Chú trọng khâu hậu kiểm trong quản lý an toàn thực phẩm

(Chinhphu.vn) - Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025 đang đến gần, nhu cầu tiêu dùng thực phẩm của người dân trong dịp lễ này sẽ tăng cao. Để hạn chế tối đa các vụ ngộ độc thực phẩm, các cơ quan quản lý cần tập trung vào khâu hậu kiểm, kiểm tra đột xuất các cơ sở kinh Doanh.

Chú trọng khâu hậu kiểm trong quản lý an toàn thực phẩm- Ảnh 1.

Chú trọng khâu hậu kiểm trong quản lý an toàn thực phẩm - Ảnh: VGP/HM

Hiện nay, công tác quản lý an toàn thực phẩm ở nước ta còn khó khăn. Nguyên nhân được chỉ ra do hàng hóa phong phú về chủng loại, mẫu mã, thậm chí nhiều thực phẩm không có nguồn gốc xuất xứ, việc xuất hiện hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng lưu thông trên thị trường ngày càng gia tăng.

Bên cạnh đó, nhân lực thực hiện công tác quản lý an toàn thực phẩm còn mỏng tại cấp huyện và cấp xã; đa số công chức kiêm nhiệm nhiều nhiệm vụ. Điều này khiến công tác tham mưu, triển khai thực hiện hoạt động bảo đảm an toàn thực phẩm, đặc biệt là hoạt động kiểm tra còn hạn chế.

Thực tế, một bộ phận người sản xuất, kinh doanh thực phẩm còn chưa có ý thức trách nhiệm đối với cộng đồng, vì chạy theo lợi nhuận trước mắt, vi phạm quy định pháp luật về an toàn thực phẩm, ảnh hưởng đến sức khỏe người dân.

Về phía các cơ sở sản xuất, kinh doanh, việc thiếu các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia đối với các loại thực phẩm cũng đang gây khó khăn cho cơ sở tự công bố sản phẩm. Đây cũng là rào cản đối với cơ quan quản lý nhà nước trong hoạt động giám sát, kiểm tra, hậu kiểm việc tự công bố sản phẩm.

Để hạn chế tối đa các vụ ngộ độc thực phẩm, hiện các ngành chức năng đang tăng cường thanh tra, kiểm tra, kiểm soát hoạt động sản xuất, chế biến, kinh doanh, nhập khẩu và sử dụng thực phẩm. Trong đó, tập trung vào công tác hậu kiểm sau công bố, kiểm tra đột xuất, kiên quyết xử lý các trường hợp vi phạm.

Chú trọng khâu hậu kiểm trong quản lý an toàn thực phẩm- Ảnh 2.

Từ nay đến Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025, nhu cầu tiêu dùng thực phẩm của người dân tăng cao - Ảnh: VGP/HM

Riêng tại Hà Nội, ông Đặng Thanh Phong, Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội cho biết, từ nay đến Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025, nhu cầu tiêu dùng thực phẩm của người dân tăng cao.

Để bảo đảm sức khỏe người tiêu dùng, Chi cục phối hợp với các sở, ngành, chính quyền địa phương tăng cường kiểm tra an toàn thực phẩm tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm. Đồng thời, tập trung vào khâu hậu kiểm sau công bố, kiểm tra đột xuất, kiên quyết xử lý vi phạm hành chính về lĩnh vực an toàn thực phẩm theo quy định của pháp luật.

Song song đó, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nội dung tập trung vào các quy định của pháp luật về an toàn thực phẩm; hành vi bị cấm trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm; mức xử phạt vi phạm về an toàn thực phẩm...

Từ đó, nâng cao ý thức cho tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh, phân phối trong lĩnh vực thực phẩm; trang bị kiến thức cho người dân tự bảo vệ bản thân và gia đình…

Phải tìm giải pháp có khả thi

Tại cuộc họp của Ban Chỉ đạo liên ngành Trung ương về An toàn thực phẩm vào tháng 8/2024, Phó Thủ tướng Lê Thành Long, Trưởng Ban Chỉ đạo nhấn mạnh, công tác bảo đảm vệ sinh ATTP được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ quan tâm chỉ đạo, không chỉ đối với lĩnh vực liên quan đến Ban Chỉ đạo mà cả trong hoạt động thực thi của các bộ, ban, ngành, cơ quan.

Kiện toàn Ban Chỉ đạo liên ngành Trung ương về an toàn thực phẩmTăng cường kiểm tra đột xuất về an toàn thực phẩmĐề xuất sửa đổi Luật an toàn thực phẩmNgười đứng đầu phải chịu trách nhiệm nếu để vi phạm về an toàn thực phẩmInfographics: Biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn, khắc phục sự cố về an toàn thực phẩmCông bố hệ thống quản trị an toàn thực phẩm tại Việt NamCông bố hệ thống quản trị an toàn thực phẩm tại Việt Nam
 07/03/2024 14:53

Thời gian qua, các bộ, ngành, nhất là các bộ được giao nhiệm vụ trực tiếp về bảo đảm ATTP có nhiều cố gắng, đạt được kết quả tích cực. Nhìn chung, chúng ta đã đi đúng hướng và các giải pháp đối với vấn đề này đã và đang phát huy tác dụng, Phó Thủ tướng nói.

Tuy nhiên, vẫn còn một số hạn chế cần khắc phục. Nguy cơ mất ATTP vẫn hiện hữu. Trong đó, có những vấn đề nổi lên là ngộ độc thực phẩm với số lượng đông người mắc, số vi phạm phát hiện được và phải áp dụng các chế tài tăng… Theo Phó Thủ tướng, nhu cầu của xã hội ngày càng cao nhưng còn khoảng cách lớn giữa nguồn lực và khả năng đáp ứng của chúng ta đối với công tác này.

Về phương hướng thời gian tới, Phó Thủ tướng nhấn mạnh, các bộ, ngành, địa phương thực hiện nghiêm các nhiệm vụ đã và đang được giao, các biện pháp trong Chỉ thị số 17-CT/TW của Ban Bí thư về tăng cường bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm trong tình hình mới và các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Làm tốt nhiệm vụ trong khả năng, nguồn lực hiện có, làm sao sử dụng hiệu quả nhất, tập trung nhất.

Trước ý kiến của các bộ, địa phương về vấn đề tăng biên chế cho công tác này, Phó Thủ tướng cho rằng tăng thêm biên chế là rất khó khăn, cần nghĩ thêm giải pháp khác.

Phó Thủ tướng giao Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành đề xuất hoàn thiện thể chế về ATTP, trong đó đề xuất sửa đổi Luật An toàn thực phẩm, Nghị định số 15/2018/NĐ-CP theo hướng có trọng tâm, trọng điểm và có đầu ra cụ thể, không nói chung chung. Giải pháp phải khả thi, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Phó Thủ tướng cũng giao Bộ Y tế nghiên cứu, xử lý đề xuất của TPHCM liên quan đến việc sử dụng bộ test nhanh ATTP.

HM


Link nội dung: https://nhipsongsaigon.net/chu-trong-khau-hau-kiem-trong-quan-ly-an-toan-thuc-pham-a114612.html