Nhìn thành công của HLV Kim Sang-sik trong giải đấu đầu tiên dẫn dắt tuyển Việt Nam, nhiều người không khỏi tiếc nuối cho HLV Miura – người từng mang đến cuộc cách mạng thể lực nhưng dang dở bởi thiếu may mắn và sự ủng hộ đúng lúc.
Năm 2014, bóng đá Việt Nam ở vào giai đoạn khủng hoảng, khi liên tiếp thất bại ở HLV Toshiya Miura đã làm một cuộc cách mạng về tư duy thể lực cho bóng đá Việt Nam.
Tuy nhiên, phong cách "chạy và đá" của HLV Miura cũng khiến ông nhận không ít chỉ trích. Những bài tập nặng khiến nhiều cầu thủ chấn thương, và lối đá quyết liệt của đội tuyển dưới thời ông bị cho là quá rắn, dẫn đến nhiều thẻ phạt.
Bên cạnh đó, những trận thua ở các thời điểm quyết định, như bán kết AFF Cup 2014 trước Malaysia hay vòng bảng U23 châu Á 2016, đã làm lung lay niềm tin vào ông. Một số cổ động viên thẳng thắn nhận xét: “Thầy rất kỷ luật, nhưng đọc trận đấu lại có vẻ không ổn lắm. Điển hình là bán kết lượt về gặp Malaysia, đội bạn đánh biên liên tục nhưng thầy không điều chỉnh chiến thuật".
Dù vậy, những đóng góp của HLV Miura là không thể phủ nhận. Ông đã đặt nền móng cho việc cải thiện thể lực cầu thủ Việt Nam – điều mà trước đây chưa từng được chú trọng. Trước khi ông đến, nhiều cầu thủ thường hụt hơi ở những phút cuối trận, nhưng dưới sự dẫn dắt của ông, thể lực đội tuyển được nâng cao đáng kể. Một CĐV chia sẻ: “Trước thời Miura, cầu thủ đá hết phút 70 là xanh như tàu lá, nhưng nhờ ông mà bóng đá Việt Nam bắt đầu chú ý đến thể lực hơn".
Sự kiên định của HLV Miura cũng để lại ấn tượng sâu sắc. Ông chấp nhận đối mặt với những chỉ trích để bảo vệ triết lý của mình, ưu tiên sử dụng cầu thủ mạnh về tranh chấp thay vì những người chỉ có kỹ thuật nhưng thể lực kém.
Dù không đạt được những danh hiệu lớn, ông đã giúp bóng đá Việt Nam tiến những bước cần thiết trong thời kỳ khó khăn. Một cổ động viên nhận xét về Miura rằng: “Người đặt nền móng cho thể lực cầu thủ Việt Nam. Nếu thầy Miura có được lứa cầu thủ như thầy Park hay thầy Kim, có lẽ kết quả đã rất khác".
So sánh với HLV Kim Sang-sik, người vừa dẫn dắt tuyển Việt Nam vô địch AFF Cup 2024 với thành tích bất bại, nhiều người không khỏi tiếc nuối. Dưới thời Kim Sang-sik, đội tuyển trình diễn thứ bóng đá linh hoạt, hiệu quả, đánh bại Thái Lan ở cả hai lượt trận chung kết. Một số ý kiến cho rằng HLV Kim có lợi thế khi sở hữu đội hình chất lượng hơn so với thời Miura. Tuy nhiên, nếu Miura có được sự hỗ trợ tốt hơn, liệu ông có thể đạt được những thành công tương tự?
Những bình luận từ cộng đồng người hâm mộ cũng phần nào thể hiện sự trân trọng dành cho HLV Miura. Một người bày tỏ: “HLV Miura đã cố gắng cải thiện thể lực cho cầu thủ, nhưng ông ấy không may mắn khi lứa cầu thủ thời đó thiếu kinh nghiệm và bản lĩnh ở những trận đấu lớn".
Một người khác nhận xét: “Dưới thời Miura, đội tuyển đôi khi chơi có phần cứng nhắc, nhưng không thể phủ nhận rằng ông ấy đã mang đến cách tiếp cận hoàn toàn mới, điều mà bóng đá Việt Nam cần ở thời điểm ấy". Một cổ động viên khác thẳng thắn: “Có thể lối chơi của ông không hợp mắt người hâm mộ, nhưng ông Miura đã tạo ra sự kỷ luật và tinh thần chiến đấu mạnh mẽ, điều mà trước đây không nhiều đội tuyển làm được".
HLV Miura không thể hoàn thành cuộc cách mạng của mình, nhưng những gì ông để lại vẫn là một di sản quan trọng. Ông đã đặt nền móng cho một thế hệ cầu thủ đủ sức cạnh tranh ở cấp độ cao hơn. Thành công của bóng đá Việt Nam hôm nay, dù không trực tiếp, vẫn có phần công lao từ những viên gạch đầu tiên mà cựu HLV Toshiya Miura đã xây dựng.
Link nội dung: https://nhipsongsaigon.net/nhin-hlv-kim-sang-sik-tiec-cho-anh-hung-lo-van-toshiya-miura-a119526.html