Sau nhiều đời Bộ trưởng Bộ GD&ĐT kiên trì đề xuất việc lương nhà giáo được xếp cao nhất đến nay nội dung này vẫn chưa đi vào thực tiễn. Năm 2025, các thầy cô giáo tiếp tục kỳ vọng chính sách ưu đãi về tiền lương được thông qua để nhà giáo yên tâm sống được bằng lương.
Năm 2024, Kết luận số 91 của Bộ Chính trị về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo có nội dung quan trọng đó là, đổi mới quản lý nhà nước đối với nhà giáo một cách đồng bộ, gắn với quản lý chuyên môn và chất lượng. Đổi mới mạnh mẽ cơ chế, chính sách phát hiện, tuyển dụng, sử dụng, bồi dưỡng, đãi ngộ và trọng dụng nhân tài làm việc trong ngành giáo dục. Thực hiện chủ trương lương của nhà giáo được ưu tiên xếp cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp và có thêm phụ cấp tùy theo tính chất công việc, theo vùng.
Giáo viên kỳ vọng, năm 2025, cùng với Dự thảo Luật Nhà giáo được thông qua, chính sách tiền lương sẽ có sự thay đổi đột phá. |
Nội dung về chính sách tiền lương và đãi ngộ nhà giáo tiếp tục được đề cập trong Dự thảo Luật Nhà giáo. Ngoài lương của nhà giáo được xếp cao nhất trong thang bậc lương hành chính sự nghiệp, dự thảo cũng đưa nội dung có chế độ ưu tiên trong chế độ tiền lương và phụ cấp cao hơn so với các nhà giáo khác cấp học mầm non, công tác ở nơi đặc biệt khó khăn.
Với Dự thảo Luật Nhà giáo, Bộ GD&ĐT cho biết, hiện đơn vị đang phối hợp với Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội hoàn thiện hồ sơ để trình Quốc hội xem xét, thông qua tại kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV trong năm 2025.
Giáo viên tự tin sống bằng lương
Thầy Nguyễn Ngọc Kiên, Hiệu trưởng Trường THCS số 1 xã Thượng Hà, huyện Bảo Yên (Lào Cai) nói rằng, thầy cô giáo rất trông chờ việc Quốc hội thông qua Dự thảo Luật Nhà giáo. Nếu lương nhà giáo được xếp cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp và có thêm phụ cấp tùy theo tính chất công việc, theo vùng thì có thể tự tin, yên tâm sống được bằng lương.
Những năm gần đây, đội ngũ nhà giáo đã được Đảng, Nhà nước quan tâm, có nhiều chính sách đãi ngộ tuy nhiên thầy Kiên cho rằng, nhìn vào thực tế vẫn còn những tồn tại, bất cập. Đó là đồng lương của giáo viên mầm non vẫn thấp so với yêu cầu công việc khó khăn, vất vả khi chăm sóc, nuôi dạy trẻ. Ngay tại xã Thượng Hà có 6 trường học các cấp mầm non, tiểu học, THCS, trong đó, mầm non có điểm trường xa trung tâm thị trấn tới 25 cây số, đường sá đi lại khó khăn.
“Thầy cô sáng sáng vào điểm trường dạy, tối mới về nhưng thu nhập không đáng là bao. Do đó, nếu có cải cách về chế độ tiền lương nếu chưa thể triển khai được toàn ngành thì ưu tiên cho bậc mầm non là cần thiết và hợp lý”, thầy Kiên nói.
Cũng theo hiệu trưởng Trường THCS số 1 xã Thượng Hà, cùng với sự đổi mới, tiến bộ của xã hội, giáo dục càng được quan tâm, nghề dạy học càng áp lực bởi những kỳ vọng từ gia đình, xã hội. Muốn có trò giỏi phải có thầy giỏi và mức lương đáp ứng được cuộc sống. Khi thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới, Lào Cai thiếu hụt giáo viên các môn mới như Tin học, ngoại ngữ. Từ năm 2024, tỉnh đã có chính sách thu hút đặc biệt rất hay đó là trợ cấp 150 triệu/ giáo viên đối với các môn học kể trên với điều kiện phải ký hợp đồng làm việc tối thiểu 5 năm liên tục.
Cô Nguyễn Thị Thùy Dung, giáo viên bộ môn Lịch sử- Địa lý, một trường THCS tại Hà Tĩnh chia sẻ, từ 1/7, cùng với việc tăng mức lương cơ sở, mức lương của giáo viên đã được tăng lên đáng kể. Tuy nhiên, so với mức sống thực tế hiện nay, gia đình nuôi 2 con trong độ tuổi ăn học hàng tháng vẫn phải chật vật, xoay xở thiếu trước, hụt sau. Một số giáo viên đã phải làm thêm nhiều nghề ngoài giờ dạy sẽ phần nào ảnh hưởng đến công việc. Do đó cô cũng như các thầy cô giáo khác kỳ vọng, mong mỏi được tăng lương để đảm bảo cuộc sống.
Ngoài ra, cô Dung cũng cho rằng, năm 2025 mong muốn ngành Giáo dục rà soát lại chương trình Giáo dục phổ thông mới nhằm có sự điều chỉnh hợp lý các nội dung còn khó khăn, bất cập. Nhất là ở môn học tích hợp sau 4 năm triển khai ở bậc THCS còn có những vướng mắc, khó cần được tháo gỡ.
Lương của giáo viên hiện nay: Ngoài bậc lương cơ bản như viên chức nói chung, giáo viên có phụ cấp thâm niên và phụ cấp đứng lớp. Ngoài ra, giáo viên công tác ở các vùng đặc biệt khó khăn còn có chính sách thu hút, chính sách hỗ trợ đặc thù.
Link nội dung: https://nhipsongsaigon.net/nam-2025-ky-vong-luong-nha-giao-xep-cao-nhat-thanh-hien-thuc-a118326.html