Nhiều doanh nghiệp lớn sắp lên sàn chứng khoán

Sau một thời gian vắng bóng các cổ phiếu lên sàn, năm nay thị trường chứng khoán dự kiến sẽ đón những gương mặt mới. Các doanh nghiệp lớn như Vingroup, Thế Giới Di Động, FPT Retail, HAGL… đều đang có kế hoạch IPO cổ phiếu “con cưng” của mình. Cổ phiếu nhiều doanh nghiệp tỷ USD dự kiến chuyển sang sàn HOSE.

Cổ phiếu doanh nghiệp tỷ USD “chuyển khẩu”

Tâm điểm chú ý nhất là 3,1 tỷ cổ phiếu của Công ty Cổ phần Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR) dự kiến sẽ chính thức giao dịch tại Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HOSE) vào ngày 17/1.

Với giá tham chiếu trong ngày giao dịch đầu tiên là 21.300 đồng/cổ phiếu, Công ty Lọc hóa dầu Bình Sơn đang được định giá hơn 66.000 tỷ đồng, tương đương hơn 2,6 tỷ USD.

Hiện BSR có vốn điều lệ hơn 31.000 tỷ đồng, trong đó Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN) sở hữu hơn 92% vốn. Đây là 1 trong 3 nhà máy lọc hóa dầu lớn đang hoạt động tại Việt Nam (cùng với Long Sơn và Nghi Sơn).

Theo các chuyên gia phân tích tại Công ty Chứng khoán MB, việc chuyển sàn sẽ giúp BSR tăng tính minh bạch và nâng cao các tiêu chuẩn quản trị doanh nghiệp, đồng thời tạo cơ hội cho cổ phiếu lọt vào các rổ VN30 (sau khi đủ 6 tháng niêm yết trên HOSE), từ đó nhận được sự chú ý của các quỹ đầu tư.

Nhiều doanh nghiệp lớn sắp lên sàn chứng khoán- Ảnh 1.

3,1 tỷ cổ phiếu BSR dự kiến sẽ chuyển từ Upcom sang HOSE từ ngày 17/1. Ảnh minh họa.

Một gương mặt triển vọng khác đang nhận được sự đón chờ của nhà đầu tư là Masan Consumer (MCH) - công ty thuộc hệ sinh thái của Tập đoàn Masan. Mới đây, HĐQT Masan Consumer đã chính thức thông qua việc triển khai kế hoạch niêm yết cổ phiếu MCH tại HOSE với mục tiêu hoàn tất trong quý 2/2025.

Xuất phát trong ngành gia vị, đến nay Masan Consumer đã tham gia vào 8 ngành hàng tiêu dùng chính tại Việt Nam và sở hữu 5 thương hiệu đạt doanh thu hàng năm là 150-250 triệu USD. Thị giá MCH gần đây cũng liên tục tăng cao, vượt lên hơn 231.000 đồng/cổ phiếu, đưa vốn hóa của Masan Consumer đạt hơn 164.000 tỷ đồng, tương đương hơn 6,5 tỷ USD.

Theo nhận định của HSBC, việc chuyển từ sàn Upcom sang niêm yết trên HOSE có thể giúp cổ phiếu MCH cải thiện tính thanh khoản, phù hợp năng lực mà công ty đạt được. Chỉ tính trong giai đoạn 2017 – 2023, Masan Consumer đã tăng trưởng với tốc độ gấp 2,2 lần so với thị trường chung.

Nhiều doanh nghiệp lớn rục rịch IPO

Đặc biệt, sau một thời gian dài trầm lắng các đợt chào bán cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO) để lên sàn chứng khoán, năm nay nhiều doanh nghiệp đã lên kế hoạch thực hiện. Điển hình, Vinpearl thuộc Tập đoàn Vingroup dự kiến sẽ chào bán hơn 70 triệu cổ phiếu ngay trong quý 1/2025. Với giá chào bán 71.350 đồng/cổ phiếu, Vinpearl ước sẽ thu về khoảng 5.000 tỷ đồng và vốn điều lệ dự kiến tăng lên gần 18.000 tỷ đồng.

Một ông lớn khác là Tập đoàn Hoa Sen cũng đã công bố về việc phát hành cổ phiếu ra đại chúng và niêm yết hai công ty con là CTCP Ống thép Hoa Sen và CTCP Nhựa Hoa Sen. Thực tế, kế hoạch IPO công ty con của Hoa Sen đã được xây dựng trong nhiều năm qua và hiện chuẩn bị những bước còn lại để lên sàn.

Tại Đại hội đồng cổ đông thường niên 2024 của Hoàng Anh Gia Lai, Chủ tịch HĐQT Đoàn Nguyên Đức đã tiết lộ về kế hoạch IPO và niêm yết HoSE đối với CTCP Chăn nuôi Gia Lai. Đây là công ty con của HAGL, đã thực hiện tái cơ cấu và xử lý được khoản nợ lớn. Ông Đoàn Nguyên Đức cho biết HAGL đã ký hợp đồng với LPBS (mã LVS) để thực hiện thương vụ này.

Bên cạnh những cái tên kể trên, 2 "ông lớn" bán lẻ là Thế Giới Di Động và FPT Retail cũng không giấu tham vọng sẽ IPO “con cưng” của mình là Bách Hoá Xanh và Long Châu trong tương lai. Ngoài ra, BW Industrial – một doanh nghiệp phát triển bất động sản khu công nghiệp cũng đang lên kế hoạch IPO tại Việt Nam.

Nhiều doanh nghiệp lớn sắp lên sàn chứng khoán- Ảnh 2.

Nhà thuốc Long Châu nằm trong kế hoạch IPO trong thời gian tới.

Thống kê của HOSE cho thấy, tính đến cuối năm 2024, có 527 mã chứng khoán đang niêm yết và giao dịch, giảm 114 mã so với năm 2023. Cụ thể, có 393 mã cổ phiếu đang niêm yết (giảm 1), 16 mã chứng chỉ quỹ ETF (tăng 2).

Tình trạng này cũng diễn ra tương tự trên Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) khi số lượng cổ phiếu niêm yết mới giảm dần từ năm 2020 đến nay. Đặc biệt, số cổ phiếu rời sàn nhiều hơn là số lên sàn trong bối cảnh tiêu chuẩn niêm yết ngày càng được nâng cao.

Thực tế năm 2024, thị trường chỉ đón lác đác một vài gương mặt mới như DSE của Công ty Chứng khoán DNSE, và đến cuối năm có thêm AIG của Công ty Cổ phần Nguyên liệu Á Châu AIG chào sàn UPCoM.

Trong khi đó, việc cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước cũng rơi vào tình trạng ảm đạm. Theo kế hoạch công bố trước đó, Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) sẽ thoái vốn 58 doanh nghiệp, nhưng nhiều công ty vẫn trễ hẹn lên sàn.

Ông Nguyễn Thế Minh - Giám đốc Khối Nghiên cứu và Phát triển khách hàng cá nhân của Chứng khoán Yuanta Việt Nam, nhận định, bức tranh niêm yết hiện nay rơi vào vòng luẩn quẩn. Doanh nghiệp không có động lực niêm yết vì thiếu nhà đầu tư dài hạn, trong khi thị trường không có nhiều hàng hóa mới khiến nhà đầu tư tiếp tục lướt sóng. Đây là một vấn đề cần được giải quyết nếu muốn phát triển thị trường bền vững.

Với việc thị trường có thêm gương mặt mới lên sàn, vị chuyên gia kỳ vọng sẽ tạo được sức hút trở lại đối với nhà đầu tư trong năm 2025.

Link nội dung: https://nhipsongsaigon.net/nhieu-doanh-nghiep-lon-sap-len-san-chung-khoan-a119293.html