid-19, khi mà công việc của mọi người, bao gồm cả tôi đều bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Sau dịch, tôi nhận ra rằng mình cần một nơi để hoàn toàn sáng tạo và kiểm soát mọi khía cạnh công việc từ A đến Z.

Trước đây, khi làm thuê, tôi chỉ có thể kiểm soát phần kỹ thuật phía sau, còn những ý tưởng cá nhân thì không có cơ hội thực hiện. Thành lập Gạo Nâu là cơ hội để tôi biến những ý tưởng thành hiện thực và cũng là cách tôi chủ động đối mặt với khó khăn sau dịch. Với số vốn ban đầu là 200 triệu đồng, vào tháng 11/2022 Gạo Nâu có cơ sở đầu tiên ở căn gác trên đường Láng, Hà Nội với diện tích 100m2.

Founder Gạo Nâu kể chuyện bỏ học theo ngành ảnh: Từ căn gác 100m2 ở đường Láng đến studio 1.000m2 ở Sài Gòn, mỗi tháng đón vài nghìn lượt khách đến chụp ảnh- Ảnh 2.

Anh nhận định như thế nào về ngành ảnh thời điểm mình bắt đầu khởi nghiệp? Cơ hội và thách thức mà Gạo Nâu có thể phải đối mặt là gì?

Sau dịch, ngành chụp ảnh vẫn còn nhiều khoảng trống, vì nhiều đơn vị vừa trải qua khủng hoảng và chưa sẵn sàng trở lại. Khách hàng thì vẫn có nhu cầu, nhưng nguồn cung cấp dịch vụ chất lượng lại không đủ. Đây chính là cơ hội để tôi tận dụng và phát triển Gạo Nâu.

Tuy nhiên, tôi cũng nhận ra rằng thách thức lớn nhất là hầu bao của khách hàng sau dịch trở nên eo hẹp hơn. Vì vậy, phải làm sao để sản phẩm của mình vừa đáp ứng được nhu cầu vừa phù hợp với điều kiện kinh tế của họ.

Mặt khác, tôi lựa chọn đi vào thị trường ngách với Gạo Nâu, cả về sản phẩm lẫn đối tượng khách hàng. Bên cạnh đó, tôi tận dụng rất tốt các kênh mạng xã hội, đặc biệt là TikTok, vốn bùng nổ mạnh mẽ sau dịch. Điều này giúp Gạo Nâu xây dựng được độ nhận diện thương hiệu ngay từ đầu.

Câu chuyện nào trong ngày đầu khởi nghiệp khiến anh nhớ đến thời điểm bây giờ?

Với cá nhân tôi, điều đáng nhớ nhất là lúc khách hàng còn ít, cơ sở ban đầu thậm chí chưa có lãi, nhưng chỉ sau 4 tháng đã quyết định mở thêm chi nhánh thứ hai tại TP.HCM.

Quyết định đó rất liều lĩnh. Thời điểm đó, khi đi Grab qua dòng người đông đúc ở TP.HCM, tôi tự hỏi: “Nếu Hà Nội làm được, thì tại sao mình không thể làm điều tương tự ở đây?”. Dù chưa có lãi ở chi nhánh đầu tiên, tôi vẫn tin tưởng mở rộng thị trường. Và quyết định táo bạo này giờ đây đã mang lại những trái ngọt.

Đến thời điểm hiện tại, tôi vẫn giữa liên lạc với vị khách hàng đầu tiên của Gạo Nâu tại Hà Nội. Chị là một chị giảng viên Đại học Luật, đến với Gạo Nâu để chụp một bộ ảnh profile. Mặt khác, mỗi khách hàng đến với Gạo Nâu đều có những câu chuyện riêng. Khi chụp hình cho họ, tôi cảm giác như mình trở thành một phần trong câu chuyện của họ. Trách nhiệm của Gạo Nâu là kể lại câu chuyện đó qua hình ảnh một cách chân thực nhất.

Có những khách hàng đến với tôi trong hoàn cảnh rất đặc biệt, như mắc bệnh hiểm nghèo, và họ muốn có những bức ảnh để lại cho con cháu, thậm chí là những bức ảnh cuối đời. Những khoảnh khắc đó mang đến cho tôi cảm giác khó tả, vừa xúc động vừa ý nghĩa. Đôi khi, chính nghị lực của họ lại trở thành nguồn động lực ngược cho tôi. Và đó là lúc tôi nhận ra công việc của mình thực sự có ý nghĩa, không chỉ đơn thuần là cầm máy ảnh lên và chụp.

Founder Gạo Nâu kể chuyện bỏ học theo ngành ảnh: Từ căn gác 100m2 ở đường Láng đến studio 1.000m2 ở Sài Gòn, mỗi tháng đón vài nghìn lượt khách đến chụp ảnh- Ảnh 3.

Cái tên Gạo Nâu khá đơn giản và gần gũi, từ đâu anh có cái tên này? Có câu chuyện gì đặc biệt đằng sau cái tên này không?

Ban đầu, tôi muốn tìm một cái tên dễ đọc, dễ nhớ, có chút đặc biệt và gần gũi. Ngoài ra, yếu tố SEO cũng rất quan trọng trong kinh doanh. Tên “Gạo Nâu” xuất phát từ ý tưởng “Gạo Chụp Ảnh”, vừa gợi liên tưởng đến sự thân thuộc của gạo, vừa thể hiện lĩnh vực nhiếp ảnh mà tôi đang theo đuổi.

Bên cạnh đó, tôi cũng muốn cái tên gắn liền với văn hóa Việt Nam, mang tính dân dã và gần gũi. Khi nghe “Gạo Nâu”, ai cũng dễ cảm nhận được sự mộc mạc, bình dị mà vẫn độc đáo.

Khởi nghiệp ở độ tuổi còn rất trẻ, anh thấy khó khăn nhất là điều gì? Và điều gì anh thấy thuận lợi nhất?

Lúc bắt đầu Gạo Nâu, tôi mới khoảng 23-24 tuổi, một độ tuổi rất trẻ. Khó khăn lớn nhất khi khởi nghiệp ở tuổi này là thiếu kinh nghiệm, thiếu người hướng dẫn, ít mối quan hệ, và đặc biệt là thiếu vốn. Lúc ấy, tôi không biết cách làm marketing hiệu quả và thường lúng túng không rõ làm gì để cải thiện cửa hàng.

Tuy nhiên, nhìn lại tôi thấy tuổi trẻ nó cũng có cái thuận lợi riêng. Lợi thế lớn nhất của tuổi trẻ là sự nhiệt huyết và năng lượng. Đây là điều mà tôi tin sau tuổi 30 sẽ dần giảm sút. Ngoài ra, khả năng tập trung cao độ vào công việc và sẵn sàng học hỏi là những yếu tố quan trọng mà tuổi trẻ mang lại.

Founder Gạo Nâu kể chuyện bỏ học theo ngành ảnh: Từ căn gác 100m2 ở đường Láng đến studio 1.000m2 ở Sài Gòn, mỗi tháng đón vài nghìn lượt khách đến chụp ảnh- Ảnh 4.

Founder Gạo Nâu kể chuyện bỏ học theo ngành ảnh: Từ căn gác 100m2 ở đường Láng đến studio 1.000m2 ở Sài Gòn, mỗi tháng đón vài nghìn lượt khách đến chụp ảnh- Ảnh 5.

Đến thời điểm hiện tại, Gạo Nâu đã phát triển đến đâu, thưa anh? Mất bao lâu để Gạo Nâu tạo nên chỗ đứng đó cho mình?

Đến thời điểm hiện tại, Gạo Nâu đã phát triển 4 cơ sở, với 2 ở Hà Nội và 2 ở TP.HCM. Trong đó, cơ sở ở quận 3 có diện tích khoảng 1.000m2. Về câu chuyện lợi nhuận, sau 6 tháng vận hành, chúng tôi đã có lãi. Với mỗi cơ sở mới, chỉ mất khoảng 2 tháng để hoàn vốn, nhờ biên lợi nhuận tốt và chiến lược tiếp cận khách hàng hiệu quả.

Gạo Nâu cũng đã tạo được nhận diện thương hiệu khá tốt trong ngành. Nếu hỏi 10 người trong lĩnh vực này, đa số sẽ biết đến chúng tôi. Về nhân sự, đội ngũ hiện tại khoảng 200 người, chia đều ở các cơ sở Bắc và Nam.

Chúng tôi mất khoảng 1,5 năm để đạt được sự nhận diện tốt. Điều này có được nhờ khai phá đúng tệp khách hàng và tận dụng hiệu quả các nền tảng truyền thông xã hội. Hiện tại, trung bình mỗi tháng Gạo Nâu đón vài nghìn lượt khách.

Điều gì đã khiến Gạo Nâu khác biệt với các studio khác, thưa anh?

Một điểm nổi bật của chúng tôi là dịch vụ chăm sóc trước và sau khi chụp, như đắp mặt nạ, massage chân – những dịch vụ thường chỉ thấy ở spa. Ý tưởng này đến từ việc tôi học hỏi từ các ngành dịch vụ khác. May mắn là trong ngành studio lúc đó chưa ai áp dụng, nên khách hàng đón nhận rất tích cực.

Thứ hai là sản phẩm phải hợp gu, hợp xu hướng. Ban đầu, tôi cũng cố gắng đáp ứng tất cả mong muốn của khách hàng. Tuy nhiên, cách làm đó không hiệu quả về lâu dài vì rất khó duy trì tính đồng nhất và xây dựng thương hiệu.

Hiện tại, Gạo Nâu tập trung vào việc xây dựng các bộ sưu tập theo mùa. Tương tự như các thương hiệu thời trang, định hướng thị hiếu khách hàng thông qua những concept sẵn có, giúp tối ưu hóa quy trình và đồng thời tạo dấu ấn riêng.

Nhìn từ thực tế, sản phẩm ngành ảnh khá đặc thù khi vòng lặp bán khá thấp, khách hàng có thể chỉ sử dụng dịch vụ 1-2 lần, vậy để giải quyết bài toán kinh doanh này, anh và Gạo Nâu đã làm như thế nào?

Tôi thường nói vui rằng, thay vì bán một sản phẩm nhiều lần cho một khách hàng, hãy tạo ra cả một chuỗi sản phẩm để khách hàng có thể quay lại ở những thời điểm khác nhau trong đời. Ví dụ, từ chụp ảnh cá nhân, ảnh cưới, đến chụp ảnh con cái hay ảnh gia đình – tất cả đều là cách để giữ khách hàng trong hành trình dài hạn. Đồng thời, Gạo Nâu cũng áp dụng chính sách đặc quyền dành riêng cho khách hàng quay lại.

Founder Gạo Nâu kể chuyện bỏ học theo ngành ảnh: Từ căn gác 100m2 ở đường Láng đến studio 1.000m2 ở Sài Gòn, mỗi tháng đón vài nghìn lượt khách đến chụp ảnh- Ảnh 6.

Được biết, mỗi một nhiếp ảnh gia sẽ có “khẩu vị” chụp ảnh và con mắt nghệ thuật khác nhau, vậy để tạo ra sự đồng đều trong đội ngũ nhân sự của mình, anh đã phải làm gì?

Đây là một thách thức lớn, nhưng cũng là yếu tố góp phần vào thành công của Gạo Nâu. Để doanh nghiệp ba năm tuổi như Gạo Nâu đạt được kết quả tốt cả về nhân sự lẫn doanh thu, chúng tôi đã xây dựng và đóng gói quy trình rất chặt chẽ. Điều này giúp đảm bảo sự đồng nhất trong phong cách làm việc, từ kỹ thuật chụp ảnh cho đến việc thực hiện concept đã định.

Tuy nhiên, tôi hiểu rằng nghệ thuật không thể bị đóng khung hoàn toàn. Vì vậy, trong mỗi bộ ảnh, 70–80% là tuân theo quy chuẩn công ty, còn 20–30% là “quãng thở” và là không gian để các nhân sự sáng tạo dựa trên cảm xúc và góc nhìn cá nhân. Điều này giúp cân bằng giữa việc giữ chuẩn mực và khuyến khích sáng tạo. Thực tế, 95% khách hàng muốn sản phẩm giống với những gì họ thấy trong quảng cáo. Vì vậy, quy trình và sự đồng đều vẫn là ưu tiên hàng đầu.

Có ý kiến cho rằng: Sản phẩm ngành ảnh rất dễ bị sao chép, anh đánh giá như thế nào về điều này? Và Gạo Nâu đã gặp trường hợp này chưa, thưa anh?

Đúng là trong ngành của tôi, việc sản phẩm bị sao chép là điều rất dễ xảy ra. Tuy nhiên, thay vì bất mãn hay cố thay đổi thực tế đó, tôi và đội ngũ chọn cách sống chung với nó. Tôi tin rằng, dù có sao chép, yếu tố nhận diện thương hiệu, sự chăm sóc khách hàng và khả năng để lại dấu ấn tốt mới là điều quyết định ai sẽ thành công.

Ví dụ, nếu một sản phẩm gốc được bán với giá 3 triệu đồng, trong khi phiên bản sao chép chỉ 2 triệu đồng, khách hàng vẫn có xu hướng chọn sản phẩm chính hãng nếu họ cảm nhận được giá trị thật, sự tin cậy và dịch vụ tốt.

Một số đơn vị không chỉ sao chép ý tưởng mà còn đi xa hơn bằng cách lấy trực tiếp hình ảnh từ các nguồn nước ngoài, ví dụ như Trung Quốc, để chạy quảng cáo mà không hề sản xuất nội dung thật. Điều này gây ra nhiều khó khăn cho chúng tôi, cả về cạnh tranh và nhận diện thương hiệu.

Ngoài ra, còn có những trường hợp “đạo nhái đẳng cấp” hơn. Chẳng hạn, tôi có chụp một bộ mẫu với concept đặc biệt, nhưng sau đó đối thủ không chỉ sao chép ý tưởng mà còn thuê chính mẫu ảnh mà chúng tôi đã làm việc, sao chép từ người mẫu đến toàn bộ concept. Đây là một cách làm rất tinh vi và tác động không nhỏ đến doanh nghiệp của tôi. Vì thế, chúng tôi tập trung khẳng định mình là một đơn vị chính hãng, từ đó tạo lợi thế cạnh tranh.

Sau sự thành công của Gạo Nâu, theo anh đánh giá, để phát triển trong ngành ảnh cần những yếu tố nào? Và đâu là yếu tố tiên quyết?

Để phát triển trong ngành này, có ba yếu tố không thể thiếu. Thứ nhất là sản phẩm tuyệt vời. Mặc dù sản phẩm có thể không phải là duy nhất, nhưng phải thật sự tốt và phù hợp với nhu cầu thị trường.

Thứ hai, đó là chiến lược marketing hiệu quả. Và yếu tố cuối cùng, có thể nói là quyết định, là con người thực hiện. Nếu doanh nghiệp có đội ngũ nhân viên giỏi và tận tâm, sản phẩm sẽ được quảng bá và thực hiện một cách tốt nhất. Ba yếu tố này phải kết hợp với nhau, không thể thiếu yếu tố nào.

Đầu tiên, khi doanh nghiệp mới bắt đầu, sản phẩm tuyệt vời là yếu tố quan trọng nhất. Khi thị trường phát triển, marketing trở thành yếu tố quan trọng tiếp theo để tạo sự nhận diện và thu hút khách hàng. Cuối cùng, khi doanh nghiệp đã ổn định, yếu tố con người sẽ quyết định sự bền vững và phát triển lâu dài.

Nếu có đội ngũ nhân viên xuất sắc, họ sẽ đảm bảo rằng mọi chiến lược marketing và sản phẩm đều được thực hiện một cách hoàn hảo. Tất cả ba yếu tố này sẽ tạo thành xương sống cho một doanh nghiệp thành công.

Founder Gạo Nâu kể chuyện bỏ học theo ngành ảnh: Từ căn gác 100m2 ở đường Láng đến studio 1.000m2 ở Sài Gòn, mỗi tháng đón vài nghìn lượt khách đến chụp ảnh- Ảnh 7.

Dưới con mắt của một người làm kinh doanh, anh nghĩ 5 năm tới Gạo Nâu sẽ đứng ở đâu trên thị trường ngành ảnh?

Nếu tiếp tục đi theo định hướng như hiện tại, tôi tin rằng Gạo Nâu vẫn sẽ là đơn vị đứng đầu ngành ảnh. Tôi nghĩ rằng để đạt được như hiện tại, chúng tôi đã may mắn hội tụ được cả “thiên thời, địa lợi và nhân hòa”. Điều đó không dễ dàng lặp lại. Những studio khác có thể tạo ra sản phẩm tốt hơn, nhưng để có quy mô và hiệu quả như Gạo Nâu thì cần cả một hệ sinh thái, từ marketing, đội ngũ nhân sự, đến khả năng đáp ứng nhu cầu thị trường.

Tôi luôn cho rằng, nếu không có những biến cố lớn hay cú trượt dài từ phía chúng tôi, thì việc một studio nhỏ vươn lên và chiếm lĩnh thị trường là rất khó. Giống như anh Hoàng Nam Tiến từng nói, nếu không có biến cố, các doanh nghiệp nhỏ sẽ khó có cơ hội vươn xa. Điều đó không chỉ đúng với ngành nhiếp ảnh mà còn với nhiều lĩnh vực khác.

Còn về câu chuyện tương lai, chúng tôi đang xây dựng một hệ sinh thái đa dạng xoay quanh chụp ảnh. Ở trung tâm là dịch vụ chụp ảnh truyền thống, như ảnh cưới, gia đình, trẻ em, và ảnh doanh nghiệp. Chúng tôi cũng mở rộng thêm các dịch vụ khác như lớp học makeup cá nhân, chụp ảnh áo dài ngoài trời, và cả các gói chụp ảnh du lịch kết hợp với các điểm đến nổi tiếng ở Việt Nam. Đây là cách để bắt kịp xu hướng và đáp ứng nhiều nhu cầu hơn từ khách hàng.

Anh có rút ra bài học hay kinh nghiệm nào đặc biệt trong quá trình khởi nghiệp không?

Rất rất nhiều bài học được rút ra. Một trong những điều lớn nhất tôi nhận ra là cần phải thật sự trân trọng người đồng hành với mình. Đôi lúc, chúng ta không nhận ra sự quan trọng của họ, nhất là với những người thân thiết.

Về mặt kinh doanh, tôi cũng học được cách tối ưu hóa nguồn vốn và đảm bảo dòng tiền luôn ổn định. Lúc mới bắt đầu, chúng tôi áp dụng mô hình tính lương linh hoạt theo doanh thu, tức là "có việc, có tiền". Điều này giúp giảm rủi ro khi quy mô còn nhỏ. Sau này, khi chuyển sang mô hình hợp đồng lao động chính thức, chi phí cố định tăng lên, tôi phải cẩn thận hơn trong việc quản lý tài chính.

Mặt khác, khi chúng tôi mở rộng quá nhanh, yếu tố con người trở thành vấn đề lớn nhất. Chúng tôi thiếu nhân sự giỏi, đặc biệt là ở các vị trí quản lý. Thậm chí, khi mở rộng thị trường ở Đà Nẵng, khách hàng vẫn ổn nhưng nhân sự không đáp ứng được. Lấn sân ở thị trường Đà Nẵng là một nỗi đau và bài học lớn với tôi.

Ngành này cũng khó tuyển dụng, và giữ chân người tài không hề đơn giản. Với các nhiếp ảnh gia giỏi, họ thường thích làm việc tự do vì thu nhập có thể cao hơn. Nếu muốn giữ họ, chúng tôi phải trả mức lương vượt xa thị trường.

Founder Gạo Nâu kể chuyện bỏ học theo ngành ảnh: Từ căn gác 100m2 ở đường Láng đến studio 1.000m2 ở Sài Gòn, mỗi tháng đón vài nghìn lượt khách đến chụp ảnh- Ảnh 8.

Với câu chuyện khởi nghiệp thành công của bản thân, anh có lời khuyên nào để đưa cho những người đang và sẽ khởi nghiệp, nhất là những người trẻ?

Theo tôi, với những người trẻ đang khởi nghiệp, điều đầu tiên là cần có một tâm thế tập trung thực sự. Ban đầu, có thể sẽ hơi mông lung, nhưng sau một thời gian ngắn, khi tìm được đúng hướng, các bạn cần dồn toàn bộ sự tập trung và tâm huyết vào lĩnh vực mình chọn. Bất kỳ ngành nghề nào, khi chúng ta làm việc với tất cả tâm huyết và dành nhiều thời gian cho nó, chắc chắn sẽ đạt được kết quả tốt. Tôi tin rằng, một người chăm chỉ sẽ không bao giờ sa sút.

Một vấn đề thường gặp ở những người trẻ là thiếu sự tập trung. Họ thường bị cuốn vào những điều mới lạ, dẫn đến việc bỏ dở giữa chừng. Vì vậy, kiên định và tập trung vào mục tiêu ban đầu là yếu tố cực kỳ quan trọng để thành công.

Ngoài ra, nhiều người hay đề cập đến yếu tố may mắn. Với tôi, thay vì chờ đợi may mắn, chúng ta nên tập trung làm tốt công việc của mình, sống tử tế và có trách nhiệm với bản thân cũng như xã hội. Khi đó, sự may mắn sẽ tự nhiên tìm đến.

Cuối cùng, trong ngành dịch vụ, trải nghiệm khách hàng luôn là yếu tố cốt lõi. Khách hàng chính là thượng đế, và khi chúng ta đặt họ làm trung tâm trong mọi hoạt động, thành công sẽ bền vững hơn.

Xin cảm ơn những chia sẻ thú vị của anh!

Link nội dung: https://nhipsongsaigon.net/founder-gao-nau-ke-chuyen-bo-hoc-theo-nganh-anh-tu-can-gac-100m2-o-duong-lang-den-studio-1000m2-o-sai-gon-moi-thang-don-vai-nghin-luot-khach-den-chup-anh-a121100.html