29 DN được “chọn mặt gửi vàng” là thương hiệu của Tp.HCM: doanh thu hơn 160.000 tỷ, nộp ngân sách 9.000 tỷ, tạo 57.000 việc làm

Cuối năm qua, ông Nguyễn Ngọc Hòa – Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Tp.HCM (Huba) cũng công bố chiến lược của Tp.HCM sẽ xây dựng một số doanh nghiệp lớn với thương hiệu mang tầm quốc gia.

29 doanh nghiệp "Thương hiệu vàng" của Tp.HCM đã đạt doanh thu hơn 160.000 tỷ đồng, tạo việc làm cho trên 57.000 lao động và đóng góp gần 9.000 tỷ đồng vào ngân sách nhà nước trong năm qua, chia sẻ ghi nhận tại sự kiện phát động ngày hội Thương hiệu vàng lần thứ 5 của UBND Tp. HCM đầu năm nay.

Trong bối cảnh hội nhập, không chỉ nâng cao năng lực sản xuất, vận hành, chuyển đổi số… mà phát triển thương hiệu cũng là một trong những yếu tố then chốt giúp Việt Nam nói chung và doanh nghiệp nói riêng ghi tên trên bản đồ thế giới.

Tp.HCM ưu tiên phát triển thương hiệu vàng quốc gia, chọn lọc để đưa ra thế giới

Ông Phan Văn Mãi - chủ tịch UBND Tp.HCM – cho biết các doanh nghiệp thương hiệu vàng hoạt động trong nhiều lĩnh vực quan trọng như cơ khí, sản xuất hàng tiêu dùng, chế biến thực phẩm, dịch vụ và thương mại. Các doanh nghiệp đã và đang nỗ lực không ngừng trong đổi mới sáng tạo và thích ứng linh hoạt với những thách thức của thời đại. Bao gồm, đầu tư mạnh mẽ vào nghiên cứu và phát triển, áp dụng công nghệ mới để tăng hiệu quả sản xuất, chuyển đổi số và chú trọng đến chuyển đổi xanh, sử dụng nguyên liệu tái chế và giảm phát thải ra môi trường.

"Không chỉ ghi nhận những thành quả mà các doanh nghiệp đã đạt được , sự thành công của các doanh nghiệp đạt giải là niềm tự hào của T p.HCM và là minh chứng cho tinh thần trách nhiệm xã hội mà chúng ta cần lan tỏa", ông Mãi khẳng định.

Sự kiện mở đầu chuỗi chiến lược Thương hiệu vàng lần thứ 5 liên quan đến "Thúc đẩy chuyển đổi kép để phát triển bền vững", trong đó chuyển đổi xanh, phát triển bền vững là một trong những tiêu chí quan trọng để đánh giá.

Cũng theo các chuyên gia, thương hiệu được xem là một trong những tài sản quý giá nhất của công ty. Nó đại diện cho bộ mặt doanh nghiệp, logo, khẩu hiệu dễ nhận biết hoặc đánh dấu sự cộng tác của công ty với đối tác. Trong thực tế, công ty thường được khách hàng nhận diện và gọi bằng tên thương hiệu. Và từ đó, tên thương hiệu và tên doanh nghiệp trở thành một và hoàn toàn giống nhau.

Chưa kể, thương hiệu của công ty mang theo nó một giá trị tiền tệ trên thị trường chứng khoán (nếu công ty niêm yết), ảnh hưởng đến giá trị cổ đông khi nó tăng và giảm. Vì những lý do này, điều quan trọng là phải duy trì tính toàn vẹn của thương hiệu.

Cuối năm qua, ông Nguyễn Ngọc Hòa – Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Tp.HCM (Huba) cũng công bố chiến lược của Tp.HCM sẽ xây dựng một số doanh nghiệp lớn với thương hiệu mang tầm quốc gia.

Theo ông, UBND Tp.HCM phân công Huba chủ trì phối hợp với Sở Công Thương Tp.HCM xây dựng “Đề án xây dựng một số doanh nghiệp lớn với thương hiệu mang tầm quốc gia và toàn cầu”. Động thái này diễn ra trong bối cảnh khi nền kinh tế Việt Nam đang thực sự hội nhập mạnh mẽ với thế giới.

Tấm “hộ chiếu” để DN đẩy mạnh xuất khẩu

29 DN được “chọn mặt gửi vàng” là thương hiệu của Tp.HCM: doanh thu hơn 160.000 tỷ, nộp ngân sách 9.000 tỷ, tạo 57.000 việc làm- Ảnh 1.

Đại diện Vinamilk (mã chứng khoán VNM), ông Nguyễn Quang Trí – Giám đốc Điều hành Marketing – đã có những chia sẻ xoay quanh cú “lột xác” – thay áo mới và chiến lược tái định vị thương hiệu của Vinamil đã gây bão truyền thông và tiêu dùng, nâng giá trị thương hiệu Công ty lên 3 tỷ USD.

Theo ông Trí, Công ty đã thực hiện tái định vị thương hiệu một cách toàn diện: Không chỉ thay đổi logo nhận diện hay bao bì sản phẩm, diện mạo bên ngoài hướng tới phong cách thương hiệu trẻ trung, táo bạo, giàu năng lượng, phù hợp đối tượng người tiêu dùng mới, thế hệ Gen Z.

Vị này cũng nhấn mạnh, hiện các tiêu chí sản phẩm “xanh”, “bền vững” được người tiêu dùng ngày càng quan tâm, không chỉ tại các quốc gia phát triển mà tại Việt Nam cũng đang là xu hướng phát triển mạnh mẽ. Việc người tiêu dùng chuyển đổi và hình thành thói quen tiêu dùng xanh là tất yếu.

Do đó, thực hành ESG cũng giúp công ty có ưu thế trong việc thu hút vốn đầu tư từ nước ngoài; và đáp ứng các tiêu chuẩn xuất khẩu, “hộ chiếu” xanh… Từ 42 thị trường vào năm 2010 đến nay VNM đã đạt đến 62 thị trường ở cả 5 châu lục. Tổng doanh thu xuất khẩu lũy kế đạt hơn 3,4 tỷ USD, với gần 400 sản phẩm gồm cả sữa bột, sữa tươi, sữa chua, sữa đặc…

Cũng tham vọng trở thành thương hiệu toàn cầu, đại diện Vietcacao cho biết bên cạnh các dòng sản phẩm sô cô la chuyên biệt, đơn vị còn đang thực hành kinh doanh bền vững và có trách nhiệm. Khi, thế giới ngày càng hướng tới các sản phẩm bền vững và có nguồn gốc đạo đức, cam kết của Vietnamcacao với các nguyên tắc này không chỉ nâng cao sức hút quốc tế mà còn mở ra các cơ hội hợp tác và tiếp cận các phân khúc khách hàng mới (Thorlakson, 2018).

Công ty cũng chia sẻ mới đây đã đạt được thỏa thuận thương mại song phương với Libeert - một nhà sản xuất sô cô la Bỉ danh tiếng. Đây là bước đi chiến lược giúp công ty gia tăng sự hiện diện trên thị trường toàn cầu. MTA là một mô hình kinh doanh mới, trong đó hai doanh nghiệp từ các quốc gia khác nhau trao đổi thị trường, giúp nhau thâm nhập hệ thống phân phối của nước đối tác và cung cấp sản phẩm tới người tiêu dùng. Hợp tác này dựa trên khái niệm trao đổi hàng hóa thay vì tiền tệ, qua đó giảm thiểu rủi ro do biến động tỷ giá và tăng cơ hội thâm nhập thị trường mới.

Song song, Vietnamcacao cũng đã và áp dụng chiến lược đồng thương hiệu, sản xuất sô cô la cho các thương hiệu lớn như Lotte, Starbucks, và Guamzilla. Ví dụ, dòng sô cô la Gumamon do Vietnamcacao sản xuất độc quyền cho Guamzilla tại Hoa Kỳ không chỉ mở rộng tầm nhìn quốc tế mà còn tạo tiền đề cho việc củng cố uy tín thương hiệu….

Link nội dung: https://nhipsongsaigon.net/29-dn-duoc-chon-mat-gui-vang-la-thuong-hieu-cua-tphcm-doanh-thu-hon-160000-ty-nop-ngan-sach-9000-ty-tao-57000-viec-lam-a118672.html