Phó Chủ tịch UBND TPHCM Trần Thị Diệu Thúy cho biết như trên trong phát biểu tham luận tại Hội nghị tổng kết năm 2024, triển khai nhiệm vụ 2025 của Bộ VHTT&DL sáng 18/12.
TPHCM quy hoạch quỹ đất cho cơ sở đào tạo chuyên ngành công nghiệp văn hóa
Phó Chủ tịch UBND TPHCM Trần Thị Diệu Thúy cho hay, TPHCM là một trong những địa phương đầu tiên trên cả nước phê duyệt và tổ chức triển khai thực hiện đề án phát triển ngành công nghiệp văn hóa, nhằm khẳng định thương hiệu các ngành công nghiệp văn hóa của Thành phố.
Quy hoạch TPHCM thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã xác định rõ các mô hình phát triển, đóng góp của từng ngành, lĩnh vực vào phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội; định hướng phân bổ nguồn lực để thực hiện các dự án có tính đột phá và tạo động lực cho sự phát triển. Thành phố đã đề xuất bổ sung vào quy hoạch các quỹ đất để xây dựng các phim trường, trung tâm thời trang, trung tâm biểu biễn, trưng bày triển lãm, cơ sở đào tạo chuyên ngành công nghiệp văn hóa....
Theo bà Trần Thị Diệu Thúy, hiện số doanh nghiệp hoạt động sản xuất, kinh doanh thuộc lĩnh vực văn hóa có khoảng 17.670 doanh nghiệp, chiếm khoảng 7,74% số doanh nghiệp của toàn Thành phố.
Tỷ lệ đóng góp GRDP của ngành quảng cáo chiếm tỷ lệ cao nhất trong các ngành công nghiệp văn hóa hiện nay. Đây cũng là ngành có sự tăng trưởng vượt bậc trong những năm gần đây. Cụ thể, năm 2010 tỷ lệ đóng góp GRDP của ngành là 1,66%, năm 2015 là 1,65% và năm 2020 chiếm 1,76% GRDP của Thành phố. Có thể thấy, đây là một trong những ngành có tiềm năng phát triển và đóng góp vào sự tăng trưởng kinh tế của TPHCM, nếu được quan tâm và đầu tư hơn nữa cho ngành.
Các hoạt động sáng tác, biểu diễn, giao lưu văn hóa, đóng góp vào các hoạt động ngoại giao văn hóa tích cực, giữ vị trí quan trọng trong việc hình thành các hình thức trình diễn tổng hợp, các mô hình hoạt động trình diễn nghệ thuật đa ngành.
Các chương trình biểu diễn với quy mô quốc tế được tổ chức thường xuyên, sự bùng nổ của hàng loạt live concert với sức đầu tư lớn về nội dung, hình thức và số lượng khán giả trên chục ngàn người, đóng góp hiệu quả vào tổng thu ngân sách thành phố như: Lễ hội Âm nhạc quốc tế Hò dô, Anh trai vượt ngàn chông gai, Anh trai say hi...
"Thành phố đang xây dựng hồ sơ gia nhập mạng lưới sáng tạo thuộc mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO ở lĩnh vực điện ảnh vào đầu năm sau. Việc phấn đấu gia nhập Mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO mang đến cho TPHCM nhiều lợi thế vượt trội, giúp nâng cao vị thế của Thành phố trên trường quốc tế và đáp ứng mục tiêu phát triển bền vững", Phó Chủ tịch UBND TPHCM Trần Thị Diệu Thúy nhấn mạnh.
Phó Chủ tịch UBND TPHCM Trần Thị Diệu Thúy cho rằng, để phát triển công nghiệp văn hóa trở thành động lực nội sinh góp phần phát triển kinh tế-xã hội, TPHCM cần tập trung đầu tư xây dựng các thiết chế văn hóa hiện đại, tạo động lực cho ngành công nghiệp văn hóa phát triển, trong đó ưu tiên đầu tư các phim trường, trung tâm biểu diễn, trung tâm trưng bày triển lãm, cơ sở đào tạo chuyên ngành công nghiệp văn hóa...
Gắn kết và đẩy mạnh liên kết vùng, cộng đồng quốc tế để tạo động lực cho công nghiệp văn hóa phát triển; xây dựng các sản phẩm đặc trưng, thường niên tầm vóc quốc gia, quốc tế; đẩy mạnh quảng bá, xúc tiến thương mại, hợp tác và giao lưu về văn hóa.
Song song với đó, tiếp tục nghiên cứu, bổ sung hoàn thiện hệ thống quy phạm pháp luật, các cơ chế, chính sách liên quan đến phát triển ngành công nghiệp văn hóa Thành phố; nghiên cứu cụ thể hóa việc thực hiện Nghị quyết 98 về "cơ chế đặc thù" của TPHCM nhằm tạo môi trường pháp lý thuận lợi, hỗ trợ đầu tư phát triển công nghiệp văn hóa...
Triển khai Thành phố sáng tạo với 3 trụ cột: Thiết kế-Cộng đồng-Sáng tạo
Tham luận tại điểm cầu TP. Hà Nội, Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Vũ Thu Hà cho biết, thời gian qua, TP. Hà Nội đã triển khai có hiệu quả các hoạt động của Thành phố sáng tạo, chủ động phối hợp với UNESCO để triển khai Thành phố sáng tạo với 3 trụ cột chính là: Thiết kế-Cộng đồng-Sáng tạo. Trong đó, tổ chức Lễ hội Thiết kế sáng tạo hằng năm và mỗi năm quy mô đều được mở rộng, thu hút đông đảo du khách tham gia. Đặc biệt thu hút được nhiều chuyên gia, nhà sáng tạo trẻ tham gia và xây dựng được các sản phẩm thiết kế sáng tạo.
Thành phố đã thành lập Trung tâm điều phối các hoạt động sáng tạo Hà Nội. Hiện nay đã điều hành và định hướng hơn 60 không gian sáng tạo.
TP. Hà Nội cũng nâng cao năng lực để tổ chức các hoạt động, sự kiện văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao. Năm 2024, Thành phố đã tổ chức hơn 3.000 sự kiện và thu hút đông đảo các chuyên gia, nhà sáng tạo, đội ngũ văn nghệ sĩ và du khách tham gia. Đặc biệt, năm nay, TP. Hà Nội đã phối hợp với Bộ VHTT&DL tổ chức một số sự kiện quy mô quốc gia và quốc tế được đánh giá cao như Liên hoan phim quốc tế, các chương trình nghệ thuật với quy mô lớn và các hoạt động kỷ niệm 70 Ngày Giải phóng Thủ đô.
Về du lịch, Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Vũ Thu Hà Hà Nội cho hay, Thành phố đã công nhận được 42 điểm du lịch cấp Thành phố để kết nối, phát triển du lịch và có các cơ chế chính sách để hỗ trợ các điểm đến.
TP. Hà Nội 3 lần liên tiếp được Tổ chức Du lịch thế giới bình chọn là "Điểm đến du lịch hàng đầu thế giới" và "Điểm đến du lịch hàng đầu châu Á" vào năm 2022, 2023 và 2024. Đặc biệt, năm 2024, TP. Hà Nội được bình chọn là điểm đến văn hóa hàng đầu Việt Nam.
Trong thời gian tới, TP. Hà Nội sẽ tiếp tục triển khai hiệu quả, cụ thể hóa Luật Thủ đô, ban hành các cơ chế, chính sách đặc thù để phát huy lợi thế, vị trí về không gian văn hóa phù hợp với quy hoạch, đề án thành lập khu thương mại, phát triển thương mại và văn hóa (BID). Xây dựng, hoàn thiện hệ sinh thái du lịch thông minh gắn với chuyển đổi số; làm tốt công tác xây dựng điểm đến du lịch;…
Diệu Anh
Link nội dung: https://nhipsongsaigon.net/hang-loat-concert-dong-gop-vao-su-tang-truong-kinh-te-cua-tphcm-a116638.html