Hội thảo là sự kiện mở đầu cho chuỗi hoạt động của Tuần lễ Hội thảo quốc tế SIU Prize và Lễ trao giải SIU Prize Computer Science 2024. Đồng thời, cũng là diễn đàn để các chuyên gia, nhà khoa học và giảng viên chia sẻ, đóng góp ý kiến, tập trung vào các giải pháp hoàn thiện chính sách và pháp luật trong sử dụng trí tuệ nhân tạo có trách nhiệm. Sự kiện hứa hẹn mang đến các góc nhìn đa chiều, góp phần nâng cao năng lực giảng dạy, nghiên cứu tại SIU, đồng thời mở rộng hợp tác với các tổ chức, cơ quan và chuyên gia trong lĩnh vực này.
Quang cảnh buổi hội thảo sáng ngày 4/1/2024
Hội thảo bao gồm 18 tham luận, trong đó có 5 tham luận được trình bày trực tiếp từ các chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực pháp luật và công nghệ:
Mở đầu buổi hội thảo là bài Tham luận “Pháp luật về trí tuệ nhân tạo ở Việt Nam: Định hướng hoàn thiện và yêu cầu hoàn thiện” của GS.TS. Phan Trung Lý - Uỷ viên Hội đồng Lý luận Trung Ương, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, Phó Chủ tịch Hội đồng Khoa học và đào tạo SIU, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Pháp luật và Xã hội.
GS.TS. Phan Trung Lý - Uỷ viên Hội đồng Lý luận Trung Ương, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, Phó Chủ tịch Hội đồng Khoa học và đào tạo SIU, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Pháp luật và Xã hội.
Theo GS.TS. Phan Trung Lý chia sẻ: Trong những năm gần đây, với sự phát triển nhanh chóng của công nghệ nói chung và trí tuệ nhân tạo nói riêng, nhu cầu hoàn thiện các quy định của pháp luật về trí tuệ nhân tạo đã và đang trở nên cấp thiết. Việc hoàn thiện pháp luật về trí tuệ nhân tạo phải được xuất phát từ yêu cầu tạo hành lang pháp lý để trí tuệ nhân tạo có thể mang lại nhiều lợi ích hơn cho xã hội và để bảo đảm cho con người có điều kiện an toàn hơn trong việc phát triển và sử dụng trí tuệ nhân tạo.
Phát triển trí tuệ nhân tạo: Thời cơ và thách thức
Trước hết, cần khẳng định rằng, với sự phát triển như vũ bão của Cách mạng công nghệ, với sự phát triển nhanh chóng của trí tuệ nhân tạo, Việt Nam đang đứng trước cơ hội phát triển mới với nhiều thời cơ và thách thức.
Thứ nhất, ở Việt Nam trí tuệ nhân tạo đã và đang từng bước đi vào đời sống con người. Trí tuệ nhân tạo đang ngày càng chứng tỏ vai trò quan trọng to lớn trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh quốc gia. Trí tuệ nhân tạo đã và đang khẳng định tính đột phá, tạo đà phát triển để đất nước ta bước vào Kỷ nguyên mới. Theo kết quả đánh giá và công bố trong báo cáo Chỉ số sẵn sàng AI của Chính phủ do Oxford Insight thực hiện năm 2023, Việt Nam đứng thứ 59/193 quốc gia trên thế giới, đứng thứ 5/10 trong khối ASEAN về khai thác ứng dụng AI để vận hành và cung cấp dịch vụ, tăng 1 bậc so với năm 2022.
Thứ hai, bên cạnh những mặt tích cực, việc phát triển trí tuệ nhân tạo cũng đã có những tác động tiêu cực, ảnh hưởng đến quyền lợi hợp pháp và chính đáng của người dân, như quyền riêng tư, bảo vệ dữ liệu cá nhân, việc làm...Bên cạnh những lợi ích to lớn, sự phát triển của trí tuệ nhân tạo cũng đã và đang làm dấy lên những quan ngại sâu sắc về các rủi ro tiềm ẩn từ các khía cạnh đạo đức, xã hội, pháp lý. Điều đáng quan ngại nhất là ngày càng xuất hiện và phổ biến việc trí tuệ nhân tạo đã và đang bị sử dụng để thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật và tội phạm. Do đó, việc xây dựng, hoàn thiện chính sách, pháp luật về trí tuệ nhân tạo ở Việt Nam đang đặt ra cấp thiết, nhằm quản trị trí tuệ nhân tạo để phát huy được những yếu tố tích cực, đồng thời giảm thiểu tác động tiêu cực từ việc ứng dụng công nghệ này.
Thứ ba, theo báo cáo của Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới, Việt Nam được xếp hạng thứ 46/132 quốc gia và nền kinh tế về chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu năm 2023 (tăng 2 bậc so với năm 2022) và là một trong bảy quốc gia thu nhập trung bình đạt được nhiều tiến bộ nhất về đổi mới sáng tạo trong thập niên qua. Tuy nhiên, cần thẳng thắn đánh giá, bối cảnh hiện tại đang đặt ra nhiều yêu cầu hơn với hoạt động quản lý nhà nước về nghiên cứu, ứng dụng và phát triển trí tuệ nhân tạo. Nhiều hoạt động quản lý nhà nước về sở hữu trí tuệ, nhất là sở hữu trí tuệ trong nghiên cứu và phát triển trí tuệ nhân tạo đang đứng trước thách thức phải đổi mới để nâng cao hơn nữa hiệu quả của hoạt động quản lý nhà nước về lĩnh vực này.
Kinh nghiệm pháp luật quốc tế về trí tuệ nhân tạo
Trí tuệ nhân tạo, tại Việt Nam phải được xác định là trí tuệ nhân tạo có trách nhiệm cần bao gồm việc nghiên cứu cách tiếp cận của các nước trên thế giới để rút ra bài học kinh nghiệm và đưa ra khuyến nghị cho Việt Nam. Các quy định về cơ chế pháp lý quản trị trí tuệ nhân tạo nhằm phát huy những yếu tố tích cực, giảm thiểu tác động tiêu cực từ việc ứng dụng trí tuệ nhân tạo đã và đang được hình thành trong các văn bản chính trị pháp lý ở quy mô toàn cầu cũng như từng quốc gia như : Nghị quyết của Đại hội đồng Liên hợp quốc Liên Hợp quốc ngày 21-3-2024, nghị quyết toàn cầu đầu tiên về TTNT nhằm kêu gọi các nước chung tay bảo vệ quyền con người, bảo vệ dữ liệu cá nhân và kiểm soát những rủi ro tiềm ẩn từ công nghệ này; Sắc lệnh của cơ quan hành pháp của Tổng thống Hoa Kỳ ngày 30-10-2023 về phát triển và sử dụng trí tuệ nhân tạo an toàn, bảo mật và đáng tin cậy. Sắc lệnh này nhấn mạnh sự cần thiết phải phát triển trí tuệ nhân tạo có trách nhiệm, tập trung vào các lĩnh vực, như dữ liệu cá nhân, hạt nhân, sinh học; Văn bản của Chính phủ Trung Quốc ban hành 7-2023 quy định về “Các biện pháp tạm thời để quản lý các dịch vụ trí tuệ nhân tạo”; Luật của Liên minh châu Âu tháng 2-2024 về trí tuệ nhân tạo đã được Nghị viện châu Âu thông qua; Tuyên bố của ASEAN với chủ đề “Ứng dụng trí tuệ nhân tạo: Hành trình tới tương lai”, ngày 7-6-2024.
Khuyến nghị đối với Việt Nam
Phát triển trí tuệ nhân tạo tại Việt Nam cần được xác định trí tuệ nhân tạo có trách nhiệm. Việt Nam cần nghiên cứu cách tiếp cận của các quốc gia điển hình trên thế giới để rút ra bài học kinh nghiệm để xây dựng chính sách pháp luật cho Việt Nam. Việc đó được tiến hành đồng thời dưới sức ép đồng thời của yêu cầu phát triển trí thệ nhân tạo và yêu cầu bảo đảm an toàn cho con người trong nghiên cứu, ứng dụng sản phẩm trí tuệ nhân tạo.
Chủ trương chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về định hướng và yêu cầu xây dựng, hoàn thiện pháp luật về trí tuệ nhân tạo. Dưới sức ép đồng thời của yêu cầu phát triển trí thệ nhân tạo và yêu cầu bảo đảm an toàn cho con người nghiên cứu, ứng dụng sản phẩm trí tuệ nhân tạo.
Kiến nghị
- Đề nghị kịp thời thể chế hoá chủ trương của Đảng về phát triển trí tuệ nhân tạo để xác định phát triển trí tuệ nhân tạo là lĩnh vực mũi nhọn, đột phát trong giai đoạn phát triển mới. Đây là lĩnh vực được ưu tiên về mặt chính sách và nguồn lực bảo đảm cho phát triển, là nhiệm vụ trọng tâm của mọi trọng tâm.
- Đề nghị rà soát pháp luật để cụ thể hoá nội dung chính sách pháp luật đã nêu ở các phần trên (3.1,3.2) sửa đổi bổ sung các quy định hiện hành hoặc xây dựng mới các quy định mới để sớm hình thành khung pháp luật về phát triển trí tuệ nhân tạo. Đồng thời, tổng kết thực tiễn để sớm có một đạo luật về trí tuệ nhân tạo ở Việt Nam. - Đề nghị quy định cho phép thực hành thí điểm (theo cơ chế Sandbox) một số chính sách đặc thù đối với một số ngành phát triển đặc thù.
PGS.TS. Lê Bộ Lĩnh - Viện Nghiên cứu Pháp luật và Xã hội, nguyên Phó Tổng thư ký Quốc hội, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường của Quốc hội
Theo PGS.TS. Lê Bộ Lĩnh - Viện Nghiên cứu Pháp luật và Xã hội, nguyên Phó Tổng thư ký Quốc hội, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường của Quốc hội chia sẻ “Tổng quan về trí tuệ nhân tạo và những vấn đề pháp lý” cho rằng; "Trí tuệ nhân tạo (AI) là nền tảng của cách mạng công nghệ 4.0, được ứng dụng trong nhiều lĩnh vực như y tế, giáo dục, giao thông, tài chính, kinh tế, có tác động sâu rộng đến mọi mặt của đời sống xã hội và định hình một kỷ nguyên phát triển mới. Tuy nhiên, nó cũng đi kèm với nhiều thách thức mang tính pháp lý như xâm phạm quyền riêng tư, tạo sự thiên vị trong dữ liệu và sự không rõ ràng về trách nhiệm pháp lý của trí tuệ nhân tạo. Bài viết tổng hợp các chính sách và quy định hiện hành về trí tuệ nhân tạo của Liên minh châu Âu, Mỹ của Trung Quốc và các nước Châu Á; thời cơ và thách thức đặt ra cho Việt Nam và nhấn mạnh rằng sự phát triển của trí tuệ nhân tạo cần cân bằng giữa lợi ích công nghệ và quản lý rủi ro để đảm bảo tính bền vững và tính trách nhiệm."
GS.TSKH. Hoàng Văn Kiếm - Chủ tịch Hội đồng Khoa học và Đào tạo SIU & ThS. Hồ Thiện Thông Minh - Phó Viện trưởng Viện Công nghệ và Sáng tạo SIU
Tham luận “Pháp lý trí tuệ nhân tạo trong khoa học công nghệ tại Việt Nam” GS.TSKH. Hoàng Văn Kiếm - Chủ tịch Hội đồng Khoa học và Đào tạo SIU & ThS. Hồ Thiện Thông Minh - Phó Viện trưởng Viện Công nghệ và Sáng tạo SIU cho rằng: "Trí tuệ nhân tạo ngày càng khẳng định vai trò trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế, nâng cao năng suất và đổi mới sáng tạo ở nhiều lĩnh vực như y tế, giáo dục, giao thông và công nghiệp. Tuy nhiên, sự phát triển mạnh mẽ của AI cũng đặt ra nhiều thách thức pháp lý phức tạp. Các vấn đề nổi bật bao gồm quyền sở hữu trí tuệ đối với các phát minh do AI tạo ra, trách nhiệm pháp lý khi AI gây ra sai sót, và bảo vệ quyền riêng tư và an toàn dữ liệu.
Bài tham luận cũng nhấn mạnh sự cần thiết của việc xây dựng khung pháp lý toàn diện để đảm bảo minh bạch, an toàn và công bằng trong việc phát triển và ứng dụng AI. Điều này đòi hỏi một cách tiếp cận linh hoạt nhưng chặt chẽ, đảm bảo các sản phẩm AI được kiểm soát nghiêm ngặt, đồng thời hỗ trợ các hoạt động đổi mới sáng tạo. Ngoài ra, bài tham luận đề xuất các biện pháp thúc đẩy hợp tác quốc tế và tái đào tạo nguồn nhân lực, hướng tới mục tiêu phát triển bền vững và hiệu quả. Kết luận nhấn mạnh rằng việc hoàn thiện hệ thống pháp luật sẽ không chỉ bảo vệ quyền lợi của các bên liên quan mà còn góp phần đưa Việt Nam trở thành một trong những quốc gia tiên phong trong lĩnh vực AI trên bản đồ công nghệ toàn cầu".
GS.TS. Lê Minh Tâm - Viện Nghiên cứu Pháp luật và Xã hội, nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Luật Hà Nội, nguyên Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Luật gia Việt Nam
Trong bối cảnh phát triển nhanh chóng của trí tuệ nhân tạo (AI), việc tiếp cận AI không chỉ tập trung vào khía cạnh công nghệ mà còn đòi hỏi sự quan tâm sâu sắc đến yếu tố văn hoá và văn hoá pháp luật. Cách tiếp cận văn hoá pháp luật giúp chúng ta hiểu rõ hơn bản chất, giá trị và vai trò của AI từ góc nhìn con người, đạo đức, pháp quyền; sự cần thiết phải phản ánh, định vị giá trị của AI và sự tương tác với các giá trị khác nhằm phát huy những giá trị chung mà con người luôn mong muốn, hướng tới và đảm bảo cho AI phát triển trong không gian văn hoá pháp luật minh bạch, công bằng, góp phần bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của cá nhân, cộng đồng, xã hội, thúc đẩy sự đổi mới, sáng tạo và phát triển bền vững. Từ cách tiếp cận văn hoá pháp luật, bài viết phân tích bản chất, giá trị, vai trò của AI và những nguy cơ, thách thức đặt ra; vai trò của văn hoá pháp luật đối với việc nghiên cứu, sử dụng và huy giá trị của AI và một số giải pháp và kiến nghị. GS.TS. Lê Minh Tâm - Viện Nghiên cứu Pháp luật và Xã hội, nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Luật Hà Nội, nguyên Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Luật gia Việt Nam chia sẻ tại Tham luận “Văn hoá pháp luật trong nghiên cứu, ứng dụng và phát triển trí tuệ nhân tạo ở Việt Nam”.
LG. Tạ Thị Hoàng Anh - Viện Nghiên cứu Pháp luật và Xã hội.
LG. Tạ Thị Hoàng Anh - Viện Nghiên cứu Pháp luật và Xã hội trình bày Tham luận “Luật của Liên minh Châu Âu về trí tuệ nhân tạo và khuyến nghị áp dụng cho Việt Nam” cho biết: Cùng với sự phát triển của khoa học công nghệ, dưới tác động của Cách mạng 4.0, AI đã trở thành một phần quan trọng trong cuộc sống của chúng ta và nó đã là một phần trong luật pháp của EU. Đạo luật của Liên minh Châu Âu (EU) về trí tuệ nhân tạo (AI) đã được ban hành nhằm tạo ra hành lang pháp lý đối với AI lấy con người làm trung tâm, để bảo đảm rằng người dân châu Âu có thể hưởng lợi từ các công nghệ mới được phát triển và hoạt động theo các giá trị và nguyên tắc của EU.
Khuyến nghị với Việt Nam; Thứ nhất, quản lý trí tuệ nhân tạo phải được xem như một phần trong chiến lược kỹ thuật số; Thứ hai, cần sớm chuẩn hoá về mặt pháp lý đối với thuật ngữ trí tuệ nhân tạo (AI) để đảm bảo khả năng bao quát của pháp luật. Định nghĩa về AI nên thể hiện mức độ trung lập về công nghệ và gắn liền với mức độ rủi ro của AI tạo ra đối với con người, đảm bảo thích ứng với sự phát triển của AI trong tương lai.; Thứ ba, cần sớm có kế hoạch xây dựng các quy định của pháp luật về trí tuệ nhân tạo, tiến tới
Đặc biệt, hội thảo còn có các phiên thảo luận mở với sự tham gia của các chuyên gia, nhà khoa học hàng đầu về công nghệ và pháp luật đại diện các trường đại học, tổ chức, doanh nghiệp để cùng chia sẻ góc nhìn và giải pháp xoay quanh chủ đề "Pháp luật về trí tuệ nhân tạo".
SIU Prize Week 2025 khởi động với hội thảo “Pháp luật về trí tuệ nhân tạo”. Đây là chuỗi sự kiện học thuật diễn ra từ ngày 04/01 – 11/01/2025 gồm các hội thảo chuyên sâu về trí tuệ nhân tạo kết hợp cùng Lễ trao giải SIU Prize Computer Science Mùa 1. Lễ trao giải SIU Prize Computer Science Mùa 1 diễn ra vào tối ngày 11/01/2025 tại nhà hát Diên Hồng – Trường Đại học Quốc tế Sài Gòn (SIU). Sự kiện vinh danh các hạng mục giải thưởng danh giá trao cho các nhà khoa học trẻ người Việt Nam và người gốc Việt Nam trên toàn thế giới có luận án tiến sĩ xuất sắc, bảo vệ thành công không quá 5 năm trong lĩnh vực Khoa học máy tính. |
N.Anh
Link nội dung: https://nhipsongsaigon.net/phap-luat-ve-tri-tue-nhan-tao-tai-viet-nam-dinh-huong-hoan-thien-va-yeu-cau-hoan-thien-a118409.html