Quang cảnh “Diễn đàn Xúc tiến Thương mại và Đầu tư Việt Nam – Lào 2024”
Phát biểu tại diễn đàn, ông Võ Văn Hoan, Phó Chủ tịch UBND TPHCM chia sẻ: Việt Nam và Lào là hai quốc gia láng giềng gần gũi, luôn gắn bó khăng khít như anh em ruột thịt. Mối quan hệ hữu nghị vĩ đại, đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diễn giữa hai dân tộc do Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chủ tịch Kaysone Phomvihane, Chủ tịch Souphanouvong gây dựng và được các thế hệ lãnh đạo và nhân dân hai nước dày công vun đắp đã trở thành tài sản chung vô giá của hai dân tộc và là một điển hình mẫu mực hiếm có trong lịch sử quan hệ giữa các quốc gia, dân tộc trên thế giới. Mối quan hệ “mẫu mực, thủy chung, trong sáng, hiếm có” giữa hai dân tộc đã được Tổng Bí thư – Chủ tịch nước Lào Thong-lun Si-su-lít đúc kết bằng bốn chữ tình: “Tình đồng chí, Tình đoàn kết, Tình anh em và tình bạn”.
Phát biểu tại diễn đàn, ông Võ Văn Hoan, Phó Chủ tịch UBND TPHCM
Quan hệ chính trị tốt đẹp đã tạo dựng nền tảng để quan hệ hợp tác kinh tế, đầu tư, thương mại giữa hai nước tiếp tục tiến triển tích cực và hiệu quả. Tổng kim ngạch thương mại song phương ước tính đạt khoảng 1,63 tỷ USD vào năm 2023. Hai nước đang hướng đến tăng giá trị thương mại song phương lên 2 tỷ USD trong tương lai gần bằng cách tối đa hóa tiềm năng hợp tác thương mại mà hai nước có thể mang lại thông qua Hiệp định Thương mại Việt Nam – Lào được ký kết vào tháng 4/2024. Hiện nay, Lào tiếp tục là thị trường đầu tư ra nước ngoài lớn nhất của doanh nghiệp Việt Nam trong số 80 quốc gia, vùng lãnh thổ mà Việt Nam đầu tư ra nước ngoài, với 245 dự án có tổng vốn đăng ký 5,5 tỷ USD.
Với vai trò là đầu tàu kinh tế của cả nước, Thành phố Hồ Chí Minh trước sau như một, đặc biệt coi trọng và dành ưu tiên cao nhất cho việc gìn giữ, củng cố và phát triển mối quan hệ đặc biệt, trong đó có quan hệ hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư với nước bạn Lào nói chung và với các địa phương Lào nói riêng, đóng góp vào nỗ lực chung của hai nước nhằm tạo bước đột phá trong tiến trình nâng cấp hợp tác kinh tế, văn hóa, giáo dục, khoa học và công nghệ cho tương ứng với quan hệ chính trị, trên cơ sở duy trì khả năng và thế mạnh của mỗi nước.
Diễn đàn Xúc tiến Thương mai và Đầu tư Việt Nam – Lào 2024 hôm nay chính là một minh chững rõ nét cho những nỗ lực của Thành phố Hồ Chí Minh cùng Tổng Lãnh sự quán Thành phố Hồ Chí Minh trong việc thắt chặt quan hệ hợp tác thương mại – đầu tư giữa hai nước.
Diễn đàn sẽ là một cơ hội quý báu để các doanh nghiệp Việt Nam và Lào tăng cường kết nối, trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm và mở ra nhiều cơ hội mới trong hợp tác kinh doanh và đầu tư vào thị trường của nhau. Đặc biệt, những thỏa thuận được tạo ra từ diễn đàn sẽ là bước đi quan trọng để Việt Nam, trong đó có Thành phố Hồ Chí Minh, và Lào khai thác tối đa lợi thế, tiềm năng về địa lý, xã hội và văn hóa giữa hai bên nhằm đẩy mạnh tăng cường hợp tác kinh tế và tạo môi trường đầu tư thuận lợi hơn cho các bên.
Ông Vansy Kuamua, Thứ trưởng Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch Lào
Tại diễn đàn, ông Vansy Kuamua, Thứ trưởng Bộ Thông tin, Văn hóa và Du lịch Lào, đã đánh giá cao kết quả hợp tác song phương giữa hai nước dựa trên tín hiệu tích cực về lĩnh vực thương mại, đầu tư đã đạt được thời gian qua. “Tôi cho rằng, diễn đàn lần này chính là cơ hội quý báu các doanh nghiệp, nhà đầu tư Lào và Việt Nam được gặp gỡ, giao lưu, trao đổi thương mại, đầu tư ngày càng thực chất và hiệu quả hơn trong thời gian tới”, ông Vansy Kuamua chia sẻ.
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư Lào, đầu tư từ Việt Nam vào Lào hiện có tổng cộng 417 dự án, với tổng giá trị được phê duyệt hơn 4,9 tỷ USD. Trong đó, các dự án đầu tư 100% vốn Việt Nam chiếm 4,6 tỷ USD. Phần lớn đầu tư vào nông nghiệp 680 triệu USD, năng lượng điện 980 triệu USD, khai thác khoáng sản 1,040 triệu USD, dịch vụ khác 2 tỷ USD.
Cũng theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư Lào, Luật Xúc tiến đầu tư nước này đã có quy định 9 lĩnh vực
1. Nông nghiệp sạch, trồng cây công nghiệp, phát triển rừng, bảo vệ môi trường và đa dạng sinh học;
2. Công nghiệp chế biến nông sản và chế biến khác thân thiện với môi trường, sản xuất sản phẩm để thay thế việc nhập khẩu và trở thành sản phẩm xuất khẩu;
3. Y tế, bao gồm Bệnh viện, nhà máy sản xuất thuốc và các thiết bị y tế;
4. Giáo dục, thể thao, phát triển nghề và sản xuất các thiết bị giáo dục và thể thao;
5. Sử dụng công nghệ tiên tiến trong nghiên cứu, phát triển khoa học, sử dụng sáng tạo để bảo vệ môi trường, tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên và năng lượng;
6. Phát triển việc du lịch thiên nhiên, văn hóa và lịch sử, gắn liền với bảo vệ môi trường bền vững;
7. Đầu tư vào cơ sở hạ tầng, bao gồm xây dựng đường giao thông(Quốc lộ), đường sắt, cung cấp nước sạch, xử lý nước thải, quản lý và xử lý hàng hóa dư thừa;
8. Phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng cho khu vực kinh tế đặc biệt hoặc các khu vực phát triển kinh tế đặc thù;
9. Dịch vụ logistics, bao gồm việc vận chuyển hàng hóa, hệ thống kho bãi, các dịch vụ giao nhận quốc tế qua các phương tiện giao thông như đường bộ, đường sắt, đường biển và hàng không.
Đại biểu tham quan các gian hàng tại diễn đàn
Nhà đầu tư trong 9 lĩnh vực này sẽ nhận được các chính sách khuyến khích đầu tư như sau: Miễn thuế thu nhập doanh nghiệp; Miễn thuế thuê hoặc nhượng quyền sử dụng đất nhà nước; Miễn thuế nhập khẩu đối với các vật liệu và thiết bị không thể sản xuất trong nước và máy móc sử dụng vào việc sản xuất trực tiếp. Tỷ lệ ưu đãi phụ thuộc vào lĩnh vực và địa điểm của dự án .
Ngoài ra, việc đầu tư phát triển khu vực kinh tế đặc biệt cũng sẽ nhận được các chính sách khuyến khích đầu tư bổ sung. Đồng thời, các nhà phát triển và nhà đầu tư nước ngoài trong khu vực sẽ được hưởng các thuận lợi trong việc đăng ký kinh doanh, xin giấy phép hoạt động, sử dụng lao động, thẻ cư trú và visa kinh doanh nhập cảnh - xuất cảnh.
Luật phiên bản sửa đổi, bổ sung năm 2024 đã được ban hành để hỗ trợ các ngành công nghiệp và khu vực công nghệ cao mà Chính phủ muốn khuyến khích đặc biệt thông qua các chính sách ưu đãi cao hơn so với các quy định hiện hành. Và trong giai đoạn xem xét của Quốc hội đã là một bước quan trọng trong quá trình thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp tại Lào.
Các nhà đầu tư ngoài việc nhận được các chính sách ưu đãi về tài chính còn được hưởng các quyền lợi khá. Đồng thời, nhà đầu tư còn nhận được sự bảo vệ theo các luật pháp khuyến khích đầu tư và các luật khác, bao gồm cả các hiệp định mà Lào là thành viên, hiệp định quốc tế liên quan và 22 Hiệp định hợp tác và bảo hộ đầu tư (BIT) mà lào đã ký kết, bao gồm BIT với Việt Nam vào năm 1996.
Nhà đầu tư sản xuất tại Lào còn được hưởng các quyền lợi đặc biệt trong thương mại từ các thỏa thuận hợp tác quốc tế. Lào là thành viên của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), đã ký hiệp định thương mại tự do với 15 quốc gia và có hiệp định thương mại khu vực với 9 quốc gia, cũng như hưởng quyền lợi đặc biệt trong thương mại (GSP) với 48 quốc gia, bao gồm cả EU, và có quan hệ thương mại bình thường (NTR) với Hoa Kỳ.
A.N
Link nội dung: https://nhipsongsaigon.net/tphcm-to-chuc-dien-dan-xuc-tien-thuong-mai-va-dau-tu-viet-nam-lao-2024-a117464.html