Hàng quán ở Hà Nội đóng cửa hàng loạt, mặt bằng cho thuê ở trung tâm ế ẩm

Nhiều cửa hàng, cửa hiệu ở Hà Nội thông báo đóng cửa trước Tết Nguyên đán, dẫn tới mặt bằng ở các tuyến phố trung tâm ế ẩm.

Những tuyến phố thời trang ở trung tâm Hà Nội như Kim Mã, Thái Hà, Chùa Bộc, Phạm Ngọc Thạch... xuất hiện tình trạng nhiều cửa hàng đóng cửa hàng loạt. Những căn nhà mặt tiền cho thuê với giá từ vài chục triệu tới hàng trăm triệu đồng/tháng, nay bỏ trống chờ khách tới thuê.

Hàng quán ở Hà Nội đóng cửa hàng loạt, mặt bằng cho thuê ở trung tâm ế ẩm- Ảnh 1.

Nhiều cửa hàng cùng đóng cửa trong một tuyến phố

Khảo sát trên Batdongsan.com.vn, giá thuê mặt bằng tại phố Kim Mã (quận Ba Đình) rơi vào khoảng 40 triệu đồng đến hàng trăm triệu đồng cho một mặt tiền 100 m2. Những mặt bằng lớn hơn hoặc cho thuê nguyên căn thì có giá tiền cao hơn. Tuy nhiên, nhiều mặt bằng lại đang bị bỏ trống trên tuyến phố này.

Bà Nguyễn Thị Lan, có cửa hàng 3 tầng cho thuê ở Kim Mã, cho hay mặt bằng để trống 3 tháng nay, nếu có khách sẽ cho thuê được hơn 100 triệu đồng/tháng. Nhiều thương hiệu, cửa hàng trên tuyến phố đã liên tục rời đi, đóng cửa treo biểu cho thuê hàng loạt.

Nguyên nhân khiến tiểu thương trả mặt bằng là do kinh doanh offline ế ẩm nên chuyển lên online.

Không chỉ ngành hàng thời trang gặp khó, mà với nhiều người kinh doanh F&B (kinh doanh ẩm thực, nhà hàng, ăn uống) cũng gặp khó khăn.

Cuối năm 2024, chuỗi cửa hàng Manwah - Taiwanese Hot Hot, thương hiệu đình đám về Buffet lẩu Đài Loan cũng thông báo ngừng hoạt động 2 cửa hàng.

Trao đổi với Báo Người Lao động, ông Hoàng Tùng, Chủ tịch F&B Investment, cho rằng trường hợp Manwah - Taiwanese Hot Hot là thương hiệu lớn, do vậy có thể họ đóng cửa vì lý do như không đạt doanh số hoặc tối ưu mô hình, chuyển đổi sang mô hình khác để thử nghiệm tìm kiếm lợi nhuận tốt hơn.

Song nói chung về tình hình ngành F&B, chuyên gia Hoàng Tùng cho rằng năm 2024 vừa qua vẫn là năm khó khăn đối với kinh doanh F&B do sức chi tiêu của người dân cho ngành không tăng ngay ở thời điểm cuối năm. 

Ông đánh giá: "Nếu không duy trì được, người kinh doanh sẽ trả mặt bằng. Trong khi thời điểm cuối năm, khách mới rất ngại thuê vì không có thời gian setup cửa hàng, do vậy mặt bằng ế ẩm".

Cũng theo chuyên gia Hoàng Tùng, mặt bằng ế nhưng giá vẫn tăng. Nhiều chủ nhà cho thuê tăng ở mức biên độ cao nhất của hợp đồng thỏa thuận. Đó là lý do khiến nhiều cho mặt bằng sau khi bị trả không cho thuê được. Trong khi đó, người tiêu dùng đang đẩy mạnh mua đồ ăn, đồ uống trên kênh online, ship đến tận nhà, công ty.

Hàng quán ở Hà Nội đóng cửa hàng loạt, mặt bằng cho thuê ở trung tâm ế ẩm- Ảnh 2.

Chủ nhà cho thuê nhiều ngày song vẫn chưa tìm được khách

Hàng quán ở Hà Nội đóng cửa hàng loạt, mặt bằng cho thuê ở trung tâm ế ẩm- Ảnh 3.

Shophouse cũng ế ẩm

Link nội dung: https://nhipsongsaigon.net/hang-quan-o-ha-noi-dong-cua-hang-loat-mat-bang-cho-thue-o-trung-tam-e-am-a118396.html