Buôn lậu động vật: Nguy cơ phá vỡ ngành chăn nuôi

(Chinhphu.vn) - Con giống nhập lậu chính là nguyên nhân gây ra dịch bệnh như dịch cúm gia cầm, tai xanh, lở mồm long móng, viêm da nổi cục, dịch tả lợn Châu Phi… từ nước ngoài vào Việt Nam, gây thiệt hại kinh tế lớn.

Buôn lậu động vật: Nguy cơ phá vỡ ngành chăn nuôi- Ảnh 1.

Dù ngành chăn nuôi có nhiều dư địa phát triển nhưng buôn lậu động vật đang là một trong những nguy cơ lớn phá vỡ ngành

Thủ đoạn buôn lậu ngày càng tinh vi

Đại tá Lê Thơm, Phó Cục trưởng Cục C05 (Bộ Công an) cho biết, thời gian vừa qua các đối tượng buôn lậu động vật đã thay đổi về hình thức, tinh vi hơn. Ví dụ như ở Quảng Ninh, nếu trước đây là động vật thì bây giờ đã chuyển sang trứng gia cầm, giống thủy sản để dễ tiêu thụ, lẩn trốn.

Theo Đại tá Thơm, do chênh lệch giá cả, lợi nhuận cao nên nhiều đối tượng đã lôi kéo người dân tham gia vào buôn lậu: "Tại khu vực Tây Nam bộ, mỗi con trâu, bò khi được lùa qua biên giới có thể được trả công đến 800 nghìn đồng".

Theo đại diện Bộ Công an, năm 2024, C05 đã xử lý vi phạm trong lĩnh vực nhập lậu trên 300 vụ với 188 đối tượng, phạt tiền trên 8 tỷ đồng, khởi tố 11 vụ với 18 bị can.

Mới đây ngày 24/12/2024, C05 đã thu thập, xử lý đường dây nhập lợn từ Thái Lan về Việt Nam để tiêu thụ. Các đối tượng vừa đưa hàng qua biên giới tại tỉnh Tây Ninh, đang tiến hành cân 339 tấn lợn thì bị lực lượng của Bộ Công an bắt quả tang nhập lậu qua biên giới Tây Ninh.

"Khi chúng tôi tổ chức truy bắt các đối tượng này, địa phương không biết. Sau vụ việc, cơ quan chức năng đã khởi tố 7 đối tượng", Đại tá Thơm nói thêm.

Cũng theo Phó Cục trưởng này, ngày 11/1/2025, C05 đã bắt quả tang một đơn vị ở huyện Đức Hòa (Long An) đưa 900 con lợn bệnh vào giết mổ đưa đi tiêu thụ tại các quầy hàng. Ngày 13/1, cơ quan chức năng đã lấy 24 mẫu để xét nghiệm, trong đó có đến 19 mẫu phát hiện dịch tả lợn châu Phi, tai xanh... , hiện số lượng lợn này đã được cho tiêu hủy theo quy định.

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến nhận định mặc dù ngành chăn nuôi còn nhiều dư địa nhưng nguy cơ từ buôn lậu là rất lớn và là một trong 3 vấn đề cần quan tâm, xử lý.

Cụ thể, bên cạnh việc đẩy mạnh sản xuất quy mô công nghiệp, an toàn sinh học để tăng cường xuất khẩu, ngành chăn nuôi, thú y cần tiếp tục siết chặt quản lý nhập khẩu và phối hợp đồng bộ với các ngành, địa phương để phòng, chống buôn lậu động vật, sản phẩm động vật.

"Chúng ta đều biết, con giống nhập lậu chính là nguyên nhân gây ra dịch bệnh như dịch cúm gia cầm, tai xanh, lở mồm long móng, viêm da nổi cục, dịch tả lợn Châu Phi… từ nước ngoài vào Việt Nam, gây thiệt hại rất lớn. Ví dụ, chỉ tính riêng thiệt hại do dịch tả lợn Châu Phi đã lên tới 30.000 tỷ đồng rồi. Do đó, một lần nữa tôi nhấn mạnh rằng, Chi cục Thú y các địa phương phải là nòng cốt để phối hợp với lực lượng cảnh sát giao thông và quản lý thị trường kiểm soát vận chuyển, mua bán giống gia cầm nhập lậu. Đặc biệt, Chủ tịch UBND các tỉnh không thể đứng ngoài cuộc", Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho biết.

Nhận diện và phối hợp xuyên suốt xử lý triệt để

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến chia sẻ, mặc dù đối mặt với nhiều khó khăn nhưng nông nghiệp vẫn là lợi thế quốc gia. Để phát huy lợi thế này, bên cạnh những cơ chế, chính sách hiện hành, Thứ trưởng khẳng định cần đến sự chung tay để phòng, chống buôn lậu động vật và sản phẩm động vật.

Theo đó, khi tình trạng buôn lậu xảy ra, không chỉ gây ảnh hưởng đến kinh tế, ngành chăn nuôi trong nước mà còn đầy rẫy nguy cơ dịch bệnh cho vật nuôi cũng như đe dọa đến sức khỏe con người.

Đặc biệt lưu ý các địa phương phía Nam, nơi có nhiều doanh nghiệp chăn nuôi tầm cỡ thế giới đến đầu tư, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến khẳng định nếu để xảy ra buôn lậu chẳng khác gì "lấy đá đập vào chân mình".

"Có thể nói, hoạt động buôn lậu rất phức tạp, từ địa bàn, đối tượng cho đến hình thức. Tuy nhiên, trong 2 năm qua, công tác phòng, chống buôn lậu đã đi vào chiều sâu, nhận dạng đúng đối tượng, địa bàn, hành vi với sự tham gia tích cực của các lực lượng", lãnh đạo Bộ NN&PTNT khẳng định.

Trước tình hình đó, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến đề nghị các lực lượng như công an, bộ đội biên phòng, hải quan… và đặc biệt là địa phương cần tiếp tục xoáy sâu, ngăn chặn triệt để buôn lậu dựa trên những gì đã định vị được.

Bộ NN&PTNT đã có văn bản gửi Chủ tịch UBND các tỉnh, đề nghị phải chỉ đạo các đơn vị, ví dụ như cảnh sát giao thông cùng phối hợp với lực lượng thú y để thực hiện nhiệm vụ. Bởi vì có dừng xe được thì mới kiểm soát được. Quản lý thị trường cũng phải phối hợp với lực lượng thú y để kiểm tra chuyên ngành, không thể để tình trạng gà giống lậu, vịt giống lậu, vịt lai ngan giống lậu đi qua một cách ngang nhiên như thế.

Liên quan vấn đề cơ chế, chính sách, Thứ trưởng cho rằng sau khi tiến hành sắp xếp, tinh gọn bộ máy, cần rà soát các văn bản luật, nghị định, thông tư để tạo nền tảng, môi trường pháp lý phù hợp cho phòng, chống buôn lậu. Trong đó tập trung mục tiêu nâng tính răn đe các đối tượng vi phạm.

Với địa phương, lãnh đạo Bộ NN&PTNT nhấn mạnh: "Cơ quan quản lý, địa phương phải tham gia tích cực hơn nữa vào quá trình đấu tranh, tập trung, quyết liệt, xem đây là nhiệm vụ quan trọng". Bên cạnh đó, Thứ trưởng cũng cho biết nếu nơi nào để tái diễn tình trạng này, Bộ NN&PTNT sẵn sàng kiến nghị lên Chính phủ để xử lý nghiêm khắc.

Đỗ Hương

Tham khảo thêm
Tham khảo thêm
Tăng cường năng lực chống buôn lậu động vật hoang dã cho lực lượng Hải quanTăng cường năng lực chống buôn lậu động vật hoang dã cho lực lượng Hải quan
Tham khảo thêm
Buôn lậu động vật hoang dã quốc tế: Mỗi năm 7 tỉ USDBuôn lậu động vật hoang dã quốc tế: Mỗi năm 7 tỉ USD

Link nội dung: https://nhipsongsaigon.net/buon-lau-dong-vat-nguy-co-pha-vo-nganh-chan-nuoi-a120397.html