Vụ nghi ngộ độc thực phẩm khiến hơn 300 người phải đến khám, điều trị tại các cơ sở y tế trong tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu xảy ra mới đây, khiến nhiều người dân lo lắng về thức ăn đường phố - một hình thức ẩm thực vốn được coi là độc đáo ở nước ta.
Tất cả số người bệnh này vào viện sau khi bánh mì mua ở cửa hàng "Cô Ba" tại ngã tư Bến Đình, phường 7, TP Vũng Tàu.
Hiện, Bộ Y tế đã chỉ đạo Sở Y tế tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu theo dõi chặt chẽ người bệnh nặng và có nguy cơ tăng nặng, sẵn sàng hội chẩn liên viện trên khi cần thiết; quan tâm chăm sóc sức khỏe, động viên người bệnh và gia đình.
Đồng thời, đề nghị Sở Y tế tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu tổ chức điều tra xác định rõ nguyên nhân vụ nghi ngờ ngộ độc theo quy định, truy xuất đến tận cùng nguồn gốc thực phẩm nghi ngờ gây ngộ độc, lấy mẫu thực phẩm, bệnh phẩm để xét nghiệm tìm nguyên nhân.
Yêu cầu tạm đình chỉ hoạt động của cơ sở nghi ngờ gây ngộ độc, điều tra việc thực hiện các quy định về an toàn thực phẩm của cơ sở, xử lý nghiêm các vi phạm quy định về an toàn thực phẩm (nếu có) và công khai kết quả để kịp thời cảnh báo cho cộng đồng.
Nhiều giải pháp đã được đưa ra để phòng chống ngộ độc thực phẩm đường phố. Tuy nhiên, số vụ ngộ độc với số lượng hàng trăm người mắc vẫn liên tiếp xảy ra.
Chỉ tính riêng trong 3 tháng đầu năm 2024, cả nước xảy ra 16 vụ ngộ độc thực phẩm làm 3 người tử vong, 659 người bị ngộ độc (tăng gần 3 lần so với cùng kỳ năm ngoái).
Trong đó, có nhiều vụ ngộ độc tập thể xảy ra nhiều địa phương do sử dụng thức ăn đường phố.
Ngay sau đó, tại Đồng Nai, đầu tháng 5/2025, sau khi ăn bánh mỳ tại tiệm bánh mỳ trên đường phố, hàng trăm người dân có các dấu hiệu như: tiêu chảy, nôn ói, sốt, đau bụng... và phải nhập viện theo dõi, điều trị.
Tại Khánh Hòa, vụ ngộ độc tập thể nghiêm trọng xảy ra trong năm nay tại quán cơm gà Trâm Anh cũng khiến hơn 360 người phải vào viện khám, điều trị.
Không lâu sau đó, cũng tại Khánh Hòa xảy ra vụ việc 28 học sinh ở Thành phố Nha Trang phải nhập viện với các triệu chứng nôn ói, tiêu chảy... sau khi ăn sáng với đồ ăn mua từ các hàng quán trước cổng trường.
Tại Hội An, Quảng Nam cũng xảy ra một vụ ngộ độc thực phẩm tại cơ sở bánh mỳ làm hơn 300 người nhập viện. Cơ sở này đã vi phạm các điều kiện về vệ sinh an toàn thực phẩm.
Theo cảnh báo của Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế), hầu hết các vụ ngộ độc thức ăn tập thể tại quán ăn, cửa hàng đều xuất phát từ nguyên nhân lựa chọn nguyên liệu thực phẩm, quá trình chế biến, che đậy, bảo quản thực phẩm sau chế biến, khiến thực phẩm bị nhiễm độc, thực phẩm không bảo đảm chất lượng.
Bên cạnh đó, do bảo quản thực phẩm không đúng cách nên làm lây nhiễm chéo giữa các loại thực phẩm…
Cần siết chặt quản lý, kiểm soát nguồn gốc thực phẩm
Ngay sau khi xảy ra các vụ ngộ độc tập thể, Bộ Y tế cũng đã có chỉ đạo các đơn vị liên quan tập trung điều trị, chăm sóc sức khoẻ người bệnh, tạm đình chỉ cơ sở sản xuất, truy xuất nguồn gốc thực phẩm nghi ngộ độc, tìm nguyên nhân và xử phạt cơ sở vi phạm về an toàn thực phẩm. Tuy nhiên, nhiều vụ ngộ độc tập thể vẫn xảy ra.
Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên, công tác quản lý, kiểm tra, giám sát an toàn thực phẩm hiện nay đã được phân cấp đến cấp quận, huyện, xã, phường. Vì vậy, các địa phương, các cấp, các ngành cần tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, đặc biệt đối với bếp ăn tập thể, cơ sở kinh doanh thức ăn đường phố.
"Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Y tế, các bộ, ngành đã có chỉ đạo, tuy nhiên công tác kiểm tra giám sát phải được thực hiện tốt, từ khâu nuôi trồng đến thu hái, chế biến, sử dụng. Để quản lý được các khâu này, phải có sự kết hợp chặt chẽ giữa các cấp, các ngành. Vì vậy, các bộ, ngành liên quan và UBND các địa phương đều phải vào cuộc", Thứ trưởng Bộ Y tế nhấn mạnh.
Vấn đề quan trọng nhất hiện nay là truyền thông để nâng cao ý thức của người dân, ăn chín uống sôi, hạn chế tối đa mua các sản phẩm thực phẩm không rõ nguồn gốc, không sử dụng thức ăn đường phố chưa đảm bảo vệ sinh.
Để ngăn chặn các vụ ngộ độc hàng loạt, Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế cũng đề nghị Sở Y tế và cơ quan chức năng các địa phương tăng cường thanh kiểm tra bếp ăn tập thể, bếp ăn trường học, cơ sở chế biến suất ăn sẵn, cơ sở kinh doanh thức ăn đường phố để giám sát, đặc biệt đối với dịch vụ nấu ăn lưu động cho các bữa liên hoan, tiệc cưới, đám giỗ đông người…
Nếu cơ sở nào không đủ điều kiện an toàn thực phẩm, hoạt động chui thì phải quyết liệt xử lý và đình chỉ hoạt động, công khai trên phương tiện thông tin đại chúng về hành vi vi phạm, kết quả xử lý vi phạm, để cảnh báo kịp thời cho người sản xuất, kinh doanh và cho cộng đồng.
HM
Link nội dung: https://nhipsongsaigon.net/moi-lo-nguy-co-ngo-doc-thuc-pham-tu-thuc-an-duong-pho-a114311.html